26-09-2020 - 09:06

Báo cáo tổng kết Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII (2015-2020)

Báo cáo tổng kết Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII (2015-2020) do Đồng chí Trần Nam Phong (Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII) trình bày tại buổi lễ tổng kết và trao giải ngày 25/9/2020.

BÁO CÁO TỔNG KẾT GIẢI THƯỞNG VHNT NGUYỄN DU LẦN THỨ VII (2015 - 2020)

 

Giải thưởng VHNT Nguyễn Du là giải thưởng uy tín dành cho các văn nghệ sỹ Hà Tĩnh do UBND Hà Tĩnh trao tặng. Giải thưởng nhằm tôn vinh những thành tựu văn học nghệ thuật của các văn nghệ sỹ Hà Tĩnh trong khoảng thời gian 5 năm và có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Lễ tổng kết và trao giải Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII nằm trong chuỗi sự kiện hướng tới Kỷ niệm 255 ngày sinh và Tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

          Tiếp nối truyền thống và thành tựu của những mùa giải trước, Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII đã thu hút sự quan tâm và quy tụ được nhiều tác phẩm dự giải của các tác giả thuộc tất cả các chuyên ngành VHNT. Kể từ khi có Quyết định ban hành Thể lệ Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII (Quyết định số 2407/QĐ-UBND, ngày 30/7/2020 của UBND Hà Tĩnh), Ban tổ chức đã nhận được 281 tác phẩm của 88 tác giả thuộc tất cả các chuyên ngành: Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình - Văn nghệ dân gian, Văn học thiếu nhi, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Sân khấu biểu diễn, Âm nhạc, Kiến trúc. Ngày 24/8/2020,UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 2768/QĐ-UBND thành lập Hội đồng Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII. Trên cơ sở đó, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh đã ban hành các Quyết định thành lập các Tiểu ban, Phân ban, tổ thư ký, tổ giúp việc phục vụ cho công tác xét chọn Giải thưởng. Hội đồng Giải thưởng VHNT Nguyễn Du đã hoàn thiện Quy chế và hệ thống các tiêu chí chấm giải phù hợp với đặc thù của mỗi chuyên ngành, làm căn cứ để thẩm định, đánh giá tác phẩm dự giải. Trải qua 3 vòng chấm Tiểu ban, Phân ban và Hội đồng, Ban tổ chức đã chọn được 48 tác phẩm và chùm tác phẩm của 48 tác giả để trao giải. Đó là kết quả của một quá trình làm việc hết sức nghiêm túc, công tâm, khách quan để tìm được các tác phẩm, tác giả xứng đáng trao giải. Trong quá trình chấm chọn, có một số tiểu ban phát sinh khó khăn, không đạt được sự thống nhất cao giữa các thành viên chấm giải (như Tiểu ban Thơ, Tiểu ban Âm nhạc, Tiểu ban Mỹ thuật). Để đảm bảo tính khách quan và chính xác của Giải thưởng, Hội đồng đã quyết định đưa tác phẩm ra Trung ương xin ý kiến thẩm định của các chuyên gia về các tác phẩm này. Sau khi có kết quả chấm của Tiểu ban, Phân ban và kết quả thẩm định của Trung ương, ngày 22/9/2020, Hội đồng Giải thưởng VHNT Nguyễn Du đã họp chấm vòng chung khảo, xác định các tác phẩm đạt giải. Kết quả chung cuộc, Hội đồng Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII đã trao 2 giải A, 11 giải B, 16 giải C, 16 giải Khuyến khích, 1 Tặng thưởng cho tác giả ngoại tỉnh viết về Hà Tĩnh và Giải cống hiến trao cho 2 tác giả không tham gia giải nhưng có nhiều cống hiến, đóng góp cho nền VHNT tỉnh nhà.

          Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng, các tác phẩm tham dự Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII khá đồng đều về mặt chất lượng. Tuy nhiên ở mỗi chuyên ngành vẫn có những tác phẩm đạt chất lượng tốt, được Hội đồng giải thưởng đánh giá cao. Các tác phẩm dự giải lần này tập trung phản ánh nhiều đề tài phong phú của cuộc sống, trong đó nổi bật là đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài biển đảo, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, quê hương, xây dựng nông thôn mới, các đề tài về danh nhân văn hóa, lịch sử, cũng như khắc họa những số phận, những mảnh đời, những tâm tư trong cuộc sống bộn bề thường nhật. Nét nổi bật của Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII là đã phát hiện và ghi nhận thành quả nghệ thuật của các các cây bút trẻ, động viên, khuyến khích họ phát huy năng lực sáng tạo và tiếp tục có nhiều tác phẩm tốt hơn. Và cũng lần đầu tiên Hội đồng Giải thưởng VHNT Nguyễn Du trao thêm Giải cống hiến cho các tác giả tuy không dự giải nhưng có nhiều thành tựu và đóng góp cho VHNT tỉnh nhà.

    Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Giáo sư Phong Lê - Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam trao 2 giải A cho tác giả Trần Hải Vân và Nhạc sỹ Ngọc Thịnh      

Ở Phân ban văn học, Thơ là chuyên ngành có đông đảo tác phẩm dự giải nhất (26 tập thơ của 24 tác giả) và cũng gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình xét chọn giải thưởng. Hầu hết các tác giả đạt giải lần này vẫn là những gương mặt tiêu biểu như Nguyễn Ngọc Phú, Phan Trọng Tảo, Nguyễn Thị Hạnh Loan, Lê Văn Vỵ … Thơ ghi nhận những cách tân đổi mới về mặt thi pháp, ngôn ngữ, nhiều tác phẩm đã vượt qua được những cảm xúc dễ dãi thông thường để đi vào chiều sâu của triết lý, suy tưởng. Thơ năm nay không có giải A. Giải B của thơ được trao cho Tập thơ “Con đường thức” của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú, và Tập thơ “Sải cánh giữa chiêm bao” của Nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan. Tác giả, Nhà thơ Nguyễn ngọc Phú vẫn khẳng định sức vóc của một cây bút có tên tuổi qua tập thơ “Con đường thức”. Điểm nổi bật của tập thơ là viết về những đề tài lớn mang tầm phổ quát  như Tổ quốc, Biển đảo, Quê hương, Dân  tộc và thực sự đã  đi vào lòng người đọc bằng giọng thơ hào sảng, hùng tráng, bằng sức cuộn trào mãnh liệt của cảm xúc…

Nối tiếp mạch thơ tình của các tập thơ trước đây, Sải cánh giữa chiêm bao của Nguyễn Thị Hạnh Loan là tiếng lòng của một trái tim yêu nồng nhiệt, say đắm nhưng vẫn thấm đẫm nhiều suy tư, chiêm nghiệm về thân phận con người trong tình yêu. Giải C trao cho các tập thơ “Giờ này đang thu” của Phan Trọng Tảo, “Đêm trở dạ” của Hồ Minh Thông và “Xách giày cao gót cho em” của Lê Văn Vỵ. Phan Trọng Tảo là tác giả cao tuổi nhưng ông lại người luôn có ý thức đổi mới thơ ca, luôn nỗ lực vượt qua cách viết truyền thống để vươn đến tinh thần của thơ đương đại. Tập thơ “Giờ này đang thu” của tác giả Phan Trọng Tảo là sự minh chứng cho những tìm tòi thể nghiệm trong ngôn ngữ, bút pháp thơ lẫn trong cảm xúc và tư tưởng thơ đi dần vào chiều sâu suy tưởng. Hồ Minh Thông là cây bút thơ trẻ đang có nhiều nỗ lực làm mới mình, làm mới ngôn ngữ thơ. Nhiều bài thơ trong tập “Đêm trở dạ” của chị khai thác tận cùng những cung bậc cảm xúc mãnh liệt của cái tôi cá nhân, để lại nhiều ấn tượng cho người đọc. Tập thơ “Xách dày  cao gót cho em” của Nhà thơ Lê Văn Vỵ đa dạng về đề  tài, trong đó có những bài thơ về mẹ, về con trai rất sâu sắc, xúc động và giàu chất triết lý, suy ngẫm. Giải khuyến khích gồm các tập thơ “Người đàn bà bán tóc” của Nguyễn Minh Đức, “Nơi gửi bóng” của Yến Thanh và “Giọt thời gian” của Trần Thị Ngọc Mai.

