Tạp chí Hồng Lĩnh số 225 tháng 5/2025 trân trọng giới thiệu trang thơ của các tác giả Phan Trọng Tảo, Bùi Việt Phương, Đặng Thế Nhân, Phan Văn Chương, Đinh Nho Tuấn, Phạm Quang Đệ, Trần Văn Thái, Văn Công Hùng, Kim Loan
PHAN TRỌNG TẢO
Làng tôi
Làng tôi - Làng biển
Những mái tranh cheo leo mép sóng
Rặng phi lao theo chân sóng chạy dài
Bếp lửa nhóm hôm mai
Trên bàn tay thiếu phụ
Làng tôi - Làng vạn
Nghiệp xưa thả lưới quăng chài
Những người đàn ông vắt sóng lên vai
Gù lưng kéo biển
Nợ đời cơm áo
Nợ làng bình yên
Làng tôi - Một góc biên cương
Đầu sóng trước gió
Giữa mênh mông nước trời cuồng phong bão dữ
Những tấm lưng trần neo mình giữa biển
Đóng cọc vào thời gian
Những cột mốc chủ quyền
Làng tôi - Nơi bắt đầu đón mặt trời lên
Cát vàng, phi lao xanh và sóng trắng
Tôi là cư dân “Khu vực biên giới biển”
BÙI VIỆT PHƯƠNG
Chiều bên sông
Con sóng quay lưng lại buổi chiều
Những xao động dẫn mặt trời đi mất,
Bờ kè đá từ đó tên cô liêu
Con thuyền cột mình vào bức tranh sắp đặt.
Ngư ông đắp lên da trời mảnh lưới
Chằng chịt những nghẹn thắt, phúc-họa, đói-no
Ai hỏi thì ông cười: "Có gì đâu!"
Lưới thưa, cá lọt, sông vời, nước đau...
Ôi, những chiều thập thững
Lại phóng sinh nỗi buồn vào gió
Một cánh chim nhập nhoạng đời sông
Một vội vã làng xa, bóng lẻ chưa chồng
Sông quê - Ảnh: PV
ĐẶNG THẾ NHÂN
Sông La - mạch văn hiến
Vết nứt Sông La sinh khí vượng muôn đời
Gió Lào xâm lăng vít cong vòng thổ nhưỡng
Gian díu núi Hồng cuộc tình đầy mộng tưởng
Sông chảy vào Kiều sôi lục bát dân gian…
Rạng ánh trăng gầy giai điệu ví miên man
Nốt giáng, nốt thăng vo tròn lời giặm
Răng rứa, mô tê… cho tình người đằm thắm
Thương hiệu áo tơi khoác sột soạt bao đời…
Lung linh Tam Soa nết khoa bảng rạng ngời
Danh thắng Trường Lưu tiềm tàng tài khoản
Mệnh đề “quê choa” khiêm nhường đặc sản,
Trọ trẹ truyền thừa chăm bón địa linh !
Đôi ngạn điểm trang non nước hữu tình,
Khoai sắn chắt chiu tinh thần hào kiệt
Sông bồi mãi ươm danh nhân đất Việt
Bên lở nắn dòng kẻ sỹ sinh sôi…
Nhọn hoắt thánh đường khoắng đạo giỡn mây chơi
Chuông đức tin ngân lẹm chiều hành thiện
Hộ Độ, Hương Tích… chay tịnh miền cầu nguyện
Nương náu Bồ Đề hồng sắc những làn môi
Con hến, con hàu hăm hở phận nung vôi
Bến Thượng râm ran đãi chiều ngọt nước
Mộc Thái Yên nghe gỗ say mực thước
Nhịp phách Thiên Cầm hợp xướng với trùng khơi…
Lửa rèn Trung Lương tôi luyện chất người
Luyến láy ca trù chao nghiêng chiều yên ả
Hòa vào đại dương ru thầm biển cả
Chót vót non Hồng mạch văn hiến Sông La…
PHAN VĂN CHƯƠNG
Bến quê
Áo tứ thân vạt nắng vạt mưa vạt giông vạt bão
à ơi ru hời
kẽo cà kẽo kẹt mọt nghiến mái nghèo
áo tứ thân nồng sâu đồng phèn nước lợ
sụt sùi tháng tám
gàu sòng mẹ nghiêng cơn lũ
sấm chớp nhì nhằng đường khâu mũi vá
kéo lùi cơn lốc xoáy tốc hiên buồn
áo tứ thân chiều xiên nắng quái
lúa cong lưỡi hái
dầu dãi cọng rơm
lon ton con mót hạt đồng
cánh áo trước gió trên mặt trống đồng
mẹ dâng cho tuổi dậy thì
con gái mang vào giảng đường đường cong
đất nước
dẫu đêm trăng không còn sân đình
dẫu bóng đa nhạt nhòa hoài niệm
dẫu giếng nước sứt hình gãy bóng
vẫn đủ
bồi lở lở bồi
trong đục đục trong
một bến quê.
