26-05-2025 - 00:53

Cần coi trọng yếu tố lịch sử văn hóa khi đặt tên các địa phương sau sáp nhập

Tạp chí Hồng Lĩnh số 225 tháng 5 trân trọng giới thiệu bài viết “Cần coi trọng yếu tố lịch sử văn hóa khi đặt tên các địa phương sau sáp nhập” của tác giả Bùi Đức Hạnh

Bước vào kỷ nguyên cất cánh, Đảng ta có chủ trương tinh gọn bộ máy, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện. Đây là chủ trương hợp lòng dân, mang lại nhiều lợi ích to lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, trong đó có việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới theo hướng kế thừa, giữ gìn các giá trị lịch sử - văn hoá. 

Theo lý thuyết định danh, mỗi tên gọi (địa danh) đều bao gồm hai yếu tố là vỏ ngôn ngữ và ý nghĩa của danh xưng. Tín hiệu ngôn ngữ trong địa danh giúp nhận diện, phân biệt các địa phương khác nhau. Tín hiệu lịch sử, văn hoá, địa lý… mặt khác sẽ làm nên nội dung của địa danh, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội từ xưa đến nay. Tên gọi theo cách đánh số kiểu phương Tây như quận 1; 2; 3… hay phường 17; 18; 19 là cách định danh mang tín hiệu một mặt. Địa danh bao giờ cũng mang dấu ấn của tính sáng tạo văn hóa. Tên gọi các địa phương thường bắt nguồn từ các yếu tố như cảnh quan thiên nhiên, của lịch sử vùng miền, của sự giàu có về thổ sản, của các sinh hoạt văn hoá cộng đồng... Từ điển địa danh tự nó hàm chứa nhiều ý nghĩa phong phú, đẹp đẽ, quý giá về văn hoá qua nhiều thế hệ. Có nhiều địa danh đã tồn tại hàng ngàn năm, in đậm dấu ấn của lịch sử, với mỗi bước thăng trầm của đất nước. Xóa bỏ hay vì một lý do nào đó một tên gọi không còn thông dụng đều rất đáng tiếc. Về mặt xã hội học, tên gọi một thôn xóm, một địa phương, luôn gắn liền với nơi chôn rau cắt rốn, gắn bó với tâm tư tình cảm mỗi con người, vui buồn, sướng khổ với bao kỷ niệm thiêng liêng sâu nặng vô cùng. Ngược dòng lịch sử, thời các vừa Hùng dựng nước, thời Bắc thuộc, thời kỳ tự chủ sau này, tên gọi các địa phương đều được các chính thể cắt đặt cẩn trọng, mang bản sắc văn hoá dân tộc, giàu sức sống và trở thành một phần của biên niên sử dân tộc. Thời Lê Trung Hưng, vào năm 1469, Lê Thánh Tông đặt 12 thừa tuyên, sắp xếp lại địa giới hành chính đất nước với một hệ thống tên gọi các trấn, phủ, huyện mang nhiều ý nghĩa đẹp, vừa kế thừa vừa có nhiều phát triển theo hướng khai sáng, cẩn trọng. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, Hồ Chủ tịch và lãnh đạo Đảng, nhà nước ta cũng đã dày công trong xây dựng chính quyền non trẻ và các lập một hệ thống danh xưng các đơn vị hành chính thống nhất trong cả nước, rõ nhất là danh xưng các xã trong một huyện. Cách đặt tên như thế giúp mọi người dễ nhận diện, thuận trong giao tiếp và vận hành các hoạt động của bộ máy. 

