18-03-2022 - 09:24

Tập sách “Ghi chép ở làng Uy Viễn” của tác giả Đặng Thanh Quê

Danh nhân Nguyễn Công Trứ (1778-1858) tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, bút hiệu Hy Văn sinh ra ở huyện Quỳnh Côi phủ Thái Bình nhưng vốn quê làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một vị quan đa tài dưới triều Nguyễn, là nhân vật kiệt xuất của lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, nửa đầu thế kỷ XIX. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu cuốn sách “Ghi chép ở làng Uy Viễn”, NXB Nghệ An phát hành cùng bài viết “Tóm tắt cuộc đời gánh vác của Nguyễn Công Trứ” của tác giả Đặng Thanh Quê (thị trấn Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Hội viên chuyên ngành Văn xuôi, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh.

Tóm tắt cuộc đời gánh vác của Nguyễn Công Trứ

 

     Ngày 19 tháng 12 năm 1778, vào giờ Thìn (có nơi ghi giờ Hợi) ngày 1 tháng 11 năm Mậu Tuất, Cảnh Hưng thứ 38, tại xã Địa Linh, huyện lỵ huyện Quỳnh Côi, phủ Thái Bình, trấn Sơn Nam Hạ, Nguyễn Công Trứ cất tiếng khóc chào đời. Tên gọi trong nhà, trong làng là Củng, tự Tồn Chất, hiệu Hy Văn, biệt hiệu Ngộ Trai, khi về già dân làng kiêng húy gọi là Cụ Thượng, đến khi về hưu được gọi là Cố Lớn.
     Mẹ đẻ của Nguyễn Công Trứ là bà kế thất Nguyễn Thị Phan, con Bá Tước Quản Nội Thị quê xã Phụng Dực, huyện Thượng Phúc, trấn Sơn Nam Thượng (nay là huyện Thường Tín, Hà Nội).
     Mẹ đích mẫu của Nguyễn Công Trứ là bà Đặng Thị Tần, con gái thứ của Tự Khanh Đặng Thái Bàng, người xã Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, đã mất.
     Năm 1789, 11 tuổi cùng cha mẹ về quê nội (xã Uy Viễn) sinh sống (xem thêm Thân phụ Nguyễn Công Trứ ở phần đầu).
     Năm 1796, 18 tuổi, cưới vợ là Đặng Thị Minh, con gái thứ của Bá tước Phán lực Tướng quân Đặng Thái Cự, lúc 15 tuổi. Từ đây, dân trong vùng gọi anh là Nho Củng.
Năm 1798, tròn 20 tuổi, Nho Củng đỗ Đầu xứ tại kỳ thi Tiến Ích cho thí sinh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tại tỉnh lỵ Nghệ An, nhằm xếp loại thí sinh chuẩn bị cho thi Hương sắp tới. Dân làng gọi anh là Đầu xứ Củng.

Tập sách " Ghi chép ở làng Uy Viễn" của tác giả Đặng Thanh Quê


-    Năm 1800, Nguyễn Công Trứ 22 tuổi, cha là Nguyễn Công Tấn qua đời.
-    Năm 1803 (Quý Hợi), xa giá Gia Long ra Bắc nhận Tuyên phong và phủ dụ dân chúng Bắc Hà. Được tin dừng nghỉ tại Trạm Chế (Trạm giao liên trên đường Thiên lý Bắc – Nam), nay là xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Nguyễn Công Trứ diện kiến nhà vua và trình “Thái bình thập sách”, nhưng không được quan tâm, để ý.
-    Năm 1807 (Gia Long thứ 6), khoa thi Hương đầu tiên thời Gia Long, Đầu xứ Củng bị hỏng bay.
-    Năm 1808, anh Củng lấy vợ hai, người họ Trương, quê xã Hội Thống. Chưa đầy 9 tháng sau, bà vợ này sinh con trai, anh Củng đặt tên là Nguyễn Công Ngạc.
-    Năm 1813 (Gia Long thứ 12), Đầu xứ Củng lều chõng sang Nghệ An dự thi Hương lần thứ 2. Khóa này anh đỗ Tam Trường (Tú tài).
-    Năm 1819 (Gia Long thứ 18), dự khoa thi Hương, Nguyễn Công Trứ đỗ đầu (Giải nguyên) lúc 41 tuổi, đứng đầu trong số 14 vị đỗ Hương Cống tại trường thi Nghệ An.
-    Năm 1820, được bổ Hành tẩu Quốc sử quán. (Hành tẩu là chức quan đầu tiên mới vào nghề trong Lục bộ).
-    Năm 1821-1822, được đề bạt là Biên tu Quốc sử quán. Do có năng lực và trình độ nên được đình thần nhất loạt tiến cử, lựa chọn.
-    Năm 1823 (Minh Mệnh thứ 4), bổ Tri huyện Đường Hào.
-    Năm 1824, tháng 10, thăng Lang Trung bộ Lại (cấp dưới của Bộ), phẩm hàm Lục phẩm.
-    Năm 1824, được cất nhắc Thự Tư nghiệp Quốc tử Giám, tăng lên Ngũ phẩm.
-    Năm 1824, được đề bạt Thiêm sự bộ Hình, lên Tứ phẩm. Đây là viên chức giúp việc Thượng thư.
-    Năm 1825, tháng 8, chuyển sang làm Phủ thừa Thừa Thiên. Là chức phó, giúp việc cho Phủ doãn Thừa Thiên.
-    Năm 1825, tháng 11, chuyển sang làm Tham hiệp Thanh Hoa (chức này từ năm 1831, Minh Mệnh đổi là Án sát).
-    Năm 1826, dẹp loạn Lê Duy Lương( Thanh Hóa) và Ninh Đăng Tạo (Nghệ An), được tăng hàm Thị lang, quyền Biện hình tào Bắc Thành, Tham tá Quân vụ, tăng lên Tam phẩm.
-    Năm 1826, mẹ mất (bà kế mẫu Nguyễn Thị Phan qua đời), được phép về Uy Viễn chịu tang.
-    Năm 1827, đánh dẹp được quân nổi dậy Phan Bá Vành ở Thái Bình – Nam Định, được Vua Minh Mệnh ân thưởng lớn, lại được thăng Hữu Thị Lang bộ Lễ, rồi sung chức Toản tu, cùng biên soạn Bách ti chức chế.
-    Năm 1828, tháng 3, dâng Sớ xin khẩn hoang. Được bổ Dinh Điền Sứ. Lập huyện Tiền Hải, có uy danh khắp vùng. 
Được giao thêm chức Thự Hữu Tham tri bộ Hình, vẫn lĩnh Dinh Điền Sứ.
-    Năm 1829: Lập huyện Kim Sơn và 2 tổng Hoành Thư, Ninh Nhất. Dâng sớ đặt Hương ước. Bị giáng 1 cấp vì để lọt vụ thương nhân người Hoa buôn lậu gạo.

