27-05-2020 - 08:24

Cuộc thi viết về thảm họa da cam ở Việt Nam

Ngày 26-5, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (NNCĐDC) tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết về đề tài “Thảm hoạ da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hoá học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ nhất, năm 2020-2021.

Đây là cuộc thi có ý nghĩa chính trị- xã hội sâu sắc, thiết thực hướng tới kỷ niệm 60 năm Thảm hoạ da cam ở Việt Nam (10-8-1961 – 10-8-2021). Cuộc thi nhằm khẳng định vai trò và tầm quan trọng của báo chí đối với việc tuyên truyền về thảm hoạ da cam mà Quân đội Mỹ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam; chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NNCĐDC và công cuộc khắc phục hậu quả của chất độc hoá học; công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NNCĐDC.

Phát biểu phát động cuộc thi, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh- Chủ tịch Hội NNCĐDC Việt Nam cho biết: “Mặc dù chiến tranh đã lùi xa 45 năm nhưng hàng triệu người Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề. Chất độc da cam đã làm cho hàng triệu trẻ em Việt Nam bị dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Chất độc da cam đã di truyền sang các thế hệ thứ ba, thứ tư; nhiều phụ nữ không được hạnh phúc làm mẹ, làm vợ; vẫn còn hàng vạn người phải sống trong đau đớn vì bệnh tật do chất độc da cam, những căn bệnh quái ác liên quan đến chất độc da cam để lại; vẫn còn hàng trăm nghìn nạn nhân sống trong cảnh nghèo túng, bệnh tật. Đó là một thực tế khiến cho chúng ta luôn cảm thấy đau đớn, day dứt”.
Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp, Hội NNCĐDC các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài chung tay chia sẻ, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam để họ có thêm sự động viên về vật chất, tinh thần vươn lên trong cuộc sống.

Trong đó không ít người đã trở thành điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, sản xuất ở địa phương.  Hiện thực đó cũng chính là đề tài cho các nhà văn, nhà báo, các cộng tác viên khai thác, phản ánh. Sau khi nhận được thể lệ cuộc thi, Hội NNCĐDC ở nhiều tỉnh, thành, các đơn vị lực lượng vũ trang, một số hội quần chúng đã tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh đề nghị các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo, các cấp Hội NNCĐDC, các đơn vị, tổ chức động viên, khuyến khích, tạo diều kiện để các nhà báo, cộng tác viên các cơ quan thông tấn báo chí, đội ngũ cán bộ cấp hội, hội viện hội NNCĐDC cả nước tích cực tham gia, nỗ lực lao động sáng tạo để có nhiều tác phẩm xuất sắc, nội dung tốt, hình thức thể hiện sinh động, hấp dẫn đáp ứng yêu cầu được đặt ra, góp phần làm cho cuộc thi mang tính chuyên nghiệp và có sức lan toả mạnh mẽ, là tiền đề cho những cuộc thi sau này đạt chất lượng cao hơn, qua đó đóng góp thiết thực vào công cuộc khắc phục chât độc hoá học do Đảng, Nhà nước đã và đang nỗ lực thực hiện.

Chủ tịch Hội NNCĐDC Việt Nam bày tỏ hy vọng, cuộc thi viết về đề tài “Thảm hoạ da cam, công cuộc khắc phục hậu quả chât độc hoá học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh Việt Nam” lần thứ nhất thực sự là một diễn đàn trao đổi về nghiệp vụ của những người làm báo, một sân chơi hấp dẫn cho các cây bút tham gia.

Thay mặt Ban tổ chức, Đại tá Trần Đình Đích, Tổng Biên tập tạp chí Da cam Việt Nam- Phó Trưởng ban tổ chức giải thông báo các quyết định và Thể lệ cuộc thi. Với chủ đề "Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam" giải được tổ chức dành cho tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài; đội ngũ cán bộ hội các cấp, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam...

Tác phẩm tham gia dự thi là những bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra thuộc loại hình báo in, báo điện tử viết bằng tiếng Việt, được các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước sử dụng từ ngày 1/1/2020 đến 30/3/2021.

Theo thể lệ cuộc thi, nội dung các tác phẩm phải tập trung phản ánh hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam; những tấm gương vượt khó vươn lên hòa nhập với cộng đồng; công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhà hảo tâm; công tác, xây dựng tổ chức Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin; việc thực hiện chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam; cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, nhất là các vụ kiện các công ty hóa chất sản xuất và cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Mỹ tiến hành trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam...

Các tác phẩm tham gia giải phải phản ánh khách quan, chân thực, chính xác, người thật, việc thật, không hư cấu; có tính phát hiện, tổng kết nêu gương, định hướng tư tưởng, có tính thuyết phục và đạt hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực, phục vụ thiết thực công tác chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ nạn nhân chất độc da cam.

Mỗi tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm dự thi. Tác phẩm đã tham dự cuộc thi khác vẫn được quyền tham dự. Địa chỉ gửi tác phẩm dự thi là: Tạp chí điện tử Da cam Việt Nam, số 35, đường Hồ Mễ Trì (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) từ ngày 1/1/2021 đến 30/3/2021 (tính theo dấu bưu điện).

Kết quả cuộc thi sẽ được công bố, trao thưởng vào dịp kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021).

. . . . .
Loading the player...