           Chuyên ngành Văn xuôi có 6 tác phẩm của 6 tác giả được giải. Văn xuôi không có nhiều tác phẩm xuất sắc, nổi trội nhưng đã ghi nhận sự bứt phá của các cây bút trẻ. Giải A văn xuôi được trao cho Tập truyện ngắn Chuyến tàu mùa thu của tác giả Trần Hải Vân. Đây cũng là giải A duy nhất của phân ban văn học. Tập truyện ngắn Chuyến tàu mùa thu được Hội đồng Giải thưởng đánh giá là giàu chất văn, mỗi truyện ngắn trong tập Chuyến tàu mùa thu có cốt truyện đơn giản nhưng lôi cuốn người đọc bởi mạch nghĩ, mạch cảm xúc của nhân vật và đầy ắp những trăn trở, tiếc nuối để mong tìm về với cuộc sống bình yên, giản dị. Giải B được trao cho tác giả Trần Tú Ngọc với tập truyện ngắn “Ngụ ngôn tháng tư”, đây cũng là một cây bút trẻ có nhiều nội lực của văn xuôi Hà Tĩnh. Giải C được trao cho Tiểu thuyết Cái sự đời của Trần Hậu Thịnh và Tập truyện ký Tiết bụt sinh của Nguyễn Trung Tuyến. Tiểu thuyết Cái sự đời của Trần  Hậu Thịnh ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt so với các tập truyện ngắn và tiểu thuyết trước  đây của chính tác giả cả về văn phong lẫn nội dung tư tưởng. Tác phẩm bám sát đời sống thực tế của một bộ phận trí thức (nhà báo, văn nghệ sỹ) đang phải vật lộn với gánh nặng cơm áo gạo tiền và những cám dỗ của vật chất nhưng vẫn cố gắng giữ lấy nhân cách và bản chất lương thiện của con người. Tác phẩm giàu chất liệu đời sống, có giá trị hiện thực, cho thấy ngòi bút từng trải của tác giả. Tập truyện ngắn Tiết bụt sinh của Nguyễn Trung Tuyến gây ấn tượng bởi lối viết dày dặn, phong phú chất liệu đời sống. Một số truyện trước đây của tác giả được bạn đọc yêu thích như “Cửu khổng”, “Mai núi”, “Cái thuốn sắt”… cho thấy một văn phong sắc sảo, có chiều sâu. Tập truyện ký Đại bàng xanh tung cánh của tác giả Phan Thế Cải và Tập truyện ngắn Đêm hạ huyền của Đinh Quang Lân được trao giải Khuyến khích.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh trao Giải B cho các tác giả

Chuyên ngành Lý luận phê bình và Văn nghệ dân gian có 5 tác phẩm tham dự giải. Các tác phẩm đã đề cập đến nhiều vấn đề chung về lý luận cũng như đi vào các tác giả, tác phẩm cụ thể. Trong bức tranh chung của văn học Việt Nam đã phác họa được bối cảnh và đặc điểm riêng của văn học địa phương qua một số cây bút tiêu biểu. Các công trình của các tác giả đều thể hiện được sự công phu trong nghiên cứu, sự tâm huyết đối với các vấn đề văn hóa, văn học. Chuyên ngành LLPB -VNDG không có giải A. Giải B được trao cho chuyên luận Đến với thơ đương đại” của Nhà LLPB Hà Quảng. Tác phẩm thể hiện được sự đọc khá rộng của tác giả, khả năng bao quát cũng như tìm hiểu sâu bức tranh thơ Việt hiện nay. Giải C được trao cho các tác phẩm - công trình nghiên cứu Tìm lại dấu xưa của tác giả Võ Hồng Hải, Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ của Phan Thị Thanh Thủy, “Lê Trần Sửu- Tác phẩm chọn lọc” của tác giả Lê Trần Sửu, “Tri thức dân gian của người Nghệ Tĩnh về việc sinh đẻ” của tác giả Phan Thư Hiền. Công trình nghiên cứu Tìm lại dấu xưa gồm 20 bài viết công phu, mang tính nghiên cứu, lý luận học thuật cao về các vấn đề dòng họ, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Hà Tĩnh qua các thời kỳ lịch sử. Các bài viết đề cập đến những vấn đề cụ thể nhưng được nhìn từ góc độ, cơ sở lý luận dày dặn, góc độ nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu mang tính chất liên ngành: văn hóa, văn học, VGDG được thể hiện qua một văn phong giản dị nhưng sâu sắc, cho thấy tầm bao quát cũng như chiều sâu trí tuệ và khả năng phân tích, lý giải, cảm nhận, thể hiện nhãn quan, tầm nhìn sâu sắc của người viết về văn hóa, văn học.

