Sinh ngày 03/6/1938.
Quê quán: Tùng Ảnh - Đức Thọ - Hà Tĩnh
Chức vụ, đơn vị công tác: Trưởng văn phòng đại diện Báo điện tử Dân trí Bắc Miền Trung
Địa chỉ liên lạc hiện nay: 46 - Nguyễn Công Trứ - TP. Hà Tĩnh
Điện thoại CQ: 0393.857122; Di động: 0912899766; Nhà riêng: 0393.857122
Email:
duythao@dantri.com.vn
Vào Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Thơ, năm 1969
Vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005
* Vài nét về quá trình học tập, công tác:
- Năm 1958 – 1962: Cán bộ Nhà nước
- Năm 1962 – 1973: Phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam
- Năm 1973 – 1998: công tác tại Báo Hà Tĩnh, Nghệ Tĩnh, Hội Nhà báo Hà Tĩnh
- 1998 đến nay: công tác tại Văn phòng đại diện Báo điện tử Dân trí Bắc Miền Trung tại Hà Tĩnh.
*Tác phẩm chính đã xuất bản:
-
Lối xanh ( tập thơ, năm 1989 ) – Nhà xuất bản Văn hóa
-
Sau mùa lá rụng – Nhà xuất bản Văn hóa thông tin
- Các tập thơ:
Bốn mùa; Mưa ngâu; Góc chiều; Lộc vừng; Nỗi xưa; Đi dọc lối xanh
*Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí:
- Giải thưởng của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam
- Giải thưởng VHNT Du lần thứ I (1991), II (1995), III (2000), IV(2005), V(2010)
- Giải Nhì thơ Nghệ An năm 1964
- Giải đặc biệt thơ chống Mỹ cứu nước Hà Tĩnh năm 1968
*Tác phẩm tự chọn:
-
Mừng chiến thắng trời quê
- Góc chiều
- Chạm chén
Mừng chiến thắng trời quê
Gửi Hà Tĩnh Anh hùng bắn rơi 12 máy bay Mỹ trận đầu 26-3-1965
Quê hương ơi! Chiều nay nghe náo nức
Đài truyền đi tin chiến thắng vang lừng:
Hà Tĩnh quê ta trận đầu diệt Mỹ
Niềm tự hào nước mắt bỗng rưng rưng
Mỗi kỷ niệm lại hiện về đậm nét
Ơi con đò đưa câu ví dặm quê nhà,
Cây cỏ Đèo Ngang, cánh buồm Cửa Hội,
Thiên Nhẫn trùng trùng soi bóng bến Tam Soa.
Mỗi gié lúa trên đồng quê xanh ngắt,
Đều thấm ơn bao nhiêu hạt mồ hôi
Mỗi viên gạch ta nâng niu xây dựng,
Đều nặng công gom góp mấy năm trời
Ai cho chúng gieo khăn tang, nạng gỗ (1)
Trên đất từng nhuộm thấm máu cha ông
Trên mảnh đất cháu con ta kế tục,
Máu Cần Vương, máu Xô - viết anh hùng.
Phải bắn chúng cho máu sôi hả giận,
Hố bom năm xưa ta mới lấp đầy
Đạn chúng bắn cột nhà còn giữ vết,
Từng nấm mồ còn xanh cỏ hôm nay.
Phải bắn chúng cho máu sôi hả giận,
Căm thù đây chồng chất bao năm trời
Từng bữa ăn miếng cơm còn nghẽn cổ,
Bình Định ruột rà thương nhớ không nguôi (2)
Mười hai chiếc, thấy chưa quân cướp Mỹ?
Đất quê ta mới phun lửa trận đầu
Mười hai chiếc, thấy chưa quân cướp Mỹ?
Đụng vào đây còn nhiều vố thua đau!...
Ta quyết giữ đất trời quê đẹp mãi,
Cho Ngàn Sâu, Ngàn Phố gỗ xuôi bè.
Chiếc bánh tày Voi nếp đồng nhà thơm dẻo,
Khoai Mục Bài đậm ngon vị đất quê.
Cho Phúc Trạch quýt thơm, bưởi ngọt,
Nón Ba Giang óng ả đường làng.
Muối Hộ Độ càng thêm trắng muốt,
Cửa Nhượng thuyền về cá chở đầy khoang.
Cho lụa Hạ trên khung thêm mịn,
Chiếu cói Nghèn trải giường gỗ Thái Yên.
Linh Cảm, Thượng Tuy mát dòng nước ngọt,
Nuôi ruộng đồng, đưa cuộc sống đi lên...
Ơi các chị, các anh chiều nay bên công sự,
Có phải quê ta mỗi tiếng trẻ chào đời,
Cũng giục giã tay súng ta lên đạn,
Bắt kẻ thù phải đền tội khắp nơi.
Quê hương ơi, đứa con xa náo nức
Chiều nay mừng chiến thắng với quê hương
Chắc tay súng trong điệp trùng đội ngũ
Theo bài ca: Tiếng gọi lên đường!
Đêm 26-3-1965
(Rút trong tập
Lời yêu, 1976)
Góc chiều
Cứ nghĩ là em không về nữa,
Sương đông trắng trải kín sân nhà.
Quả gấc muộn mùa, vàng quắt cuống
Rụng đỏ góc chiều, cơn gió qua...
Ngày ấy, em đi theo giận dỗi,
Heo may tráng lạnh lá dong riềng.
