02-10-2019 - 07:40

Thơ thiếu nhi và lời bình: Con về tháng Bảy

Hình ảnh người bà luôn đậm nét trong trái tim con cháu. Bà ngoại là người sinh thành ra mẹ, cũng là người luôn dành tình cảm thương yêu hết mực cho những đứa cháu của mình. Tác giả Đậu Thị Thu Hà lớp 10 Văn trường trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh gửi cả lòng mình vào bài thơ viết về bà ngoại “Con về tháng bảy”, bài thơ nằm trong chùm thơ đạt giải khuyến khích của cuộc thi Viết- Vẽ tuổi học trò lần thứ 7 của em. Đây là một bài thơ hay viết về bà ngoại ngập tràn cảm xúc. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ "Con về tháng Bảy" qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

CON VỀ THÁNG BẢY (1)

 

Con trở về quê ngoại thương yêu

Tháng bảy mưa ngâu sụt sùi nỗi nhớ

Bước chân trần trên đê làng nứt lở

Thấy thấm dần hơi ấm đất quê

 

Tháng bảy con về có nón ngoại nghiêng che

Vạt áo nâu mòn thời gian đẩm ướt

Con hỏi ngoại sao mưa hoài không ngớt?

Ngoại bảo rằng nước mắt nhớ thương

 

Có cánh cò trên đồng ruộng quê hương

Đôi chân gầy bám sâu vào lòng đất

Có bông lúa oằn lưng nặng hạt

Cơn gió heo may buông tiếng thở dài

 

Bóng ngoại gầy trong gió tóc bay bay

Có sợi nhớ thương sợi tảo tần mưa nắng

Con trở về nép mình vào yên lặng

Bỗng thấy lòng đổ nặng mưa ngâu…

                          Đậu Thị Thúy Hà (Lớp 10 Văn - Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh - Giải KK Cuộc thi Viết vẽ tuổi học trò lần thứ VII)

Tình bà cháu - Ảnh: Internet

 

 

LỜI BÌNH

 

 

        Hình ảnh người bà luôn đậm nét trong trái tim con cháu. Bà ngoại là người sinh thành ra mẹ, cũng là người luôn dành tình cảm thương yêu hết mực cho những đứa cháu của mình. Tác giả Đậu Thị Thu Hà lớp 10 Văn trường trung học phổ thông Chuyên Hà Tĩnh gửi cả lòng mình vào bài thơ viết về bà ngoại “Con về tháng bảy”, bài thơ nằm trong chùm thơ đạt giải khuyến khích của cuộc thi Viết- Vẽ tuổi học trò lần thứ 7 của em. Đây là một bài thơ hay viết về bà ngoại ngập tràn cảm xúc. Bài thơ gồm bốn khổ thơ tám chữ, là khúc trữ tình độc thoại ngân lên tha thiết nhớ thương. Những hồi ức từ sâu thẳm trong tiềm thức chợt dâng trào theo từng bước chân của bạn Thu Hà khi về thăm quê ngoại.

      Mở đầu bài thơ Thu Hà kể: “Con trở về quê ngoại thương yêu/ Tháng bảy mưa ngâu sụt sùi nỗi nhớ/ Bước chân trần trên đê làng nứt lở/ Thấy thấm dần hơi ấm đất quê..” Hai câu thơ đầu tiên giới thiệu về quê ngoại, một miền quê gắn bó máu thịt với em bởi em nặng lòng yêu thương miền quê ấy. Còn bốn từ “sụt sùi nỗi nhớ” của câu thơ thứ hai đã thầm khẳng định với các em một điều: bạn Thu Hà về thăm quê ngoại khi bà ngoại của em không còn nữa. Em xót xa bước đi trong mưa ngâu trên con đê làng quen thuộc“nứt lở” với thời gian. Với đôi“chân trần”em đã cảm nhận được “hơi ấm” yêu thương của miền đất quê ngoại dành cho em bởi đó là miền đất của người bà đã từng chăm sóc em khi bà còn sống.

