12-09-2019 - 15:33

Tập thơ" Sắc màu thiên nhiên" của tác giả Phạm Quỳnh Như

Nhân dịp Tết Trung thu, xin trân trọng giới thiệu tập thơ dành cho thiếu nhi của tác giả Phạm Quỳnh Như, Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành vào tháng 8 năm 2019 với bài giới thiệu đầu sách của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

LẤP LÁNH SẮC MÀU THIÊN NHIÊN 

“Sắc màu Thiên nhiên” là tập thơ thiếu nhi của Quỳnh Như đã vẽ nên bức tranh sắc màu thiên nhiên của miền quê nông thôn tươi tắn và sinh động. Tươi tắn bởi bao sắc màu, sắc hoa; sinh động bởi bao hòa âm từ đồng quê ra biển với cái nhìn lạ hóa nhiều liên tưởng thú vị chắp thêm đôi cánh tưởng tượng, phong phú cho các em càng yêu quê hương, đất nước  hướng tới những ước vọng về một vẻ đẹp hoàn hảo và hướng thiện. Quỳnh Như vốn là một tác giả có nhiều bài thơ hay viết cho người lớn. Trong bộ sưu tập của ông trên 20 bài thơ đã được chọn in trên tuần báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam. Tâm thức ruộng đồng luôn ám ảnh ông và trên “cánh đồng thơ người lớn” ông đã có nhiều gặt hái bội thu  thì nay với tập thơ  nhi cho thấy một năng lực sáng tạo mới của ông có nét riêng độc đáo và ấn tượng  . . 
“Sắc màu Thiên nhiên” được thổi   để “Nhuộm” “Hương hoa” của “Bức tranh đồng quê” đến “Hoàng hôn biển”. Ngọn gió tuổi thơ với bao ký ức ấy từ “Hoa vườn nhà” thắm sắc trắng nồng hương của “Hoa đại” đến “Mùa quả” xúm xít quanh thân “Cây dừa”. “Gió từ đầm sen” thổi từ “Sóng” nghiêng ngã những “Cột buồm” qua “Mùa thu” còn vương vị chút “ Heo may” của “Hạt sương” rồi lại nồng nàn vỗ về ngọn “Sóng trên ngực cha” thổi mát dịu cái “Nắng” trưa “Hè” cho “Bố đi cày”. Ngọn gió như vị ngọt lành của “Giếng làng” nguồn mạch trong trẻo để nuôi những cánh đồng “Mẹ và cây lúa” cho “Cây rơm” thêm óng vàng như ruột “Con tằm” nhả tơ hòa âm với “Tiếng chim”. Ngọn gió thổi qua   “Mùa xuân” với “Thời gian” tô thắm thêm “Tranh tết” vào hội làng “Tháng giêng” lại có bao “Chuyện lạ” từ “Ngựa thồ xuống chợ”… . Một thế giới động vật, côn trùng được ông vẽ nên không chỉ bằng sự tinh tế quan sát mà còn bằng cảm nhận trực giác: “Ruột tằm vàng ánh tơ – Thả vàng những  nong thưa – Như  vê từng hạt nắng” (Con tằm); hay: “Ơ kìa chú rắn – Leo lên cành tre – Khoanh tròn vạt nắng – Một góc vườn quê” (Chú rắn). Một vẻ đẹp thân thiện giao cảm với thiên nhiên là cái nôi sự sống ấp iu giang rộng vòng tay  trìu mến. Ve là một người bạn thân thiết với các em trong mùa hè. Ở đây Quỳnh Như đã đồng cảm với bao sẻ chia : “Chị gió đi tìm ve – ve đi tìm hạt nắng – Nắng đi tìm hoa phượng – Gặp ve đang thổi kèn” (Tiếng ve). Cuộc tìm kiếm này là tìm kiếm cái vẻ đẹp hài hòa của sự sống.Tôi rất thích bài thơ “Chuyện lạ” mà đúng là lạ thật với cách nhìn so sánh  hợp tư duy của lứa tuổi thơ. Phải có sự quan sát thật yêu thương, thật hồn nhiên , thật tin cậy và thật tươi mới xanh non (đó là những phẩm chất thi sĩ viết cho thiếu nhi), Quỳnh Như mới phát hiện được không chỉ tinh tế mà còn dí dỏm thổi hồn vào cái chất đồng dao để “bật mí” mở ra cánh cửa bí