 -  Năm 1830, được thêm quyền giữ ấn tín bộ Hình. Tăng phẩm hàm lên Tòng Nhị phẩm.
 -   Năm 1831, tháng 1, triều đình đề nghị cách chức vì ông định tiến cử phú hào Phi Quý Trại là người bất tài để giữ chức Huyện thừa. Minh Mệnh phạt giáng chức điều về làm tri huyện Kinh huyện và hạ 4 cấp phẩm hàm xuống Chánh Lục phẩm.

  - Năm 1832, tháng 1, được bổ Viên ngoại lang Nội vụ Phủ, tăng phẩm hàm 1 cấp lên Ngũ phẩm, rồi lên Lang Trung Nội vụ.
    Tháng 5, đề bạt Thự Bố Chánh Hải Dương
    Tháng 8, Bố Chánh Hải Dương, Chánh tam phẩm.
    Tháng 9, Tuần phủ Hải Dương, Tòng Nhị phẩm.
    Tạm giữ ấn Quan phòng Tổng đốc Hải Yên.
    Tháng 10, Thự Tham Tri bộ Binh, kiêm Tổng đốc Hải Yên.
-    Năm 1833, bổ Tham tán Quân vụ, dẹp loạn Nông Văn Vân, được khen và gia thưởng quân công kỷ lục 2 thứ.
-    Năm 1834, thăng Tham tri bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải Yên. Bị giáng 3 cấp vì sai phạm việc quân nhưng vẫn cho cầm quân.
Được khởi phục 1 cấp, lĩnh chức Tham tán Quân vụ Tuyên Quang, kiêm Tham tán đạo Thái Nguyên.
-    Năm 1835, Dẹp xong loạn Nông Văn Vân, được trả lại áo mũ và lương bổng như trước. Thăng bổ Thượng Thư bộ Binh kiêm Tổng đốc Hải Yên.
Ban cho một người con (là Nguyễn Hy Cát, con trưởng) được tập ấm, giữ chức Hiệu úy vệ Cẩm Y, sau đó được đổi sang Thanh lại ty Chủ sự.
Cũng năm này bị giáng 4 cấp vì để sổng tù.
-    Năm 1834, hoàn thành việc đào sông Cửu An ở Hưng Yên, được thăng 1 cấp quân công.
-    Năm 1837, gia thưởng thêm 1 cấp quân công nhờ hoàn thành việc trị thủy ở vùng Hải Dương, Hưng Yên.
-    Năm 1838, bị giáng 3 cấp do đánh dẹp ở Quảng Yên không được.
-    Năm 1839, bị giáng làm Hữu Tham tri bộ Binh.
-    Năm 1840, được tặng quân công 3 cấp vì có công làm Chánh chủ khảo Trường thi Hà Nội.
Thăng Thự Tả đô Ngự sử Viện Đô sát (vẫn kiêm Hữu Tham tri bộ Binh).
Làm Tán lý Cơ vụ Trấn Tây Thành.
Bị giáng 1 cấp vì bênh vực Tuần phủ Nam Ngãi Vương Hữu Quang.
Nguyễn Công Trứ xin đi giúp việc quân cơ ở Trấn Tây (Tây Nam Bộ).
-    Năm 1841, tháng 3, sung chức Quyền Tham tán Đại thần Trấn Tây.
Tháng 4, bị quở trách không hoàn thành nhiệm vụ.
Bị giáng làm Tán lý Cơ vụ ở Trấn Tây.
Tháng 9, bị đình thần luận tội trảm giam hậu. Thiệu Trị cách chức Thự Tả đô Ngự sử kiêm Tham tri Bộ binh.
Tháng 10, có công dẹp giặc, được vua ra chỉ thị khôi phục Thị lang Bộ Binh (vẫn lĩnh Tuần phủ An Giang).
-    Năm 1843, tháng 5, giữ Tham tri bộ Binh, kiêm Tuần phủ An Giang, tong Nhị phẩm.
Năm 1844, tháng 5, đình thần luận tội cách chức, phạt trượng, tội đồ. Vua Thiệu Tri hạ chỉ phải sung quân phát phối. Bị cách hết chức tước, hạ xuống làm lính thú đi biên thùy ở Quảng Ngãi.
