15-06-2016 - 22:23

Tập thơ " Vầng trăng mong chờ" của Từ Công Hải

Hướng tới kỷ niệm Ngày báo chí Việt Nam, xin chúc mừng và giới thiệu tập thơ " Vầng trăng mong chờ" - NXB Đại học Vinh, năm 2016 của tác giả Từ Công Hải- Giám đốc Đài Truyền thanh- Truyền hình thành phố Hà Tĩnh.


 Tác giả TỪ CÔNG HẢI
Sinh ngày: 22/11/1967
Quê: Thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ, Tp Hà Tĩnh.
Hội viên Hội nhà báo Việt Nam
Giám đốc Đài Truyền thanh- Truyền Hình thành phố Hà Tĩnh
 
 
Lời giới thiệu:
 
         Sự thực, tôi không hiểu Từ Công Hải làm thơ từ lúc nào và lúc nào khi vừa  thôi cái chức Chánh Văn phòng Thành ủy, phải lo đủ trăm thứ bà rằn giờ lại phải quay sang lo cái phận sự mới: Trưởng Đài PTTH thành phố Hà Tĩnh. Chỉ nhớ cách đây vài năm, trang Website của Hội có giới thiệu anh một chùm thơ viết về quê mới biết anh có duyên nợ với thi ca.
         "Vầng trăng mong chờ" của Hải gồm 50 bài trong gần 100 bài anh đã viết. Anh bảo lựa chọn con số này để kỷ niệm một dấu mốc quan trọng của đời người khi bắt đầu bước vào tuổi " tri thiên mệnh".  Có người bảo tuổi năm mươi là cái tuổi đứng chon von trên đỉnh đốc, mang tâm thế của người còn đôi chút háo hức để bứt lên nhưng cũng cũng là lúc có thể ngoái cổ mà nhìn lại một chặng đường đã qua với bao chiêm nghiệm. Trong tập, có đưa thêm bài hồi ký của Nguyễn Thị Cúc viết về những kỷ niệm sâu sắc, cảm động của một thời với tác giả Từ Công Hải.
        Thơ Hải viết về nhiều đề tài nhưng có thể nhận thấy rõ trong tập thơ đầu tay này vài ba nguồn mạch chính. Trước hết đó là tình cảm đằm thắm nồng nàn mà anh dành cho quê hương xứ sở, gia đình với sự tri ân nguồn cội. Về mảng này, tác giả vừa muốn níu giữ lấy một hình bóng quê hương chịu thương chịu khó trong quá khứ nhưng luôn là cái điểm tựa tinh thần cho hiện tại ( Xứ Nghệ trong tôi, Em có về Hà Tĩnh với anh không,…) , vừa mừng vui về những biến đổi diệu kỳ trên mảnh đất mà mình từng gắn bó vừa đan xen nỗi lo sợ sẽ đánh mất những điều quý giá đã trở thành máu thịt ( Hà Tĩnh quê tôi, Ký ức, Thành phố quê tôi…Một thời nông nổi, Bến đò Hộ Độ…). Trong cái mạch chung này, còn có thêm chùm thơ viết về những người thân: Vầng trăng mong chờ, Nghề giáo, Giận, Con,…).
            Nguồn mạch thứ hai tuôn chảy trong thơ Hải là những ký ức một thời hiện về làm anh vật vã, bâng khuâng, hoài niệm trong sự nhớ nhung, giận hờn, tiếc nuối ( Vô đề, Tình cũ, Dấu giày, Lỡ…). Có lẽ xuất phát từ đây mà xuất hiện một gam màu buồn đến da diết trong thơ Hải mà có khi người đọc và cả chính tác giả cũng " không hiểu vì sao tôi buồn" ( Thu, Gió, Mưa, Mây, Cô đơn, Khạo khờ, Một mình, Buồn, Thao thức, Hư vô…)
            Ở cái tuổi " tri thiên mệnh", những trải biết cá nhân đã nhập vào thơ Hải như một dòng thế sự để tác giả bộc lộ những cảm xúc, những suy nghĩ về sự đúng sai khi luận bàn về lẽ đời, tình yêu, các bậc thang giá trị ( Giàu nghèo, Gái gọi, Đạo đức và đồng tiền, Đống gạch, Đất và cây, Đào, Đường, Bế tắc, Đời…. Ở mạch này, chắc đôi khi vì quá mải lý sự nên một số bài còn chưa đủ độ chín và sự thăng hoa của cảm xúc nên hơi bị khô khan, khiên cưỡng.
            " Vầng trăng mong chờ" đã có mặt trên tay bạn. Dù ít, dù nhiều, hy vọng  vầng trăng ấy sẽ tỏa sáng, soi tỏ được điều gì đó mà tác giả đang muốn bày tỏ với mọi người và với chính mình. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
 