ĐINH NHO TUẤN
Cánh đồng
(Tặng cánh đồng lúa Can Lộc, Hà Tĩnh)
Nặng lòng
Mỗi bông treo hàng trăm mặt trời
Cúi đầu trùng trùng câu hỏi
Còn lúa là còn quê
Còn cánh đồng là còn lối ta về
Con đường thẳng tắp qua thôn xóm
Xuyến chi âm thầm nở
Cỏ may múa kiếm
Con sẻ nâu đuổi nhau trong biển thóc
Một đời vẫn thế dẻ giun
Đôi chân khẳng khiu đơm hoa trên bùn đất
Dành cho lúa những lời thứ nhất
Dành cho lúa những lời sau cùng
Lời tri ân
Cánh đồng kiệm lời
Hạt thóc vàng không biết nói
Tâm hồn người
Rưng rưng khắc khoải
Lấm lem
Bình yên cùng con xúc xắc
Về với đồng trái tim làm cỏ dại
Nhánh mạ
Mọc lên trong ký ức
Xin bắt bàn tay đất
Những người đàn ông, đàn bà
Từ từ rụng xuống
Lúa
Từ từ xanh
Từ từ chín
Tháng năm ăn hết những cánh đồng
Những ngôi nhà nuốt hết những cánh đồng
Tiếng côn trùng
Dắt nhau đi về những khoảng không
Sót lại.
Ngày mùa. Ảnh: Quang Vinh
PHẠM QUANG ĐỆ
Vầng trăng khuyết
Đêm nay bầu trời đầy sao sáng
Mây bận đi xa chửa thấy về
Được dịp, ngàn sao lên đủ cả
Sáng bừng, nhấp nháy rạng trời quê.
Chỉ một vầng trăng khuyết lẻ loi
Bâng khuâng lơ lửng giữa khung trời
Uốn cong như một con thuyền nhỏ
Hững lờ lạc lối giữa trùng khơi.
Ngày ấy, trăng tròn như mỗi bận
Chứng kiến tình yêu những lứa đôi
Ngắm trăng, em nói trăng tròn lắm
Tròn vẹn như tình ta đấy thôi.
Em không hay biết rồi trăng khuyết
Cũng bởi tình ta chẳng vẹn tròn?
Anh ngồi ngắm mãi vầng trăng thiếu
Thấy lòng trống trải, thấm cô đơn
Đêm nay em ở nơi nào vậy
Có ngắm trời sao nhấp nhánh cười?
Có thấy trăng vàng không tròn nữa
Có buồn khi thấy ánh trăng rơi?
TRẦN VĂN THÁI
Xác lá
Chúng đã rơi xuống còn bay
Bay như mây gió hình cây hình người
Cũng là ai đã đốt rồi
Hóa thêm ngọn lửa hát lời non tơ
Bao giờ cho đến bao giờ
Lá khô chiếc chẳng bơ vơ một mình
Lá hòa vào chẳng lặng im
Với con sóng nổi sóng chìm biển đông
Lá hòa vào cõi mênh mông
Hóa thân giọt nước càng không biết buồn
Cũng như tí đất tí bùn
Nuôi màu xanh sự sống còn dẻo dai
Có khi đi đường thật dài
Đi sông suối với một mai một chiều
Cũng vì gói gọn chữ yêu
Giành cho xác lá mỹ miều của chung.
VĂN CÔNG HÙNG
Nhớ Sài Gòn
"Đêm nhớ về Sài Gòn"
Đỗ Trung Quân ôm đàn hát
ngồi quận Một nhớ Sài Gòn
ly rượu trưa mơ màng khuya nào đó...
phố vẫn trôi như vô tận
người cứ nhòa trong mắt nhau
Sài Gòn chật ních Sài Gòn
tiếng đàn cô đơn giữa trùng trùng thân phận
hôm nay ngồi nhớ Sài Gòn
những con đường mênh mông
biệt bóng người
cửa đóng
tàng cây thảng những tiếng chim mỏi mệt
mới hiểu quê hương
mới thấu quê hương
chốn ta về
khi ngày cạn
khi thấm nỗi tha hương
nhừ kiếp xa nhà
bữa cơm rau cháo
ngõ quê thập thững
đợi ta về...
Pleiku Chiều 31/7/2021
KIM LOAN
Về miền cỏ xanh
Thềm xưa lác đác lá vàng
Đêm qua cơn gió khẽ khàng đánh rơi
Thềm xưa có dáng mẹ ngồi
Bâng khuâng đong đếm sợi đời bạc đen
Bóng chiều mòn bước chân quen
Mẹ về bếp củi lại nhen lửa hồng
Ngoài vườn cây bưởi trổ bông
Thơm mùi tóc mẹ bềnh bồng đâu đây
Cánh cò trắng phía chân mây
Nhẹ bay về núi tiễn ngày vào đêm
Rưng rưng tiếng gió bên thềm
Tiễn lời ru mẹ về miền cỏ xanh!