02-08-2012 - 08:57

TRẦN ĐẮC TÚC



Họ và tên: TRẦN ĐẮC TÚC

 
Sinh năm 1949.  Quê quán : Can lộc - Hà Tĩnh
Hội viên, U/v BCH, Trưởng ban văn xuôi  Hội LHVHNT Hà Tĩnh
Hội viên Hội Nhà báo VN
Nguyên Trưởng phòng Văn nghệ - Chuyên đề - Đài PTTH Hà Tĩnh.
Huân chương lao động hạng Ba
Hiện thường trú tại khối Phúc Sơn, Thị trấn Nghèn - Can lộc- Hà Tĩnh.
Điện thoại NR:  0393841265.  Di động: 0912216136
 
Tác phẩm :
Đã in:     - Mưa chuyển mùa (Tập truyện ký) - NXB Hội nhà văn 2004
Đang in: - Ngó lên dáng núi ( Ký & Tạp bút)
                - Hoa lác bẹ màu tím ( tập truyện ngắn)
Tuyển in chung :
- Truyện ngắn hay 1993- NXB Văn học và Tuần báo Văn nghệ
- Truyện ngắn chọn lọc - NXB  Hội nhà văn 1999.
- Truyện ngắn hay dành cho bạn đọc trẻ - NXB Thanh hóa 2003
 
 * Giải thưởng Văn học, báo chí:
 Giải A cuộc thi Truyện - Ký  Tạp chí Hồng Lĩnh 1994
 Giải B Giải thưởng Văn học Nguyễn Du 2000- 2005
 Nhiều giải thưởng báo chí khác
 
* Tác phẩm:
 
                   CHƠI DAO
                                                                                       
            Chúng tôi gần nhà mà xa ngõ. Ông Viện muốn sang bên tôi phải đi vòng qua ao nhà, rộng hơn một sào. Dạo trước, lối sang còn dễ, bây giờ mấy đôi vợ chồng trẻ làm nhà ngay trước cổng nhà tôi, ngõ ông Viện thành so le ra phía bìa làng. Nhà ông vì thế vắng vẻ hơn, buồn hơn. Dẫu hai nhà thân thiết với nhau nhưng cũng ít khi qua lại. Đến hồi ông được dân bầu làm xóm trưởng thì ông mới hay sang nhà tôi. Cứ cơm trưa xong, mồm ngậm chiếc tăm tre to tướng, ông hớn hở đi quanh làng. Hết vòng, ông rẽ vào nhà tôi, ngồi chuyện tào lao. Chuyện thời sự quốc tế, chuyện làm giàu của người  hàng xứ, cuối buổi lại xoay ra chuyện nhà. Làm kinh tế ở quê, theo ông nuôi cá là nhất. Nhất thả cá, nhì gá bạc. Ông thường nói vậy. Cứ ao nhà mà suy, hàng năm thu dăm ba triệu là chuyện thường. Ao sẵn rồi, giống thì chịu khó đến trại cá mà mua, nhân lực sẵn đấy, cắt cỏ bỏ xuống ao khắc thành tiền. Chỉ hiềm một nỗi bây giờ làm ăn khó, bọn bất lương hay dòm ngó ao nhà ông. Nhưng ông cũng sẽ có cách.
       Khi đến đoạn kết thúc câu chuyện, ông Viện thường đặt chiếc tăm tre lên miệng cốc nhìn tôi chằm chằm, rồi hỏi một câu “ Chú hiểu không?”. Dĩ nhiên bao giờ tôi cũng hiểu, lắm khi chẳng biết ông bắt tôi phải hiểu những gì nữa. Còn ông thì đắc ý cười khà khà, không quên nhặt cái tăm tre lên, cắm vào miệng rồi trịnh trọng ra về.
            Một trưa, sau khi đi quanh làng, ông khép vòng lượn tại nhà tôi.
            - Tôi đưa thằng Đinh làm trưởng ban bảo vệ thôn đấy, chú hiểu không? - Ông nói.
            - Đinh nào? – Tôi vội hỏi; vì làng tôi có những ba Đinh. Một Đinh giáo viên về hưu non, trạc tuổi tôi. Một nữa là thương binh. Còn một Đinh nữa mồ côi cha mẹ, nhà xế mé tây gần bờ ao nhà ông Viện, chuyên làm nghề buôn gà vịt ở chợ quê, làng vẫn quen gọi là Đinh Vịt. Ông nhìn chăm chú tôi như thử tài người tiếp chuyện, rồi cất giọng chậm rãi, điệu bộ quan trọng hệt đang ra quyết định bổ nhiệm một ông bộ trưởng:
            - Thằng Đinh Vịt.
            - Nhưng Đinh Vịt là chúa ăn cắp, nó rượu chè, ngổ ngáo thì bảo vệ ai? Tôi ngạc nhiên thực sự. Ông Viện dứ dứ cái tăm tre trước mặt tôi:
            - Chú còn non lắm. Sao mà tôi lại không biết nó. Có điều thằng này ngoài cái liều lĩnh ra, nó cũng nói năng lý sự đâu ra đấy. Chú không biết là bọn trộm vặt làng này sợ nó một phép ư? Nó mà làm đầu lĩnh thì bọn kia phải nghe theo ngay. Ta phải dĩ độc trị độc chứ. Thời buổi này phải có anh mất dạy để trị anh mất dạy, cứ cứng tay mà dùng thì càng có lợi chứ sao. Nói cho kiệt lý thì cái tôi cần lại là cái ngổ ngáo của nó đấy. Chú hiểu không?
            Lần này, thú thật tôi không thể hiểu ông, dẫu rằng tôi vẫn gật đầu như thường lệ. Trong một lần khác tôi đưa những băn khoăn của mình ra gặng ông Viện. Ông đã cười khà khà một tràng “ Chú yên trí, tôi là người biết chơi dao. Chú hiểu không”?
        Như để dẹp những nghi ngại của tôi, từ sau bữa có loa tay trên ngọn xoan trước ngõ thông báo việc anh Đinh từ nay nhậm chức trưởng ban bảo vệ thì quả nhiên làng có thưa đi những vụ mất trộm. Mấy thằng choai cấc láo trong làng nhìn anh cả Đinh Vịt như nhìn chúa sơn lâm. Đứa nào đứa ấy đi đứng có vẻ khép nép, kính cẩn. Cũng hằng trưa, ông Viện sang nhà tôi, trong câu chuyện thường ngày, lại có thêm tiết mục biểu dương anh Đinh Vịt. Ông hết khen Đinh Vịt giỏi cai trị bọn đàn em, lại quay sang tự khen mình có tài dùng người. Ông thật sự đắc ý với việc lấy độc trị độc mà ông coi như mình là người phát kiến. Nhìn cách ông thong thả đặt cái tăm tre to tổ bố trên miệng cốc, giọng nói oang oang, khuôn mặt to bè đỏ lừ vì rượu rắn, tôi thấy ông sang quá, mãn nguyện quá. Tôi gật đầu lia lịa trước câu hỏi “Chú hiểu không” của ông. Còn ông khi nhặt cái tăm tre lên, thường cươì khà khà, rất điệu. Có hôm, tôi về muộn nghe vợ con mách ông Viện sang chơi, có dẫn theo Đinh Vịt. Vợ tôi thường ngày lặng lẽ, thế nhưng khi kể lại cách Đinh Vịt lễ phép, một chị một em, cô ấy đã cười nhắm mắt nhắm mũi. Còn thằng con lớn của tôi thì buông ngay một  câu sặc mùi  chưởng Hồng Kông “Ba không biết thì thôi, chú Đinh Vịt giờ là vệ sĩ của đại ca Viện đấy”.
            Bẵng đi một dạo không thấy ông Viện sang chơi. Thường đúng trưa tôi nghe từ phía nhà ông ồn ào tiếng người lạ. Hôm thì tiếng trẻ em vừa khóc lóc, vừa kể lể, hôm thì tiếng chao chát của đám con gái, bà già. Có lần, tôi nghe rõ tiếng ông Na người ngoài Bắc lấy vợ giáo viên ở bên đồng Vạc:
            - Trâu tôi ăn cỏ trên bờ, thế mà đồng chí ấy lại bảo ăn lúa. Tôi hỏi  ăn lúa ở ruộng nào, thì đồng chí bảo vệ không trả lời, cứ nằng nặc đòi đưa năm ngàn thì cho chuộc. Rồi cầm thừng dắt trâu đi. Sao lại có chuyện chuộc ở đây?
            Thôi đúng rồi, thằng Đinh bắt trâu bò hàng xứ, gán cho cái tội phá lúa hợp tác, rồi bắt nộp tiền chuộc, một cách làm ăn mới của Đinh Vịt đây ! Thảo nào đi qua nhà nó, thấy quanh gốc xoan trước ngõ, hôm nào cũng có vài con trâu, bò bị buộc sát mũi. Ngõ nhà Đinh thành nơi tạm giam của trâu bò. Không biết tiền chuộc Đinh nộp cho ai, chỉ biết dạo này chiều chiều Đinh mặt mũi phởn phơ, đĩnh đạc đi ra từ nhà bà Tám béo.
       Một bận ông Viện sang nhà tôi, theo sát gót ông là hai vợ chồng thầy giáo Tứ. Ông giáo gầy còm, giận run lên, mặt tái ngắt. Bà vợ mặt mũi lại đỏ gay. Chẳng chào hỏi gì tôi mặc dầu tôi là người quen của họ, ông giáo nói một thôi một thốc:
            - Báo cáo ông xóm trưởng, thế này thì quá lắm. Ai đời cán bộ bảo vệ xóm các ông ban ngày ban mặt vào chuồng nhà tôi bắt gà. Anh ta chỉ vào con gà trống thiến của tôi đang nhốt, mà nói rằng con gà này hay ra phá lúa. Anh ta nói anh ta để ý rồi, giờ không bắt thì tý nữa nó lại ra phá. Vợ chồng tôi nói hết lời, anh ta cũng không thả, đòi chuộc hai chục ngàn. Tôi đề nghị xóm giải quyết thế nào, chứ cứ đà này thì mấy gia đình giáo viên xóm Mới chúng tôi sống sao được. Xóm mà không giải quyết thì tôi lên huyện.
 Bà vợ ông giáo giật mạnh áo chồng:
            - Thôi ông. Cứ coi như con gà cáo tha. Mình rầy rà với nó đêm nó choảng cho vài viên gạch, lại chẳng vỡ ngói chết người thì gà qué thấm vào đâu. – Vừa nói, bà vừa kéo áo chồng. Bỏ mặc vợ chồng ông giáo co kéo nhau ở nhà tôi, ông Viện lật đật đi ra như người trốn nợ.
            Mấy hôm liền, vẫn có tiếng người xáo xác bên nhà ông Viện. Tiếng kêu kiện cứ to nhỏ, ồn ĩ vọng sang nhà tôi. Một lần vào giữa trưa, có tiếng xe con phanh kít trước ngõ nhà ôngViện. Xe đi, ông vạch rào chui sang nhà tôi, hổn hển:
            - Chém cha cái thằng Đinh Vịt. Nó đào rãnh trước cổng làng, ngăn xe qua lại để lấy tiền. Mấy bận nó ngăn bọn xe tải, tôi đã bảo nó, nó cứ nhe răng ra. Ai dè hôm nay nó ngăn phải xe ông chủ tịch huyện. Thật hết chỗ nói. Tôi phải bãi chức thằng này mới được. Cứ để nó thì có ngày mắc vạ to.