Thành Sen, đầu hạ năm 2016
Nhà văn Phan Trung Hiếu
( Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh)

Tác giảTừ Công Hải tại ễ ra mắt tập thơ " Vầng trăng mong chờ"
 
Chùm thơ rút ra từ tập:
 
 
XỨ NGHỆ TRONG TÔI
 
Ai chia xứ Nghệ làm đôi
Để quê chung, thành quê tôi, quê người !
Giận thương câu ví một thời,
Gừng cay muối mặn, suốt đời bên nhau.
Ai làm nên cuộc bể dâu !
Để thành câu lý qua cầu gió bay.
Sông Lam đó, núi Hồng đây
Tháng năm nào biết vơi đầy lòng ai ?
Một thời khốn khó chung vai
Dân ca xứ Nghệ chia ai bây giờ ?
Bao đời xứ Nghệ quê thơ
Để sông Lam với đôi bờ đục trong !
Đường vô xứ Nghệ miền Trung
Nghệ An - Hà Tĩnh vẫn chung câu hò.
Đừng làm mệnh bạc Nguyễn Du
Bắt nàng Kiều phải bán mua phận mình.
Nghe trong câu hát ân tình
Vẫn chung chất giọng quê mình mà thôi ./.
 
 
Cầu Hộ độ. Ảnh: Trần Hướng

BẾN ĐÒ HỘ ĐỘ

Bến đò Hộ độ quê tôi,
Chở thương, chở nhớ một thời sang sông.
Thủy chung son sắt một lòng,
Ngàn năm bến vẫn cùng sông đợi người.
Đò ngang còn đó bao đời,
Nay thành kỷ niệm một thời tuổi thơ.
Đò xưa neo đậu bến chờ,
Sông vẫn Hộ độ, bến đò thì không.
Qua bao thác lũ , mưa ghềnh,
Có ai còn nhớ " lụy anh" lái đò.
Sang sông thì phải lụy đò,
Cầu bắc mới thấy thương đò làm sao,
Bến chờ , đò đợi năm nao,
Nay thành cổ tích, ca dao một thời.
Bến đò Hộ độ quê tôi,
Mãi là bến của một thời yêu thương.
 
