01-03-2024 - 14:43

Tập sách Dưới bóng Sao Khuê của nhà nghiên cứu Lý luận phê bình Hà Quảng

Nhà nghiên cứu Lý luận phê bình Hà Quảng, quê quán Nghi Xuân - Hà Tĩnh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội LHVHNT Hà Tĩnh chuyên ngành Lý luận – phê bình. Nhân dịp ngày Quốc tế Phụ nữa 8 -3, Văn nghệ hạnh giới thiệu bài viết Ba bài thơ đặc sắc của bậc danh y với phụ nữ được rút ra từ tập sách Dưới bóng Sao Khuê do NXB Hội nhà văn phát hành tháng 2 năm 2024 của tác giả.

 

BA BÀI THƠ ĐẶC SẮC CỦA BẬC DANH  Y VỚI PHỤ NỮ

                                                                                            Hà Quảng

 

                    Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác (1720-1791), không chỉ là danh y có cống hiến to lớn cho nền y học dân tộc, ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của thời đại. Ông sinh ở Hải Dương nhưng sống lâu và qua đời  tại Bầu Thượng (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), thọ 71 tuổi. Mộ ông nay còn nằm ở khe nước cạnh chân núi Minh Từ thuộc xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn ( Hà Tĩnh ).

                Ông có một thời sung vào muốn lập nghiệp quân, nhưng chẳng bao lâu bỏ đường quan nghiệp, về quê nhà phụng dưỡng rồi cư tang mẹ. Thời gian này ông bị một ác bệnh, may nhờ được một thầy lang chữa khỏi. Ông hâm mộ người thầy và nghề y từ đấy. Vùng đất Hương Sơn ( Núi Thơm) nhiều hoa thơm cỏ lạ, cây rừng phong phú, những ngày theo thầy đi hái lá thuốc ông thêm hiểu biết và càng yêu nghề của thầy. Ông quyết định ở lại quê nhà làm thuốc. Thời gian làm nghề ông chú ý nhiều đến các bệnh hiểm thường dẫn đến các “âm án”, trở thành một danh y thời bấy giờ.  Ông để lại nhiều công trình y học và cũng để lại nhiều tác phẩm văn chương cùng nhiều mẫu chuyện đời tư đầy lý thú.

            Nổi tiếng là thiên hồi ký Thượng kinh ký sự  được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về cả nội dung, cả thể tài và văn chương, được xem là một viên gạch nền móng cho thể loại ký sự sau này. Ttrong tập ký ở các phần, xen vào văn xuôi ông sáng tác nhiều bài thơ viết bằng chữ Hán với một phong cách chân thật, phóng khoáng mà sâu săc, có người ví như theo dòng thơ Lý, Đỗ( Lý Bạch, Đổ Phủ). Nếu phần văn thể hiện khá sinh động hiện tình xã hội, thì phần thơ bộc bạch khá rõ tâm sự cũng như nhân cách con người ông. Đặc biệt có những bài gợi nhiều ấn tượng về con người cũng như quan niệm về nghệ thuật khá mới mẻ của ông, so với người đương thời quả có nhiều cái lạ. Trong hơn mấy chục bài thơ ông để lại, có ba bài khá đặc biệt, những bài thơ có nói đến những mối tình cảm của ông với nữ nhân, những tình cảm cao thượng khác lạ không  chỉ với người đời bấy giờ mà còn cảm động cả chúng ta ngày nay.                         