            Nói xong ông bươn bả ra về. Chiều ấy tôi ra mua bao thuốc lá ở quán bà Tám béo đã thấy Đinh Vịt đang tính toán sổ sách gì đó. Liếc xéo tôi, Đinh vịt nói với Tám béo giọng mát mẻ:
            - ả lo chi. Em trả hết cho ả. Em mà thôi bảo vệ a, còn lâu! có thông báo, có quyết định hẳn hoi chứ có phải kiến tha em lên làm bảo vệ đâu ạ ạ?!
Tiếng “ạ” Đinh Vịt kéo dài như diễn viên trên sân khấu. Rồi đột nhiên, đổi mặt, nó nghênh ra phía nhà ông Viện chửi đổng: - Mẹ nó chứ, tao mà không làm bảo vệ thì ao cá nhà nó ai giữ thuốc sâu cho”?
            Hỏng. Hỏng to rồi. Tôi nghĩ ngay đến cái ao cá ông Viện. Tôi thấy lạnh sống lưng khi nghe thằng Đinh đổi giọng. Nhớ lại cách đây vài năm, nghe người làng đồn Đinh có mẹo lừa người mua vịt, tôi đã tìm cách quan sát nó lừa ra sao.  Thì ra nó có buôn vịt thật. Những con vịt nhà nó nuôi  thuộc loại vịt cỏ, nhỏ mà gầy, còn những con nó mua buôn thì to béo. Cứ một con béo nó buộc một con gầy. Gặp người lạ nó mời chào đon đả, dẻo quẹo. Người mua dại dột, thò tay vào lôi con béo, tức thì kéo theo con gầy. Bằng cách rút múi dây thật khéo, con nhỏ sẽ chạy được ngay. Nó làm bộ đuổi theo, nhưng chỗ nó ngồi lại tiện cho con vịt chạy trốn. Thế là, sau một vài bước chân nó quay lại bắt người kia trả tiền hai con vịt. Những lúc đó tiếng nó rít lên, sắc lạnh. Nó lật mặt trơn tuột, làm người mua đành xỉa tiền mà trả rồi đi cho nhanh. Tan chợ những con vịt của nó lại quen đường về. Tôi đã rất tinh ý mà cũng không sao phát hiện được cái thần tình của nút buộc. ấn tượng làm tôi nhớ mãi trong những lần quan sát, ấy là lúc nó đổi mặt. Từ con người ra bộ hiền lành, lắc một cái đã hoá thành con thú. Nhớ đến đó tôi thật sự thấy lo cho ông Viện. Tôi vạch rào sang nhà ông cấp báo. Ông Viện nghe, mặt thừ ra nghĩ ngợi. Nhìn khuôn mặt ông buồn rười rượi tôi chẳng dám ngồi lâu .
Từ buổi đó ông Viện ít sang nhà tôi vào buổi trưa với cái tăm tre trên miệng. Một lần tôi hỏi, bà vợ cho hay đêm nào ông cũng thức để canh ao cá. Ông phải canh chừng sự phá hoại của thằng người mà ông trao quyền cho. Tuy ông không sang nhưng những thành tích bất hảo của Định Vịt tôi đều biết. Thứ thì do vợ con kể, thứ thì nghe qua đám người trưa nào cũng bù lu bù loa bên nhà ông. Rồi như có một thoả thuận ngầm sao đó, dạo này bọn choai choai càng thấy lộng hành. Định Vịt ngang nhiên đêm đêm tụ tập bọn đàn em  chè chén. Nhiều phi vụ táo tợn đã xẩy ra. Thành tích nổi bật của chúng trong đợt này là tiêu diệt được con vện to như con bẹc giê của nhà ông Viện. Ông Viện biết mất chó song đành im. Nói gì khi không chứng cớ. Mà chẳng nhẽ lại trao đổi cùng Định Vịt, hoá ra mình vẫn công nhận nó làm bảo vệ hay sao ? Tôi bàn với ông lên báo với công an huyện. Ông không nghe, cho việc này là nhiêu khê. Ai người ta lại cất công tìm dấu tích con chó cho mình. Ông đi đến quyết định tiếp tục dùng thằng Định Vịt, ông nói bằng giọng tuy không được phần hùng dũng như lần trước, nhưng không kém phần kiên quyết: "Tôi vẫn tiếp tục cuộc chơi, chú hiểu không?". Ngoài mặt thì vậy nhưng trong bụng ông lo lắm. Người làng sợ nó ít, riêng ông sợ nó nhiều. Gặp ông dịp này, thấy ông tóp đi, hàm răng như vẩu, đôi mắt thiếu ngủ đục ngầu. Tôi hỏi ông đã ban hành quyết định bãi chức định Đinh Vịt chưa ? ông buồn bã lắc đầu không nói.
            Mấy bữa nay trời mưa lớn. Mưa như vuốt tuột ngói xuống, như cầm vò mà trút. Đang buồn vì nỗi mưa to, nhà tối, tôi chợt thấy ông Viện đội mưa đi vào. Tôi mở rộng cửa, kéo ghế mời ông ngồi. Ông ngăn lại :
            - Thôi khỏi! tôi ra trạm xá xem thằng Định Vịt sống chết thế nào. Nhờ chú trông phía ao bên này, xem cá có nhảy ra thì gọi con lớn nhà tôi với.
- Thằng Định Vịt làm sao ?
- Thằng này càn rỡ. Thấy mưa to tưởng mất điện, nó mò ra sau trạm cắt trộm dây. Điện giật nó rơi xuống đống đá. Có lẽ chết. Nó chết đi cho làng nhờ !
Ông cứ đứng dưới mưa tầm tã. Khuôn mặt ông tươi tỉnh hẳn ra. Ông đội một chiếc nón lá mới, làm cho nước da thêm phần trắng trẻo, ánh mắt thì vui mừng không dấu được. Đã bước được mấy bước, ông còn ngoái lại cười với tôi.
Chừng giập bã trầu đã thấy ông quay lại. Ông bước vào, gỡ tơi nón ra một cách chậm chạp, mệt mỏi. Khuôn mặt ông tái ngắt. Tôi vội hỏi thằng Đinh Vịt sống chết thế nào. Ông trả lời, giọng ngàn ngạt như người phải cảm:
- Nó chẳng làm sao cả, về nhà rồi!
Nói xong, ông thả phịch người xuống ghế. Tôi giật mình khi nhìn vào cặp mắt lâu ngày thiếu ngủ của ông. Cặp mắt đờ đẫn vô hồn như mắt người chết. ở gần ông bao năm, lần này là lần đầu tiên tôi không nỡ nhìn lâu vào mắt ông./.
 
HOA LÁC BẸ MÀU TÍM
                                                      
        Cuối cùng thì anh cũng tự bằng lòng với nơi ở đã chọn được qua mấy  ngày hỏi dò thuê mướn. Người cho thuê cũng trạc tuổi anh, cũng độc thân và bí hiểm như ngôi nhà nửa lều nửa quán của anh ta. Hai gian nhà  lợp ngói  đỏ chót, cột kèo bằng tre, bốn phía không xây mà chỉ quây bằng đất nện, nằm sát nhà xác bệnh viện tỉnh, từ xa nhìn, hệt  anh chàng mặc áo vét quần cộc. Sát đầu hồi là một con ngòi, nước đen ngòm chảy ra từ  phía những người mặc áo choàng trắng. Một gian được cơi thêm tấm phên nứa to vừa làm giàn che nắng, vừa làm nơi trông, rửa xe đạp, xe máy. Gian thứ hai được nống dài ra dùng làm bếp, tắm rửa giặt giũ. Anh được thuê phía sau với cái giá "cứ ở thử, trả được bao nhiêu thì trả". Anh mừng quá, nhưng lại hơi chợn chợn.Cho người ta thuê mà cứ tưng tửng.  Để chắc ăn, anh còn lòng vòng ở cái thị xã  nhỏ bé heo hút này hỏi dò. Không biết được gì nhiều ngoài cái tên của ông chủ là Ngoãn, còn gọi là Ngoãn râu vừa nuôi vợ vừa trông nhà xác. Người đàn bà bán vé số trước cổng bệnh viện còn cho anh biết thêm "Ngoãn râu hâm tỷ độ". Thây kệ, ở với người hâm có khi lại tốt.
Anh quả quyết xách ba lô, lách qua mấy chiếc xe đạp, xe máy để lộn xộn dưới giàn che nắng, thả phịch mông xuống mặt chiếc hòm gỗ đựng đồ lề sửa xe đã nhẵn lỳ dầu mỡ. Cái miệng râu ria hỏi:
 - Ông tên chi ?
 - Tre !
 - Tên lạ rứa ?
 ....
 - Có định ở đây lâu không ?
 - Cũng chưa biết...
Khuôn mặt đầy râu quay đi, chỉ tay xuống chiếc chõng tre kê phía sau. Anh nhìn theo, lấy làm mừng vì thủ tục nhập cư khá đơn giản, không phải trả lời các câu lục vấn, đại loại  quê ở đâu, vào đây làm gì ?... Lại mừng hơn khi nhìn thấy chiếc chõng Ngoãn cho anh ngủ được kê cạnh cửa sổ. Qua những chấn song bằng tre vót nhẵn lì, anh có thể nhìn sang lối vào bệnh viện như ngồi trong bót gác. Không còn mong có được nơi tốt hơn, anh thở phào rồi thả soài người xuống mặt chõng, mặc Ngoãn râu lúi húi ở gian ngoài. Đã lâu anh mới thấy nhẹ mình đến thế.
Anh quê ở xứ đạo ngoài Bắc, một tháng tuổi mẹ gửi anh để vào với nước Chúa phía Nam. Nhà thờ không làm phép cưới cho con chiên lấy người ngoại đạo. Lại không ai có thể tha thứ cho phút giây buông thả. Mẹ lén lút sinh anh ở nhà thương làm phúc rồi  gửi người họ xa nuôi hộ. Bố cũng không dám lộ mặt cho tới ngày người bà con nhắn ông xuống. Bố đón anh trên tay với quyết tâm không được phép cũng cưới. Nhưng mẹ thiếu can đảm đã lên tàu Hải Phòng kịp chuyến cuối vào Nam. Bố vốn ít lời nhưng hễ tới khi bồng anh đi bú chực cứ lẩm bẩm luôn mồm. Chẳng biết ông lẩm bẩm những gì, với ai. Bố đặt tên là Tre, Trần Văn Tre. Tre lớn vỗng lên, tựa hồ sữa thập phương đã góp cho anh sức của nhiều người. Vồng ngực nở cứ như cái mâm đồng, những gióng tay, gióng chân xoắn căng từng múi thịt. Gái làng khối cô mê anh. Nhưng phải cái, anh ít nói quá thể. Có phải anh khinh người không thì đố ai biết. Chỉ thấy anh già hơn khối chàng cùng lứa. Cứ ngỡ thời măng tơ của anh đã trốn biệt tăm tích. Tre lộc ngộc hệt cây cụt ngọn.
''.... Răng ông lại tên Tre ? Răng không đặt là Giang là Nứa, là Vầu ? Tre... tre... thêm dấu hỏi vào có phải hay hơn không ?!".
Viên giám đốc xí nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô nơi anh làm bảo vệ đang cao hứng vì men rượu, mặt đỏ phừng phừng  cứ cười cười mà đay đi đay lại. Hễ  lần nào xí nghiệp liên hoan, có dịp cụng ly là thế nào  Giám đốc cũng nhè  cái tên cúng cơm của anh mà răng răng rứa rứa mãi. Lão này giống cha đại đội  trưởng đặc công của anh, cứ mỗi  lần đánh trận trở về, thế nào  cũng ôm chặt lấy anh, riết lấy riết để mà xuýt xoa "Tre rứa mới là Tre chứ".
