21-10-2022 - 07:28

Vị thế Nhà thơ Huy Cận trong phong trào Thơ mới (1932 -1945)

Tạp chí Hồng Lĩnh số 194 năm 2022 trân trọng giới thiệu bài viết "Vị thế Nhà thơ Huy Cận trong phong trào Thơ mới (1932 -1945)" của PGS.Ts Nguyễn Hữu Sơn

      … Huy Cận là một đỉnh cao giữa thịnh thời phong trào Thơ mới, đã xuất bản tập thơ Lửa thiêng (Đời nay, 1940), Vũ trụ ca (38 bài, 1941-1942) và văn xuôi triết lý Kinh cầu tự (Lê Văn Dự xuất bản, Hà Nội, 1942)… Ngay đương thời, thơ Huy Cận đã sớm được chào đón, ghi nhận, đánh giá cao qua các bài giới thiệu chân dung, tựa, phê bình, đọc sách, tổng kết của Xuân Diệu, Hội Thống Vũ Văn Lợi, Lương An, Lương Đức Thiệp, Hoài Thanh – Hoài Chân, Diệu Anh (Đinh Gia Trinh), Vũ Bội Liêu, Trương Chính, Vũ Ngọc Phan, Kiều Thanh Quế…

       Từ năm 1936, Huy Cận đã có thơ trên các báo Tràng An, Sông Hương. Trước một năm in tập thơ Lửa thiêng, người bạn thơ đàn anh 23 tuổi Xuân Diệu nổi tiếng trên thi đàn với tập Thơ thơ (1938) và nhiều bài luận sắc sảo trên báo Ngày nay đã nồng nhiệt vinh danh chàng thơ 19 tuổi Huy Cận với công chúng yêu thơ qua bài viết Thơ Huy Cận: “Đã giáp một năm nay, Huy Cận đi tới giữa chúng ta với những bài thơ đặc biệt, với một tâm hồn có nhiều hương vị, một kho tàng tuy đương hỗn tạp nhưng thực là giàu. Bổn phận của chúng ta đối với văn chương Nam Việt, chẳng phải là ráng thấu hiểu để yêu mến những văn tài mới lên hay sao”; từ đó nhấn mạnh chất thơ với “nỗi buồn mênh mang của thời gian”, “một cái hay rất mênh mông” và “bao nhiêu bâng khuâng thương nhớ” qua các bài Chiều xưa, Đẹp xưa, Buồn đêm mưa; rồi Xuân Diệu đi đến khái quát phẩm chất tinh thần thời đại trong sợi dây liên lạc với truyền thống và mối quan hệ Đông - Tây: “Huy Cận! Một tâm hồn đặc biệt quá, nồng cháy bên trong, e lệ bên ngoài, hay nói nhỏ và hay làm thinh, để cho men lòng càng rạo rực hơn nữa; một tâm hồn hãy lặng yên để nước mắt chảy, không biết khóc vì cái gì; vừa mạnh, vừa yếu, rất mới và rất xưa, rất Âu - Tây và rất Á Đông: nghĩa là cả con người, con người phức tạp của muôn thuở. Thơ Huy Cận không phải là một lời hứa hẹn nữa. Thơ ông chỉ chờ một ít thời gian để trút hẳn cái vỏ còn sót lại, và lộ ra bao nhiêu nụ lộc xanh tốt, mạnh cứng, cho ta hưởng một hương sống rất lạ lùng”1...

