19-02-2025 - 00:48

“Tôi có trong ngọn triều lên”

Tạp chí Hồng Lĩnh số Tết Ất Tỵ 221+222 trân trọng giới thiệu bài viết “Tôi có trong ngọn triều lên” (Cảm nhận về thơ Phan Quốc Bình) của Nguyễn Thị Nguyệt

Từ lâu tôi đã có một cảm nhận về thơ của Phan Quốc Bình, một tên tuổi quen thuộc trong các tác giả thơ ở Hà Tĩnh. Cảm nhận không rõ nét lắm, vì tôi chỉ mới đọc một số bài thơ của ông in ở Tạp chí Hồng Lĩnh, nhưng ấn tượng là chúng thường có giọng điệu, cảm xúc điềm đạm và những ý nghĩ trầm buồn trong một cách diễn đạt và ngôn từ mới mẻ, hiện đại. Sau này ông viết cả tản văn. Với tản văn cũng vậy, ngắn, nhỏ nhẹ, đầy ngẫm ngợi, như là một biến tấu mới của thơ ông. Tôi có ý định là sẽ đọc hết lượt các tập thơ, tản văn ông đã xuất bản, theo tôi biết gồm 5 tập thơ và 1 tập tản văn: Tặng phẩm trong vườn (1989), Giao cảm (1990), Với muôn loài (1995), Đợt sóng tìm tôi (2003), Bước chân mùa (2005), Âm thanh thức giấc (tản văn, 2015, Nxb Nghệ An). Ý định đó đã có khá lâu, chính xác là rất lâu rồi những nó vẫn im lặng ở đó, không được thực hiện nhưng cũng không bị quên lãng. Lâu lâu, tình cờ ý nghĩ cũ hiện ra, nó lại được tiếp tục “xác nhận” như một “món nợ” trong tâm trí. Cho đến lúc này, khi quyết định viết một điều gì đó về những bài thơ của ông, chính thức tôi cũng chỉ mới đọc được trọn vẹn 2 tập thơ là Giao cảmđợt sóng tìm tôi.

