26-04-2020 - 19:43

Tác giả Phan Duy Đường

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chân dung Tác giả Phan Duy Đường - Hội viên Thơ, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.

PHAN DUY ĐƯỜNG

Ngày tháng năm sinh: 02 - 03 - 1949

Quê quán: Xã Thường Nga - Huyện Can Lộc - Tỉnh Hà Tĩnh

Nơi công tác hoặc thường trú hiện nay: Nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Can Lộc

Hội viên Hội VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành:   Thơ     Năm kết nạp: 2016

Địa chỉ liên lạc:  Xóm Trà Liên,  Xã Thường Nga,  Huyện Can Lộc,  Tỉnh Hà Tĩnh

Điện thoại: 091 847 9918

Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản:

     -  Miền quê yêu dấu (Thơ, NXB  Nghệ An, 2012)

     -  Hai phía yêu thương (Thơ, NXB  Văn Học, 2016)

     -  Quê nhà (Thơ, NXB Nghệ An, 2019)

Tác phẩm tự chọn:

 

RÁNG CHIỀU THƯƠNG NHỚ

 

Chiều nay hai ba tháng bảy

Đồng Lộc xanh hết thảy một vùng xanh

Sẽ không còn dấu vết chiến tranh

Nếu không có tượng đài mười cô và

                                  danh thơm bao người còn đó

Ngày mai là ngày giỗ

Chúng tôi lên đây đốt nén hương lòng

Mười cô ơi!

          Xin được cầu mong cõi vĩnh hằng siêu thoát

Mười bông hồng trắng trinh nguyên

                                            giữa đồi xanh bát ngát

Như những nàng tiên áo trắng trong mây

Che chở cho làng quê bao vụ cấy cày...

Là người lính ngày nào cùng trận tuyến

Miếng lương khô bẻ đôi, giành nhau cuốc xẻng

Mệnh lệnh thông đường, tiếng còi tiếng kẻng

Cùng băng mình dưới những mưa bom

Nén đau thương khi kẻ mất người còn...

Và giờ đây chính kẻ còn người đã khuất

Đồng đội ơi xin thắp một nén nhang

Gửi lòng tôi trong nắng chiều vàng

Chiều thương nhớ trong vạn chiều thương nhớ

Hỡi Tần, Hợi Hà, Hường, Xuân,

                                  Nhỏ, Cúc, Rạng, Xuân, Xanh

 

Ơi những nàng tiên chuyện cổ trong tranh

Cho chúng tôi gửi trọn lòng thành

                                      Đồng Lộc, 23-7-2008

 

CAN LỘC QUÊ MÌNH

 

Kính tặng quê hương, Can Lộc

 

Bởi dào dạt Ngàn Sâu, Ngàn Phố

Nên Sông La bến bãi dâng đầy

Bởi Trường Sơn, Trà Sơn, Núi Hồng níu giữ

Nên phía biển, phía rừng quấn quýt một vòng tay...

 

Xanh mát ngọn gió nồm thổi lên từ Cửa Sót

Ngọt câu ví ân tình đất phường vải Trường Lưu

Tứ diện công hầu quanh Rú Cài, Rú Bụt

Gái đẹp Hằng Nga lay động những vương triều...

 

Đây Thượng Trụ, Trảo Nha... vang bài ca Xô Viết

Đây Đồng Lộc linh thiêng,

                                      đường của mọi con đường...

Một dải đất từ đầu Mênh, cuối Sót

Đâu cũng có anh hùng, đâu cũng có thi nhân

 

Khi Đặng Dung mài kiếm khuyết vành trăng

Lòng yêu nước cháy bùng muôn thế hệ

Dù đói rét, dù chìm trong khói lửa

Câu thơ tình Xuân Diệu cứ tươi xanh

 

Có nơi mô như Can Lộc quê mình

Đất chính khí nuôi lớn người chính khí

Gieo hạt chữ mọc lên rừng kẻ sĩ

Muối mặn gừng cay nên đậm nghĩa, đậm tình...

 

Dù đi đâu,dù ở phương nào

Dù hạnh phúc,em ơi em, hay dù khi đau khổ

Dù có hết em vẫn còn nỗi nhớ

Dù mất hết, em vẫn còn quê mẹ

Bên Sông Lam, Rú Hồng còn đứng đó

Dưới trời xanh, mẹ vẫn đợi, anh chờ...

                                             Hè 2014

 

 “DẠ”- THƯƠNG MỘT TIẾNG ÂN TÌNH

 

'' Nghe tiếng Dạ hiện lên hình đất nước

Tiếng Dạ như những giọt đàn ai đó ta mê

Thú thật em trong phút đầu bỗng gặp

Anh lo hoài em đánh mất hồn quê''

                                      (Hải Như)

 

Dạ từ cổ tích bay ra

Lời ru của mẹ thiết tha bao đời

Lặn trong cát bụi mặn mòi

Cánh cò cánh vạc, một thời gió mưa

Dạ ngoan giữa buổi nắng trưa

Mẹ ngân câu ví, trong mơ Dạ cười

Nồm nam cánh võng đưa nôi

À ơi! Dạ ngủ mẹ phơi rơm vàng

Mến thương là lũy tre làng

Trước sau lễ phép tình càng tỏa thơm

Mẹ cha lặn lội - bát cơm

Lớn lên Dạ biết phần thơm để dành

Mình còn bão tố, phân tranh

Biên cương, hải đảo đâu manh áo trời!

Cội nguồn sâu thẳm xa xôi

Kính dâng gửi nén hương đời tri ân

Dạ xin hiến trọn mùa xuân

Vàng tươi sắc Hạ, xanh ngần tiếng Thu

Hồn quê yêu Dạ cần cù

Đói no dành dụm lời ru Đông về

Yêu đời, yêu mãi hồn quê

'' Rách lành vẫn giữ lấy lề '' cha ông

Dạ từ gốc rạ cánh đồng

Dạ đi muôn nẻo LÒNG mong DẠ về...

                    Hè 2014

 

. . . . .
Loading the player...