Một góc thị trấn Nghèn - Can Lộc. Ảnh: PV

Từ 2018 lại nay, để phù hợp với điều kiện đất nước trong thời kỳ mới, để tinh giản bộ máy, tối ưu hoá các nguồn lực phát triển, Đảng nhà nước ta đã tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Theo đó, nhiều đơn vị hành chính được đặt tên mới. Do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, việc đặt tên các xã một số nơi không được quan tâm đúng mức, nhiều tên gọi chỉ mang tính “lắp ghép” nóng vội, mang tính thỏa hiệp, không đạt được yêu cầu bảo tồn các tên gọi truyền thống, các giá trị văn hoá, lịch sử, gây sự phân tâm, nuối tiếc trong các nhà nghiên cứu văn hoá và của cộng đồng. Có thể chỉ ra rằng đây là những bất cập, hạn chế, nếu như không muốn nói là sai sót, sơ suất rất khó sửa!

Từ thực tiễn đó, để thực hiện việc đặt tên các đơn vị hành chính mới, nhất là cấp xã khi sáp nhập, từ lý thuyết định danh, cách tiếp cận vấn đề từ góc nhìn lịch sử - văn hoá, chúng tôi xin trân trọng kiến nghị: 

1. Các cấp lãnh đạo, từng địa phương liên quan và mọi người dân cần nhận thức rằng việc đặt tên các đơn vị hành chính mới là công việc không kém phần quan trọng. Để từ đó có sự cân nhắc thận trọng khi xác quyết việc định danh, với sự tham gia tích cực của mỗi người dân với tinh thần xây dựng cao nhất. Tránh tư tưởng cục bộ địa phương, phân biệt, cực đoan vì những mong muốn cá nhân, hẹp hòi, không vì công việc chung. 

2. Ban chỉ đạo nên ban hành các tiêu chí định danh khi sáp nhập các đơn vị hành chính mới. Trong quá trình dự thảo tên gọi nên tham vấn của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hoá, các nhà giáo, các bậc lão thành, người cao tuổi có uy tín và kinh nghiệm để lựa chọn được những tên gọi “đẹp về từ ngữ”, kế thừa truyền thống vùng miền, ngắn gọn, hàm súc thuận tiện cho giao tiếp và thể hiện trong các văn bản hành chính, giấy tờ của công dân. Tuyệt đối tránh cách lắp ghép tên gọi một cách máy móc, cơ học theo kiểu “chia phần”!

3. Tên gọi các địa phương sau sáp nhập cần được sở Nội vụ tỉnh xem xét một bước, có sự tham gia của ngành Văn hoá và các cơ quan liên quan trước khi trình UBND tỉnh gửi Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định cuối cùng. Dù các mốc thời gian cận kề, theo phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng”, nhưng không nên vội vàng, dễ dài, tùy tiện gây hệ lụy về sau. Đến khi muốn sửa thì đã muộn…

4. Cùng việc lựa chọn các tên gọi truyền thống trong ngân hàng dữ liệu địa danh nên chăng chú trọng gắn tên các xã mới với tên các huyện, thị xã hiện có, nhất là các thị trấn huyện lỵ theo mong ước của nhiều người. Cũng có thể lựa chọn tên một xã có truyền thống nổi trội nhất, đủ đại diện cho một vùng nhiều xã có lịch sử văn hóa tương đồng, gần gũi dễ được nhiều người chấp nhận là phương án tốt, sẽ giúp bảo tồn được một số các tên gọi quen thuộc.

Công việc đặt tên cho các địa phương trong cuộc cách mạng lớn, sắp xếp địa giới hành chính được Đảng và Nhà nước ta tiến hành hiện nay diễn ra đến hết tháng 6/2025 đối với cấp xã, hết tháng 8/2025 đối với cấp tỉnh đang được nhân dân hết sức quan tâm, đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng. Đây là công việc hệ trọng sẽ để lại di sản văn hoá cho các thế hệ con cháu hàng trăm năm sau, cho kỷ nguyên cất cánh của dân tộc tiến đến hùng cường mà không làm phải mờ bản sắc văn hoá qua mỗi tên làng, tên xã, tên núi, tên sông. Các danh xưng đẹp về mỹ từgiàu ý nghĩa lịch sử văn hoá sẽ điểm tô cho giang sơn gấm vóc, xã tắc cũng từ linh khí tên gọi mà bền vững đến muôn sau. /. 

B.Đ.H

. . . . .
Loading the player...