Ảnh: Báo Nghệ An

Tôi không biết ông tâm đắc nhất với tập thơ nào của ông, nhưng tôi nghĩ với Giao cảmĐợt sóng tìm tôi, những ý nghĩ thơ của Phan Quốc Bình cơ bản đã được thể hiện rõ. Có điều gì đó muốn cất tiếng nói trong thơ ông. Có niềm hân hoan, nỗi buồn và cảm giác về sự sống nào muốn được hiện diện hình hài bằng ngôn ngữ của cảm xúc và suy ngẫm?. Nếu đọc kỹ thơ Phan Quốc Bình sẽ thấy, cũng như vẻ ngoài con người và cuộc sống hết sức lặng lẽ, khiêm nhường, thơ ông không ồn ào, dữ dội hay mãnh liệt trong các sắc thái, cung bậc tâm trạng, thậm chí trong cách diễn đạt đều có sự tiết chế cảm xúc nhất định, nhưng nhiều nội lực bên trong. Nói theo cách nói bây giờ là ông thuộc típ người hướng nội. Người hướng nội thường được tự do trải nghiệm đời sống tâm linh của mình, tự do hướng đến thế giới mênh mông của cảm xúc về cuộc sống và kỳ diệu thay, nó không phải là sự rời xa hay tách biệt sự sống mà hướng đến sự sống trong một chiều kích khác, một sự “giao cảm” đúng nghĩa, với tất cả sự sâu xa của nó. Và chính sự tiết chế cảm xúc vụn, khiến những tư tưởng sáng rõ hơn về sự sống mới được thoát thai trong mỗi cá thể con người. Khía cạnh này lý giải vì sao thơ Phan Quốc Bình thường hướng đến diễn đạt một cảm nhận có thực, sống động về sự nhất thể, hòa điệu của bản thể với thế giới bên ngoài, với thiên nhiên. Những ngôi sao vừa tắt trong đời, tôi khổ đau gửi lại bầu trời tiếp tục tỏa sáng/ Mùa màng về trên cánh đồng, trên cơ thể tôi phân phát khúc ca, tôi vui sướng nói điều cần nói/ Ngọn đồi kia ai san bằng, một phần cơ thể tôi bị tổn thương. Những câu thơ này được đề tựa cho tập thơ “Giao cảm”. Đó là diễn giải đầy tính “giác ngộ” về sự sống, một sự sống trong tính toàn vẹn, trong tính bản nguyên, vũ trụ, không tách rời, không đối lập của nó. Và cái tôi bản thể này là một phần tất yếu trong sự sống to lớn đó. Hướng đến thiên nhiên trong sự hòa hợp tâm trí cảnh sắc là cảm giác bình thường, có ở tất cả mọi người. Nhưng cảm thấy mình trong sự tồn tại của tự nhiên, cánh đồng, đồi núi, dòng sông, cỏ cây, mây trời, tiếng chim hót, buổi sớm mai…, sự sống của cái tôi đồng nhất, tuôn chảy cùng sự sống bên ngoài, thì đó lại là vấn đề của tâm thức/thức nhận có tính tâm linh. Dĩ nhiên, nó chưa hề trở thành một triết lý, một tiếng nói mạnh mẽ trong thơ ông nhưng nó đã làm nên giọng điệu riêng, thôi thúc ông tìm đến tiếng nói của thơ ca và cảm thấy niềm hạnh phúc thiêng liêng ở đó: Người bạn đường duy nhất của tôi ơi/ Em đến bất ngờ khi tôi khổ đau, vui sướng/ Và dũng cảm trong niềm suy tưởng/ Thơ đến cùng tôi ý chí bền sâu/ Tôi sống trong niềm vui thiêng liêng ấy/ Nỗi ưu tư xa lánh thói đời (Thơ đến cùng tôi). Cảm giác hạnh phúc đó là có thật, sống động, tựa như một ân huệ, hoàn toàn không phải là một theo đuổi. Tôi nghĩ rằng mình đã nhận ra, qua thơ ông, bên trong cuộc sống rất bình thường, vẻ ngoài của con người rất lặng lẽ có phần buồn bã ấy, một đời sống tâm linh sống động với niềm hạnh phúc, nỗi hân hoan to lớn: Mẹ ơi con làm sao khác được/ khi con không thuộc về mình, con là của đất đai/ hình như trong màu cỏ hoa đều có sức tôi thể hiện/ tình yêu bão bùng suốt năm tháng trong tôi (Theo câu hát dân ca). Đó là niềm hạnh phúc của sự hòa vào/ở trong dòng chảy với sự sống của vạn vật, đất đai, hoa cỏ. Một sự thức nhận đầy hân hoan, mới mẻ và cả đầy bất ngờ nữa với chính tôi/tác giả. Đúng như nhận xét của nhà thơ Chữ Văn Long, “anh đã tìm ra cái lý đẹp đẽ nhất của mỗi con người được sinh ra trên mặt đất này” - chính là những điều này: Sẽ nói nhiều với cây cỏ, đất đai/ tôi nhận thấy lòng mình không bao giờ lặng sóng/ tôi tiếp đón mọi âm thanh dồn nén/ mọi tâm trạng dày vò/ nhận tín hiệu từ mọi nơi, mọi hướng/ tràn ngập ngổn ngang/… tôi nói bằng ngôn ngữ của sự hòa hợp ấy/trung thành với thiên nhiên/trung thành với sự thật/ tôi sẽ nói nhiều với đất đai (Phản xạ những dòng thơ). Ngôn từ không giải mã được tâm hồn tôi, khe suối róc rách chảy về sông mới là sự mào đầu…Tâm hồn tôi ơi anh là ai?… Đất đai chứng nhận sự có mặt của tôi, những dấu chân khắc khoải, đam mê. Dường như khắp nơi trên trái đất này tôi đều có mặt. Tôi có trong cánh chim bay về nơi nguyên thủy đại ngàn. Tôi có trong ngọn triều lên báo hiệu sự vật nở sinh (Tôi có trong ngọn triều lên), Bỗng nhận ra mình trong tiếng chim/ Nhận ra mình trong nắng (Tặng phẩm trong vườn).