                1- Lúc bấy giờ chúa Trịnh có con trai bệnh nặng, theo khởi ý của các quan mời ông về kinh. Hơn một năm sống ở kinh đô để chữa bệnh cho con trai Chúa Trịnh, ông thường lui tới giao lưu với các bậc công khanh, những kẻ sĩ . Gia  đình người bạn cũ là Hậu mã Đặng công là nơi ông hay lui tới. Con gái quan Hậu mã là Đặng Tiểu thư, một người yêu văn chương rất quí trọng ông và họ trở thành đôi bạn vong niên. Có lần cô cho ông xem một quyển thơ quốc âm ( Thơ Nôm) của một vị quan trong gia tộc từng được đưa vào nhạc phủ, tập thơ có ba mươi bài “cung oán”nói rõ nỗi niềm các cung nhân nơi phủ Chúa. Từng vào ra nơi phủ chúa ông hiểu và thấy rõ những trắc ẩn của các cung nhân ngay đến những công việc tinh tế nhất, khi đáp họa một bài thơ của Đặng tiểu thư ông đã kín đáo bày tỏ sự thông cảm của mình.  Đây là bài thơ Nôm duy nhất của ông trong tập.

                 Họa thơ Đặng tiểu thư về cung nữ

  Sáu cung thăm thẳm lọn ngày nhàn/ Một tiếng cầm ve nhặt lại khoan

Mây ruổi chẳng kinh vầng nhật xế/ Xuân về thêm tiếc cánh hoa tàn

Xiêm nghê luống buộc quên đường nhạc/  Khúc phụng ngừng tay lẫn nhịp đàn

Tự nghĩ thượng dương mai mấy tuyết/   Rạng còn mường tượng vẽ dung nhan.

                 Bài thơ bộc lộ sự quí mến của ông với tác giả tập thơ, cũng là niềm cảm thông của ông đối với các ca nương đương thời mà ông gặp trong phủ Chúa. Họ, những người có tài văn chương nghệ thuật nhưng cuộc sống cung cấm, khuôn khổ nho phong ngăn cản niềm vui sáng tạo: Xiêm nghê luống buộc quên đường nhạc/ Khúc phụng ngừng tay lẫn nhịp đàn. “Xiêm nghê” nhắc lại tích cũ những vũ khúc “Nghê thường”mà Dương Quí Phi hát múa cho  Đường  Minh Hoàng xem, “Khúc phụng” là khuc “Phượng cầu hoàng” mà Tư mã Tương Như thường đàn mê hoặc nàng Trác Văn Quân ! Cuộc sống đơn điệu, bị ràng buộc nghệ thuật khuôn sáo đó khiến những nàng không còn tự do thưởng dạo theo sở thích nên “quên đường nhạc”, “ lẫn (lỗi) nhịp đàn”, ngày tháng daọ mãi những cung đàn xưa nghệ thuật cũng tàn tạ theo người. Nhà thơ tỏ ý thông cảm thương xót cho cảm hứng, tài hoa bị gò bó, mai một theo thời gian của các ca nương “xuân về thêm tiếc cánh hoa tàn”  là vậy.  Bên cạnh bài thơ hé lộ một tư duy thẩm mỹ về nghệ thuật thật mới mẻ thời bấy giờ khi tất cả đang chìm đắm trong thi pháp cổ, học cổ là khuôn vàng thước ngọc, bỏ qua những sắc thái cá tính, ông lại nhẹ nhàng chỉ rõ cái hạn chế của thói nệ cổ đó. …"Xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định...thì là một tai hoạ. Nó triệt tiêu tự do và vô nghĩa hoá mọi giá trị cá nhân” ( Nguyễn Quang Thiều-  https://vanvn.vn/noi-doi-cung-can-phai-doi-moi/).                        

              2- Đặng tiểu thư là một cô gái mà Hải Thượng rất quí mến, có lần muốn làm  thơ tặng vị quan giúp đỡ mình trong việc xin về quê, để sát hợp gia phong vị quận hầu cũng như tình cảnh mình ông nhờ cô làm hộ bài thơ để đem tặng. Sau đó thống nhất mỗi người làm nửa bài gộp lại.

