19-10-2017 - 09:23

Tác giả Phan Thị Thanh Thủy

Cô giáo Phan Thị Thanh Thủy, sinh 1966, hiện là giáo viên huyện Hương Khê, Hà Tĩnh, Hội viên chuyên ngành Thơ và LLPB của Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh.

 

Tác giả  Phan Thị Thanh Thủy

Sinh ngày 22/2/1966

Quê quán: Hương Long, Hương Khê, Hà Tĩnh

Công tác: Trường THCS Hà Linh, huyện Hương Khê

Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Hội Kiều học Việt Nam

Tác phẩm xuất bản: “Truyện Kiều”, chưa xong điều nghĩ… (LLPB)

 

Tác phẩm tự chọn:

 

KHOẢNG TRỜI RIÊNG

 

Nhà ta là bầu trời

Mỗi người một khoảng trời riêng.

 

Khoảng trời con trai

Lên Đông

Xuống Đoài

Ngày mai

Nghiệp lớn.

 

Khoảng trời con gái

Kẹp, nơ

Vỏ ốc

Gấu bông

Hoa ép vào trang sách.

 

Khoảng trời anh

Miệt mài

Đam mê khát vọng.

Hội trường

Hội bạn

Tiệc tùng.

 

Khoảng trời em

Cơm áo

Gạo tiền.

Hằn khóe mắt

Nhuộm sợi tóc

Khắc vào da.

 

Nhà ta là bầu trời

Mỗi người một khoảng trời riêng

Canh cho cuộc đời giấc ngủ bình yên

Một khoảng trời

Mọc ngôi sao khuya

Đêm đêm thao thức.

 

 

 MẢNH GHÉP

Em .

Xôn xao mảnh ghép

Hiển hiện bên này

Lẩn khuất bên kia.

 

Câu thơ đắm lòng

Ươm chắt  sẻ chia

Bút nghiêng ngả bàn tay trầy xước

Xoăn xéo lo toan bước chân xuôi ngược

Mỗi cánh chim xao xuyến dậy lòng.

 

Bến thực

Bến mơ

Hồn hậu sáng trong                                       

Gạn đục khơi trong

Nguyên lành mảnh ghép

Quả địa cầu vòng quay mải miết

Cực Bắc – cực Nam hai đầu biền biệt

Bên ngày – bên đêm nối liền khúc ruột

Vẹn tròn từng mảnh ghép trong nhau.

 

Vũ trụ vô biên

Rực rỡ sắc màu

Mặt trăng dát vàng

Mặt trời ươm nắng

Sao Hôm

Sao Mai

Đèn trời lấp lánh

Cũng chỉ là mảnh ghép

 

Trách chi ai

Cái nhìn hao khuyết.

 

 

HOẠN THƯ, NẾT ĂN Ở VÀ LÍ LẼ ( trích)

( Rút trong tập" Truyện Kiều, chưa xong điều nghĩ…)

 

Tìm hiểu nhân vật Hoạn Thư trong Truyện Kiều, ta thấy nàng là một người đàn bà khôn ngoan, sắc sảo trong ứng xử. Từ tình huống thử thách trong hôn nhân khi vườn mới thêm hoa, Hoạn Thư đã bộc lộ ưu điểm của mình ở hai nét nổi bật, đó là nết ăn ở và lí lẽ. Với những nét nổi bật như thế, nàng được tác giả bình luận bằng những câu thơ đầy thái độ khâm phục và nể trọng:

Ở ăn thì nết cũng hay

Nói lời ràng buộc thì tay cũng già.

Để minh chứng cho nhận xét của Nguyễn Du về khía cạnh Ở ăn thì nết cũng hay, trước tiên ta tìm hiểu nết ăn ở của Hoạn Thư trong việc xử lí sự cố về hôn nhân.

Đang yên lành, bỗng trong gia đình Hoạn Thư xảy ra sự cố hôn nhân: Thúc sinh cưới vợ lẽ. Khi đang đồn đại, chưa có căn cứ nào xác minh Miệng người đã lắm, tin nhà thì không, Hoạn Thư không xử lí hồ đồ theo thói đời mà theo cách của người có hiểu biết. Rõ ràng, với một người đáng mặt làm vợ như Hoạn Thư, điều này đã xúc phạm đến danh dự, vì thế, nàng không thể không “bốc hỏa” khi nghĩ tới sự đen bạc của thói đời và sự trăng hoa của chồng. Mặc dù tâm lí rất căng thẳng Lửa tâm càng dập, càng nồng, nhưng Hoạn Thư vẫn làm chủ được mình. Nàng đã suy nghĩ để đặt ra nhiều phương án nhằm giải quyết tình huống thử thách này:

Ví bằng thú thật cùng ta

Cùng dung kẻ dưới mới là lượng trên.

