09-08-2018 - 17:10

Tuyển sách "Mỹ thuật hiện đại Hà Tĩnh"

Hướng đến Triển lãm Mỹ thuật Bắc Miền Trung lần thứ XXIII năm 2018, Văn nghệ Hà Tĩnh điện tử trân trọng giới thiệu tuyển sách "Mỹ thuật hiện đại Hà Tĩnh" (NXB Mỹ thuật, 2017) do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Nhà xuất bản Mỹ thuật phối hợp với Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh ấn hành. Tuyển sách tập hợp các tác phẩm chọn lọc của các tác giả là những người con của quê hương và các họa sĩ đã có nhiều năm cống hiến về mỹ thuật cho quê hương Hà Tĩnh.

VÀI NÉT VỀ MỸ THUẬT HIỆN ĐẠI HÀ TĨNH

 Họa sĩ TRẦN KHÁNH CHƯƠNG

                                                                                Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

 

       Hà Tĩnh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi mỹ thuật cổ, nghệ thuật dân gian đã để lại hàng trăm di tích kiến trúc đình chùa, đền miếu, ghi dấu ấn tài năng nghệ thuật tạo hình của các nghệ sĩ dân gian Hà Tĩnh xa xưa, và nay nhiều công trình, tác phẩm ấy đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp tỉnh hoặc quốc gia.

Mỹ thuật hiện đại Việt Nam thường được tính bắt đầu từ đầu thế kỷ XX và đặc biệt là khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập năm 1925 ở Hà Nội. Trong số sinh viên ban đầu rất ít ỏi, Nguyễn Phan Chánh là người đầu tiên và duy nhất quê ở Hà Tĩnh và cũng là người con duy nhất của dải đất miền Trung đã thi đỗ vào trường. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh với những tác phẩm tranh lụa mà tiêu biểu là Chơi ô ăn quan không những đã làm rạng danh cho nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam trong cuộc Đấu xảo quốc tế ở Paris, Pháp năm 1931, mà còn là một vinh dự lớn lao cho giới mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là đối với mỹ thuật Hà Tĩnh. Sau này khi trở về quê nhà, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm tranh lụa được trưng bày tại Triển lãm do Hội khuyến khích Mỹ thuật và Kỹ thuật (SADEAI) tổ chức lần thứ nhất năm 1935 và Triển lãm cá nhân của ông về tranh lụa vào năm 1938 ở Hà Nội.

       Trong kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh còn vẽ tranh cổ động, truyền đơn và tổ chức các phòng tranh tuyên truyền kháng chiến tại Hà Tĩnh. Cùng thời gian đó, một số họa sĩ quê ở Hà Tĩnh vẫn gắn bó với quê hương như Hoàng Nguyên Kỳ, Lê Huy Hòa, Trần Hữu Chất, Phạm Lê Khang...

Từ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc và trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều người con Hà Tĩnh đã theo học và tốt nghiệp các trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam rồi tỏa đi công tác ở nhiều địa phương trong cả nước. Ở thế hệ này, chúng ta có thể kể tới các họa sĩ và nhà điêu khắc như Trần Khánh Chương, Trần Minh Châu, Đào Phương, Nguyễn Hồng Ngọc, Lê Huy Quang, Kiều Sỹ Khuê, Nguyễn Lệ Dung, Hoàng Nguyên Đoan, Trần Hoàng Trung... Có nhiều người đã vào chiến trường miền Nam như Trần Hữu Chất, Lê Khánh Thông... Đặc biệt, có họa sĩ Lê Anh Tuấn quê ở Hà Nam nhưng đã gắn bó cả cuộc đời mình với mỹ thuật Hà Tĩnh. Các họa sĩ và nhà điêu khắc Hà Tĩnh đã có nhiều sáng tác tranh tượng tham gia các kỳ triển lãm mỹ thuật toàn quốc, các triển lãm lớn ở trong nước và nước ngoài. Nhiều tác phẩm của thế hệ này đã được các giải thưởng mỹ thuật quốc tế, giải thưởng mỹ thuật toàn quốc... và chính họ là thế hệ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền mỹ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước và đổi mới.

       Những người con Hà Tĩnh của giới mỹ thuật trưởng thành trong công cuộc đổi mới đã tiếp bước thế hệ đàn anh, có nhiều tác phẩm xuất sắc trong các triển lãm mỹ thuật, công trình mỹ thuật. Ta có thể kể tới các họa sĩ Nguyễn Thọ Tường, Nguyễn Thanh Trúc, Nguyễn Đình Truyền, Đặng Quyết Thắng, Lê Anh Ngọc, Trần Tuyết , Nguyễn Vọng Hương, nhà điêu khắc Phạm Sinh...

       Cho đến nay, các họa sĩ có quê hương ở Hà Tĩnh đã lên đến hàng trăm người, đang sinh sống ở quê hương hoặc ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, với hơn 50 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, trong đó có sáu hội viên hiện đang sinh sống và công tác tại tỉnh Hà Tĩnh là Lê Anh Tuấn, Lê Anh Ngọc, Hoàng Hữu Trí, Võ Tá Lục, Đặng Thiện Chân, Lê Quang Thắng và 20 hội viên chuyên ngành hội mỹ thuật Hà Tĩnh.

       Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã xét tặng Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, riêng Hà Tĩnh có họa sĩ lão thành Nguyễn Phan Chánh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh từ đợt đầu. Trong số 73 tác giả mỹ thuật được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Hà Tĩnh có ba họa sĩ là Trần Khánh Chương (đợt 2) năm 2007, Lê Huy Hòa và Trần Hữu Chất (đợt 3) năm 2012. Điều này cho thấy Hà Tĩnh là một trong số ít tỉnh thành của cả nước có số lượng đáng kể các nghệ sĩ tạo hình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước.

       Để nhìn lại quá trình phát triển gần một thế kỷ của mỹ thuật hiện đại Việt Nam nói chung, mỹ thuật Hà Tĩnh nói riêng, Hội Mỹ thuật Việt Nam và Nhà xuất bản Mỹ thuật phối hợp với Hội  Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh xuất bản cuốn sách “Mỹ thuật hiện đại Hà Tĩnh”, tập hợp các tác phẩm chọn lọc của các tác giả là những người con của quê hương và những họa sĩ đã có nhiều năm cống hiến về mỹ thuật cho quê hương Hà Tĩnh.

Nhìn lại một chặng đường phát triển của mỹ thuật Hà Tĩnh, chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được và hy vọng các thế hệ tiếp theo của Hà Tĩnh sẽ tiếp tục sáng tạo để có nhiều tác phẩm xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp phát triển mỹ thuật của Hà Tĩnh và của cả nước.

                                                                        

      

. . . . .
Loading the player...