mật của tâm hồn gợi thêm trí tò mò của các em: “Cái hái có vòi – Bà có bình vôi – Miệng cười răng trắng”; Rồi có bao điều lạ nữa khi : “Cây tre có mắt – Quả hồng có tai” thật tươi tắm và sinh động. Ông đã thổi vào những đồ vật cây quả những sinh linh của sự sống tươi  ròng cứ  bóc dần lớp lang như một hoạt cảnh trên sân khấu để bất ngờ: “Điều  bé lạ nhất – Đá có mồ hôi”, từ vật vô tri biến thành những cá thể sống. Đó cũng chính là một trong những thành công của Quỳnh Như khi viết cho thiếu nhi.
Đường bay của tập thơ là đường bay của con Ong nên cứ chắt chiu yêu thương để lọc thành mật ngọt, để tạo thêm những cảm hứng cho tuổi thơ thần tiên thêm yêu, thêm quý những người thân và thiên nhiên xung quanh. Một cảnh sinh hoạt đời thường hàng ngày nhưng dâng trào lên các em bao yêu thương kính trọng biết ơn: “Cha từ biển trở về - Áo đơm  đầy cúc bạc – Mẹ nướng cá bên thềm – Gió mách lời  đánh thức” (Sóng trên ngực Cha).
Có một nhà thơ nỗi tiếng đã từng nói với tôi: “Anh cứ nhặt những câu thơ hay nhất của tập thơ thì tôi sẽ cho anh biết tài năng của nhà thơ đó thế nào?”. Thì đây, thật ngẫu nhiên tôi nhặt ra những câu thơ những hạt lúa, hạt vàng lấp lánh. Lấp lánh bởi nắng mưa bởi phù sa đồng ruộng; lấp lánh bởi sự  chọn lựa sàng sảy  chắt lọc ngôn ngữ của Quỳnh Như; lấp lánh bởi nét hồn nhiên dung dị nhưng cũng khá tài hoa bay bổng với nhiều ấn tượng, liên tưởng trực giác: “Buồm dắt thuyền đi chơi” (Cây buồm); “Hoa chỉ nói thành lời – Bằng làn hương dịu ngọt” (Hoa đại); “Áo dệt bằng sợi tơ – Cả đời tằm  rứt ruột” (Con tằm). Tôi thích chữ “rứt” của Quỳnh Như hơn chữ “rút”,  rứt ra cả những đớn đau vị tha cho đời bởi sự dâng hiến tự nguyện. Đọc câu thơ này viết cho các em mà nhiều khi người lớn cũng giật mình!. Nhìn những con sóng vỗ bờ ông tự nhiên trẻ lại với câu hỏi trẻ thơ: “Tính tình  hệt đứa trẻ thơ – Mà sao đầu bạc bao giờ sóng ơi”; cũng như khi ông nhận ra: “Hạt mầm ủ trong đất - Gặp mưa lớn thành  cây” (Hạt mưa). Trong đêm hè thật bất ngờ khi ông thảng thốt nhận ra và cũng phải có tâm hồn trẻ thơ ông mới nhận thấy được: “Con dế kêu tìm bạn – Giấc ngủ tìm chiêm bao” (Hè) . Phải thật thi sĩ tài hoa ông mới viết được mới cảm nhận được cái điều mà ít người nhận thấy đó là “Giấc ngủ tìm chiêm bao”. Cái ảo đen xen cái thật, những bước nhảy quảng qua các cung bậc cảm xúc bất ngờ có rất nhiều trong tập thơ này. Chính điều đó kích hoạt thêm trí tưởng tượng phong phú hấp dẫn cho các em.
“Sắc màu Thiên nhiên” là một bức tranh tổng hợp trong trẻo, ngát hương với rất nhiều biến ảo đã thanh lọc, chắt lọc lại bao tinh túy để “ướp” vào tâm hồn các em của tinh khiết hương sen vươn tới cái thiện, cái đẹp hoàn hảo. Ngọn gió ấy mang theo bao hình ảnh thân thương gần gũi với đời sống dân dã với các em . Quỳnh Như rất “thuộc’ không chỉ cảnh vật thiên nhiên mà ông còn rất ‘tinh” khi biến hóa khám phá vào một thế giới thần tiên nhiều bí mật của tuổi thơ .Đó là một trong những lý do mà tôi yêu quý va giới thiệu tập thơ này.

Hà Tĩnh, ngày 22 tháng 06 năm 2019
NNP

. . . . .
Loading the player...