Tên anh đã trở thành đầu để trong nhiều buổi nhậu, nhiều câu chuyện tiếu lâm của đại đội. Anh không lấy làm điều, lắm khi còn hăng hái cười theo. Ấy vậy mà đến tay Giám đốc này thì anh khó chịu ra mặt mỗi khi tên mình bị đưa ra đàm tiếu. Tre uống cạn chén rượu vừa cụng với Giám đốc,  mặt không biến sắc, nuốt luôn cả câu trả lời. Chỉ có Tháo, đội phó bảo vệ, đồng hương Giám đốc là hùa hớt:
- Báo cáo anh, tên đẹp đấy chứ. Tre đực thì hết chê. Bọn trộm cắp mà bị một cú gậy tre đặc ruột thì cứ gọi là bỏ bố.
Tháo rót một chén rượu đưa cho anh: "Uống đi, mấy khi Giám đốc chiêu đãi"...  Tre không nói, lẳng lặng cầm chén ngửa cổ dốc tuột. Tháo lại rót một chén nữa, anh chưa kịp  chối thì có người vỗ vào vai nặng trịch: "Nì, uống thì cứ uống nhưng lo mà giữ trộm. Muốn Tre muốn Giang chi cũng  được, nhưng việc không tròn thì Tre đực cũng cứ phải chẻ" !.
Viên Giám đốc nói giọng  khu Tư đặc sệt, ghé sát tai anh riết róng. Da cổ anh nhồn nhột, giống như lúc bé ngủ ngoài đồng bị bò liếm mặt. Tre không nhìn trả, lẳng lặng đặt chén xuống, về thẳng. Chén rượu Tháo rót  còn nguyên, một con ruồi sa xuống, nổi lêu bều. Tháo nhìn hút theo: "Hê, Tre đực không uống hết. Ruồi sa chén đây này, có lộc, có lộc..."
Tre vào phòng, đang tháo giày thì Tháo vào theo. Tay xách chai, miệng dẻo quẹo: "Uống  tiếp, kệ Giám đốc, họ uống nhiều chứ ta được bao nhiêu". Cơn giận trong đầu anh chợt bùng lên. Làm đội trưởng bảo vệ được ba năm đã gồng lên, chịu ít ăn, ít uống, ít ngủ.  Luôn luôn cứ  phải canh chừng. Mà sao cái xí nghiệp này trộm cắp lại lắm quá thế. Tháng nào cũng có vụ mất trộm, tuần nào cũng có vụ  mất trộm. Khi qủa nén, khi xăng dầu, nhưng nguy hại nhất là mất Niken, thứ phụ gia làm quả nén. Loại nguyên liệu nhập  ngoại  này ngoài thị trường tự do đắt lắm, bởi mấy ông chủ hoá mạ mua với giá chóng mặt. Một miếng bằng bàn tay cho vào túi áo lông, qua cổng, đẩy cho dãy hàng ăn là đã bằng lương tháng của anh. Tre đau đầu, không tài nào rình được hết, không sao biết  được trong dãy dài công nhân tan tầm, anh ả nào dấu Niken trong áo. Ngày còn ở lính, anh khoẻ re. Giặc thì rõ rồi, gặp là đánh, ta với giặc cứ rạch ròi như ngày với đêm. Đằng này thật giả lẫn lộn, chẳng biết ai bụt, ai ma. Tre còn nhớ tay Ngàn, đốc công xưởng đúc, mấy năm chiến sỹ thi đua, cả ngành cơ khí đang phát động phong trào học tập gương sáng Lê Văn Ngàn, đùng một cái, Công an kinh tế thủ đô đi xe ba bánh về còng tay số tám đưa vào Hoả lò. Hoá ra hắn là trùm trộm Nhôm, Nike, đám tay chân còn có một gã lái xe con cho Giám đốc, ba ả kế toán thủ quỹ kho vật tư. Hú vía ! May sao xí nghiệp còn chưa xây dựng hắn thành  Anh hùng lao động. Rồi đến vụ con trai ông Giám đốc cũ, đi lao động xuất khẩu ở Liên Xô về mới vào cơ quan cũng bị Công an bắt vì đã thông đồng  với thủ kho, sửa hoá đơn lấy Niken bán cho lò mạ kền tư phố Huế. Riêng Tre  cũng đã tự mình bắt được hàng chục vụ,  khi thì mấy chị chàng xe phôi giấu dưới thùng vài quả nén, khi thì vài tay thợ tiện giắt cạp quần ít mảnh hợp kim. Đa phần, nếu chỉ có mỗi mình trong phiên trực thì anh đều chỉ bắt họ trả lại mà không lập biên bản. Bữa nào có thêm Tháo hoặc ai đó, anh mới phải đụng đến giấy tờ. Trộm cắp vặt xẩy ra hàng ngày, đội bảo vệ  của Tre cứ bị kiểm điểm lên xuống.
Khi ông Giám đốc già hạ cánh, ông trẻ người khu Tư thay thế. Ông Hai tám tám (cánh công nhân cứ kháo thế về nghị định giao quyền  cho ông) hắc xì dầu chính hiệu, một cách chức, hai đuổi việc, không bộ tứ, bộ ngũ  gì hết ráo. Tre đã bị doạ chẻ đến mấy lần. Anh tức lắm. ừ, thì làm không xong, không tròn bị đuổi cũng đành một nhẽ. Đằng này anh đã phải sục suốt ngày đêm, bất kể nắng mưa, trưa chiều, hễ có động là anh em lại dựng Tre dậy. Chính phòng ở như cái bốt canh đã là nơi giam Tre cả ngày lễ, chủ nhật. Vậy mà tay Giám đốc cỡ tuổi em út Tre, hễ cứ mở miệng là giảm biên, làthôi việc. Anh cố nhịn. Ôi dào, đạn bom chiến trường còn chả ngán thì sá gì những chuyện vụn ở đây. Anh chỉ tự tức mình không hiểu sao nhiều vụ đã chủ động giăng bẫy, đợi lũ trộm hành sự là tóm, nhưng chúng vẫn thoát. Có bận Tre phát hiện ai đó giấu Niken dưới đống phoi xưởng Tiện. Anh bàn với Tháo kế hoạch mai phục. Tre cầm chắc sẽ bắt được kẻ gian, nhưng rồi bằng cách nào đó bọn trộm cũng lấy được đồ ăn cắp mang đi. Anh tức đến nghẹt thở, không dám hở chuyện với ai. Chỉ có Tháo là biết cảm thông. Chai rượu Tháo mang đến lúc này làm đầy thêm những ấm ức trong anh. Tre tặc lưỡi. Uống. Ông Hai tám támcũng đã xây nhà tầng ở xí nghiệp, mua được nhà riêng ở Hà nội, còn anh với Tháo đây là lũ tốt đen; được mất là cái quái gì.
Khi anh tỉnh dậy, đồng hồ đã chỉ 3 giờ sáng, quá phiên trực bốn tiếng đồng hồ. Tre vội vã lắp pin vào đèn, không kịp buộc quai giày, cứ hướng kho vật tư mà quáng quàng chạy tới. Dãy đèn cao áp ở đường trục không sáng, nhưng đèn trong ba phân xưởng tạo phôi còn đỏ. Phía xưởng đúc, lác đác bóng thợ đốt lò đến sớm để chuẩn bị phôi cho ca ngày. Tiếng quạt gió ù ù như xay lúa. Đèn cổng chính vẫn sáng, bóng mấy người đi lại ở phòng trực làm anh yên tâm. Men theo bóng bức tường phía sau, Tre tiến lại kho vật tư nơi mình đặc trách nhận phần bảo vệ. Chợt anh giật thót người. Tấm cửa sắt cổng sau đã mở một lối vừa đủ rộng để chiếc xe ba gác có thể lọt qua. Tre lập cập sờ vào túi mình. Dây đeo chùm chìa khoá vẫn dính chặt vào thắt lưng càng làm anh hốt hoảng. Tiến thêm vài bước, bằng một động tác gọn, một tay kéo cửa sắt đóng lại, một tay với bật công tắc. Dãy đèn kho bật sáng. Không có ai. Bước thêm vài bước, anh khựng lại như bị chôn chân, tay dụi mắt liên tục. Hai tấn rưỡi Niken vừa nhập kho hôm kia giờ đã không cánh mà bay. Gian kho trống trênh rợn người. Không còn hồn vía nào kiểm tra các thứ khác, anh vọt ra ngoài. Những dãy nhà xưởng lợp tôn xám với vô vàn ô kính cứ bình thản chọc vào mắt. Tiếng quạt gió u u từ xa nghe như âm phủ vọng đến.
Trong phòng trực, kíp bảo vệ đêm đủ mặt. Không thấy đội phó Tháo  ở đâu.  Tre hối hả ra lệnh cho anh em tản ra các hướng, còn mình sẽ đến dãy quán ăn trước bến xe. Chợt anh thấy lạnh lưng. Giám đốc đã đến sau lưng anh từ bao giờ, chắc đã biết vụ mất trộm. Tre luống cuống tường trình lại sự việc. Viên Giám đốc mặt hết tái lại đỏ lựng như say rượu, không nói một lời, rảo bước lên  phòng. Anh lẽo đẽo theo sau. Lão không thèm nhìn Tre, cúi mặt thổi bụi ở ghế, nói xuống đất: "Anh đi làm việc với  công an phường. Không phải báo cáo  nữa". Rồi khoát tay xua ra.
Liên tiếp mấy ngày sau đó, anh phải ngồi ở công an phường viết tường trình. Tờ khai nào cũng không đạt yêu cầu. Không ai chấp nhận cho anh việc  vắng mặt vì quá chén. Tre phát khùng, xé tờ giấy tường trình cuối cùng trước mặt tay công an kinh tế trạc tuổi cháu. Chiều đó, người ta còng tay anh cùng với Tháo về trại tạm giam để chờ điều tra. Mấy ngày sau, Tháo được tha, còn anh đã phải ở trại đến gần bốn tháng. Ra trại, Tre được biết, công an không tìm được chứng cớ phạm tội ở anh, còn xí nghiệp thì thừa đủ thời gian để giám đốc thải hồi viên đội trưởng bảo vệ vi phạm kỷ luật lao động. Nhặt nhạnh trong phòng ở những đồ dùng thời lính còn sót lại, anh ra khỏi xí nghiệp với tâm trạng rối bời. Về quê thì không ổn rồi, hồi còn sống, bố Tre hy vọng  ở anh những điều tốt đẹp.Ông cụ không thể nào hình dung một thằng con từng là đặc công với nhiều công tích giờ lại bị thải hồi. Tre tha thẩn, loanh quanh  mất một ngày mới nhận lời về ăn tối với Na, một ả lao công  làm nghề đổ phoi đã có lần ăn cắp nhôm, anh bắt trả mà không lập biên bản.  Bữa cơm  rượu đãi ân nhân đã đến độ dài làm chín  nẫu khuôn mặt lấm chấm tàn nhang của  Na. Na thì thào với anh mọi chuyện. Rằng lâu nay  mọi người đều nghi Tre thông đồng với bọn trộm. Rằng lão Hai tám tám  muốn sa thải Tre từ lâu nhưng chỉ ngại anh là đặc công. Cặp vú dài thõng cứ quệt qua quệt lại trên vai, trên lưng anh nặng nặng. Đầu óc Tre căng ra, nhoẹt nhoè khi nghe kể chuyện Tháo. Thằng khốn đã bỏ về quê. Thằng phản bạn lừa thầy lâu nay anh hết lòng tin tưởng đã bán bạn lấy mấy chục cây vàng. Giọng Na cứ lào thào bên tai, còn tay thì sục sạo trên người anh. Tre cứ nguội ngắt như khối đá. Từ thẳm sâu trong tim óc, trong li  ti huyết quản lời thề của anh cứ vang lên. Không tìm ra thằng phản bội thì không phải là anh, là Tre. Cái tên bố đặt cho không chỉ để mà đùa.