Cuốn chuyên luận “Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ” của tác giả Phan Thị Thanh Thủy là một cái nhìn hoàn toàn mới lạ của tác giả về các nhân vật trong Truyện Kiều, đi ngược lại những quan niệm xưa nay. Tác giả không ngần ngại đưa ra cách hiểu trái ngược với giới nghiên cứu xưa nay bằng chính những cứ liệu từ văn bản, bằng những lập luận sắc bén và quyết liệt. Mặc dầu không phải là công trình nghiên cứu nổi bật nhưng “Truyện Kiều chưa xong điều nghĩ” vẫn gợi ra được một góc nhìn khá thú vị và đáng suy ngẫm với người đọc. Cuốn sách “Lê Trần Sửu - Tác phẩm chọn lọc” của Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu là công trình chọn lọc những tác phẩm đã viết và in báo trong mấy chục năm nghiên cứu, sáng tác của tác giả. Cuốn sách thể hiện vốn hiểu biết rộng trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, VHNT của tác giả. Ngoài nguồn tư liệu chung, các bài viết thể hiện cách nhìn, cách lý giải, đánh giá riêng của tác giả khá sắc sảo. Công trình có tính chất tổng kết quá trình nghiên cứu, sáng tác đầy tâm huyết của một người công tác trong lĩnh vực giáo dục, nay đã bước qua tuổi 90. Công trình nghiên cứu “Tri thức dân gian của người Nghệ Tĩnh về chuyện sinh đẻ” của tác giả Phan Thư Hiền là một công trình sưu tầm, biên soạn, gom nhặt các tri thức dân gian của người Nghệ Tĩnh (thuộc nhóm người Kinh) rất có giá trị về mặt di sản văn hóa phi vật thể mà các thế hệ người dân Nghệ Tĩnh đã đúc rút bằng hiểu biết và kinh nghiệm sống để lại.

 Ban Văn học thiếu nhi có 6 tác phẩm (1 văn xuôi, 5 tập thơ) của 5 tác giả dự giải và có 3 tác phẩm đạt giải. Tác phẩm được Hội đồng trao giải B là tập truyện thiếu nhi Nhạc đồng quê của tác giả Nguyễn Văn Thanh (Tác giả Nguyễn Văn Thanh có 2 tác phẩm dự giải lần này là Tập  truyện Nhạc đồng quê và Tập thơ Quả từ đâu ra và đều được đánh giá cao về chất lượng). Tập truyện sử dụng thể loại đồng thoại, mang tính giáo dục cao: tình yêu thiên nhiên, hạnh phúc gia đình, tình bạn, sự vươn lên trong cuộc sống, tình nghĩa thủy chung… Tác giả thể hiện khả năng hóa thân vào nhân vật, nhiều đoạn miêu tả bối cảnh thiên nhiên đồng quê tinh tế, đẹp, thơ mộng và ẩn chứa những thú vị bất ngờ.

Giải C của mảng văn học thiếu nhi được trao cho Tập thơ Sắc màu thiên nhiên của tác giả Phạm Quỳnh Như. Tác phẩm thể hiện sự quan sát tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc, giàu hình ảnh, hàm súc, cấu tứ chặt chẽ, gợi nhiều chiều liên tưởng. Tập thơ Lời chào của hoa của tác giả Thái Vĩnh Linh nhiều bài thú vị, tinh nghịch, có những phát hiện và liên tưởng thú vị. Tập thơ được trao giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y, Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân Phan Tấn Linh trao giải C cho các tác giả

Chuyên ngành Âm  nhạc có 75 ca khúc của 15 nhạc sỹ tham dự giải thưởng, trong đó có 7 chùm ca khúc đạt giải. Đó là những tác phẩm ngợi ca quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi, tình yêu người lính, bằng các giai điệu mang âm hường dân ca xứ Nghệ đậm đà, tinh túy, tiết tấu phong phú chứa đựng hơi thở của thời đại. Giải A Âm nhạc được trao cho Nhạc sỹ Ngọc Thịnh với chùm 5 ca khúc có tính chấm phá giai điệu, đề tài phong phú mang tính cách riêng, âm hưởng ca trù mênh mang sâu lắng. Giải B Âm nhạc được trao cho Nhạc sỹ, NSUT Quốc Nam với chùm 5 ca khúc đậm chất dân ca, giai điệu trữ tình sâu lắng. Giải C được trao cho chùm tác phẩm của các nhạc sỹ Sỹ Chinh, Mạnh Chiến và Trương Quốc Đính. Các chùm ca khúc của các tác giả Trần Nguyễn Phú, Bùi Đức Ái đạt giải KK.