       Vào tháng 6-1940, khi đang làm việc ở Nha Thương chính tỉnh Mỹ Tho, Xuân Diệu kịp viết lời tựa cho tập Lửa thiêng và mở đầu bằng những dòng trang trọng: “Trong thơ Việt Nam, nghe bay dậy một tiếng địch buồn. Không phải sáo Thiên Thai, không phải điệu ái tình, không phải lời ly tao kể chuyện một cái "tôi"; mà ấy là một bản ngậm ngùi dài: có phải tiếng đìu hiu của khóm trúc, bông lau; có phải niềm than vãn của bờ sông, bãi cát; có phải mặt trăng một mình đang cảm thương cùng các vì sao? Tiếng rền rĩ dịu êm sẽ vấn lấy ta như một dải lụa ôm ấp một vết đau; tiếng len thấm thía vào hồn ta như khí hậu của núi đèo; tiếng làm thành sương, đọng lệ trên mắt ta... Thơ Huy Cận đó ư? Ai nhắc làm chi những nỗi thê thiết của ngàn đời, ai động đến cái lớp sầu dưới đáy hồn nhân thế; những lời muôn năm than thầm trong lòng vạn vật, ai thuật lại mà não nuột lắm sao!”… Đồng cảm và đọc kỹ, hiểu sâu Lửa thiêng, Xuân Diệu thấu suốt tâm thế của một “linh hồn trời đất”, “hồn xưa”, “cái sầu của vũ trụ”, “cái thương vô hạn… cái tủi vô cùng” – những phương diện mà ngày nay chúng ta định danh là thi pháp thời gian, không gian, giọng điệu nghệ thuật: “Linh hồn Huy Cận là một linh hồn trời đất; nói thế không sai đâu! Xem suốt tập Lửa thiêng, cái cảm giác trội nhất của ta là một cảm giác không gian: tự nghe xa vắng quanh mình; trên thiên văn đài của linh hồn, nhìn cõi bát ngát; một cái buồn vời vợi dàn ra cho đến hư vô. Huy Cận quá cảm nghe cái mênh mông, thì giọng thơ của người cũng lây cái sầu của vũ trụ. Những bài thơ đôi khi vắng vẻ quá: "Đèo cao quán chật, bến đò lau thưa", "Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người", hay là "Sầu thu lên vút song song"; chỉ có trời đất ngơ ngẩn với nhau”... Từ đây Xuân Diệu đưa ra những cách hình dung khác nhau về thơ Huy Cận, phác họa những cách đọc, cách tiếp nhận và mối liên hệ từ người đọc trở lại tác phẩm - tác giả - đời sống tinh thần xã hội: “Huy Cận nói hộ cho ta đó; những giọt nước mắt thường đến quanh mí rồi ngừng, Huy Cận đã vì ta để rơi xuống má; cái linh hồn ấy bơ vơ không kể hết, kiếp người lang thang, đất trời trôi nổi, lạnh lắm, nhân gian ôi! Ta thấy người thơ đi trốn cô đơn; trốn ở đâu bây giờ? Hồn bọn thi nhân thường là một món hàng ế; bán thì người ta không biết giá, mà cho, họ nhận cũng chẳng ra tuồng. Vũ trụ mênh mang thế, một người đời làm sao cho ta nguôi được những ám ảnh bao la! Và có say đắm một đôi ngày, cũng không quên được cái bâng khuâng để lại từ kim cổ"2

       Trong bài giới thiệu Lửa thiêng trên báo Tràng An, nhà thơ đồng thời là nhà phê bình Lương An trước hết đặt tiếng thơ trữ tình Huy Cận trong tương quan với thời cuộc và cả một thế hệ thi nhân: “Nuôi một mối tình muôn dặm, yêu vẩn vơ một nàng cỡi ngựa trong rạp xiếc, nằm trông lên thả mộng ra khắp phương trời, nếu không phải chàng Huy Cận đang độ vô tư lự thì là ai nữa! Những hành động thơ ngây, những mối tình trẻ trung ấy phải là của một chàng thi nhân sống ngoài nhân tình thế sự; chàng thi nhân ấy nếu không phải Huy Cận thì là ai nữa! Nhưng ngày thơ ấu ấy bây giờ không còn nữa. Bây giờ là độ thanh xuân chạm trán với cuộc đời, bây giờ là lo âu, là nghĩ ngợi. Bắt gặp cảnh biệt ly mà sầu, đi giữa đường thơm mà lo tình mất, thấy dấu chân trên đường mà thẫn thờ, nghe mưa rơi lác đác mà buồn buồn, chao ôi, sao lòng chàng thi nhân của ta thiết tha và dễ cảm xúc đến thế”; từ đây Lương An đi sâu cắt nghĩa, lý giải chất thơ “sầu vạn cổ” và theo đó là vẻ đẹp hình thức, câu chữ làm nên chất lượng thơ Huy Cận: “Sở dĩ Huy Cận buồn thương như vậy là vì chàng lo sợ một ngày rất gần hạnh phúc sẽ không cười duyên với chàng nữa, mà chàng thì ham sống và tin vào cuộc đời quá. Chàng sầu vì tâm can chàng bắt chàng phải thế. Đó là một trong những lý do đã đưa chàng lên lầu thơ bất tuyệt. Mối sầu của chàng có thể cho là một mối sầu vạn cổ”3...