Suốt đêm anh thức trắng, không hề chợp mắt lấy một giây, sáng rõ mặt người là soạn xong hành lý. Na đưa thêm cho một khoản tiền đi đường gói trong một chiếc khăn thêu  màu tím với tràng dài câu xin lỗi. Tre lúng búng nào Na có lỗi gì  đâu, với lại anh đang nợ Na là đằng khác. Khoản tiền, tất nhiên anh sẽ trả, lại còn... Lần đầu tiên  trong đời, Tre trịnh trọng hứa  thành lời. Cũng là lần đầu tiên  anh đang tìm cách giăng  bẫy để sập  một con mồi  mà mình đã biết rõ hình dung. Cả đêm qua, anh đã vạch xong kế hoạch. Phải, anh sẽ tìm đến nơi mà hễ là người thì trước sau đều đến đó. Cái thằng phản bạn cũng chẳng thoát được quy luật  này đâu.
Ngày đầu tiên ở nhà Ngoãn râu là một ngày son với anh. Mới sáng ra mà mặt trời đã rọi khắp nhà, tươi rói. Giàn che nắng nhẹ tênh, cao hơn, gió từ biển thoang thoảng từng cơn dấp dính  phên nứa. Tre đã dậy từ lâu song chưa  muốn khoác lên mình  tấm áo lính sờn bạc. Tre  để trần, xoay  mình bốn phía  như hong gió. Ngoãn đưa cặp mắt thán phục lướt trên những bắp thịt  cuồn cuộn  ở ngực, ở lưng anh  rồi dán chặt vào lườn người khách trọ. ở đó, những búi cơ của Tre gồ lên như vú chuông đồng. Đợi anh mặc xong áo quần, Ngoãn mới đẩy xe  đạp ra ngoài  đường, sau khi  đã để lại đầy đủ dụng cụ hành nghề. Tre muốn nói một câu gì đó để  biểu lộ lòng cảm ơn  về sự tin cậy của người chủ trọ, nhưng Ngoãn đã lạnh bơ mà đi ra.
Đầu buổi, có hai khách sửa xe đạp, anh được trả công năm ngàn. Tiếp đó là khách gửi xe máy. Lai rai như  thế, ngày công  đầu tiên cũng không đến nỗi nào. Nhọ mặt người, Ngoãn mới về. Tre đưa số tiền kiếm được, Ngoãn không nhận, lầu bầu những điều gì đó, anh nghe không ra, chỉ rõ một câu, rằng trông xe máy phải cẩn thận, mất là chết. Chưa tàn chuyện Ngoãn đã lại  xắm nắm xách túi đi. Tre nghe câu được câu chăng, trong đầu còn lâng lâng thanh thản. Cứ  đà này còn trụ lại đất này được lâu, đến cái ngày con mồi phải đút cổ  vào lưới  mà anh đã giăng trên bãi đời. Hắn sẽ phải giãy dụa trong tay Tre. Giết hắn; không,  anh không làm điều đó. Tre vốn ghét sự giết chóc. ở lính mười lăm năm anh đã biết thế nào là cái chết, chán ngán rồi.  Những thằng Mỹ, thằng Nam Hàn to cộ anh đã từng bóp ngoéo trong thế võ của mình, nhưng với thằng nguỵ nhỏ thó, thì thực lòng Tre không muốn giết, dẫu biết rằng không giết nó thì nó sẵn sàng giết anh. Chả thế mà trong những trận đánh với lũ Mỹ, lũ chư hầu, Tre luôn luôn là người được biểu dương ... Còn với nguỵ quân, ở trong anh  thường xuất hiện ý nghĩ khinh thường không đếm xỉa. Tre không nói ra mồm nhưng có lẽ anh  đã có ý tự cao. Điều đó  không tốt, điều đó cản trở đường binh nghiệp của Tre. Hồi còn ở đoàn huấn luyện đặc biệt, ròng rã hàng năm anh đã háo hức nhập tâm từng thế võ hiểm,  nhưng khi thực hành báo cáo tốt nghiệp, Tre chỉ đạt điểm trung bình. Dường như trước mặt anh lúc đó không có đối thủ xứng tầm. Tre từng có ngầm ý  khinh những ai chưa bơi qua mười cây số  trên biển quê, chưa cày hết ba sào ruộng trước khi mặt trời mọc với con trâu đực sừng cui lực lưỡng, khi tháo ách ra lê không nổi qua bờ.  Ở lính, anh khinh những kẻ hèn  không đáng tầm vậy mà hay khoe mẽ tâng công.  Khi về xí nghiệp, anh khinh bọn ăn cắp vặt, khinh tay Giám đốc trẻ Hai tám tám mặt non choẹt ở đâu nhảy về mà làm như ông tướng... Tre khinh hắn, cái thằng Tháo làm phó cho anh mà luôn khúm núm  rụt rè. Tre tin rằng  mình khoẻ, chẳng sợ ai, sợ gì. Tre không nói ra mồm nên không ai biết, anh cũng có tính cao ngạo, coi thường người khác. Khi xuất ngũ, chẳng có thêm được đặc ân, anh coi là sự thường, làm bảo vệ không hoàn thành nhiệm vụ, bị bắt giam. Tre phục  tùng. Nhưng tới khi ra tù, biết mình bị phản bội, anh giận đến sôi gan. Thằng Tháo mà dám khinh anh ư, chỉ nghĩ đến đó thôi là Tre thấy ngực mình sắp vỡ tung. Tre không  chịu được sự phản bội, giống như bố từng phát nguyện sau ngày anh nhập ngũ để lên chùa: không thể sống chung loài bội ước. Tre thương bố, nhớ bố mà không biết  được ông náu ở phương nào.  Trong cơn khoái cảm  của người đi đặt bẫy, anh bất giác bật thành lời: "Con sẽ bắt được thằng phản bội".
Liên tiếp nhiều ngày sau, mọi sự đều suôn sẻ, anh mừng lắm. Mỗi sáng  Ngoãn vẫn đi làm đúng giờ, còn anh thì xa xẩn ngó chừng cổng bệnh viện  rồi cóp nhóp, khi vá chiếc săm thủng, khi lơ đãng nghe chuyện mấy người  nhà bệnh nhân. Riêng với người đàn bà bán vé số thì anh đã có phần thân quen. Cắp chiếc thúng  với chiếc  làn nhựa  nhỏ đậy ở trên, sáng nào Lê (anh đã biết được tên người đàn bà) cũng đi qua ngõ với câu nửa chào nửa hỏi  trống không. Lão hâm đi rồi à ? Đã biết tỏng người ta đi rồi còn hỏi. Mấy bữa đầu, anh còn ngờ ngợ, sau hiểu ra.  Ngoãn về là Lê lại đến. Lúc giành tích chè ủ nóng bỏng môi, lúc củ khoai luộc trong nồi đất cháy sém vỏ, Lê cười nói thởi lởi. Chẳng thấy gọi lão hâm. Những lúc ấy nhìn người đàn bà ngoài tuổi bốn mươi, khuôn mặt bầu bầu với lấm chấm tàn nhang anh thấy Lê giông giống  Na. Cũng dễ coi. Ngoãn vẫn thế, làm bộ cảu nhảu lúc chỉ có Tre.
Dần dà, anh biết thêm cái người già cao lòng khòng mỗi chiều đến ngồi ở chõng ngoài với Ngoãn, lúc nào  cũng cặp kè cút rượu  trắng với dăm củ lạc rang là lão Hán đạp xích lô. Cái người đàn ông  trạc tuổi sáu mươi mà tóc xoăn như rễ tre là lão Kiểu. Lão Kiểu đến chơi còn kéo theo dăm anh trẻ tuổi, đó là nhóm thợ xây. Rồi đến tốp thợ đấu người Hộ Độ, thi thoảng gửi lại nhà Ngoãn  đến cả chục  chiếc xe cút kít, nhìn giống hệt thứ đồ chơi của người lớn. Những lúc cư dân xóm sau nhà xác đến đầy đủ, thế nào Lê cũng xung phong nấu  nước chè. Giống một bà chủ nhà, Lê ra vào tự nhiên, biết tìm cái ấm nhôm ở đâu, rút củi ở đâu, xăng xái nhóm bếp.  Trong đám khói dưới góc nhà, khuôn mặt tàn nhang hồng lên sáng loáng. Rồi như là ảo thuật, Lê rút ra  đâu đó lúc từ trong hòm đồ nghề, lúc trên giại nắng  mấy chiếc bánh đa kẹp kẹo lạc, ở đây họ gọi là kẹo cu Đơ. Trong câu chuyện rổn rảng của khách, của đám thợ đấu, thợ xây,Tre luôn được nghe đến một cái tên:Thị. Mấy  tháng đầu, anh nghe chưa ra vì giọng nói của người ở đây nặng quá. Thị là câu đầu  lưỡi  của mấy  người đến đây.  Tuồng như Thị là chủ ngôi nhà này, là Ngoãn, là đứng quanh đâu đây, gần lắm. Những lúc nghe tỏ tường, Tre  ngơ ngác ngó quanh, để tìm cho ra ai là Thị. Có thể sẽ dễ dàng biết được nếu lúc đó Tre ngồi lại nghe chuyện của đám đông, nhưng anh đã không làm vậy. Tre len lén lẩn ra ngoài đứng vào góc khuất để trông chừng nơi cổng viện. Việc chính của anh là chỗ đó, không được sao lãng phút giây.
Lão Hán là người đầu tiên phát hiện chỗ đứng của anh mỗi khi trốn ra. Lão vỗ vai:
Này cậu, buôn có bạn, bán có phường. Ta không buôn bán chi thì ta  sống. Sống  cũng cần có bầy đàn. Một mình sẽ đơn độc, độc thì dễ sinh ác.  Cậu coi, lợn độc, voi độc, khái độc... ác lắm... Vô đây, vô đây. Vừa nói, lão kéo anh vào chõng rượu. Tre lúng túng giữa đám đông, giữa tiếng cười, tiếng lục khục của người nhai kẹo cu đơ, tiếng sì sụp  uống nước chè  tươi nóng. Trong đám đông sực lên mùi rượu, mùi mồ hôi, mùi nước chè xanh chín tới, anh gắng cười nói. Cũng bưng chén, cũng nhai kẹo nhưng vẫn không quên ngó chừng chung quanh. Một lần khi ấm chè đã trơ bã, lão Hán trịnh trọng ấn vai Ngoãn xuống chõng rồi nói chậm rãi: "Số chú không khổ đâu. Hết Thị đã có Lê, muà nào thức ấy. Một mình chăm không bằng hai người, dứt khoát là không bằng ...". Lão nhấn mạnh hai chữ  "không  bằng" rồi cười to. Tre còn chưa hiểu ra sao thì lão nháy mắt ra hiệu về phía Lê, rồi  lại nhìn vào Ngoãn. Khuôn mặt Ngoãn đỏ bừng, những chân râu như đội cao lên. Anh ngạc nhiên nhận ra, Ngoãn hãy còn trẻ lắm.
Sau lần lão Hán xích lô nói chuyện được dăm hôm, một chiều Lê hớt hải đến gặp Tre. "Ta đi sang viện một lúc, anh !
Lê sôi nổi kéo tay anh. Tre dứt ra rồi lạnh nhạt lắc đầu. Lê tròn mắt nhìn xoáy vào mặt anh rồi đột nhiên đổi giọng.
- Ông có lẽ là đá chứ không phải là người. Sao ông không hỏi tôi rằng sang viện để làm chi  ? ít nhất ông cũng hỏi một câu chứ ! Đằng này chỉ độc lắc với gật. Khen cho ông cũng sắt đá, vô đây gần nửa năm, ở trong nhà người ta mà không biết  đến gia cảnh  người ta, giỏi thật...
