28-05-2019 - 08:42

Nhà thơ Huy Cận và những giai thoại

Nhà thơ Huy Cận (1919-2005) tên thật là Cù Huy Cận sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919 trong một gia đình nhà nho nghèo tại làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, sau đó thuộc huyện Đức Thọ (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Huy Cận đã để lại nhiều giai thoại rất đời, rất thơ mà không phải ai cũng biết.

•    Huy Cận là thằng cha nào mà làm bài thơ hay thế?
        Khi Huy Cận vừa làm xong bài thơ Tràng giang, ông gửi cho Xuân Diệu xem trước. Xuân Diệu vội vàng chép tay, rồi gửi theo đường bưu điện cho Thế Lữ. Đọc xong, Thế Lữ khen hay và hỏi: "Huy Cận là tay nào mà làm thơ hay thế!". Xuân Diệu bảo: "Huy Cận là bạn tôi". Thế Lữ lại  hỏi: "Là bạn sao không đưa thẳng cho tôi mà lại gửi thư?". Xuân Diệu đáp: "Tôi muốn gửi thế để kiểm tra xem thử thơ có hay thật không?".  Mấy ngày sau, Huy Cận ra Hà Nội, Xuân Diệu đưa ông đến báo Ngày nay giới thiệu với Ban biên tập. Đó là lần đầu tiên Huy Cận tiếp xúc với giới văn chương, báo chí. Từ đó, họ rất quý ông, đăng thơ ông đều đặn trên báo Ngày Nay. Tuần ấy, báo đăng bài Tràng giang của Huy Cận. Ngay ngày hôm sau, mới 6 giờ sáng, Lưu Trọng Lư đã đến đập cửa Huy Cận tại số nhà 40 Hàng Than (lúc ấy Lưu Trọng Lư ở dưới nhà, Huy Cận và Xuân Diệu ở trên gác), mà rằng: "Trời, Tràng giang hay quá Cận ơi! Hôm nay cụ Ngô Tất Tố hỏi tôi: "Huy Cận là thằng cha nào mà làm bài thơ hay thế? Bài thơ này hồn thơ Đường mà hay hơn thơ Đường”...mình phải khao cậu mới được. Thế là hai nhà thơ đến hiệu phở Nghi Xuân (ở Hàng Quạt) nổi tiếng. Lưu Trọng Lư chiêu đãi Huy Cận nhưng lại quên mang tiền vì ông nổi tiếng là người lơ đãng. Rốt cuộc, Huy Cận lại mời phở Lưu Trọng Lư.  

Huy Cận (trái) và Xuân Diệu chụp năm 1940 tại Sài Gòn

•    Huy Cận và Xuân Diệu - Tình thơ song đôi
        Huy Cận từng có thời kỳ trở thành em rể của Xuân Diệu khi lấy Ngô Xuân Như, em gái Xuân Diệu làm vợ. Nhưng từ trước đó, vào những năm 30 của thế kỷ trước, họ đã quen nhau khi cả hai còn là học sinh trung học ở Huế. Hai người lúc nào cũng cặp kè bên nhau, như hình với bóng, trừ khoảng thời gian Xuân Diệu phải đi làm việc ở Mỹ Thọ. Sau năm 1954, họ sống với nhau trong căn nhà  số 24 Cột Cờ, Hà Nội: Nhà tôi 24 Cột Cờ/ Ai yêu thì đến, hững hờ thì qua. Khi đường phố này đổi tên thành đường Điện Biên Phủ, họ lại điều chỉnh hai câu thơ trên như sau: Nhà tôi 24 Điện Biên/ Ai yêu thì đến, ai phiền thì thôi. Nhà thơ Huy Cận đã từng mô tả về ngôi nhà chung của mình:
Đêm đêm trên gác chong đèn
Cận ngồi cặm cụi viết dòng thơ bay
Dưới nhà bút chẳng ngừng tay
Bên bàn Diệu cũng miệt mài trang thơ.
Bạn từ lúc tuổi còn thơ
Hai ta hạt chín chung mùa nắng trong
Ánh đèn trên gác, dưới phòng
Cũng là đôi kén nằm trong kén trời.