 
CHA

Tháng tư về náo nức nhớ tiếng ve
Nôn nao nhớ trưa hè trên ruộng muối
Ta nhớ lắm bạn bè cùng độ tuổi
Bỏ quê nghèo theo đuổi cuộc mưu sinh
Tháng tư về xao xác buổi bình minh
Con đường cũ, chuyện tình xưa đã cũ
Trên ruộng muối một thời ta ấp ủ
Bữa cơm no, dù chỉ có cơm cà
Tháng tư về rưng rưng cả lòng ta
Nhớ thường lắm người cha già đã khuất
Mấy chục năm cuộc đời luôn tất bật
Chân lấm bùn quần quật suốt ngày đêm
Tháng tư này cha ta đã ngủ yên
Chẳng lo lắng chẳng buồn phiền được nữa
Bữa cơm nay con không còn đứt bữa
Cha có về dừng bữa với con không
Tháng tư về con chợt buốt cõi lòng
Chở cha đi lòng vòng trong bệnh viện
Nhưng cha vẫn không kêu đau một tiếng
Cha sợ lòng con lúng liếng lệ rơi
Cha đi rồi nhớ lắm tháng tư ơi
Nhớ áo tơi một thời cha đã mặc
Chiếc nón cời cha dùng làm quạt mát
Quạt mát cho con, mát mãi cuộc đời.
Tháng tư về con vui lắm cha ơi
Vì con đã vâng lời cha căn dặn
Con vượt lên từ đời cha muối mặn
Có việc làm và có chỗ vào ra
Tháng tư về cha cứ ngủ đi cha
Đừng lo nữa cảnh dưa cà năm cũ
Mẹ con con giờ gọi là tạm đủ
Cha cứ yên lòng mà ngủ nghe cha.
 
 
VẦNG TRĂNG MONG CHỜ
 
Mười năm dãi gió dầm sương
Tuổi xuân gửi cả núi rừng Trường Sơn.
Diệt giặc Mỹ, trút căm hờn.
Chân mòn đá núi, vai sờn ba lô,
Chiến trường bữa đói bữa no,
Cồn Tiên, Dốc Miếu, Vũng Rô, Long Thành…
Đi qua biết mấy địa danh,
Cha cùng đồng đội phá thành diệt Tây.
Cha đi biết bấy nhiêu ngày?
Cũng chừng ấy những tháng ngày mẹ lo.
Sớm hôm lặn lội thân cò,
Một mình mẹ, một nỗi lo, một mình.
Mười năm theo cuộc chiến binh,
Để cho đất nước thanh bình hôm nay.
Chờ cha vò võ tháng ngày,
Mẹ gửi gió, mẹ gửi mây, lời thề.
Mong ngày thống nhất cha về,
Đón cha cùng với lời thề năm nao.
Nào ngờ trong cuộc binh đao,
Cha không còn kịp đón chào thành công.
Trên bia mộ đã ghi công,
Nhưng mẹ vẫn đợi vẫn mong cha về !
Mẹ lầm lũi giữa đồng quê,
Dấu chân mẹ vẫn đi về sớm hôm.
Mẹ mất cha còn có con,
Có đất nước, có núi non Lam Hồng.
Nước mắt của mẹ khóc chồng
Xây thành tượng mẹ ANH HÙNG Mẹ ơi !
 
 
DẤU GIÀY
 
Triền đê dạo ấy anh ngồi,
Hình như còn dấu chân người ở đây.
Ngày xưa cũng ở nơi này,
Cùng trăng, cùng gió, cùng mây tự tình.
Anh ngồi thơ thẩn một mình,
Chờ em, chờ một mối tình, đơn phương.
Dấu chân em sót bên đường,
Nên anh gửi trọn niềm thương, chốn này.
Mặc cho con tạo vần xoay,
Dấu chân dạo ấy vẫn đầy nhớ thương.
Để cho tình mãi đơn phương,
Để cho anh mãi vấn vương dấu giày.
Nhạc tình một thủa mê say,
Đi về, này những lối này năm xưa.
Bây giờ em biết hay chưa,
Bỏ quên chốn ấy, ngày xưa, dấu giày./.
 
 
HƯ VÔ, THÁNG MƯỜI
 
Hồn tôi lạc giữa mây trời,
Lang thang trong nắng tháng mười, nhớ ai ?
Nhớ ai thao thức đêm dài,
Vẹt vầng trăng của tháng mười, cô đơn.
Nỗi buồn, tím cả hoàng hôn,
Quay cùng với những vòng tròn nhện giăng.
Nỗi lòng ai biết cho chăng ?
Mình tôi ôm nửa vầng trăng đợi chờ.
Ngồi buồn viết mấy vần thơ,
Quăng vào trong cõi hư vô, tháng mười./.
. . . . .
Loading the player...