Dại chi chẳng giữ lấy nền,

Hay chi mà rước tiếng ghen vào mình.

Lại còn bưng bít giấu quanh,

Làm chi những thói trẻ ranh nực cười.

Tính rằng cách mặt khuất lời,

Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho!

Lo gì việc ấy mà lo

Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?

Làm cho nhìn chẳng được nhau,

Làm cho đầy đọa, cất đầu chẳng lên!

Làm cho trông thấy nhãn tiền,

Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.

Đọc trong suy nghĩ của Hoạn Thư, ta thấy lí lẽ nàng đưa ra rất thuyết phục. Với hai phương án dung hòa và tấn công, thực hiện phương án nào là do chính thái độ sống của Thúc sinh quyết định. Phương án thứ nhất, Hoạn Thư sẵn sàng tha thứ cho Thúc sinh, với điều kiện chàng phải thú thật việc lấy vợ lẽ. Tại sao Hoạn Thư muốn điều này? Trong xã hội phong kiến, nếu được sự đồng ý của vợ cả, việc năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường. Nhưng giờ đây, cái quyền đó của Hoạn Thư đã bị họ Thúc vô hiệu hóa, có nghĩa là Thúc sinh đã vượt mặt, làm mất uy quyền, thể diện của nàng. Ai là người trọng danh dự thì mới hiểu tâm trạng nặng nề của Hoạn Thư - người lúc này đang bị mất thể diện. Một người sống trong khuôn phép và có tự trọng như Hoạn Thư, điều ấy là sự sỉ nhục, không thể bỏ qua, vì thế nàng muốn Thúc sinh tự thú với nàng. Cách Hoạn Thư đưa ra điều kiện đối với Thúc sinh như vậy thật nhẹ nhàng, thậm chí quá ư nhẹ nhàng, ta không thể đòi hỏi gì hơn. Vậy nên, việc Thúc sinh không thành thật thú nhận thì sau này xảy ra điều gì, chàng phải tự trách mình chứ chẳng thể trách cứ được Hoạn Thư.

Mặc dù bị tổn thương về danh dự, nhưng Hoạn Thư đã không dùng quyền uy để sát phạt kẻ “đắc tội”, trái lại nàng xử sự rất khéo léo, tạo cho đối phương những con đường thoát nhằm xử lý mọi chuyện một cách ôn hòa.

Khi Thúc sinh đang ở Lâm Tri, mọi suy nghĩ và hành động của Hoạn Thư tỏ ra rất chín chắn. Xuất thân gia đình danh giá, ý thức được vị trí của mình, Hoạn Thư biết cần phải giữ lấy nền, cũng là để bảo vệ danh tiếng gia phong, dòng tộc của mình. Hơn nữa, nàng không muốn mang tiếng ghen tuông theo thói nhỏ nhen, thường tình như cách xử sự của người đời. Mà Thúc sinh đâu phải là người đáng để Hoạn Thư ghen! Hoạn Thư không nể, không yêu một người như Thúc sinh, điều đó không phải là tội lỗi; làm sao một người có bản lĩnh như Hoạn Thư lại có thể coi trọng một kẻ nhu nhược, ươn hèn như Thúc sinh, dù kẻ ấy là chồng mình?[...]Hoạn Thư đánh ghen không phải chỉ vì bị tình phụ, mà vì “khuôn phép” đã bị coi thường (Lê Đình Kỵ, “Truyện Kiều” và chủ nghĩa hiện thực, Nhà xuất bản Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1992, trang 145). Vì thế, đứng ở vị thế lượng trên, Hoạn Thư đã nghĩ ra cách xử lí, cái cách mà đặt trong hoàn cảnh bây giờ, mấy ai làm được như nàng. Cùng dung kẻ dưới mới là lượng trên/ Dại chi chẳng giữ lấy nền/ Hay chi mà rước tiếng ghen vào mình, qua điều này, ta thấy Hoạn Thư là một người phụ nữ độ lượng, có cách suy nghĩ rất phù hợp với đạo đức phong kiến.