Tre há hốc mồm, kinh ngạc thật sự. Lê đang  đon đả thế, đã lại gay gắt tuôn một tràng dài vào mặt anh, rồi ngỗi rũ xuống như tàu chuối héo.
Thực tình, lâu nay anh cũng  chẳng để tâm đến chung quanh, anh chỉ nhăm nhăm với công việc hệ trọng của mình là đòi món nợ .  Tre cũng ngỡ rằng chẳng ai để ý đến anh. Nay nghe cách nói của Lê thì dễ thường nhóm  người ở xóm sau viện này đã chấp nhận anh là người cùng thuyền, cùng hội. Tuy vẫn còn chút lo lo, nhỡ đâu khi sang bên đó mà vô tình bị con mồi phát hiện thì công cốc, song nghe Lê nói vậy, anh thay đổi thái độ: Nào đi !.
Không đợi anh cúi xuống nắm tay, Lê đã bật dậy như cái lò xo, mặt tươi hẳn lên. Lúc hai người  đi qua rãnh nước phía đầm  lầy, Lê cúi người ngắt một bó hoa, ở đây người ta gọi là lác bẹ, cao lút đầu người, mọc ở ruộng hoang, hoa màu tím. Tre ngạc nhiên nhìn những cánh hoa dại trên tay Lê. Sao mà sắc nó tím thế nhỉ. Trong đời, anh chưa thấy một loài hoa dại nào lại có sắc tím chói mắt như thế này. Tím hơn cả lửa hàn.
- Hoa ni sống giỏi lắm, lên cạn  cả tháng  nỏ héo mô !''
Vừa nhìn sắc hoa lạ vừa căng tai nghe Lê kể, thỉnh thoảng Tre lại vập sát vào người Lê. Hoá ra Thị là tên vợ Ngoãn, nằm viện đã mấy năm. Bị tai nạn giao thông chấn thương nặng ở sọ não nay chỉ sống sinh vật.  Sống sinh vật, điều này thì anh biết, ở lính, có người bị thương sống như thế hàng chục năm. Không biết Thị đã mấy năm. Lê cứ kể rủi rải, anh nghe nhiều lúc không rõ, vẫn không tiện hỏi. Một tay cầm bó hoa lác bẹ, một tay Lê ôm eo anh như đôi tình nhân. Giữa bãi rộng vắng vẻ, anh nghe rõ hơn: "Mấy tuần nay Thị  hay bị nghẹt thở, có thể sắp đi, lên cơn luôn, lại sốt nữa. Sao mà số ông Ngoãn khổ thế". Đang kể chợt Lê đứng lại, chỉ tay.
Từ lối nhà xác, Ngoãn đang lễ mễ xách một xô to đi về phía vòi nước.
"Một tuần nay, ngày nào cũng cứ mặc quần áo mới rồi lại cởi ra..." Lê thì thào vào tai anh.
Anh thận trọng vén màn cúi sát xuống giường người bệnh. Một thân hình còm nhom như đứa trẻ lên mười với khuôn mặt không biết trai hay gái, già hay trẻ. Anh cố nhìn cho ra nét đàn bà trên khuôn mặt trắng bợt với vô số sẹo nổi thành bờ giữa loang lổ những vạt tóc còn sót lại. Thỉnh thoảng cái mồm chành ra và ngáp, đó là dấu hiệu còn sống. Anh thấy lạnh sống lưng ... Lê bình thản lục tìm trong chiếc giỏ nhựa lấy ra vài quả quýt, bình thản bóc vỏ, rồi cứ thế đút vào mồm người ốm: - "Nào, ăn đi" vừa nói vừa đút không cần cái hình người có đồng ý hay không.  Và cũng thật kỳ lạ, người ốm vẫn há mồm như chim nuốt từng múi quýt. Cái cổ cố duỗi  dài ra, miệng vẫn nhai chóp chép. Từng chai ra khi nhìn xác chết, nhưng khi nhìn những động tác nhai nuốt của người nằm đó, anh thấy mắt mình cay xè.
- Mấy năm như thế rồi ? Anh hỏi
- Mười năm, có lẽ hơn, em không  nhớ chính xác. Chỉ biết hai người lấy nhau được hai năm, chưa có con thì vợ bị bọn đi xe đánh võng làm ngã ra đường. Anh Ngoãn nuôi được mấy năm, sau phải xin vào làm ở nhà xác mới chăm được vợ. Nuôi vợ lâu năm mà được vào làm hợp đồng, rồi từ hợp đồng vào biên chế ... dài thật nhỉ ?
- Vào tay anh thì có làm được như rứa không ?
- Một mình  nuôi vợ - vợ chết... cả họ hàng cũng chẳng giúp được gì, vì tuần nào  cũng tưởng chết rồi. Quả thật là chết rồi. Thế mà còn sống. Có bận anh Ngoãn phải đi Chùa, xin cho vợ đi. Cũng không đi được. Hỏi thật anh nhá, có ai làm được như ông Ngoãn nhà tôi không ?...
Tre lặng người.
Ba ngày sau, Thị đi thật. Trước đó có một trận mưa như thác đổ, cả thị xã dầm trong nước. Không có  chiếc xe đạp, xe máy, xích lô nào có thể chuyển động được.  Lúc Ngoãn tắm rửa cho vợ, anh một mình ra phố mua áo quan. Không có  ai chở thuê, anh cởi áo lót vai, một mình vác chiếc áo quan đi phăm phăm trong mưa đổ. Mưa ném đá rào rào vào mặt anh, gõ vào mặt gỗ như trống trận. Dưới chân Tre nước trôi ào ào.
Khi hạ huyệt, trời bỗng nhiên tạnh hẳn. Nắng tươi rói ngập tràn nghĩa địa. Phía sau đầm lầy, lác bẹ theo gió mà rướn lên những đợt sóng tím dập dềnh. Hai họ nội ngoại không có ai đến, chỉ có xóm thợ sau nhà xác. Lão Hán và lão Kiểu mặc nguyên áo ướt uống rượu với lạc rang.  Lê cởi áo ngoài phủ lên  tấm lưng  trần của Tre, nơi  vai vẫn  còn rỉ máu. Bó hương cắm trên nóc mộ không  bén lửa, còn nguyên. Một túm hoa lác bẹ của Lê, được cắm thay vào đó. Trong nắng, sắc hoa tím hơn lửa hàn.
Một thời gian dài, sau ngày Thị đi, anh không ngó gì đến cổng bệnh viện. Lê chuyển đến ở hẳn cùng Ngoãn  ở gian  ngoài. Chiếc hòm đựng đồ nghề sửa xe được thay kính để bỏ vé số. Tre cẩn thận bỏ vào đó một nửa tiền nhờ những ngày ở đây mà có. Phần còn lại Tre gói vào chiếc khăn của Na tặng trước lúc đi vào.
Ngày Lê làm cơm cho Ngoãn để cúng vợ bốn chín ngày, Tre lặng lẽ ra bến xe.
 
 

                 LÀNG VÒNG            

 
            Xách chiếc ấm đen từ bếp bước lên, đảo mắt khắp nhà, Trí quay sang hỏi vợ:          
- Mẹ có biết anh đi mô không?
            Trai gái làng Vòng lấy nhau còn trẻ, nhưng gọi nhau như người già. Chồng gọi vợ là mẹ, vợ gọi chồng là cha. Anh, người mà Trí hỏi, tức là ông Đảm, con bác, mới về làng ở cùng vợ chồng Trí Bình gần nửa tháng nay.
            - Cha cũng ở nhà mà lại hỏi tôi.
            - Này, mẹ phải để ý đến anh đấy nhá. Lỡ xẩy ra chuyện chi thì khốn to. Anh chưa được bình thường đâu. Trí thổi tro ở nắp ấm phù phù, rót nước ra bát.
            - Chưa được bình thường. Bình đai giọng. Cha tưởng anh như bữa mới về a? Này, chiều qua, cha đi khỏi, anh ở nhà mằn mò hỏi tôi trong làng có ai bán trâu thì mua một con. Tôi hỏi mua mần chi thì anh bảo chẳng lẽ mua để thịt. Tôi lại hỏi lưng anh đau vậy thì cày bừa sao được. Anh nói mấy bữa về đến nay thấy khá lên nhiều. Rồi lại nói đau thế chứ đau nữa cũng phải làm lấy mà ăn. Đi xin thì không quen. May mà ruộng chưa trả cho hợp tác. Đó, cha cứ lo…
            Cứ như bữa đầu tiên ông Đảm về thì sợ chết. Đang mờ đất, Bình dậy thổi cơm cho chồng đi cày. Vừa mở cửa nhà ngoài, cô đã rú lên. Có ai đó đang nằm dài trước thềm. Nghe tiếng vợ, Trí cũng hốt hoảng chạy đến. Giật bắn người, hai vợ chồng nhận ra ông Đảm. Mặt mũi hốc hác, tiều tuỵ, râu ria lởm chởm, ông Đảm ôm chặt cái ba lô lộn trước bụng, ngồi ngủ trước bậc lên xuống. Lay mãi ông cũng chỉ ú ớ như người câm. Trí xốc nách, dìu ông anh họ vào nhà; Rồi ông ngủ liền hai ngày, hai đêm, cứ như người chết giả. Tỉnh dậy cái gì cũng ấm a ấm ắc, hệt người cõi âm đội mồ trở về. Những ngày đầu vợ chồng Trí hoang mang, chẳng biết chyện gì xẩy ra với ông bác họ. Ngày đi thì vẻ vang thế. Xe con đỗ ngoài đường to đưa đón, cỗ bàn mời họ mạc linh đình. Làng Vòng xưa nay đã có ai con làm nhà ba tầng ở ngoài thành phố lại là ông chủ, về đón cha ra ở cùng. Năm ngoái họ đại tôn xây nhà thờ còn góp tiền triệu, nay về như kẻ ăn mày. Ông cụ Hân sang chơi, thấy cảnh ông Đảm nằm queo trên giường, cứ vuốt râu cười nhạt: “Đất làng Vòng ở cái thế hồi quy, con rùa đi đâu cũng tìm đường trở lại. Thời nào rồi cũng vậy, đố anh trai cày làng Vòng thoát được cảnh theo sau đuôi trâu mà húp nước cáy. Có điều, thời này thì thằng nhảy lên ông, ông tụt xuống thằng cũng có mau hơn. Tôi thì chẳng lạ…”
            Sau cơn ngỡ ngàng, bối rối, Trí thấy xót xa. Thương anh, một kiếp lận đận. Nhất là khi thấy anh nằm ngủ, người quấn kín chăn, nhưng lại để thò hai chân ra ngoài. Hai bàn chân to xù, ngón cái toè ngang, cứ nguyên vị thế, để sẵn sàng bật dậy là đi được ngay. Nhìn, nước mắt Trí cứ ứa ra. Chỉ đến trưa nay, nghe vợ kể lại, anh mới thấy vơi đi ít nhiều.
                                                    *          *          *
            Đợi hai vợ chồng Trí, mỗi đứa mỗi việc đâu đó, ông Đảm len lén đi ra. Cẩn thận lách qua mấy bó tay tre buộc tròn dựng dọc vườn, chân cố tránh dẫm lên những trái khế ủng rụng, rồi men lùm tre nhà thờ họ, ông Đảm lần ra giếng Cả. Giếng cách làng non cây số, từ xa, giống như hòn đảo nổi lên đám ruộng làng Vòng.
