13-01-2020 - 09:13

Vài kỷ niệm về nhà thơ Duy Thảo

Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu bài viết của Nhà thơ Lê Quốc Hán về nhà thơ Duy Thảo nhân đọc tuyển “NHỮNG GƯƠNG MẶT Hội viên Hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh”, NXB Hội nhà văn, 12/2019,

       Trong các hội viên Chi hội nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh hiện nay, nhà thơ Duy Thảo nhiều tuổi nhất. Ông tên đầy đủ là Phan Duy Thảo, sinh 3/6/1938 tại làng Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh - một vùng đất nổi tiếng được mệnh danh là “Làng khoa bảng”.

Nhà thơ Duy Thảo

       Ông sớm nổi tiếng với bài thơ “Chiến thắng trời quê” được sáng tác vào đêm 26.3.1965, sau chiến thắng lẫy lừng của quân dân Hà Tĩnh bắn rơi 12 chiếc máy bay của giặc Mỹ. Ngày ấy tôi còn là học sinh lớp bảy (tương đương lớp 9 bây giờ). Hàng ngày, từ sáng đến tối nghe Đài trong thôn ngõ xóm vang lên khúc ca chiến thắng hào hùng ấy: Mười hai chiếc thấy thấy chưa quân cướp Mỹ/ Đất quê ta mới phun lửa trận đầu/ Mười hai chiếc thấy chưa quân cướp Mỹ/ Đụng vào đây sẽ nhiều vố thua đau. Nhưng dừng lại ở đó, hẳn bài thơ khó sống mãi trong lòng người đọc đến hôm nay. Cái làm nên sức sống kỳ diệu của “Chiến thắng trời quê” là lòng tự hào, tình yêu quê hương thấm đẫm trong suốt bài thơ. Những thắng cảnh, những đặc sản phong phú của vùng đất địa linh nhân kiệt Lam Hồng hiện lên qua những câu thơ tuyệt đẹp. Từ Ngàn Sâu ngàn phố gỗ xuôi bè/ Chiếc bánh tày Voi nếp đồng nhà thơm dẻo/ Khoai Mục Bài đậm ngon vị đất quê” đến “Phúc Trạch quýt thơm, bưởi ngọt/ Nón Ba Giang óng ả đường làng/ Muối Hộ Đọ càng thêm trắng muốt/ Cửa Nhượng thuyền về cá chở đầy khoang”, và gần quê kiểng của ông hơn: lụa Hạ trên khung thêm mịn/ Chiếu cói Nghèn trải giường gỗ Thái Yên/ Linh Cảm, Thượng Tuy mát dòng nước ngọt/ Nuôi ruộng đồng, đưa cuộc sống đi lên. Trong những bài tản văn hay bình thơ, khi chạm đến cố hương Xa Lang hay quê hương Kỳ Anh, không ít hơn ba lần tôi đã dẫn những câu thơ chan chứa tình yêu quê của ông: Cây cỏ Đèo Ngang, cánh buồm Cửa Hội/ Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa.

       Mặc dù gặp khá muộn, khi ông ngoài sáu mươi, nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi đường thơ không ngưng nghỉ của ông. Đến nay, ông đã trình làng 11 tập thơ và sắp ra mắt tập thơ “Lối về”. Ông từng nhận được nhiều giải thưởng văn học cao quý (Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNTVN cho tập “Đi dọc lối xanh”, bốn giải Văn học Nguyễn Du…). Thơ ông càng về sau càng đậm đà tình yêu quê yêu người (tên các tập thơ đã toát lên điều đó: Lối xanh, Bến mặn, Lộc vừng, Góc chiều, Đi dọc lối xanh, Lối về,…) nhưng cũng nhiều suy tư trăn trở về cuộc đời, về nhân thế hơn (Sau mùa lá rụng,, Nỗi xưa, Mưa giao mùa,..). Nhớ một lần, sáng tác xong bài thơ “Trong vườn khuya”, ý chừng tâm đắc lắm, ông gửi ra cho tôi và sau một đêm trằn trọc không ngủ, tôi đã gửi lời bình tới ông:

       “Vườn Kiều” không chỉ là bức tranh thu nhỏ xã hội Trung Hoa vào những năm Gia Tĩnh Triều Minh mà còn bao chứa mọi cảnh tượng xã hội với vẻ hào nhoáng bên ngoài bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng nhưng thực chất bên trong đang bị chủ nghĩa vật chất thống trị. Bước vào “vườn Kiều”, người thổn thức vì sự trắc trở của chữ Tình: người ơi gặp gỡ làm chi/ trăm năm biết có duyên gì hay chăng; kẻ trăn trở vì sự bấp bênh của chữ Tài: chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau/.../chữ tài liền với ch tai một vần. Không biết có phải đã bước qua tuổi” thất thập cổ lai hy” chứng kiến quá nhiều sự tác oai tác quái của “con đĩ nhân loại” hay không mà khi lạc vào “vườn Kiều”, nhà thơ Duy Thảo lại trằn trọc vì sự bạc ác của chữ Tiền.