Là người biết ứng đối với hoàn cảnh, nên từ suy nghĩ đến hành động, Hoạn Thư luôn hướng vào việc bảo vệ nền tảng gia đình. Hành động đầu tiên của nàng trước bi kịch hôn nhân là giải quyết những yếu tố khách quan trước mắt trong vai diễn bình thản như đang cố tình bảo vệ thể diện cho Thúc sinh Chồng tao nào phải như ai. Hay khi có người Mách tin ý cũng liệu bài tâng công, Hoạn Thư đã Vội vàng xuống lệnh ra uy/ Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng. Trong chế độ phong kiến độc quyền, một người xuất thân đầy uy quyền như nàng - tiểu thư nhà quan Lại Bộ, kể ra cách ra tay như vậy cũng phù hợp hoàn cảnh xã hội hiện tại, chưa có gì quá đáng. Về mặt “đối ngoại”, Hoạn Thư tìm cách dẹp chuyện, nhưng về mặt chủ quan, nàng Đêm ngày lòng những giận lòng, âm thầm chịu đau đớn. Vậy mà Hoạn Thư cứ phải đóng kịch Buồng đào khuya sớm thảnh thơi/ Ra vào một mực nói cười như không không ngoài mục đích Trong ngoài kín mít như bưng để che mắt thiên hạ. Có danh giá, có sĩ diện, với tất thảy ưu thế trong tay, khi lâm vào hoàn cảnh hôn nhân như vậy, liệu Hoạn Thư có cách xử sự nào khác? Dù Thúc sinh đang ở Lâm Tri, mọi việc chỉ là giả định nhưng ta thấy Hoạn Thư đã nhìn nhận vấn đề một cách tỉnh táo và hướng tới việc giải quyết nó với một cách đầy thiện ý. Chính thiện ý này đã nâng tầm vóc của nàng lên một mức cao hơn. Trước suy nghĩ và hành động của Hoạn Thư, nếu ta chỉ nhìn nhận một chiều, thiển cận và hời hợt thì đâu dễ nhận ra tầm vóc của nàng so với những người phụ nữ cùng cảnh ngộ.

Khi Thúc sinh đang ở Lâm Tri, mọi suy nghĩ và hành động của Hoạn Thư đều hướng vào việc bảo vệ thanh danh gia đình, dòng tộc một cách chín chắn. Lúc chàng trở về Vô Tích, hai bên trực tiếp đối diện, dù cách xử sự của Thúc sinh đã diễn ra không như nàng mong đợi, Hoạn Thư vẫn khéo léo thu xếp mọi chuyện trong phạm vi vợ chồng. Vì vậy, đối mặt với người chồng bội bạc, ngậm đắng, nuốt cay Nỗi lòng, ai ở trong lòng mà ra, Hoạn Thư tiếp tục với vai diễn mới, không phải cho thiên hạ mà cho chính người chồng thưởng thức. Nghệ thuật ứng xử siêu phàm nhằm thử lòng kẻ thay lòng đổi dạ:

Lời tan hợp, nỗi hàn huyên,

Chữ tình càng mặn, chữ duyên càng nồng.

Tẩy trần vui chén thong dong...

Câu chuyện chăn gối của Thúc sinh - Hoạn Thư, cả hai đang trong vai diễn của mình, bởi vì phía Thúc sinh, chỉ là Chàng về xem ý tứ nhà, đâu phải vì tình cảm với Hoạn Thư; còn Hoạn Thư thì đã quá hiểu Thúc sinh như thế nào. Trong màn diễn này, Thúc sinh có ý định sẽ giãi bày mọi việc, nhưng rốt cuộc chàng không thực hiện vì cứ tưởng đã bưng kín miệng bình. Cái lí lẽ của Thúc sinh Nào ai có khảo mà mình lại xưng, thực chất là một cách suy nghĩ thiển cận, non nớt của một nho sinh chưa từng trải và thiếu kinh nghiệm trước cuộc sống. Câu chuyện chàng cưới vợ lẽ đã được mở rộng trong không gian rộng rãi từ gia đình đến công đường, sao mà dấu nổi tai vách mạch rừng. Tinh ý, Hoạn Thư nhận ra ý nghĩ Thúc sinh trong việc không tự thú. Lường được nguy cơ sự nguy hiểm ấy, trong màn diễn thứ hai, Hoạn Thư buông lời gợi ý, mở đường cho Thúc sinh:

Rằng: Trong ngọc đá, vàng thau

Mười phần ta đã tin nhau cả mười.

Khen cho những chuyện rông dài,

Bướm ong lại đặt những lời nọ kia.

Thiếp dù vụng, chẳng hay suy,

Đã dơ bụng nghĩ, lại bia miệng cười.