         Lúc nhà thơ Huy Cận còn là học trò, chưa lập gia đình, chưa có vợ con. Người nằm chung chăn, chung chiếu với ông chính là nhà thơ Xuân Diệu. Điều này được thể hiện trong bài “Ngủ chung” của Huy Cận, in trong tập Lửa thiêng, xuất bản năm 1940, có đoạn:
Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường.
Đâu nữa tay choàng làm gối ấm,
Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương.
Trốn tránh bơ vơ, chạy ngủ lang,
Hồn ơi! có nhớ giấc trần gian
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn?

        Bài thơ về ngôn ngữ lẫn cảm xúc cho thấy những dấu hiệu khác lạ, không bình thường như “Ân ái xưa kia kiếp ngủ giường”…“Còn đâu đôi lứa chuyện canh sương”…Những tình tiết “nệm là hơi thở”, “da là chăn ấm”, “xương cọ vào xương”, v.v...Đầu năm 1940, Xuân Diệu buộc phải vào Mỹ Tho làm tham tá thương chánh. Những người quen biết Xuân Diệu và Huy Cận, thường kể lại rằng, đó là cách hai người nuôi nhau ăn học. Có lần, Xuân gửi một vài vải may quần áo cho Huy Cận, lúc đó đang học Cao đẳng Nông lâm. Huy Cận viết: 
Mở thư một sáng lạnh lùng.
Hai chiều vải dệt tao phùng Huy – Xuân. 
Dọc ngang tơ chỉ sát gần. 
Đi về mấy dạo hai thân một hồn…

         Năm 1942, khi Huy Cận đỗ kỹ sư, làm việc ở Sở nghiên cứu tằm tang, Xuân Diệu điện ra hỏi: "Diệu từ chức được chưa?", Huy Cận trả lời: "Từ chức ngay! Về Hà Nội ngay". Từ đó, đôi bạn trẻ sống chung ở 61 phố Hàng Bông. Hai người gắn bó với nhau đến nỗi nhà xuất bản họ lập ra hồi đó cũng mang tên là Huy – Xuân, ghép hai chữ đầu của tên hai người lại với nhau, như tên của một tình nhân hay một cặp vợ chồng trẻ. Tình cảm giữa hai người đàn ông này, được Xuân Diệu thể hiện nổi bật nhất trong bài thơ "Tình trai":
 Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
 Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
 Say thơ xa lạ, mê tình bạn
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen
Những bước song song xéo dặm trường
Đôi hồn tươi đậm, ngát hoa hương
Họ đi tay yếu trong tay mạnh
Nghe hát ân tình giữa gió sương.

         Lúc bấy giờ, không ít dư luận cho rằng, đó là lời "tự thú" của "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu trước những lời đồn thổi về giới tính của ông, rằng ông đã mượn chuyện tình giữa hai nhà thơ đồng tính Rimbaud và Verlaine để thể hiện sự đồng điệu, quan điểm về những tình yêu không giới hạn, vượt ra khỏi khuôn khổ hà khắc của xã hội. Và, chính trong bài “Mai sau”, Huy Cận đã giới thiệu Xuân Diệu như một tình nhân yêu quý của mình:
…Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ lời trên
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu.

        Và bài “Vạn lý tình” rất nổi tiếng của Huy Cận cũng hé lộ một số chi tiết rất đáng chú ý:
Người ở bên này, ta ở đây
Chờ mong phương nọ, ngóng phương này
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây…
Chiếu chăn không ấm người nằm một
Thương bạn chiều ôm, sầu gối tay.

     Nghĩ lại mối tình ấy, chính Huy Cận nhiều khi cũng thấy làm lạ: 
Hai đứa rồi ra nghĩ cũng kỳ,
Thương nhau hơn ruột thịt dường ni,
Mà đàn mỗi đứa riêng âm sắc. 
Cuộc sống muôn màu lặp lại chi! 