Quả vậy, tiếng nói khá nổi trội, chủ đạo trong thơ Phan Quốc Bình là “ngôn ngữ của sự hòa hợp”: “mùa màng trên cánh đồng”- “trên cơ thể tôi”; “ngọn đồi kia ai san bằng”- “một phần cơ thể tôi bị tổn thương”, “con không thuộc về mình” - “con thuộc về đất đai”, “tôi sẽ nói nhiều với cây cỏ, đất đai”, “tôi tiếp đón mọi âm thanh dồn nén”, “tôi nói bằng ngôn ngữ của sự hòa hợp ấy”, “trung thành với thiên nhiên”, “dường như khắp nơi trên trái đất này tôi đều có mặt”… Khi cái tôi, bản ngã biến mất thì con người trở thành một phần của thiên nhiên, của sự sống trong ý nghĩa toàn thể và tự nhiên, nguyên thủy nhất của nó. Điều khiến tác giả cảm thấy thơ như một người bạn đường tin cậy, niềm hạnh phúc thiêng liêng là vì thơ đối với ông không phải là đích đến mà là một cách chia sẻ, là niềm vui, hạnh phúc bên trong cất tiếng, nở hoa, chiếu ánh sáng: Những bài thơ tôi viết/ Đã nhiều năm trong bản thảo giam cầm/ Chúng vốn là con đẻ của thiên nhiên/ Tự do sao trời, tự do cánh chim/… tôi thả vào vũ trụ những câu thơ/ Thả vào cánh chim, thả ánh nắng. “Nghe chim hót sẽ không cho bạn tiền bạc. Nghe chim hót sẽ không cho bạn quyền lực, danh vọng. Nhìn bướm bay sẽ không giúp gì bạn về mặt kinh tế, chính trị xã hội. Những thứ này không sinh lời – nhưng những thứ này làm cho bạn hạnh phúc. Đó là ngôn ngữ hạnh phúc của cái tôi trong thẳm sâu nào đó đã chạm đến được cái không của bản ngã, tôi cũng chính là tất cả những thanh âm này, màu sắc này, tiếng nói này. Con người như thế, người ta nói có thể anh ta không biết gì đến Thiền nhưng đã đạt đến tính Thiền” (Osho). Đó là chính là điều mà tôi mơ hồ cảm nhận về thơ Phan Quốc Bình như đã nói, giờ đây đã trở nên rõ ràng khi đọc kỹ hơn thơ ông. Tinh thần chung của thơ Phan Quốc Bình là hướng đến diễn đạt nhận thức mang tính tâm linh sâu sắc, hướng đến tính chất Thiền, tính “vô ngã” trong ý nghĩa là sự hòa hợp tuyệt đối của mọi sự sống, của những khoảnh khắc hiện tại, không bị cản trở bởi một vướng bận nào của tâm trí: Mùa xuân về như niềm vui bất chợt/ Làm chếnh choáng hồn tôi/ Khẽ nghiêng xuống với mầm cây thơ dại/ Mọi cảm giác đồng thời với sự nở sinh/ Tôi hòa vào trắng trong thiên nhiên/ Thành một tiếng chim kêu/ Lẫn vào bờ tre khói chiều bàng bạc/ Tôi không biết mình ở đâu/ Không nhớ tới những ngày xô đẩy/ Không còn dư âm của nỗi khổ đau/ Chỉ nghe trên cao/ Lời ru của bầu trời/ Chỉ nghe trong đất/ Xôn xao niềm vui/ Ơi mùa xuân có gì thôi thúc/ Thời gian như mới bắt đầu/ Hình như tôi sinh ra lần thứ nhất (Ngọt ngào giêng hai). Đó là những câu thơ gợi nhiều xúc động. Sự vướng bận của tâm trí sẽ làm mờ đi những trải nghiệm tuyệt diệu về cuộc sống này, trong việc thấy mình trở nên trống rỗng, tự do, chỉ còn là ánh nắng, là tiếng chim, là bầu trời, là sự sống xôn xao, mới mẻ như vừa được sinh ra lần đầu. “Không còn dư âm của nỗi khổ đau”, “không còn nhớ tới những ngày xô đẩy”, tâm trí được thả lỏng thống nhất với thế giới bên ngoài. Mỗi câu thơ mang thông điệp về một diễn giải, một phát hiện về niềm hạnh phúc được thuộc về bản hòa ca của cuộc sống, thiên nhiên. Điều mà tác