       Một năm sau, Huy Cận cho in tập văn xuôi Kinh cầu tự với cảm hứng được đẩy cao từ Lửa thiêng, hướng đến cực tả con người cá nhân siêu thoát, hội hòa trong thế giới tự nhiên, vũ trụ, tâm linh. Trong bài đọc sách Phê bình Kinh cầu tự của Huy Cận trên Tạp chí Tri tân, Hội Thống Vũ Văn Lợi đặc biệt chú trọng đặt tác phẩm văn xuôi này trong tương quan với thi tập Lửa thiêng: “Tác giả Kinh cầu tự có kiêu hãnh không? Ta cứ xem đoạn văn này sẽ rõ: “... Kẻ đọc ta ơi! Ta đang may áo trừ hao cho người đây. Ít lúc nữa tâm hồn anh mới bận tư tưởng của ta đó... Ta mong cho tâm hồn anh chóng nhớn?... ta mong anh chóng vất áo ta đi...”. Và: “Những chiều thơ dại, đã có khi ta muốn cầm trái đất trong tay mà vắt như một quả cam...”. Chắc là vắt lấy nước ngọt và bổ để uống cho đỡ khát! Vì tác giả khát khao chân lý, đang “đi tìm nguồn”. Ông Huy Cận quả đã hơn M. Barrès và André Gide”4...

       Tại Phần II- Thơ Việt Nam hiện đại trong chuyên khảo Việt Nam thi ca luận, Lương Đức Thiệp đi sâu phân tích thơ Huy Cận và chú trọng đặt trong tương quan với nhiều thi nhân khác: “Với ông Huy Cận, trường “Thơ mới” tiến vượt lên một bực nữa. Qua những bài thơ, những bài “lục bát” đặc sắc:… Tai nương nước giọt mái nhà,/Nghe trời nặng nặng nghe ta buồn buồn./Nghe đi rời rạc trong hồn,/Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi…

       Ta thấy tâm hồn thi sĩ rung động. Một tâm hồn phiền toái hơn tâm hồn ông Thế Lữ và Xuân Diệu, một tâm hồn có nhuốm màu thần bí: Hỡi Thượng đế người công phu biết mấy!/- Nhưng mọt sâu nương náu giữa lâu đài…/… Thân không chán đau, ngực sầu thở chết,/Tay bồng thân và tay nữa ôm mồ…/… Chẳng bao lâu nữa sầu trong đất,/Vĩnh viễn mùa đông lạnh chỗ nằm5

       Đến công trình tổng thành Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân chọn in thơ Huy Cận 11 bài (đồng hạng Nhì với kiện tướng Lưu Trọng Lư), chỉ xếp sau Xuân Diệu (15 bài). Trong phần lời dẫn, hai ông nhấn mạnh chất trữ tình và những giá trị nhân văn, nhân tính, những buồn vui muôn thuở trong hồn người cùng một lối nói, một điệu thơ Huy Cận không thể trộn lẫn và đặt trong mạch nguồn tiếp nối với hồn thơ truyền thống Nguyễn Du:

       “Đã có hồi người ta tưởng muốn làm thơ hay phải là người hay khóc và thi nhân mỗi lần cầm bút là một lần phải “nâng khăn lau mắt lệ”. Nhưng buồn mãi cũng chán. Trên tao đàn Việt Nam bỗng phe phẩy một ngọn gió yêu đời, tuy không thổi tan những đám mây sầu u ám, song cũng đã mấy lần ngân lên những tiếng reo vui. Người thính tai sẽ nhận thấy trong những tiếng kia còn biết bao nhiêu vui gượng, nhưng dầu sao sự cố gắng đau đớn của cả một lớp người đi tìm vui, cái cảnh ấy ai thấy mà chẳng động lòng? Than ôi! Ngày vui ngắn ngủi, chưa được mấy năm nỗi buồn đã trở về, thảm đạm và nặng nề hơn xưa.