       Những hồi ức, những kỉ niệm ngọt ngào hiện dần lên rõ nét trong em: “Tháng bảy con về có nón ngoại nghiêng che/ Vạt áo nâu mòn thời gian đẫm ướt/ Con hỏi ngoại sao mưa hoài không ngớt?/ Ngoại bảo rằng nước mắt nhớ thương..” Hình ảnh người bà của em là một người bà ở vùng quê hai sương một nắng với “vạt áo nâu mòn” theo thời gian, nhưng lại nặng lòng thương yêu con cháu. Bà thà để mưa  ướt đẩm áo mình vẫn nghiêng vành nón che cho cháu mình khỏi ướt. Buổi chiều tháng bảy trở về thăm quê ngoại đó, những kỉ niệm xưa lại ùa về, cảnh và vật như hiện rõ trước mắt em: “Có cánh cò trên đồng ruộng quê hương/ Đôi chân gầy bám sâu vào lòng đất/ Có bông lúa oằn lưng nặng hạt/ Cơn gió heo may buông tiếng thở dài..” Cánh cò trên đồng ruộng vẫn còn đó, hình ảnh những bông lúa oằn lưng nặng hạt vẫn còn nguyên vẹn  như xưa. Nhưng ở đó đã thiếu hẳn một hình bóng của “ai” để ngọn gió heo may khi nhận ra người cháu trở về buông một tiếng thở dài não nuột. Tiếng thở dài của ngọn gió hay tiếng thở dài não lòng của người cháu khi trở lại thăm miền quê ngoại mà không còn bà ngoại nữa. Những hình ảnh “đôi chân gầy bám sâu vào lòng đất”của con chim có tên là Cò  lại làm cho ta liên tưởng đến đôi chân gầy khẳng khiu của bà ngoại ngày nào lặn lội với ruộng đồng trong sự thương nhớ trộn lẫn xót xa. Và đây nữa hình bóng của bà ngoại vẫn vẹn nguyên trong tâm trí đứa cháu: “Bóng ngoại gầy trong gió tóc bay bay/ Có sợi nhớ thương, sợi tảo tần mưa nắng..” Hình ảnh in đậm trong trái tim người cháu những lần bà ra đầu làng đón đợi cháu về. Từ trong cõi nhớ sâu thẳm đó là một sự kính trọng, và biết ơn về người bà của mình đã một đòi lam lũ, chăm lo việc đồng áng với nhiều ẩn dụ hiện lên trên từng sợi “tóc bay bay”.

       Tháng bày, tháng báo hiếu những người thân yêu đã khuất. Đậu Thị Thu Hà đã viết nên bài thơ đầy tính suy ngẫm và ngập tràn cảm xúc với những câu thơ giản dị, thật lòng. Cả bài thơ là một khúc trữ tình độc thoại, cao vút rồi trầm tĩnh, xót xa. Những hình ảnh của người bà qua nhiều tâm thế nhưng để lại một nỗi nhớ thương vô hạn trong lòng đứa cháu của bà. Bài thơ với những câu thơ buồn nhưng thật lạ nó lại như an ủi vỗ về người đọc. Bài thơ “Con về tháng bảy” của em Đậu Thị Thúy Hà là một bài thơ độc thoại thành công ngoài mong đợi nó đủ độ chin của vốn sống, vốn từ ngữ, kỉ năng và cảm xúc thơ giúp bài thơ bay cao bay xa. Để mỗi lần về thăm quê ngoại vào dịp tháng bảy, tháng báo hiếu hàng năm, trái tim chúng ta lại dâng trào cảm xúc và bồi hồi xúc động cùng em: “Con trở về nép mình vào yên lặng/ Bỗng thấy lòng đổ nặng mưa ngâu.”

N.V.T

__________________

(1)-Trong tập Ngày nắng lên tuyển tập các tác phẩm đạt giải cuộc thi Viết- Vẽ tuổi học trò lần 6,7,8

 

 

. . . . .
Loading the player...