Chuyên ngành Mỹ thuật có 8 chùm tác phẩm của 8 tác giả tham dự Giải thưởng và có 6 chùm tác phẩm đạt giải. Các tác phẩm mỹ thuật tham gia giải thưởng Nguyễn Du lần này có nhiều tác phẩm được Hội đồng đánh giá cao về mặt nội dung, đề tài, ngôn ngữ tạo hình, bố cục, màu sắc, cảm xúc thẩm mỹ… Mỹ thuật không có giải A, giải B được trao cho chùm tác phẩm của tác giả Võ Tá Lục. Chùm tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Văn Dương và tác giả Đặng Thiện Chân được trao giải C. Chùm tác phẩm của Họa sỹ Lê Anh Tuấn Hoàng Hữu Trí và Trần Thế Vinh được Hội đồng trao giải KK. Chùm tác phẩm của tác giả Võ Tá Lục là thể loại tranh đồ họa, được thể hiện chắc chắn, cho thấy tay nghề cao của tác giả trong lĩnh vực này. Các tác phẩm mang tính khái quát cao về hình khối, màu sắc. Chùm tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Văn Dương phong phú về mặt chất liệu (bột màu, khắc gỗ). Chùm tranh cho ta thấy cách tạo hình mạnh mẽ, khúc chiết và cô đọng. Tác giả nghiên cứu kỹ về đề tài quê hương, con người Hà Tĩnh, đặt cao giá trị thẩm mỹ, lột tả truyền thống lịch sử và hiện tại đầy tính nhân văn. Chùm tranh của tác giả Đặng Thiện Chân đồng đều về ngôn ngữ  tạo hình, đề tài phong phú đa dạng, màu sắc nhuần nhuyễn, bố cục chặt chẽ, gây được ấn tượng cho người xem. Chùm tác phẩm của Họa sỹ Lê Anh Tuấn phong phú về đề tài, mỗi tác phẩm là một cách nhìn và phương pháp thể hiện. Chùm tranh có được cách tạo hình mạnh mẽ, khúc chiết, thể hiện sự khéo léo, tinh tế của tác giả. Chùm tác phẩm của tác giả Hoàng Hữu Trí khái quát được về hình khối và màu sắc, thể hiện ngôn ngữ tạo hình của thể loại tranh cổ động.

Chuyên ngành nhiếp ảnh có 8 chùm tác phẩm của 8 tác giả tham dự Giải  thưởng và có 5 chùm tác phẩm đạt giải. Nhiếp ảnh không có giải A, Giải B được trao cho 2 tác giả Nguyễn Thanh Hải và Huỳnh Nam. Chùm ảnh nghệ thuật của tác giả Nguyễn Thanh Hải là bộ ảnh tốt cả về chuyên môn, kỹ thuật chuyên ngành, có nhiều ảnh chụp bằng flaycam nên có góc nhìn rộng, cho người xem cảm giác mới lạ. Nguyễn Thanh Hải chỉ mới tham gia sân chơi nhiếp ảnh vài ba năm lại đây nhưng đã có nhiều tác phẩm tốt, mang về nhiều giải thưởng có uy tín. Bộ ảnh của tác giả Huỳnh Nam vững về chuyên môn, kỹ thuật. Đặc biệt trong bộ ảnh của tác giả có tác phẩm Tình đồng đội đạt HCV Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh BMT 2017. Đây là HCV đầu tiên của Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh BMT cho tỉnh Hà Tĩnh.