       Nó đã trở về trong tập Lửa thiêng. Với những tính cách khác hẳn. Cái buồn Lửa thiêng là cái buồn tỏa ra từ hồn một người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh. Có người muốn làm thơ phải tìm những cảnh nên thơ. Huy Cận không thế. Nguồn thơ đã sẵn trong lòng đời thi nhân không cần có nhiều chuyện. Huy Cận có lẽ đã sống một cuộc đời rất bình thường, nhưng người luôn luôn lắng nghe mình sống để ghi lấy cái nhịp nhàng lặng lẽ của thế giới bên trong. Ai đã so sánh Las Mocedades del Cid của Guillen de Castro với Le Cid của Corneille hay Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân với Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du đều nhận thấy trong Đoạn trường tân thanh và trong Le Cid nhiều tình mà ít chuyện. Nếu ta so sánh thơ Huy Cận với thơ hồi trước, ta cũng sẽ thấy như thế…

       Huy Cận đi lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thi nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc. Ai có ngờ những bước chân đã tan trên đường kia còn ghi lại trong văn thơ những dấu tích hẳn không bao giờ tan được: Thôi đã tan rồi vạn gót hương/Của người đẹp tới tự trăm phương./Tan rồi những bước không hò hẹn/Đã bước trùng nhau một ngả đường. Phải tinh lắm mới thấy rõ lòng mình như thế giữa cái ồ ạt, cái rộn rịp của cuộc đời hằng ngày.

       Đây có lẽ là một điều Huy Cận đã học được trong thơ Pháp. Nhưng với trí quan sát rèn luyện trong nền học mới, Huy Cận đã làm một việc táo bạo: tìm về những cảnh xưa, nơi bao nhiêu người đã sa lầy - tôi muốn nói sa vào khuôn sáo. 

      Có người bảo thơ Huy Cận già. Già vì buồn, già vì hay kể lể những chuyện xưa. Nhưng trong đời người ta còn có tuổi nào hay buồn hơn tuổi hai mươi (Tuổi hai mươi, không phải hai mươi tuổi). Còn có tuổi nào hay vẩn vơ hơn. Tôi thấy thơ Huy Cận trẻ lắm. Huy Cận đã đưa tôi về khoảng đời tôi bảy tám năm trước. Tôi bùi ngùi thương chàng niên thiếu hồi bấy giờ đã sống luôn mấy năm trong hiu quạnh. Chàng cũng mang một tấm lòng chứa chan yêu dấu đi tìm tình yêu trong tình bạn. Và vì thế chàng cũng đã đi lầm đường. Chàng thấy cảnh trời đẹp, chàng gặp những tâm hồn cao quý, chàng được vô số mến thương. Nhưng đẹp làm gì, cao quý làm gì, thương mến làm gì, nếu lòng chàng không hề đón được ít hương ân ái. Vũ trụ bao la quá, lòng chàng giá lạnh quá, chàng muốn quên mình, quên hết thảy trong tình yêu của một người, vô luận người nào. Chàng gõ cửa hết nơi nọ chốn này song bao nhiêu tâm tư đều đóng kín… Nỗi lòng xưa, nay sực tỉnh. Đọc thơ Huy Cận tôi đã gặp lại một người em. Chỉ một người em? Không. Năm tháng dầu đi qua, đời tôi dầu có khác, nhưng tuổi hai mươi đã thực chết trong lòng tôi?”6...

       Vừa sau khi Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản Thi nhân Việt Nam, Diệu Anh đã có ngay bài giới thiệu Nói chuyện thơ nhân quyển Thi nhân Việt Nam, 1932-1941 in trên tạp chí Thanh nghị và nhấn mạnh sắc thái thơ Pháp trong thơ Huy Cận (và cả Xuân Diệu nữa): “Tôi chỉ muốn nói Xuân Diệu và Huy Cận không lúc nào khó hiểu cả (…). Huy Cận mang vào một niềm buồn gần như có tính cách siêu lý. Những ai xưa nay chỉ quen thưởng thức thơ sáng sủa tả những tình cảm sơ giản, tóm lại những ai ít đọc thi văn Tây phương, nhất là thi văn triết lý, kêu thơ của hai nhà thi sĩ ấy khó hiểu. Họ không sống cái tha thiết, và những hoài bão của tuổi trẻ trước cuộc đời mới nên họ không rung động và cảm được cái hay của thứ thơ có hứng mới mẻ ấy. Đây thực là chỗ để ta nói: “Lỗi không ở thi sĩ, lỗi ở người đọc”. Xuân Diệu và Huy Cận đáng được coi là hai nhà thơ làm vừa lòng bạn trẻ hơn. Và cũng lại là hai nhà thơ có tài”7...