-    Năm 1845, tháng 5, nhà vua cho Nguyễn Công Trứ được khôi phục chức Chủ sự bộ Hình, quyền Viên ngoại lang Chánh Ngũ phẩm, tiếp tục được thăng Quyền Viên ngoại lang Đại lý tự. Cuối năm, bà vợ thứ 12, người Gia Định, sinh con trai là Nguyễn Công Lai.
-    Năm 1846, tháng 7, thăng Viên ngoại lang Đại lý tự, Án sát sứ Quảng Ngãi. Tháng 11, làm Thự Phủ thừa phủ Thừa Thiên.
-    Năm 1847, tháng 1, phủ Thừa phủ Thừa Thiên, tứ phẩm.
+ Tháng 5, thăng Thự Phủ doãn Thừa Thiên, tam phẩm
+ Tháng 7, xin từ chức về hưu. Vua Thiệu Trị hạ chỉ tiếp tục giữ chức như cũ.
+ Tháng 9, Chủ khảo Trường thi Nam Định.
-    Năm 1848, Tự Đức thứ nhất. Tháng 6, làm Kinh doãn Thừa Thiên.
Tháng 10, Phủ doãn Thừa Thiên. Chánh tam phẩm.
Vua Tự Đức ban tiền hưu trí cho Nguyễn Công Trứ về quê nghỉ hưu, lúc tròn 70 tuổi.
-    Năm 1849, Nguyễn Công Trứ về nghỉ hưu ở chùa Cảnh Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
-    Năm 1852, đại diện nhân dân hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn vào Hà Tĩnh mời cụ ra chơi và dự khánh thành  nhà thờ kỷ niệm.
+ Cụ nhờ đồng bào và các nhà chức trách ở Kim Sơn làm cho một ngôi nhà nơi Dinh Điền sứ trước đây để sống cùng gia quyến tại ấp Lạc Thiện, tổng Hướng Đạo, cắt ruộng cho để lo cho việc sinh sống tại đây.
Năm 1856 (Tự Đức thứ 9), có Viên thị vệ ngầm tố cáo về triều: “Nguyễn Công Trứ có dị chí ở Ninh Bình” (như là có ý làm phản).
     Tháng 9 năm đó cụ về Nghệ An, lên Kinh đô tự biện bạch, được quan lại Nghệ An tặng 200 quan tiền lộ phí. Đồng thời, tỉnh Nghệ An cấp giấy cho cụ lên Kinh đô để sống, ngụ ở phường Thận Cần (Kinh đô Huế).
     Năm 1857, tháng 3, cụ đánh trống kêu oan ở Pháp ti và đưa đơn ra trình bày sự việc.
Ngày 22 tháng 5, vua ra chỉ dụ cấp tiền 100 quan cho về, cấm không được đi lại ở Bắc Kỳ.
     Ngày 19 tháng 11, lại được vua ban cho 25 lạng bạc mừng thọ 80 tuổi. Cụ về Uy Viễn làm một ngôi nhà tranh tre nứa lá tại một khu đất heo hút cuối làng, đường đi vào nhà phải đi trên bờ ruộng hẹp. Cụ sống cô quạnh tại đây, có con út là Nguyễn Công Lai làm túp nhà gần đó. Cháu nội chỉ có 4-5 người nghèo khổ.
     Năm 1858, ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ, cụ Nguyễn Công Trứ qua đời trong mái tranh nghèo heo hút, cô quạnh tại xã Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, hưởng thọ 80 tuổi.


     Chiều nay khi đã hoàn thành bản thảo cuốn ghi chép, tôi đến thắp hương nơi Mộ Chí Cố Lớn. Mùa thu ở làng Uy Viễn êm đềm dưới bầu trời trong xanh. Tôi nhìn xung quanh khu mộ của Người, chẳng thấy Cây Thông đâu cả.
     Trong gió heo may xào xạc, có cả tiếng ngâm thơ theo giai điệu ca trù của cụ Hi Văn vọng về:


-    Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo….


Làng Uy Viễn tháng 9/2021
 Đặng Thanh Quê

. . . . .
Loading the player...