Chùm ảnh nghệ thuật NSNA Trần Hướng và Nguyễn Hữu Thành được trao giải KK. Có một điều đặc biệt ở Chuyên ngành Nhiếp ảnh là bộ ảnh dự thi của NSNA Phạm Minh Chiến. Anh là tác giả đã mất nhưng đã để lại những tác phẩm nhiếp ảnh có chất lượng. Đó là thành tựu sáng tạo của một nghệ sỹ nhiếp ảnh nhiều đam mê và luôn dấn thân với nghề. Bộ ảnh của anh được đánh giá là có chất lượng kỹ thuật, chuyên môn đồng đều, có nhiều tác phẩm đã được treo tại triển lãm Bắc Trung Bộ trong đợt xét giải lần này. Hội đồng giải thưởng Nguyễn Du rất trân trọng những thành quả và đóng góp của NSNA Minh Chiến nên đã quyết định trao giải C cho bộ ảnh của tác giả.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y và Đ/c Đặng Quốc Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tỉnh trao Giải Khuyến khích cho các tác giả

Chuyên ngành Sân khấu biểu diễn có 5 tác giả với 22 kịch bản dự giải. Hội đồng giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII đã quyết định trao 3 Giải thưởng cho chùm kịch bản của 3 tác giả. Nhìn chung, các tác phẩm dự giải phần lớn là kịch tuyên truyền, hạn chế về mặt chất lượng. Các kịch bản được Hội đồng đánh giá cao hơn là kịch bản “Phó cối Uy Viễn” của tác giả Nguyễn Ban (Giải B), “Nước mắt vùng tâm bão” của tác giả Hoàng Vinh (Giải KK). Cây bút trẻ Nguyễn Tiến Khởi bước đầu cũng đã khẳng định được mình qua chùm kịch bản “Lời sám hối muộn màng”, “Vững một niềm tin”, “Lỗi tại ai”…

Chuyên ngành Kiến trúc có một tác phẩm tham gia Giải thưởng VHNT Nguyễn Du và cũng là tác phẩm được trao giải B. Công trình kiến trúc “Phương án thiết kế nhà ở nông thôn miền Trung” của Kiến trúc sư Nguyễn Huy Tịnh được đánh giá cao bởi giá trị ứng dụng thực tế, hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới của nhà nước, giúp người dân xây dựng được nhà ở tiện lợi phù hợp với điều kiện kinh tế nông thôn, đồng thời cũng áp dụng được cho những vùng thường xuyên bị lũ lụt. Công trình sử dụng vật liệu xanh, góp phần  bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh các giải thưởng chính, Hội đồng Giải thưởng VHNT Nguyễn Du cũng đã trao một Tặng thưởng cho công trình nghiên cứu “ Nguyễn Du - Hồ Chí Minh và Người xứ Nghệ” Của GS Phong Lê. Có 7 công trình và tác phẩm của các tác giả ngoại tỉnh gửi về tham dự Giải thưởng VNHT Nguyễn Du được sự ghi nhận và đánh giá cao của Hội đồng Giải thưởng. Đó là tâm huyết và tình cảm của các tác tác giả với quê hương và con người Hà Tĩnh. Giải cống hiến được trao cho hai cố tác giả Thái Kim Đỉnh và Võ Hồng Huy. Cố tác giả Thái Kim Đỉnh với công trình “Tuyển tập Thái Kim Đỉnh” và Cố tác giả Võ Hồng Huy với công trình “Võ Hồng Huy - Tác phẩm” là những đóng góp lớn cho nền VHNT tỉnh nhà.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh kỷ niệm cùng các tác giả đạt Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII

          Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII ghi nhận sự nỗ lực của Hội đồng Giải thưởng và cơ quan thường trực Giải là Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh trong việc đề xuất và tổ chức thực hiện nhiều nội dung, sáng kiến, giải pháp để đảm bảo tính khách quan, chính xác, công bằng trong đánh giá tác giả, tác phẩm, làm tiền đề cho việc rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho việc tổ chức Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VIII (2020 - 2025). Thay mặt Hội đồng Giải thưởng, chúng tôi xin chúc mừng các văn nghệ sỹ đã đạt Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII, xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Cảm ơn các thành viên tham gia các vòng chấm tiểu ban, phân ban chuyên ngành đã làm việc công tâm, trách nhiệm trong việc thẩm định, đánh giá tác phẩm giúp cho Hội đồng giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII có được quyết định trao thưởng đúng đắn. Thành công của Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ VII một lần nữa khẳng định những thành tựu lao động nghệ thuật của các văn nghệ sỹ và góp phần nâng cao vị trí của văn học nghệ thuật Hà Tĩnh trong bức tranh văn học nghệ thuật cả nước. Xin trân trọng cảm ơn.

       HỘI ĐỒNG GIẢI THƯỞNG VHNT NGUYỄN DU

 

 

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...