Vừa qua, trong chuyến đi thực tế sáng tác do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh tổ chức, tôi có dịp ghé thăm chợ Nậm Cắn, hay còn gọi là chợ Đoàn Kết, nằm ngay sát Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Ngay từ sáng sớm, không khí đã tấp nập với những tiếng cười, tiếng nói xen lẫn hai ngôn ngữ Việt - Lào, tạo nên một bầu không khí vừa nhộn nhịp, vừa ấm áp tình hữu nghị.
Trước đây, chợ Nậm Cắn chỉ họp hai phiên mỗi tháng vào ngày 15 và 30 dương lịch. Nhận thấy tầm quan trọng của chợ trong việc kết nối cộng đồng hai bên biên giới, năm 2018, chính quyền hai tỉnh Nghệ An (Việt Nam) và Xiêng Khoảng (Lào) quyết định tăng số lần họp chợ lên bốn phiên mỗi tháng, diễn ra vào các ngày Chủ nhật hàng tuần. Quyết định này không chỉ thúc đẩy hoạt động giao thương mà còn tăng cường tình đoàn kết, giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc.
Đường vào chợ phiên Nậm Cắn
Điều làm nên nét đặc trưng độc đáo của chợ phiên Nậm Cắn chính là những sản vật được bà con biên giới mang về từ vùng rừng núi kỳ vĩ. Các loại nấm rừng, mật ong, mây tre, hương liệu đều đậm chất thiên nhiên hoang sơ, mộc mạc. Bên cạnh đó, khu ẩm thực của chợ là điểm nhấn khó quên đối với du khách. Người Lào có thói quen dùng tay vắt xôi, xé thịt gà nướng, trộn thêm chút rau rừng và chấm với nước tương đỏ cay nồng. Đến chợ phiên, nếu chưa từng thưởng thức gà đen nướng, rượu ngô hay bia Lào, hẳn là chưa thể cảm nhận trọn vẹn nét đặc sắc nơi đây.
Không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, chợ phiên Nậm Cắn còn là cầu nối giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa hai dân tộc. Nhiều người sẵn sàng đi hàng chục cây số đường rừng chỉ để gặp gỡ, chuyện trò với bạn bè, người thân bên kia biên giới. Khi phiên chợ tan, cảm giác lưu luyến vẫn đọng lại trong tâm trí mỗi người, như một minh chứng sống động cho tình hữu nghị Việt - Lào ngày càng thêm bền chặt.
Một số hình ảnh tại phiên chợ biên giới Việt - Lào:
Nhộn Nhịp Chợ Phiên
Chợ bày bán nhiều sản phẩm đặc trưng của vùng cao, bao gồm nông sản, vật nuôi, đồ thủ công mỹ nghệ và các món ăn địa phương.
Chợ là nơi giao lưu văn hóa của nhiều dân tộc như Mông, Thái, Khơ Mú... từ cả hai phía biên giới.
Khu ẩm thực của chợ phiên Nậm Cắn thường có không gian ấm cúng, gần gũi, nơi du khách có thể vừa thưởng thức món ăn, vừa trò chuyện với người dân địa phương.
Ở chợ phiên Nậm Cắn, hình ảnh những đứa trẻ theo mẹ đi chợ là một nét đặc trưng độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng cao biên giới.
Các em nhỏ thường mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, với những màu sắc rực rỡ và những họa tiết độc đáo.
Những đứa trẻ ở chợ phiên Nậm Cắn thường rất hồn nhiên, vui tươi và hiếu động. Các em thích thú khám phá những gian hàng, trò chuyện với người bán hàng và chơi đùa cùng bạn bè.
Chợ phiên Nậm Cắn thường bày bán các loại lợn địa phương, đặc biệt là lợn đen, một loại lợn có thịt thơm ngon và được ưa chuộng.
Người dân địa phương mang lợn đến chợ để bán, tạo nên một không khí mua bán sôi động và náo nhiệt.
Linh Châu