Thật đáng tiếc, với hai vai diễn không cân xứng, Thúc sinh không thể hiểu được ngầm ý Hoạn Thư đang tạo cho chàng lợi thế được mớm cung “Bướm ong lại đặt những điều nọ kia”, cũng có nghĩa Hoạn Thư đang ngầm thông báo rằng đã biết những điều gì đã xảy ra (xem: Một góc nhìn giá trị nhân đạo trong “Truyện Kiều”, cùng tác giả). Mọi thông tin được Hoạn Thư  lộ ra một  cách rõ ràng, vậy nhưng với Thúc sinh, chàng chỉ nghĩ được đó là lời thủng thỉnh như chơi nên đã Thuận lời chàng cũng nói xuôi đỡ đòn. Thúc sinh chẳng giải mã được hàm ý của Hoạn Thư, vì thế, thật chẳng oan, dù trong dự đoán, Hoạn Thư coi hành động giấu giếm của Thúc sinh chỉ là  thói trẻ ranh nực cười. Rõ ràng Hoạn Thư muốn tạo cơ hội bảo vệ thể diện cho Thúc sinh, vậy mà cách bộc lộ thái độ của chàng cho thấy chính chàng cũng đâu muốn bảo vệ mình. Về phía độc giả, so sánh hình ảnh Hoạn Thư buồng đào khuya sớm âm thầm đơn chiếc và hình ảnh Thúc sinh và Kiều Hương càng đượm, lửa càng nồng/ Càng sôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen, có bao giờ ta xót xa, ấm ức cho sự thiệt thòi của Hoạn Thư hay không? Thúc sinh thua nàng tất thảy mọi bề, lại còn thiếu sự trung thực, vì thế ta cũng thương thay cho Hoạn Thư khi nàng phải cười phấn, cợt son trong thứ tình cảm với kẻ rất tầm thường về mọi mặt. Thông cảm với nỗi đau tinh thần của Hoạn Thư, ta càng cần có cái nhìn hiện thực đối với kẻ sống thiếu luật lệ, thiếu thật thà lại kém cỏi về khả năng nhận thức như Thúc sinh. Vì thế, ta có nên đồng tình cách phê phán này: Hoạn Thư thanh minh không muốn làm “xấu chàng” nhưng không ai có đủ tư cách để làm xấu chồng hơn là Hoạn Thư. Hoạn Thư nói “Can gì mà rước tiếng ghen vào người” nhưng chính cái tên Hoạn Thư đã trở thành điển hình ghen tuông, có một không hai. Hoạn Thư đã trở thành bậc thầy trong nghệ thuật đánh ghen - “Đàn bà thế ấy thấy âu một người”. Hoạn Thư “Ở vào khuôn phép, nói ra mối dường”, nhưng thử hỏi có cái khuôn phép nào lại để cho kẻ làm vợ khinh thị và bêu riếu chồng đến nhường ấy (Lê Đình Kỵ, “Truyện Kiều” và chủ nghĩa hiện thực, Nhà xuất bản Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, năm 1992, trang 149 )? Với Thúc sinh, chính từ những hạn chế của mình, chàng đang tự bước vào con đường bế tắc sau này và phải tự chịu trách nhiệm trước những gì xảy ra như một sự tất yếu.

Thúc sinh không “hợp tác” nên Hoạn Thư đã không thể thực hiện phương án thứ nhất. Phương án thứ hai được sử dụng bất đắc dĩ, bởi nếu Thúc sinh thật thà thì Hoạn Thư chẳng hẹp hòi gì, nàng sẽ rộng lòng chấp nhận mối quan hệ giữa Thúc sinh và Thúy Kiều (Cũng dong kẻ dưới, mới là lượng trên). Nhưng việc Thúc sinh kém cỏi trong suy đoán lại thiếu bản lĩnh, cứ e ấp dùng dằng, sợ rút dây lại động rừng nên ta cũng chẳng thể trách hành động theo “phương án hai” của Hoạn Thư trong việc bóc trần chàng. Với Hoạn Thư, phương án thứ hai này - hệ quả của phương án thứ nhất, nàng trong tư thế sẵn sàng ra tay với sự tính toán đầy lí trí. Hoạn Thư rất biết khả năng của mình, nên Thúc sinh giấu việc cưới vợ lẽ, thì điều đó, với nàng cũng chỉ là điều nực cười trong sự bất cân xứng. Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho, người đọc được báo trước rằng cuộc chiến giữa Hoạn Thư với Thúc sinh và Thúy Kiều là điều không thể tránh khỏi. Dĩ nhiên, trong cuộc chiến này, Lo gì việc ấy mà lo!/ Kiến trong miệng chén có bò đi đâu?, ưu thế thuộc về Hoạn Thư. Phương án thứ hai khi được thực hiện, với hậu quả Làm cho nhìn chẳng được nhau/ Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên/ Làm cho trông thấy nhãn tiền, thì cũng đáng lắm cho Thúc sinh - kẻ thăm ván bán thuyền. Trước khi chuẩn bị hành động, Hoạn Thư Thưa nhà huyên hết mọi tình rồi mới xúc tiến việc đối phó:

Nghĩ rằng: “Ngứa ghẻ, hờn ghen

Xấu chàng mà có ai khen chi mình!

Vậy nên ngảnh mặt làm thinh

Mưu cao vốn đã rắp ranh những ngày

Lâm Tri đường bộ tháng chầy

Mà đường hải đạo sang ngay thì gần

Dọn thuyền lựa mặt gia nhân

Hãy  đem dây xích buộc chân nàng về.

Làm cho, cho mệt, cho mê,

Làm cho đau đớn, ê chề, cho coi!

Trước cho  bõ ghét những người

Sau cho để một trò cười về sau”.