       Bản thân Tiền không có lỗi, thậm chí nó còn đem lại biết bao sự tiện lợi trong đời sống con người. Ngạn ngữ Pháp có câu: đồng tiền là một người đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ tồi. Tiếc thay, trong “vườn Kiều”, con người phần lớn đã biến thành kẻ nô lệ của đồng tiền. Từ bọn quan lại sai nha làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền đến bọn đầy tớ đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi. Từ bọn Tú Bà và Mã giám sinh, Bạc Bà và Bạc Hạnh buôn thịt bán người đến bọn Sở Khanh lừa đảo. Để vẽ nên bức tranh “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” trong “vườn Kiều” đẫm nước mắt ấy, Duy Thảo đã đưa ra trùng điệp các cảnh tượng đau lòng dưới sự chi phối ngự trị của đồng tiền: gia đình tan tác, đôi lứa chia li, lòng người điên đảo. Đọc bài thơ, có cảm tưởng đang được xem một bộ phim quay nhanh vạch trần những khốc hại do lòng tham tiền vô đáy gây ra. Chín câu thơ trong “vườn Kiều” mà Duy Thảo chọn lọc đưa vào bài thơ thật điển hình, với những lời dẫn đẫm nước mắt của ông. Phải chăng đó chính là “chín mặt” sấp ngửa ngửa sấp của đồng tiền? Ngỡ khi nhắm mắt lại, “chín mặt” ấy vẫn quay cuồng trước mắt ta, khiến lòng ta day dứt khôn nguôi. Bằng cách sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, với những hình ảnh và ngôn ngữ tinh tế, rất hợp với tâm trạng lạc trong “vườn Kiều”, tác giả đã đưa ta vào một thế giới vừa ảo vừa thực. Sự giật mình vì một tiếng kêu tuyệt vọng, sự trn trọc trong đêm thức trắng của tác giả thực sự đã làm lay động đến những chỗ sâu kín nhất của hồn ta. Ta càng hiểu thêm vì sao Duy Thảo dồn hết tâm huyết vạch mặt chỉ tên sự “khốc hại” của chữ Tiền, vì nó là nguyên nhân sâu xa làm chữ Tình tan nát, chữ Tài bị vùi dập nát tan.

       Cách đây hơn một thế kỷ, khi vịnh đoạn thơ “bán mình chuộc cha” trong Truyện Kiều, Ông Nghè Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến đã hạ một câu” có tiền việc ấy mà xong nhỉ/ đời trước làm quan cũng thế a!”. Ngày nay, lạc trong vườn Kiều, trước cảnh tham nhũng lộng hành, nơi nơi thi nhau mua quan bán tước, chốn chốn trắng trợn buôn thịt bán người, thi nhân không thể không thốt lên: “phận Kiều bạc mệnh ngàn xưa/ đoạn trường nối số đến giờ còn ai?/ trăm năm trong cuộc rộng dài/ chữ tài liền với chữ tai khôn lường”. Bao giờ mới hết cảnh những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Bao giờ?

       Tuy chưa thật nói hết những tâm huyết của ông gửi gắm qua bài thơ, nhưng hẳn ông cũng hài hòng phần nào. Bởi sau đó lời bình đó đã xuất hiện trên một tạp chí tỉnh nhà.

       Những năm gần đây, thi thoảng tôi gặp ông trong các hội thảo văn học, giao lưu thơ ca, nhưng chỉ thoáng qua sau nụ cười và cái bắt tay cởi mở. Những lần vào trụ sở Hội VHNT Hà Tĩnh, tôi ghé thăm nhà ông, nhưng không phải lần nào cũng gặp, mà có gặp “lần nào cũng vội”. Chúng tôi im lặng ngồi bên nhau, cùng nhớ và ngẫm về những kỷ niệm về một thời đã xa, thời “ra ngõ gặp anh hùng”, “ra ngõ gặp nhà thơ”.

Thành Vinh, đêm 11/01/2020

Lê Quốc Hán

. . . . .
Loading the player...