            Ông cố giữ cho thẳng lưng rồi mới từ từ hạ mông xuống mặt đá. Khi hai tay đã bíu chặt được phiến đá ghép, hệt người chơi xà, ông mới thả hai chân xuống bậc dưới. Lối lên xuống giếng giống hàng chục chiếc ghế bành, tha hồ cho ông ngự. Hơi nóng ấm sực của phiến đá ngấm khắp người. Lưng ông đang đau như bị chém, thoắt cái đỡ hẳn. Cơn đau đã dịu, ông khoan khoái ngả người nhìn lên.
            Cây muỗm già xoè ô trên miệng giếng. Nó đan một vòng bóng râm úp chụp xuống lùm mua, cỏ lác, phủ lên mặt giếng một khoảng mát rượi. Những tia nắng lọt qua tầng lá dày, giống như những mũi kim châm cứu, làm ông tê mê. Ông thong thả vê thuốc cho vào nõ rồi châm lửa. Khói thuốc không chịu bay, chỉ lờ lờ lượn vòng trên đầu ông như một đám mây mỏng. Thời gian như cũng ngừng lại ở đây, dưới tán cây muỗm già còn may mắn sót lại qua binh lửa đạn bom này của làng Vòng.
            Từ bữa đầu tiên về làng đến nay, trưa nào ăn xong mà trời nắng, thế nào ông cũng bỏ mặc vợ chồng thằng em để lọ mọ ra ngồi đây. Rồi tới khi cái lưng đau được sức nóng của hòn đá chườm cho dịu đi, trong đê mê dìu dịu của cơn say, ông lơ mơ bước vào một thế giới riêng. Một thế giới ông hãy còn tất cả, từ gia tài, vợ con, tuổi trẻ…
            Đảm thấy mình khoẻ thế, phăm  phăm lội giữa đồng sâu, một tay vơ đẫy những lác cùng năn, một tay lùa xuống bắp chân vừa gỡ con đỉa trâu, vừa khoắng bùn nhổ cỏ. Năm ngón tay anh như hàng răng bừa thép, sục sâu quanh gốc lúa, bong bóng đất sủi lên ào ào. Mùi bùn bốc lên nồng nàn. Những con đỉa nhao lên, lặn hụp. Anh căng mũi, ngửi thấy mơ hồ đâu đó rất xa sẽ có cơn mưa. Mưa đi, để anh còn kịp cấy mấy khoảnh đồng cao. Anh ngửng lên trông trời.
            Trong nắng nóng bỏng giẫy, nền trời vẫn xanh ngút ngát. Phía biển, từ ngọn rú Bầng, một đám mây trắng đặc quánh như sữa đang dần dần đùn lên từng đụn lớn. Dưới đám mây, từ phía làng, Đảm nhận ra bóng vợ đang đi đến. Nhàn một tay vén quần, một tay xách giỏ cơm, bước tập tểnh trên những bờ ruộng đã bị xén nhỏ, giống như đứa trẻ đi cầu bập bênh. Từ xa cô đã gọi to:
            - Anh ơi, nghỉ tay ăn cơm đã. Nắng thế này mà cứ chúi mũi ngoài đồng, cảm xuống đây ai biết?
            - Tôi mà cảm thì làng Vòng còn ai? Đảm cười, đoạn nhẹ nhàng:
            - Tôi cố một chút, chiều đỡ nắng mấy mẹ con ra vừa làm cỏ, vừa cấy giắm. Lại phải lên chợ Tổng mua thêm ít mạ nếp. Trên đó nghe đâu dịp này thừa nhiều.
            Nói rồi, Đảm lại cắm cúi làm. Đứng lâu, không thấy chồng nghỉ tay, Nhàn vén quần, lội xuống kéo Đảm lên. Đảm liếc nhanh hai bắp chân vợ. Trắng thật! Trong đám bùn sục đen ngòm, hai bắp chân nuột nà của vợ làm Đàm hởi lòng. Anh cố làm thế này cũng chỉ để chân em trắng, để con cháu sau này thoát được cái làng Vòng khốn nạn, quanh năm cao lương mỹ vị chỉ là nắm cáy hôi.
            Trưa,  đồng không mông quạnh, hai vợ chồng Đảm ngồi ăn cơm trên bờ ruộng như hai chấm nhỏ, mờ mờ, côi cút. Nắng xối xuống mặt ruộng, châm chích khắp thịt da. Khuôn mặt Đảm cứ đen ngời bên cạnh vợ...
                            *                         *                              *
          “Púp”! ông Đảm giật mình. Một con ếch to từ trên bờ lao xuống giếng Cả. Nó rẽ nước lặn một hơi dài rồi từ từ trồi lên. Con vật doãng hai cái chân lực sĩ, thẩy những nhịp bơi nhẹ nhàng, tới gần chỗ ông ngồi thì dừng lại. Nó im lặng nổi trên mặt nước, hai chân trước co lại, hai chân sau duỗi ra giống như người nằm trên bãi cát, lười biếng, nhàn tản.
            Chưa ai bắt được mày, thế là giỏi đấy. Bây giờ lươn cua ốc ếch rắn rết người ta bắt tuốt luốt, rồi đưa ra thành phố. Cả đến con cáy cũng chẳng còn là bao. Hói Vòng làng ông xưa lắm cáy nhất vùng.
            Mười lăm tuổi, con trai như Đảm đã thạo nghề làm ruốc cáy. Sáng sáng, Đảm cùng thằng Đương, kém anh ba tuổi, mang đăng sáo xuống Hói Vòng lùa cáy. Hai anh em chọn chỗ khoét vũng đặt nồi, cắm sáo hai bên, chừa một lối cho cáy chạy vào nồi. Đoạn, ra sức vung sào đập vào bụi guốc. Nghe động, hàng đàn cáy chạy ràn rạt rồi rơi tọt xuống nồi. Non trưa đầy giỏ, Đương đem ra sông xóc rửa, Đảm về bắc nồi rang gạo nấu cơm thính cho kịp buổi chà. Mẹ mất từ khi thằng Đương mới lên năm, Đảm phải  tay cày, tay bếp. ông Hoá, cha Đảm là dân đi bè chuyên nghiệp, có chuyến hơn một tháng mới về. ở nhà thui thủi hai anh em, muốn có gạo ăn Đảm phải ra chợ. Chợ Nghèn phiên, ngày ba, ngày bảy, Đảm  xách liễn ruốc xuống ngồi cạnh bà hàng khô. Có phiên ngồi từ sáng đến trưa không ai hỏi đến, Đảm lại phải vay tiền đong gạo. Không có thức ăn, Đảm phải thổ em, ăn xong thì cho lội sông, sang lấy bần xóm Đạo. Chan chan húp húp lưng cơm với môi nước cáy, bữa trưa hai anh em cũng xong. Thằng Đương thót một cái đã chui lùm sang rủ rê lũ bạn. Còn lại một mình, Đảm quẩy thùng ra giếng Cả, tự nhiên lại vòng qua nhà Nhàn.
            Trưa bóng tròn, làng Vòng im ắng, Có tiếng gà xao xác mơ hồ từ phía sau lùm cây. Khóm tre nhà Nhàn vàng khô, đổ ngọn ra bốn phía như chiếc chổi rơm khổng lồ. Một ngọn gió nhẹ thổi qua, đám tre khẽ vặn mình èn ẹt, giống tiếng đưa võng. Đảm vội vã quẩy thùng đi nhanh, có bóng ai thấp thoáng ra vào dưới rèm.
            Đảm vục đầy hai thùng nước, xong ngồi đợi ở bậc đá to. Đảm đợi ai, chẳng biết. Cứ muốn ngồi một lúc, chưa muốn đặt đòn gánh trên vai. Nhàn chắc bận học thi. Còn Đảm đã phải bỏ học từ hồi lớp 3. Nghĩ đến học thấy xa lắc xa lơ như trong chuyện cổ tích. Bữa bất ngờ gặp Nhàn đi gánh nước, thấy Nhàn cong lưng vất vả, Đảm đã chập đôi lại, giúp quảy về. Đảm bước nhẹ tênh tựa như chẳng có bốn thùng nước trên vai. Còn Nhàn thì hớn hở đi sau, miệng nhẩm đếm có mấy lần nước trong thùng sóng ra đất. Ăn nhằm gì, làng Vòng có dịch xa xuống chợ huyện, Đảm cũng còn lâu mới mệt.
            Sau lần ấy, còn mấy chuyến quẩy giúp như thế nữa. Đảm đâm thích những trưa giếng Cả. Đảm gánh bốn thùng đi trước, Nhàn ở sau khúc khích cười.
                                  *               *              *
            Cọt kệt. Cọt kệt! Tiếng móc xích va thùng nước đều đều. Tiếng bước chân thậm thịch nghe gần rồi. Con ếch cộ dưới mặt giếng đã lặn hút từ bao giờ. Ông Đảm chống điếu đứng lên, quành sang bên kia gốc muỗm..
            Ai gánh nước vào giờ này nhỉ? Người làng Vòng ít khi ra đây vào giờ bóng tròn. Ông hé mắt nhìn. Thằng Trí đang lấy nước. Nó cũng chập đôi thùng mỗi bên, hệt ông ngày xưa. Vục bốn thùng một lần, nó cho đòn gánh lên vai rồi đứng phắt dậy. Nước réo ào ào, chảy lênh láng bậc đá. Cái thằng em làm ngộ, chẳng kém gì ông.
            Cái lưng lại đau, giờ thì khó ngồi xuống rồi. Ông Đảm tựa lưng vào gốc muỗm. Mặt giếng đang lăn tăn cơ man những vòng tròn. Nước vỗ vào bờ nhè nhẹ. Mấy cái lá muỗm khô vàng nổi dập dềnh. ông Đảm đưa mắt tìm con ếch cộ bây giờ ở đâu. Mặt giếng như rộng hơn lấp loá nắng. Những vòng tròn cứ liên tục phát ra từ phía ông ngồi.
            Ừ, cuộc đời mình dễ thường là một vòng tròn như vậy. Hồi cha thằng Trí chết bom, nó sang ở với mình. Con chú ở với con bác thì cũng là ruột thịt. Giờ mình lại về ở với nó, chẳng phải là một vòng là gì?! Một đời cha cày ruộng rồi chuyển sang đi bè để nuôi con ăn học: Mong con thoát được kiếp trâu cày, vậy mà Đảm chẳng thoát nổi. Đảm muốn ra khỏi cái làng Vòng định mệnh, phải ra bằng được. Anh nung nấu ý chí ấy, bắt đầu từ chuyến bè cuối cùng của cha.
            - “Bè về rồi! Bè ông Hoá dài nhất làng, về rồi !!
            Tiếng bọn trẻ vọng đến chỗ anh em Đảm lùa cáy. Hai đứa cuống quít, ôm cả bùn chạy về. Không thấy cha, cả hai cuống cuồng ra sông. Ông Hoá đang nằm thiêm thiếp ở trong lều.
            - Cha! Đảm kêu thất thanh. Ông Hoá nặng nề ngẩng khuôn mặt vàng ệch, cặp môi đen tím mấp máy: “Cõng cha với!! Khó đi lắm!”… Đảm cõng cha như cõng một đứa trẻ, chỉ có điều là bụng ông to, kềnh kệnh sau lưng. Nước mắt Đảm chảy ướt hai tay cha. Ông Hoá gắt khẽ:
            - Khóc chi ?!
            Buổi trưa cả làng đến chật nhà. Ông Vinh, y tá từ thời Tây, đeo ống nghe, bắt mạch rồi thở dài; Nói mà khuôn mặt không động đậy:
            - Anh em nhà Chắt Thị bệnh này, cháu Liêm cũng bệnh này toàn những anh đi bè khoẻ nhất làng. Giờ thì đến ông Hoá. Bệnh này, viện họ không nhận đâu, ông muốn ăn chi thì mua cho ông ăn!.