Sống có khuôn phép nên việc lớn trong gia đình, Hoạn Thư suy tính và xin sự chỉ giáo của người trên. Đọc trong suy nghĩ Hoạn Thư, ta thấy nàng đang cố sức gìn giữ thể diện gia đình, vì thế đã không làm to tát, phanh phui, um lên mọi chuyện theo thói đời. Nàng đã nghĩ đến bài thầm lặng chia rẽ Thúc sinh và Thúy Kiều để chuẩn bị cho màn kịch sau này. Nếu có điều trước (ví bằng thú thật cùng ta) thì ắt chẳng có điều sau (đem dây xích buộc chân nàng về), vì thế cũng chẳng thể trách Hoạn Thư với cách xử sự bất đắc dĩ này. Có trách thì phải trách Thúc sinh đen bạc và không nghe lời Kiều, để nàng phải gánh chịu hậu quả trừng phạt của Hoạn Thư.

Theo dự định, Hoạn Thư đã ra tay chia rẽ Thúc sinh và Thúy Kiều để chờ cơ hội thực hiện kế hoạch xử lí đôi tình nhân này. Vì Thúc sinh mà Kiều phải hứng chịu chịu hậu quả trừng phạt đầu tiên ở nhà Hoạn bà. Khi Hoạn bà Gạn gùng, ngọn hỏi, ngành tra, do không biết đầu đuôi sự xuất hiện của mình ở đây nên Kiều đã Sự mình, nàng đã lựa lời gửi thưa. Làm mẹ, khi trực tiếp nghe tình địch của con gái kể hết sự mình trong mối quan hệ với chàng rể bội bạc, vì thế việc Hoạn bà khó vượt qua  về mặt tâm lí, nên đã nổi giận là điều có thể chấp nhận. Đặt mình vào đúng hoàn cảnh ấy, có lẽ ta cũng sẽ dễ dàng thông cảm cho Hoạn bà - người có trong tay quyền uy tuyệt đối đã phủ đầu Kiều bởi thanh danh của gia đình họ đang bị xúc phạm, hạnh phúc con gái họ đang bị mất mát. Với lí do ấy, việc Kiều phải gánh chịu hậu quả ghen tuông ở nhà Hoạn bà là điều khó lòng tránh được. Nhưng khi chuyển sang nhà Hoạn Thư, trong vai trò phục dịch chủ Sớm khuya khăn mặt, lược đầu/ Phận con hầu, giữ con  hầu, dám sai, Hoạn Thư đã không cư xử cay nghiệt với Kiều. Hoạn Thư biết rất rõ về tài năng của Kiều Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày và tạo cho nàng một cơ hội trổ tài Phải đêm êm ả chiều trời/ Trúc tơ, hỏi đến nghề chơi mọi ngày. Trước tài đàn của Kiều, Hoạn Thư Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân, như thế nàng đâu phải là người cứng lòng. Hàng ngày trực tiếp đối diện với tình địch, từ cách cư xử như vậy, suy cho cùng, ta thấy Hoạn Thư thật biết cách chịu đựng trước bi kịch tinh thần của chính mình.

Một cảnh diễn trong vở " Kiều"

Thời cơ để Hoạn Thư tiếp tục triển khai phương án thứ hai đó là khi Thúc sinh Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương/ Nhớ quê, chàng lại tìm đường thăm quê. Giờ đây, ba nhân vật trong mối liên quan đối diện trực tiếp với nhau, đây cũng là cơ hội thuận lợi để Hoạn Thư lấy gia pháp nhằm thể hiện uy quyền của mình. Như vậy, tại gia tư họ Hoạn đã bắt đầu với màn diễn của ba nhân vật: Hoạn Thư - Thúc sinh - Thúy Kiều đầy tính bi kịch:

Vợ chồng chén tạc chén thù,

Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.

Bắt khoan, bắt nhặt đến lời

Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.