                   Thơ tặng Quận hầu

Hà nhật đắc quy yên thủy thôn/ Mang hài, trúc trượng xuất đô môn

Thư hoài, ngâm phá tam canh nguyệt/ Nhập mộng, thời văn vạn lý môn

Phương tiện tế nhân chu dữ tiếp/ Hàm hoằng tái tướng đức duy khôn

Hàm hoàn kết thảo nan vi báo/ Địa cửu thiên trường đại nghĩa tôn

Dịch:

Bao giờ về xóm nước mây/ Dép mo gậy trúc ra ngay đô thành

Thơ ngâm vầng nguyệt ba canh/ Mơ nghe muôn dặm đinh ninh những lời…

Nhờ thuyền phương tiện chở người/ Đức dày chở nặng xem tày thế khôn

Ngậm vành kết cỏ tấc son/ Còn trời còn đất hãy còn ghi ơn. (1)

               Đặng tiểu thư viết bốn câu đầu, Hải Thượng viết bốn câu sau .

Bài thơ thể hiện khá rõ  phẩm chất tâm hồn của Hải Thượng, đó là lòng biết ơn sâu xa những ai giúp đỡ mình trong cuộc sống “còn trời còn đất hãy còn ghi ơn”; thứ nữa là thể hiện tình yêu quê hương, thiên nhiên,  sự xa lánh chốn phồn hoa, danh lợi mơ “ về xóm nước mây”, “ dép mo gậy trúc” và “ thơ ngâm vầng nguyệt ba canh”. Tuy hai người viết nhưng ghép lại hoàn chỉnh một thi phẩm, một thi tài văn chương. Cái hay dở tương xứng thế nào chưa nói nhưng qua việc làm này ta thấy ở vị danh y một nhân cách văn hóa thật đẹp đẽ khác lạ và cao thượng. Sự hòa đồng thân ái một cách bình dân trong sáng tạo, trong quan hệ người làm thơ văn của ông không câu nệ tuổi tác, thứ bậc như thói thường bấy giờ, cũng không câu nệ sự tương dị về cá tính sáng tạo. Cái nhìn thẩm mỹ này về thơ ca quả rất mới, khi chúng ta trong sáng tạo hiện đại vẫn còn rất nhiều ngỡ ngàng trước những sự ghép nối  văn thơ kiểu nầy.

Tập sách Dưới bóng Sao Khuê của nhà nghiên cứu Lý luận phê bình Hà Quảng

 

          3-  Bài Gửi người tình cũ ( Tư cố nhân) là bài thơ chữ Hán ông viết nhân dịp ở kinh chữa  bệnh cho con Chúa gặp lại người xưa .

             Tư cố nhân

Vô tâm sự xuất ngộ nhân đa/ Kim nhật tương khan khổ tự ta.

Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ/ Song mâu xuân tận kiến hình hoa.

Thử sinh nguyện tác càn huynh muội/ Tái thế ưng đồ tốn thất gia.

Ngã bất phụ nhân, nhân phụ ngã/ Túng nhiên như thử nại chi hà?

Dịch

Lầm  người, sự bởi  vô tâm / Nhìn nhau nay những luống thầm thở than.

Một  cười  giọt lệ chứa chan/ Mắt trông xuân hết hoa tàn thương thay.

Anh em kết nghĩa kiếp này/ Kiếp sau cầm sắt bén dây họa là

Trót vì người phụ lòng ta/ Ôi thôi đành vậy biết là làm sao? (2)