        Như vậy, qua hàng loạt bài thơ “Ngủ chung”. “Vạn lý tình”, “Mai sau”… của Huy Cận cùng với các bài “Tình trai”, “Em đi”…của Xuân Diệu, nói về tình cảm nồng thắm giữa hai người khiến dư luận không thôi bàn tán về quan hệ đồng tính luyến ái giữa họ? Thật ra, chúng ta cần có sự phán xét sâu xa hơn, đó là: tình bạn của Xuân Diệu và Huy Cận bắt nguồn từ tình yêu quê hương đất nước, yêu văn hóa dân tộc, rồi sau này là tình yêu cách mạng. Những tình yêu này, thật ra chỉ là một. 

Nhà thơ Huy Cận về tham dự Ngày thơ Việt Nam tổ chức ở Nghi Xuân năm 1992 - Ảnh: Thái Văn Sinh

•    Dấu “huyền” chứ không phải dấu “nặng”
        Ngày thơ Việt Nam lần thứ I (2003) ở Hà Tĩnh được tổ chức trọng thể tại Khu lưu niệm Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân) do Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh chủ trì. Đây là lần đầu tiên làng thơ Việt Nam được tôn vinh, nên các nhà thơ từ trung ương đến 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều có mặt, ai cũng háo hức. Riêng nhà thơ Cù Huy Cận dù đã vào tuổi 83, đường sá xa xôi, vẫn về tham dự.  Huy Cận được mời lên đọc thơ trước tiên. Sau lời tự bạch và trình bày bài thơ Tràng giang, ông liền quay sang giảng Kiều một cách say sưa. Trước tình thế, thời lượng có hạn mà nội dung còn dài, nhà văn Đức Ban như đứng trên tổ kiến lửa. Nhờ có nhà thơ Yến Thanh mách nước, ông đột ngột đem hoa lên tặng, nhà thơ Cù Huy Cận vui vẻ nhận hoa, nhưng bất ngờ, ông quay lại hỏi: “Các cậu phê bình mình nói dài chứ gì? Cho tớ nói thêm một tý”. Cả khán trường cười ồ. Đoạn, thi sĩ gói gọn lời kết bằng những câu chúc rồi về chỗ ngồi. Sau đó, nhà văn Đức Ban trân trọng giới thiệu một đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh lên cảm ơn nhà thơ Huy Cận. Đồng chí ấy lên bục xoa tay vào nhau chưa biết thưa gửi thế nào cho phải phép khi nhà thơ đã 83 tuổi, nên sau vài giây “è hẹm”, ông nói: “Kính thưa cụ Huy Cận”! Ngay tức khắc, nhà thơ Huy Cận đứng lên cải chính: “Thưa đồng chí Chủ tịch, họ tôi dấu huyền (cù) chứ không phải dấu nặng (cụ)”! Cả khán trường được bữa cười dòn. Riêng đồng chí Chủ tịch sau một thoáng lúng túng, bỗng cười xòa, chạy xuống chỗ nhà thơ, ôm lấy ông rối rít xin lỗi, ông đáp lại bằng sự thân tình như cha - con .
         Sau đó, chưa đầy 2 năm thì nhà thơ Cù Huy Cận không có điều kiện để tham dự các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở Hà Tĩnh nữa. Mặc dù nhà thơ của chúng ta đã về cõi vĩnh hằng hàng chục năm rồi, nhưng nhân cách ông, tâm hồn ông, thơ ông, vẫn sáng chói trên thi đàn cả nước cũng như trong tâm tưởng của những người yêu thơ./.

                                                                            
Phan Thư Hiền (sưu tầm và biên soạn)

 

1    Bài Nằm bệnh viện, gửi Diệu, 1974
2    Theo tư liệu nhà thơ Yến Thanh

 

 

. . . . .
Loading the player...