       Đến mục tác gia Huy Cận trong sách Nhà văn hiện đại (Quyển ba, 1943), Vũ Ngọc Phan nhấn mạnh những khác biệt những khác biệt giữa thơ Huy Cận với Lưu Trọng Lư và Xuân Diệu: “Tác giả Lửa thiêng (Đời Nay – Hà Nội, 1940) thật đã không giống Xuân Diệu và cũng đã khác hẳn Lưu Trọng Lư. Ở Huy Cận, ta không thấy những tiếng kêu ầm ỹ, nóng nẩy như ở tác giả Thơ thơ và ta cũng không thấy cái buồn vơ vẩn và nhẹ nhàng như ở tác giả Tiếng thu. Huy Cận than thân thì ít mà góp tiếng khóc với đời thì nhiều. Cái giọng nhớ hờ, thương hão của ông đôi khi có hơi giống Tản Đà, nhưng ông lại khác Tản Đà ở chỗ có lòng tin tưởng ở đấng tối cao. Lòng tin tưởng ấy lai láng trong gần hết các bài thơ trong tập Lửa thiêng và ông đã diễn ra với cả một tâm hồn nghệ sĩ. Đứng trước thiên nhiên và nhân loại, ông là một họa sĩ giàu lòng tín ngưỡng và bình tĩnh, cần cù, ngồi vẽ những nét dịu dàng, không quá bạo, để không phải tả riêng mình, mà tả tất cả mọi người. Bởi thế sự “trình bày” của ông không phải riêng ông mới có, nó có thể là sự trình bày của tất cả những người buồn rầu và biết tin tưởng ở Trời, tin cậy ở Trời”8...

       Sau tất cả các bài viết và ý kiến trên, đến lượt Kiều Thanh Quế - nhà phê bình số một của miền Nam đương thời - đã lên tiếng đánh giá về nền thơ đương đại qua bài đọc sách thực sự công phu Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, trong đó có trao đổi, tranh luận, phản biện, lý giải về hiện tượng thơ Huy Cận: “Tôi cũng không bảo thơ Xuân Diệu, Huy Cận thiếu hẳn nhạc điệu. Nhưng nhạc điệu của thơ hai ông, tôi thấy nó làm sao ấy! Ta chỉ thích nghe nhạc điệu ấy trong một thời thôi. Rồi thì sao ta cũng phải thích nhạc điệu của hơi thơ Đường hơn. Vì lẽ ấy mà tôi trọng cái nhạc điệu trong thơ Quách Tấn, Thái Can, Leiba, Tchya hơn nhạc điệu trong thơ hai ông”...

       Huy Cận xuất hiện vào chặng cuối phong trào Thơ mới nhưng đã có những đóng xuất sắc, góp phần bổ sung, đổi mới, thúc đẩy tư duy thơ phát triển lên một trình độ cao hơn, rộng mở xúc cảm về thiên nhiên, đất trời, vũ trụ. Người đương thời đánh giá cao chất thơ trữ tình, năng lực biểu cảm con người bản thể, đồng cảm với cái đẹp vượt thời gian. Về sau này, nhiều thi phẩm của Huy Cận được phổ nhạc: Tràng giang, Ngậm ngùi (nhạc Phạm Duy), Buồn đêm mưa (nhạc Phạm Đình Chương, Hoàng Thanh Tâm), Tình tự (bài hát Một ngày cho tình yêu), Áo trắng (nhạc Hoàng Thanh Tâm)…

Hà Nội, 2012-2022

 N.H.S

______________

1. Xuân Diệu: Thơ Huy Cận. Ngày nay, số 151, ra ngày 4-3-1939, tr.9+21.

2. Xuân Diệu: “Tựa”, Lửa thiêng. Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1940…

3. Lương An: Lửa thiêng. Tràng An, số 12, tháng 3-1941, tr.2.

4. Hội Thống Vũ Văn Lợi: Phê bình Kinh cầu tự của Huy Cận. Tri tân tạp chí, số 55, tháng 7-1942, tr.18-20

5. Lương Đức Thiệp: Việt Nam thi ca luận. Khuê Văn xuất bản cục, Hà Nội, 1942…

6. Hoài Thanh - Hoài Chân (1989), Thi nhân Việt Nam, 1932-1941. Tái bản. Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.135-139.

7. Diệu Anh: “Nói chuyện thơ nhân quyển Thi nhân Việt Nam, 1932-1941”, Thanh nghị, số 19, ra ngày 16-8-1942, tr.5-7+23.

8. Vũ Ngọc Phan: “Nhà văn hiện đại”, Vũ Ngọc Phan - Tác phẩm, Tập IV. Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr.413.

. . . . .
Loading the player...