giả thấy đó, khiến tôi liên tưởng đến một triết lý khá cơ bản về bản chất cuộc sống, rằng bạn là một sự sống, bạn nên đống nhất với sự sống; chúng ta dường như đang không trải nghiệm cuộc sống mà đang trải nghiệm chính những suy nghĩ, định kiến, bịa đặt, gián nhãn và hàng tỷ những thứ rối rắm phức tạp mà chúng ta đã và đang tạo ra. Tâm trí chúng ta luôn bận bịu. Và như thế chúng ta đang đánh mất đi rất nhiều niềm vui sống bên trong, bỏ qua biết bao điều kỳ diệu của sự sống vẫn luôn hiện hữu, như những tặng phẩm vô giá… tôi quên những loài hoa tôi có/ Những âm thanh đã trốn vào đêm/ Tôi bỏ quên lòng tự do con chim bay tìm bạn/ Niềm vui của loài cây tặng quả/ Nỗi bâng khuâng báo giờ trong đêm, tiếng chim bìm bịp phập phồng/ Nỗi lo lắng chào một ngày vui, con chích chòe tinh sương đong đưa câu hát/ Tôi làm rơi nhu cầu đột phá của chồi cây (Tặng phẩm trong vườn). Rất nhiều bài thơ, câu thơ trong các tập thơ của ông diễn đạt niềm hạnh phúc, hân hoan trong việc tìm thấy mình trong sự sống của thiên nhiên, tìm/nhận ra được những “tặng phẩm trong khu vườn tự nhiên” rộng lớn; nhận ra ý nghĩa sâu xa của cuộc sống lại chính việc sống và cảm nhận hết mình với những điều bình thường, nhỏ bé. Như là một tiếng gà vút lên trong buổi sáng từ bờ sông xa đột nhiên rơi vào tâm trí, đánh thức thế giới sống động của nó: … tôi thả mình trong tiếng gà để trở về cội nguồn rung cảm của thiên nhiên/… Những rung động từ chiều sâu của tư duy dào lên ném vào vô tận/ Trong đời, tôi tất bật lo toan, thì giờ đây tôi thoát khỏi sự ràng buộc, bức bách của xung quanh để một mình tự do/ Một mình với cảm giác tự do, và chẳng mấy khi được thổ lộ khả năng/ Những cảm giác gặp gỡ âm thanh như âm thanh đã từng sinh ra mọi cảm giác của con người/ Một mình ven đê và tiếng gà bên bờ sông xa/ Tiếng gà cất lên từ bờ tre nơi mẹ cha ta ở đó/ Cây rơm ngày mùa tỏa hương/ Tiếng gà bàng bạc nỗi nhớ thương ai…(Tiếng gà ơi). Thơ Phan Quốc Bình vì thế trở nên sống động, đầy những chuyển dịch, trầm tĩnh, từ tốn nhưng cũng đầy phóng khoáng. “Tinh thần nội tâm” này đã đưa đến vẻ mới, lạ, hiện đại cho thơ ông, mặc dù ông không hề có ý định dùng kỹ thuật cách tân hay trau chuốt gì về ngôn từ. Thơ Phan Quốc Bình có vẻ hiện đại của sự chi phối nội tâm, và bởi có một tiếng nói nhất quán, không bị tản mạn bởi những cảm xúc “vụn”. Nói cách khác là thơ ông có tứ lớn. Tiêu đề các tập thơ, văn của ông, như đã điểm ở đầu bài viết, cũng đều thể hiện, hướng tới chủ đề lớn, chủ âm cơ bản – giao cảm, với muôn loài, đợt sóng tìm tôi, bước chân mùa, âm thanh thức giấc. Phần lớn bài thơ là những chuyển động châu tuần xung quanh tứ lớn đó. Tập thơ không đơn giản chỉ là tập hợp những bài thơ.

Đọc thơ Phan Quốc Bình, tôi hiểu hơn nhận xét của nhà thơ Thanh Thảo, rằng thơ Phan Quốc Bình “tràn đầy một sự tự tin nội tại, một sự tự tin mà không phải ai cũng có được”. Và tôi nghĩ, với người làm thơ, thành công là ở một phần - người đọc đã nhớ và ghi nhận một giọng điệu, tiếng nói nội tâm riêng, không bị nhạt hòa trong muôn giọng điệu.

N.T.N

. . . . .
Loading the player...