Chứng kiến cảnh Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm, chẳng ai có thể trách Hoạn Thư. Là đàn ông, là chồng, Thúc sinh phải tự chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của mình. Lần trở về này của Thúc sinh chính là lúc chàng phải gánh chịu hậu quả về tính thiếu thật thà trong việc tự thú trước Hoạn Thư. Thực ra, đó là cách Hoạn Thư đang lấy “khuôn phép” gia đình để răn đe, cảnh báo với kẻ thay lòng đổi dạ và dạy cho kẻ dám phá vỡ quy tắc, luật lệ ấy bằng một bài học trực tiếp về cách ăn ở chứ đâu phải sợ mất Thúc sinh. Thông thường mà nói, người ta ghen là vì cảm thấy tình yêu của mình bị người khác cướp đoạt hay chia sẻ. Thông thường ghen tuông là một hành động bột phát, cảm tính, mù quáng. Hoạn Thư ghen, trái lại, là  một hành động thuần túy lý trí. Hoạn Thư có cả một kế hoạch quy mô, chi tiết và tính toán một cách tỉnh táo để trả thù. Đối với Hoạn Thư chẳng có chỗ nào ghen vì cảm thấy tình yêu bị mất mát (Nguyễn Lộc, Nghệ thuật điển hình hóa và ngôn ngữ trong “Truyện Kiều”, in trong Nguyễn Du, Về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001, trang 759). Chỉ là ta thương cho Thúy Kiều phải hứng chịu hậu quả đau lòng, mà mọi nguyên nhân là ở chàng Thúc sinh mà ra. Tuy vậy, một kết thúc nhẹ nhàng đã đến với Thúy Kiều, khi Hoạn Thư đã thuận vào ý trong tờ, mở con đường sống theo nguyện vọng của nàng. Kể ra, với bước đường lưu lạc đã qua, nguyện vọng này cũng rất phù hợp với hoàn cảnh của Kiều bây giờ. Theo nguyện vọng ấy, Hoạn Thư đã tạo điều kiện cho Kiều vào chốn tu hành ở Quan Âm các trang nghiêm, thanh tịnh, đẹp đẽ Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa/ Có cổ thụ, có sơn hồ. Tại Phật đường, Kiều không tĩnh tâm tu tịnh nên thiện ý của Hoạn Thư cũng chưa thực sự có ý nghĩa đối với nàng. Quan phòng then nhặt lưới mau/ Nói lời trước mặt, rơi châu vắng người/ Gác kinh, viện sách đôi nơi/ Trong gang tấc lại gấp mười quan san, tại Quan Âm các, Kiều và Thúc sinh vẫn còn mối tơ tưởng. Một tình huống truyện mở ra, ngay trong cửa Phật, Thúc sinh và Thúy Kiều vẫn dan díu, phạm vào điều cấm kị, tiếp tục gây nên nghiệp chướng. Thật đau lòng cho Hoạn Thư khi nàng phải chứng kiến cuộc gặp gỡ ấy ở Quan Âm các - chốn Phật đài linh thiêng:

Rành rành kẽ tóc chân tơ,

Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường.

Bao nhiêu đoạn khổ, tình thương,

Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.

Nhìn cảnh tượng như thế, vậy nhưng Hoạn Thư thật biết nhẫn lòng. Phải chăng tình huống thử thách này nhằm khẳng định cách ứng xử của Hoạn Thư trước bi kịch hôn nhân? Với Thúc sinh, Hoạn Thư tỏ ra rất nhẹ nhàng Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi?; với Kiều, Hoạn Thư khen bút pháp đã tinh trong việc chép kinh và ca ngợi Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài. Trước cửa chùa thanh tịnh, cách xử sự của Hoạn Thư bình tĩnh đến mức khó ngờ, nàng chỉ biết Cười cười nói nói ngọt ngào. Một thái độ ung dung, bình thản đến lạ lùng! Thiền trà cạn chén hồng mai/ Thong dong nối gót thư trai cùng về, đó cũng là cách tốt nhất để Hoạn Thư giữ trang nghiêm chốn linh thiêng và danh dự, thể diện của bản thân nàng. Qua chi tiết ứng xử này, ta nhận ra Hoạn Thư rất khinh thường đối với Thúc sinh và Thúy Kiều, cũng là cách khẳng định rằng nàng không hề ghen tuông mà chỉ muốn bảo vệ gia pháp. Tại đây, Thúy Kiều gieo thêm tội nặng là lấy cắp đồ thờ của Quan Âm các, nhưng Hoạn Thư, với tất cả uy lực trong tay đã không truy đuổi. Hoạn Thư luôn biết cách cư xử đúng mực, thực là người biết phải chăng, dẫu khi cần ràng buộc thì ràng buộc riết, mà khi đáng buông thả là buông thả ngay (Đào Duy Anh, Khảo luận về “Kim Vân Kiều”, in trong Nguyễn Du, Về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001, trang 364). Nhìn Kiều mắc từ sai lầm này đến sai lầm khác, nhưng ta thấy Hoạn Thư vẫn có cách cư xử êm thấm theo cốt cách của người lượng trên. Vì vậy, không nên nhìn hiện tượng để quy kết cách xử sự của Hoạn Thư mà phải nhìn nhận sự việc với bản chất của nó để hiểu nguyên nhân vì sao nàng đã hành động như vậy. Khó có người nào lâm vào hoàn cảnh của Hoạn Thư lại biết cách xử sự như nàng.  