            Đảm bỏ ra ngoài vườn ngồi lặng lẽ. Thằng Đương ôm lưng cha, khóc oà lên. Ông Hoá giọng lào thào, đã khó nghe lắm rồi:
            - “Cha đã chết mô mà khóc, con”! Đương lại khóc to hơn.
            Được một tuần thì ông Hoá mất. Trước ngày mất hai hôm, ông còn gượng dậy để nuốt giun đất. Có người bày cho Đảm đào đủ một trăm con để cho cha nuốt sống. Ai bị xơ gan cổ trướng, nuốt được là có cơ lành. Ông Hoá duỗi dài cổ, nuốt được mười con thì nôn ra chõng. Ông lắc đầu, chắp tay vái. Miệng lầm bầm câu khấn cửa rừng của người đi bè quanh năm: “Con lạy giang san… cho con ăn mày giang san”.
            Đảm không lên cửa rừng để ăn mày như cha, anh trụ lại ở hói Vòng. Tiền bán bè nứa cuối cùng vừa đủ làm ma cho cha, còn mấy chục ngàn tiền thăm hỏi của xóm làng, Đảm dốc vào mua 5 chục vịt. Hai anh em làm lều ra Hói ở. Ngày đêm ăn ở cùng chúng, người tanh nồng phân vịt. Một mùa mưa, cả người cả vịt lênh đênh, lắm bữa vịt trôi hàng cây số, Đảm phải bơi bộ mà đuổi vịt về. Đêm đầu tiên vịt đẻ, hai anh em thức ròng, xem cái giống ngủ có một chân chúng đẻ ra sao. Lạ quá, lại mừng quá, hai anh em cứ nằm ở ngoài sương, nhìn vào ràng vịt thấy lấp ló những quả trứng mà ôm nhau, riết nhau như hai thằng cuồng.
            Vịt đẻ được ba muơi lăm quả, Đảm để 5 quả lên bàn thờ cha, hai chục quả anh kế toán hợp tác vay tiếp khách, mười quả còn lại Đảm đưa sang nhờ mẹ Nhàn đi chợ. Như thế vừa có cớ gặp Nhàn, vì dạo này cô đang giúp mẹ phụ bán ở cửa hàng xã, vừa để góp vốn mua một con trâu.
            Ao ước có một con trâu cày đến với Đảm từ bé. Những ngày ba cha con ra cuốc góc ruộng, Đảm cứ nung nấu trong đầu, có ngày tậu được trâu. Đảm bàn với cha có lẽ phải cả ba cha con cùng lên rừng một chuyến, chặt thêm gỗ thì may ra mới được kha khá tiền. Ông Hoá lắc đầu, nói rằng kiểm lâm ngặt lắm, vả lại bè về ta qua hai cửa cống, giấu cách chi cũng lộ. Lấy được gỗ dễ như cách các con vừa bàn thì đi bè mấy nỗi mà giàu. Sau này, khi vào Hợp tác, thấy mấy ông quản trị có trâu bò, Đảm lại càng thèm. Anh nhìn những thúng thóc được được rũ ra từ rơm trâu mà thèm, ghen tị. Công anh làm một ngày mười điểm, một lạng ba thóc, nhiều ngày Đảm gánh phân, đắp bờ được ngót ngét 30 điểm theo khoán, cũng mới được năm lạng lúa. Vậy mà mỗi lần trục lúa một gánh rơm trâu chia về rũ ra gần hai yến thóc. Người  ta đã cố tình để lúa lại trong rơm, chia cho nhau thóc rơm, dễ dàng hơn chấm lậu điểm. Không ai nói ra điều này, những nhà có trâu ai dại gì mà nói, với lại cả làng Vòng cũng mấy nhà có trâu, quanh đi quẩn lại cũng chỉ mấy ông quản trị, mấy ông kế toán thủ quĩ, với một vài nhà có máu mặt. Đảm biết vậy nên càng quyết chí mua bằng được. Ban ngày Đảm giao vịt cho em, còn mình thì về làng làm công hợp tác. Đêm đến lại thay phiên, ra hói ngủ canh đàn vịt. Qua mấy vụ, anh nhân lên được gần hai trăm vịt gốc. Số trứng mỗi đêm nhặt về sang gửi mẹ Nhàn bán hộ, đã phải đội bằng thúng. Bà Lân nhìn Đảm ngoài phần thương, đã có điều nể trọng. Phải cái nhà nó thân cô thế cô, gà trống nuôi nhau, mà con bà lại quen ăn trắng mặc trơn, có bề gì về sau lại khổ. Bà cũng có nhắm mấy đám trai phố chợ, có đứa đã đến nhà. Nhưng chúng đến rồi chúng đi, chẳng đứa nào ngồi lâu uống với bà bát nước. Dân kẻ chợ chê làng Vòng cua cáy, nước làng Vòng sền sệt phèn vàng. Chỉ có Đảm vẫn hàng sáng đội trứng sang gửi bà, rồi hàng trưa ra giếng Cả giúp Nhàn quảy nước. Bà Lân biết chuyện, lặng lẽ chưa nói gì.
            Ngày Đảm góp đủ tiền tậu trâu thì Mỹ ném bom cầu Ngạn, khói trùm làng Vòng. Mờ sáng một mình anh lên chợ Thượng, dạo đến trưa mới mua được một nghé đực hai răng. Chiều dắt về thì làng Vòng vắng ngơ vắng ngắt. Đảm hốt hoảng buộc trâu vào gốc tre rồi chạy. Người làng xuống xóm Đống, kề cầu Ngạn để chữa cháy. Bọn Mỹ giết một lúc mười bảy người lớn nhỏ ở đây, trong đó có cả nhà chú ruột. Anh bươn ra nghĩa địa xóm Đống, gặp thằng Đương người đen nhẻm khói than, bế thằng Trí con chú anh, đang khóc ngàn ngạt trước một dãy mồ, Đảm cứ đứng như người hoá đá, lờ mờ thấy một gánh nặng sẽ đè trĩu vai mình.
            Buổi tối, Đảm giết hai con vịt làm một mâm cơm, đặt lên bàn thờ thắp hương cho cha, cho cả nhà chú. Lại sai em sang mời hai mẹ con bà Lân. Bữa cơm của năm người diễn ra lặng lẽ, không ra vui mà cũng không ra buồn. Nhàn bế Trí  trên lòng, nhai nhỏ nhẻ. Đảm nao nao người khi thấy bà Lân gắp thức ăn vào bát anh. Chỉ có Đương là thản nhiên chan húp sì sụp. Cuối bữa, đợi Nhàn bê mâm bát ra ao, bà Lân mới ý tứ:
            - Anh Đảm rồi phải lo liệu mọi việc đi là vừa. Có gì thì cũng cứ nói thẳng ra. Tôi cũng như mẹ của các anh ngày còn sống. Thời buổi bom rơi đạn vãi, ai biết mà lường. Nhà này hai trai đằng nào cũng có anh vào lính. Không anh thì em, ngày mai xã đã khám tuyển rồi.
            Đảm cúi đầu ngồi nghe, tim đập to, hai tay bóp chặt mép chõng, chưa biết trả lời ra sao. Thằng Đương láu táu:
            - Em đi bộ đội, cho anh Đảm ở nhà. Em quyết định rồi, không phải bàn bạc chi cả.
            Bà Lân cười, chuyện vãn một lúc rồi chào về. Đêm ấy, Đảm với Nhàn được ngồi với nhau nói chuyện linh tinh làng tàng đến khuya. Một đêm, trời nhiều sao vô kể…
                                               *        *  *
            … Anh Đảm ơi! Anh Đảm  ơi… ơi !…
Tiếng con gái gọi văng vẳng. Ông Đảm giật mình, ngó láo liêng. Cây muỗm  đang lặng lẽ thả xuống mặt giếng mấy chiếc lá vàng. Con ếch cộ đang nằm  yên dưới chỗ ông ngồi, giương cặp mắt lồi, dò hỏi.
Ai gọi mình nhỉ? Thằng Đương đi bộ đội, lấy vợ người Nùng, ở mãi ngoài Điên Biên, không về. Còn Nhàn chết rồi. Lâu nay có ai gọi ông là anh nữa đâu. Hồi vợ chồng mới có thằng Dũng, Đảm đã già hơn Nhàn nhiều lắm. Cao, xương, đen, lại hơi gù, Đảm đi bên cạnh Nhàn, khối người chào hai bố con. Nghe, Đảm không giận, mà cũng chẳng chạnh lòng. ở đời, ai chẳng muốn có con ngoan, vợ đẹp. Anh có cả hai. Thằng Dũng học thông mỗi ngày một lớn. Vợ ông, trời không cho đẻ tiếp, cứ  phây phây như gái thị thành. Ông còn muốn cho Nhàn đẹp hơn, trẻ hơn nữa thì mới thích. Mà quả vậy, ông càng già đi, thì Nhàn càng trẻ ra… Đổi lại, Đảm phải đạp xe hàng trăm cây số, lên tận miền ngược mua đỗ lạc, về chợ nhà bán lại, đong gạo đong mì. Một cân lạc mua ở trên đó về nhà Đảm đổi được gần mười cân mì hột. Vợ con không phải ăn đến mì hột, chỉ mình anh. Dạ dày như máy nghiền, miễn là được no, anh sẵn sàng đẩy xe vào chợ tỉnh, mỗi phiên chợ là năm trăm cân thóc. Năm trăm cân là một nửa tấn. Anh tự ví mình như con bò kéo. ừ, thì bò để vợ nhàn nhã, con học hành tấn tới. Khi thằng Dũng đậu vào đại học, mỗi kỳ ra thăm con, anh cõng trên vai hơn 50 cân gạo, ra Hà Nội như đi chợ. Đi mãi cũng thành quen, không vé tàu anh vẫn ra vào ga đàng hoàng không ai biết. Cái mẹo của Đảm  thật là đơn giản. Khi tàu đến ga Hà Nội, mọi người xuống hết, anh cứ ngủ lại trên tàu. Đợi đến lúc các nhân viên vệ sinh lên dọn dẹp tàu, anh mới giả bộ hỏi giờ tàu chạy về Vinh. Nhân viên nhà ga hỏi vé về Vinh, anh lúng túng xin lỗi. Bảo vệ bực mình lôi anh dậy, đẩy ra. Thế là thoát. Cái ăn cái uống dọc đường còn dễ hơn. Cơm gói ăn đủ một ngày đường, uống nước ở vòi rửa mặt, phần chi tiêu cho riêng mình chẳng hết là bao nhiêu. Anh dành dụm cho con, hởi lòng hởi dạ khi biết con học giỏi. Ông trời như cũng có mắt, bù lại sự hiếm hoi, chắt bóp của Đảm, thằng Dũng tốt nghiệp ra trường với bằng loại ưu, được làm việc trong liên doanh với nước ngoài. Bõ công anh thân cò thân vạc, lặn lội đêm ngày, cốt cho vợ, cho con thoát nước cái làng ao tù nước đọng. Cái sự già đi của khuôn mặt Đảm, là để đổi lấy bao nhiêu ước ao. Người làng Vòng đã gọi Đảm là lão, là ôngít ai còn gọi là anh.
Ai gọi anh Đảm ơi? ai? Nhàn chết thật rồi mà. Trong cái đêm hai vợ chồng thằng con phải đi gấp để gặp bạn hàng đang nghỉ ở ngoài bờ biển. Ông không muốn đi cùng, giá Nhàn cũng ở lại thì đâu đến nỗi. Chắc số trời đã định thế, cái phận ông phải chịu vất vả thế. Ngày vợ chồng thằng Dũng về khuyên ông bán nhà ra thành phố, ông đã không ưng. Nhưng cũng bởi tại Nhàn, bà ấy cứ một mực khăng khăng đòi đi.