                Khi vừa 20 tuổi,  cậu Chiêu Bảy (tên gọi của Lê Hữu Trác ngày còn trẻ) được gia đình  tiến hành  lễ “nạp thái” (tức lễ dẫn cưới) với người con gái cùng quê, người mà ngay từ khi “xem mắt” chàng đã xiêu lòng. Nhưng cuộc đời vốn chẳng chiều lòng người. Thời kỳ này giặc giả nổi lên khắp nơi. Chưa thành gia thất  ông đã  theo dòng chinh chiến xa cách người yêu, rồi lại phải làm một hành trình tít tắp vào Hương Sơn - Hà Tĩnh lo việc chăm nom rồi cư tang mẹ . Nững năm ở Hà Tĩnh  núi non cách trở, bản thân ông cũng bị bệnh chữa trị hàng năm, người con trai những năm đầu còn nhớ người con gái mình đã “đính hôn”, về  sau bị cuốn theo công việc bận rộn hằng ngày chữa bệnh cứu người, không có tin tức, chàng cũng nghĩ rằng người yêu cũ lâu không có tin mình, hẳn đã yên bề gia thất với người khác…Thời gian vùi lấp câu chuyện nghĩa tình của ông.  Mãi đến khi về kinh làm thuốc chữa bệnh trong phủ Chúa, trong một lần vãn cảnh chùa, Hải Thượng Lãn Ông tình cờ gặp lại nguời cũ. Nàng sau những ngày tháng đợi chờ bặt tin đã quy y. Cửa chùa khép lại mối tình dang dở.  Buồn, hối hận nhưng đã muộn. Và bài thơ về mối tình dang dở thời thanh niên của cậu Chiêu Bảy đã được hình thành . Bài thơ viết về mối tình sau 40 năm xa cách vẫn nồng nàn say đắm lòng người. Điểm đọng của bài thơ là “nụ cười” người cũ.

Nhất tiếu tình đa lưu lãnh lệ/ Song mâu xuân tận hiện hình hoa.

(…Nụ cười  nặng tình chứa đầy nước mắt/Đoá xuân tàn tạ vẫn còn sắc hoa…)

       Gặp lại nhau mừng vui nàng nở nụ cười. Nụ cười làm ông mãi dày vò! Dẫu tuổi xuân đã tàn nụ cười vẫn như ngày nào nhưng đẫm lệ ! Không phải ai  phụ tình  ai mà do hoàn cảnh xui nên. Mong ước chỉ dành cho kiếp sau:

 Thử sinh nguyện tác càn huynh muội/ Tái thế ưng đồ tốn thất gia.

 ( Kiếp này kết nghĩa em, anh/ Mộng chung chăn gối âu đành kiếp sau)

  Người tráng sĩ (sách ghi rõ đi đâu ông đều mang theo “nửa gánh đồ thư một bao đàn và thanh kiếm” ), nhà nho, người thầy thuốc… tất cả lùi về sau nhường cho hình ảnh người tình nhân tha thiết. Chuyện còn kể thêm, Hải Thượng muốn mời bà về Hương Sơn, xây một ngôi chùa nhỏ trong vườn nhà để bà trụ trì vui tuổi già ở đó, nhưng bà từ chối chỉ ước nếu được ông mua cho bà một cỗ quan tài bằng gỗ thơm dùng khi biệt cõi dương , vì nghe nói gỗ xứ này tốt. Sự từ chối của bà gợi cho ông nỗi buồn mà sau này ông đã gửi gắm vào bài thơ. Đọc bài thơ ta biết thêm một khía cạnh khác tâm hồn Hải Thượng.

        Mối tình sâu sắc, đằm thắm đầy tình nhân đạo rất dễ thấy, điều đáng nói là cái đặc sắc về màu sắc cá nhân, đề cao “cái tôi” của ông trong sáng tạo. Thi pháp trung đại rất kiêng đưa “cái tôi” vào tác phẩm mà chỉ nói “cái ta”. Có viết về tình yêu cá nhân cũng giấu cái tôi riêng  đằng sau cái ta chung, riêng Hải Thượng nói hẳn những cái tình riêng của mình rất tự nhiên, rất chi tiết. Đây cũng là nét lạ tuy xuất hiện không  nhiều trong  thơ ông cũng như thơ ca thời bấy giờ .

      Ba bài thơ  đã phân tích  góp phần tạo nét riêng ở tính cách bậc danh y tỏ rõ trong tình cảm cũng như trong nghệ thuật mà ta thích thú và đề cao!

 

H.Q

 

(1),(2) Trích theo bản dịch của Phan Ngọc - Thượng kinh ký sự -  NXB Hà Nội 2021             

      

 

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...