Về mối quan hệ giữa Hoạn Thư và Thúy Kiều, ta nên có sự suy xét công bằng, khách quan. Đọc Truyện Kiều, thấy Kiều chịu nhiều đau khổ, ít ai không động lòng trắc ẩn trước bi kịch thương tâm của nàng. Nhưng rồi ta cũng phải nghĩ đến cội nguồn bi kịch ấy, bi kịch mà một người chấp nhận phận lẽ mọn nhưng đã không tuân theo luật lệ phép tắc, dù được pháp luật công nhận, cũng khó tránh khỏi gia pháp. Vì thiếu hiểu biết, nên chính nàng cũng phải tự chịu trách nhiệm trước những gì mình tạo nên. Còn Hoạn Thư, không phải ai cũng đồng tình với cách xử sự của nàng, khi họ cho rằng: Cái ghen của Hoạn Thư không phải là cái ghen thường tình mà là cái ghen của một quý tộc. và cách trả thù của Hoạn Thư cũng là cách trả thù độc ác, nham hiểm của một kẻ quý tộc (Nguyễn Lộc, Nghệ thuật điển hình hóa và ngôn ngữ trong “Truyện Kiều”, in trong Nguyễn Du, Về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001, trang 760). Ta hãy đặt mình vào vị trí xã hội của gia đình Hoạn Thư, đặt mình vào sự hiểu biết trong cư xử của nàng để thấy rằng trong cùng một sự việc, người bình thường đau một, thì với Hoạn Thư, nỗi đau sẽ là cấp số nhân. Trong sự việc này, người bị tổn thương và chịu sự mất mát không ai khác ngoài Hoạn Thư, vậy mà nàng vẫn kìm nén sự nhẫn nhục để sống bao dung, độ lượng, biết vượt qua chính mình để bảo vệ thanh danh của gia đình, dòng tộc. Nếu ai tự nguyện đứng vào hoàn cảnh nàng thì mới thấy được nỗi đau đớn âm thầm của Hoạn Thư - bi kịch nội tâm của một con người đã phải cắn răng chịu đựng vì lòng tự trọng của bản thân.

Từ sự cố hôn nhân của mình, Hoạn thư đã biết cách tìm ra những phương án hợp lí. Điều ta đáng khâm phục Hoạn Thư, đó là trong hoàn cảnh mất mát của mình như thế nhưng nàng đã mở lòng đưa ra những lối thoát để người trong cuộc có cơ hội hướng thiện. Qua cách xây dựng nhân vật Hoạn Thư, ta nhận thấy tác giả không những đồng tình mà còn thể hiện bằng cả thái độ trân trọng qua cách ca ngợi nàng Ở ăn thì nết cũng hay. Vì thế, không thể đồng tình theo cách hiểu chủ quan về tác giả như ý kiến: Nguyễn Du không đồng tình Hoạn Thư; Nguyễn Du phản đối cách hành hạ tai ác của Hoạn Thư. Điều ấy quá rõ (Nguyễn Lộc, Nghệ thuật điển hình hóa và ngôn ngữ trong “Truyện Kiều”, in trong Nguyễn Du, Về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2001, trang 758).

Nhìn thái độ đồng tình của tác giả trước cách xử sự của Hoạn Thư khi xử lí bi kịch hôn nhân, ta thấy Nguyễn Du đã bộc lộ một quan điểm rất rõ ràng về nết ăn ở của con người. Nết ăn ở không chỉ đơn thuần lễ phép, dạ thưa, mà trong chiều sâu của nó phải là người có cách sống dựa vào phép tắc để bảo vệ nền tảng gia đình. Phải chăng từ cách xử sự  khôn ngoan, hợp lí, đúng mực thước của Hoạn Thư, Nguyễn Du muốn đề cao nết ăn ở của người phụ nữ trong xã hội phong kiến với việc tôn trọng gia pháp?

Nói đến nhân vật Hoạn Thư, tác giả không chỉ ca ngợi nết ăn ở mà còn bày tỏ thái độ khâm phục bởi lí lẽ Nói lời ràng buộc thì tay cũng già của nàng. Như trên đã phân tích, trước tình huống thử thách về hôn nhân, Hoạn Thư đã dùng lí lẽ nhằm biện minh cho những hành động của mình. Vì vậy, khi Hoạn Thư xử lí Thúc sinh và Thúy Kiều, ta không còn bất ngờ, mà chỉ coi đó là hệ quả tất yếu. Nguyên nhân của hệ quả này là do chàng Thúc đã vi phạm gia pháp, lại còn không thú thật với Hoạn Thư. Chính từ cái lí này, mà dù cắn răng nhìn Kiều và Thúc sinh nhục nhã, đau đớn, ta cũng không sao trách cứ được Hoạn Thư. Như vậy, nhờ lí lẽ mà Hoạn Thư đã biện minh được nết ăn ở của mình; nhờ lí lẽ, Hoạn Thư đã cứu được mạng sống từ tay Thúy Kiều. Không phải dễ dãi gì mà tác giả đã đánh giá lí lẽ Hoạn Thư là tay cũng già như vậy. Điều này được kiểm chứng một cách rõ ràng nhất ở màn báo oán tàn khốc của Thúy Kiều. Trong chủ định tiêu diệt Hoạn Thư Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều, với tất cả quyền uy tối thượng, Kiều tưởng mình sẽ đạt mục đích. Nào ngờ, Hoạn Thư đã biết cách dùng lí lẽ - lời ràng buộc để thoát hiểm:

Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,

Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Nghĩ cho khi các viết kinh,

Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.