- “Ông tiếc lắm  à? Cho ông ở nhà một mình nhé. Tôi ra ở với con’. Ôi dào, con đi, vợ đi thì còn ở lại với ai? Chắc bà lại mê cái xe nghe đâu tính ra tiền tỷ. Một tỷ lớn như thế nào, ông không biết, chỉ nghe thằng cháu họ đang học trường chuyên phố huyện bảo rằng chỉ cần chồng dọc một tỷ chiếc bút chì là lên tới mặt trăng. Ông rùng mình, lạnh sống lưng. ừ thì đi, nhưng khoan bán nhà vội. Giao cho vợ chồng thằng Trí con Bình trông hộ, sau này không ở thì xây thành nhà thờ. Ruộng đất chia lâu dài thì cứ giữ, ai làm cũng cho họ thuê. Đời đã biết đến đâu là cùng. Thấy ông gật đầu, bà Nhàn cười tít mắt. Cười to hơn là anh chàng lái xe cho con trai ông. Gã cũng xấp xỉ tuổi Nhàn mà ăn mặc cứ như thằng mới lớn.
Phải một nỗi từ ngày ra thành phố, ông thấy trong người yếu đi; ốm vặt luôn. Hai vợ chồng ông ở gác ba, ngày đêm máy điều hoà chạy xè xè. Ông không chịu được lạnh, còn bà thì luôn luôn kêu nóng. Ông không muốn đi đâu, mà thực ra cũng chẳng biết đi đâu, còn Nhàn thì ra phố luôn. Một chốc bà ấy lại gọi điện cho anh chàng lái xe của con trai. Hôm thì mua váy áo, hôm thì chơi công viên. Bà thông thạo giá cả ở thành phố như chợ quê. Mà hễ cứ bước về nhà là bà vô buồng tắm. Bà tắm rõ lâu. Tiếng nước xối ào ào làm ông Đảm cứ ơn ớn như người phải cảm. Nhiều đêm nằm cạnh vợ, ông thấy lạnh muốn dịch vào thì bà Nhàn kêu nóng, toài ra. Những lúc ấy, ông thấy sống lưng mình giật thon thót. Ông cứ thấy lo lo, chẳng biết lo cái gì.
Thôi, ông không đi thì ở nhà mà xem  ti vi cho khoẻ – bà Nhàn nói với chồng như dỗ con.
- “Vừa xem ti vi vừa uống bia, đời thế là sướng bằng vạn dân làng Vòng của ông rồi. Đi biển chỉ tổ nhọc xác”. Gã lái xe đế vào, mắt nhìn bà Nhàn cười, ranh mãnh. Vợ chồng Dũng đang bận bịu với các loại giấy tờ, tiền nong để đi gặp đối tác. Họ hẹn nhau sẽ làm việc ở nhà nghỉ, ngay trong đêm nay, sáng mai hai khách hàng của Dũng đã phải bay rồi. Ông cứ mãi quan sát đến sự bận rộn của con, nên cũng chẳng để ý đến việc bà Nhàn đã xuống ngồi trong xe từ bao giờ. Vợ chồng Dũng lễ mễ xách va li ra đến cầu thang, còn ngoái lại:
- Thôi, cha yên tâm, chúng con về nhanh mà!
Khi chiếc xe thuốn vào màn đêm rồi nhanh chóng chìm vào dòng đèn chảy trên mặt đường một hồi lâu, ông Đảm mới trở vào, tắt đèn đi ngủ. Nằm mà không tài nào nhấp mắt được. Chập chờn trong đầu ông là khuôn mặt bà Nhàn với nụ cười như con nít, khuôn mặt trai lơ của gã lái xe. Ông lạnh người chợt nghĩ ra, rằng lâu nay bà Nhàn đã quá chơi thân với hắn. Một anh lái xe sống xa vợ, thuê căn hộ trên khu tập thể, đã có lần mời hai vợ chồng ông đến chơi nhà. Lần đó, khi thấy bà Nhàn thành thạo căn hộ hắn, rồi đun nước mời ông; ông Đảm chưa nghĩ ra điều gì. Chỉ thấy lấn cấn trong người mà thôi. Đến hôm nay, khi bà nằng nặc đòi đi, có gã lái xe đứng sau đế vào, ông cũng chưa nghĩ được gì rành mạch. Chỉ đến lúc này bụng ông mới cồn cào, ruột nóng như có ai hun lửa. Ông chồm dậy, với tay bật đèn, bồn chồn đi đi lại lại.
Khó khăn lắm ông mới tìm được chiếc chìa khoá tủ đầu giường. Lẩy bẩy mở ra, ông tìm chiếc túi vải con. Mãi mới mở được nút dây thắt túi. Những xếp tiền ông tích cóp, những đồng tiền vợ chồng Dũng cho ông ăn quà, hãy còn. Hình như có cả những đồng tiền của bà Nhàn cũng góp vào đây. Ông muốn đếm lại chúng, nhưng không tài nào điều khiển đôi tay được. Đầu óc ông rối mù. Ông trút một tiếng thở dài, rồi lên giường nằm. Tự thấy mình vô lối.
Đột nhiên, toàn thân ông ớn lạnh, bổi hổi. Hai đầu gối mỏi lìa. Sống lưng giật liên hồi, đau như bị chém. Mồ hôi lạnh vã đầy mình. Ông vừa quạt chân xuống đã ngã ngồi trên sàn gạch. Lâu lắm, ông cứ ngồi như thế, không đứng lên được, như bị đóng đinh xuống sàn nhà. Ông muốn đứng lên, gọi điện thoại. Nhưng không biết gọi, mà gọi ai?
Tới khi có tiếng ô tô phanh kít trước cổng, tiếng đập cửa gấp gáp, tiếng người lao xao, ông mới nặng nề đứng lên, lảo đảo ra mở cổng. Một đám đông vây lấy ông. Có tiếng ai đó bên tai, nói rằng xe của con ông bị tai nạn. Ông không còn nghe được gì nữa, ù đặc, loạng choạng bước lên, gạt cái người mặc quần áo công an đang chắn trước mặt, để bước thêm vài bước. Thoáng thấy chiếc xe con bẹp dí được kéo sau xe tải, với bốn cái xác người bó bằng vải trắng, máu đỏ thấm loang lổ, ông mới hộc lên một tiếng rồi đổ vập đầu vào đống đá răm cạnh ngõ nhà. Một chớp lửa sáng loá trước mắt ông rồi sau đó là một màn tối thui thăm thẳm. Ông thấy một nửa phần trên của thân thể mình cứ chui mãi. Chui mãi, sâu xuống mấy tầng đất đen. Nhẹ bẫng không bị vướng víu vì đôi chân, cứ thế ông chìm dần, chìm dần vào đêm đen dài bất tận….
Lào thào, lào thào, ông nghe những tiếng người, tiếng sụt sịt, tiếng người đọc điếu văn, tiếng đất lấp quan tài. Không ai nói với ông điều gì, chỉ có mùi dầu xoa, mùi nước hoa làm ông ngập ngụa. Ông gọi rất to, gọi bà Nhàn, gọi vợ chồng thằng Dũng, đợi ông, cho ông đi cùng. Chẳng ai nghe ông. Không có tiếng trả lời. Ông như người tàng hình bên cạnh những người ra vào trong ngôi nhà của con ông. Loáng thoáng bên tai ông những từ công chứng, khế ước ngân hàng, niêm phong… Ông đã cười to, cười mãi, không ai cười với ông, có lẽ họ không còn hiểu được tiếng ông nữa. Người ta đang mải lo tính toán để trừ nợ vay của thằng Dũng. Nó không còn nhà. Những cái nhà to xây không phải bằng tiền của mình. ở đây nhiều nhà giống như nhà thằng Dũng, đến đó mà lấy hết đi. Ha ha… của phù vân. Của giả. Không giống như cái gói tiền bằng vải ông buộc kèm giải rút – nó thật. Nó đang cồm cộm phía bụng dưới của ông.
Ai đó tiêm vào cánh tay ông. Người đàn bà mặc áo trắng, đi lại, hệt bà Nhàn. Họ không nghe được tiếng của ông. Có lẽ ông thường nói lộn, không ra đầu không ra đuôi. Ông đã quên nhiều chuyện quá, có nói ra cũng chẳng biết nói gì. Chỉ có con đường đi về làng Vòng thì ông còn nhớ. Con đường chiếc xe đen đưa ông ra, bây giờ ông đi ngược lại. Ông tìm đường về. Ông trốn về. Ông thù những chiếc xe chạy trước mặt ông, những chiếc xe đã giết vợ con ông. Ông đi bộ. Đi mãi. Ông chỉ ăn cầm hơi, uống nước lã. Đêm ngủ ở vệ đường. Đất nóng sực, chườm lưng làm ông nhớ những phiến đá ghép ở giếng Cả làng Vòng. Những phiến đá to, làng ông phải đợi lụt mới dùng thuyền chở ra, ghép thành bậc lên xuống. Mỗi bậc giống hệt chiếc ghế bành.
                                                *       *  *
- Anh Đảm ơi! Anh Đảm ơi. Bác Đảm…!
Tiếng người con gái gọi sát sạt bên tai làm ông Đảm giật mình. Cái điếu cày rời khỏi tay ông, rơi lộc cộc xuống bậc đá. Ông luống cuống quay lại nhìn. Ông phải hạ tay xuống, bịt chặt mồm kẻo lại kêu lên: bà Nhàn…
Bình cầm nón quạt, vừa buồn cười vừa thương hại ông anh họ.
- Trưa nào anh cũng ra đây hả. Trời, em tìm khắp nơi. Này, anh về nhà đi, em hỏi trâu cho anh rồi. Lão Hoàn ở làng Đống bán để mua máy cày Trung Quốc. Lão đang chờ anh ở nhà đó. Về thôi, anh!
Bước xuống bậc đá, đưa tay đỡ ông anh họ, Bình ngạc nhiên thấy ông Đảm đổi thần sắc. Lúc nãy còn như người mất hồn, vậy mà giờ đã tươi thế, khuôn mặt ông giãn ra, mồm cười hiền.
- Mua trâu là phải, anh tính vậy là đúng nhất. Vừa đi, Bình vừa chuyện cà kê. Anh tính, đất làng Vòng sâu, máy mó gì, chạy mươi bữa lại chẳng phải nuôi bọn sửa máy dưới phố. Có tiền anh cứ mua thêm một bình phun thuốc sâu nữa. Có trâu, có sức, lại có tất cả, lo gì.
Vừa đi, ông Đảm vừa nghe cô em họ líu tíu chuyện trò. Ông bước những bước dài, cả mười ngón toè ra, áp sát gan bàn chân xuống lớp đất nóng mịn trên dường. Cái nóng như luồng điện, chạy suốt từ chân lên đến đỉnh đầu. Cơn đau lưng của ông như biến mất. Tới lối rẽ, chợt ông dừng lại.
Hai thằng bé cởi trần, tóc tai dính bết bùn, xách hai túi ni lông đựng đầy ốc, chạy trước mặt hai người. Thằng lớn cỡ lên mười, đứa nhỏ hơn, chắc là em ruột. Thằng anh vừa chạy vừa hỏi:
- Mi còn thiếu quyển chi nữa?
            - Đạo đức với Tự nhiên xã hội. Hai quyển. Từng ni mua đủ không?
            - Mai phải đi một trưa nữa. Giờ về đổ vào vại, cho nước vo gạo mà nuôi…
            Hai thằng chạy ra bờ sông, rồi lao ùm xuống nước như hai con vịt. Bình ngạc nhiên, thấy ông Đảm đứng nhìn thỉnh thoảng lại lắc đầu. Rồi cười.
                                             Đồng Cò, tháng 8/ 1998
. . . . .
Loading the player...