Lòng riêng, riêng cũng kính yêu,

Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!

Trót lòng gây việc chông gai,

Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng!

Từ lí lẽ của Hoạn Thư, ta thấy nàng thật tài tình, khôn ngoan với cách lập luận: Trong hai việc của Hoạn Thư đã làm đối với Kiều, việc thứ nhất là ghen tuông, việc thứ hai, không truy đuổi khi Kiều chạy trốn. Đối với việc ghen tuông, nàng biết cách bình thường hóa; đối với việc không truy đuổi khi Kiều chạy trốn, đó là ân huệ lớn lao mà nàng đã dành cho Kiều. Hóa ra,  Kiều là người phải mang ơn Hoạn Thư. Đã thế thì đáng ra Hoạn Thư phải được báo ân mới đúng. Trước những lời ràng buộc già dặn ấy của Hoạn Thư, may mà Kiều vẫn còn đủ tỉnh táo để Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay. Thế mới thấy khả năng của Hoạn Thư trong việc biết dùng lí lẽ để tự vệ bản thân.

Để hiểu cái lí của tác giả trong việc thể hiện thái độ ưu ái, trân trọng của mình dành cho nhân vật Hoạn Thư qua hai câu thơ bình luận trên, ta cần làm các phép so sánh trong những nhân vật, sự việc liên quan đến nàng. Điều ta  cần so sánh đó là cách ứng xử cũng như góc nhìn của các nhân vật có mối liên quan về vấn đề hôn nhân trong Truyện Kiều và so sánh cách xây dựng nhân vật Hoạn Thư trong hai tác phẩm Truyện Kiều Kim Vân Kiều truyện.

Về việc so sánh các nhân vật liên quan về hôn nhân trong tác phẩm Truyện Kiều, trước tiên ta cần so sánh cách ứng xử của nhân vật Hoạn Thư và Thúy Kiều trong cùng một sự việc. Chỉ một sự việc sát phạt nhau, ta nhận thấy cách xử sự của Hoạn Thư và Thúy Kiều hoàn toàn khác. Khi Hoạn Thư ra tay, trong phạm vi gia đình họ Hoạn, Kiều không đủ lí lẽ để biện hộ cho vai trò vợ lẽ của mình, nhưng cuối cùng vẫn được Hoạn Thư ưu ái, tạo điều kiện cho nàng một cơ hội hướng thiện. Còn giữa giang sơn sát khí của Từ Hải, nếu Hoạn Thư không biết dùng lí lẽ để ràng buộc Kiều thì rõ ràng nàng cũng sẽ chung số phận Máu rơi, thịt nát tan tành với Tú bà, Mã Giám sinh, Sở Khanh... Về mặt cảm tính, cứ nghĩ đến tấm thân Kiều bị đày đọa bao phen, ta không khỏi chạnh lòng thương cảm. Nhưng dùng lí trí để suy xét, nhìn màn báo oán kinh hoàng do nàng bày đặt, ta khó lòng chấp nhận những hành động như thế. Từ những điều nhận thấy qua cách xử sự của các nhân vật, ta thấy rằng bên cạnh một Hoạn Thư già dặn, độ lượng thì Kiều quá đỗi non nớt, tầm thường, nhỏ mọn. Mặc dù cách thể hiện ngôn ngữ của Nguyễn Du thoáng chút phê phán nhẹ nhàng qua nhận xét về Hoạn Thư thì tay cũng già, nhưng ta nhận ra một thái độ hóm hỉnh, thán phục mà tác giả gửi gắm, chứa đựng ở trong đó. Nói điều ràng buộc thì  tay cũng già, nếu biết ứng dụng vào những tình huống cụ thể thì quả là điều cần thiết. Có những lúc con người phải phát huy điều đó để làm vũ khí tự vệ cho mình. Nếu không như vậy, Hoạn Thư đâu thoát khỏi màn báo oán của Kiều. Qua việc so sánh cách xử sự của nhân vật Hoạn Thư và Thúy Kiều trước cùng một sự việc, ta càng khâm phục nết ăn ở và lí lẽ của Hoạn Thư. Cũng từ đây, ta càng sáng tỏ một điều, không phải vô tình tác giả bày tỏ thái độ yêu quí đối với nhân vật Hoạn Thư đến thế…...

Phan Thanh Thủy ( ngoài cùng bên phải) tham dự Đại hội Kiều học Việt Nam

P.T.T.T

 

 

 

. . . . .
Loading the player...