Hạt đỗ nép vào khe đất hở,
Ơ hờ nằm đợi tiết ra giêng.
Giêng hai ngọn đỗ vươn tay lá,
Nôn nao đàn kiến đói rơm vàng.
Anh đi thui thủi dọc đêm lặng,
ủ cháy men tình, uống hạ sang...
Nào hay, Tết này em về lại.
Khi anh ra với phố không vườn.
Rằm xuân tiếng trống làng xa lắc,
Nửa nhớ quê nghèo, nửa phố thương.
Cứ nghĩ là em không về nữa,
Thôi đành, trăm chuyện gác cho nhau.
Chợ hoa nói hộ lòng ta đó.
Mấy khóm lưu ly đến tím màu.
Xuân, 1997
Chạm chén
M
ời em nâng chén lên thôi
Dẫu không uống cũng chạm môi gọi là
Để người biền biệt đi xa
ấm lòng về lại quê nhà gặp nhau
Mời em chạm một chén đầu
Chạm vào một chút thẳm sâu cõi già
Để mừng cho cả hai ta
Giờ về, con cháu - ông bà đông vui
Mời em nhấp một chút thôi
Soi trong ánh mắt làn môi có còn
Những đêm trách móc giận hờn
Những ngày đắm đuối tâm hồn mê say...
Mời em uống cạn chén này
Chút thơm, chút đắng, chút cay, chút nồng
Mai rồi về cõi hư không
Tìm đâu được chén rượu hồng dương gian
2005
Nhà thơ Duy Thảo – "Và, lá vẫn cứ rơi..."
Tôi gặp Duy Thảo vào một ngày cuối mùa đông năm 1972. Bấy giờ tôi đang là chiến sỹ TNXP ở trong những ngôi nhà tre lợp lá tro giữa một bãi cát ngun ngút trắng dưới chân dốc Anh Quỳnh, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Không trống trải như giờ , hồi ấy hai bên dốc Anh Quỳnh sim, mua ngan ngát trải dài xuống một bàu nước ba bề bốn bên um tùm cây cối và hoa lau trắng nhưng nhức. Tôi nhớ hôm ấy rét và không gian lãng đãng sương mù, Duy Thảo dựng cái xe đạp phượng hoàng màu cánh sả trước cửa phòng tôi. Rồi nói, tôi muốn gặp anh Đức Ban. Chao trời, có người tìm gặp tôi , người ấy lại cao lớn , trắng trẻo, mặc áo bông, cổ quàng khăn len thật sang trọng. Tôi luống cuống tụt khỏi cái sạp đan bằng những cành cây đặt đôi chân trần xuống mặt đất lạnh . Người ấy nói, tôi là Duy Thảo. Thì ra là tác giả bài thơ “Mừng chiến thắng trời quê” thấm đượm khát vọng đông đảo nhân dân và nồng nàn hương vị quê hương. Hồi ấy tôi mới in mấy cái truyện ngắn trên tạp chí Sông La của Ty văn hóa Thông tin và một số bài thơ viết về TNXP, chưa gặp được bạn bè văn chương dù chỉ là anh em trong tỉnh. Nhưng tên tuổi họ, tác phẩm của họ thì tôi biết, biết rõ nữa. Nay trùng trùng, điệp điệp người làm thơ, viết văn, in thơ, in văn tập này, tập nọ. Thủơ ấy cả tỉnh vỏn vẹn vài chục người sáng tạo văn chương, dăm năm mới in được một tập sách nên ai cũng trong mắt ai. Duy Thảo nằm trong những số người ấy, cùng thế hệ với Xuân Hoài, Hà Quảng, Vũ Duy Thông, Trần Quốc Anh, Nghiêm Đa Văn, Thế Kỷ , Trần Hậu… Cái sự tôi đứng chôn chân ngắm nhìn anh, dễ hiểu là vì thế…Duy Thảo bắt tay tôi rồi cầm tay tôi rất lâu. Đôi mắt sáng , đuôi mắt dài trìu mến, sẵn sàng thân thiết kéo tôi về phía anh. Anh bảo anh đến gặp tôi “thỏa thuận” sửa chữa mấy chữ trong bài thơ “Rét rừng” của tôi để in vào tập sách “Từ Ngã ba này, ta hát” của Tỉnh đoàn Hà Tĩnh. Ấn tượng về một con người nặng lòng với đời, với thơ, với bạn bè văn chương gieo vào tôi rồi cắm rễ trong tôi hàng chục năm qua bắt đầu từ buổi sáng rét và sương mù ấy.
Duy Thảo sinh năm Mậu Dần (1938), tại làng Đông Thái, xã Yên Đồng, tổng Việt Yên nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ . Theo học thuyết Tam Ngươn cung phi thì Mậu Dần thuộc quẻ Cấn trong Bát Cẩm Trạch. Sau này khi đã chơi với nhau như bạn bè, mới mở sách ra nói về số tuổi Dần sinh giờ Dậu, quẻ Cấn là người như cơn gió ,như làn mây, lang bạt, lang thang nhiều hơn cư định, thiệt nhiều hơn được … Duy Thảo cười cười nói đúng , đúng lắm . Học xong phổ thông Duy Thảo dạt ra Vinh tìm kế sinh nhai. Đầu năm 1962 anh nhập ngũ vào Binh chủng Phòng không, làm lính tiêu đồ viên, sau đó chuyển làm pháo thủ 57 ly từ số 6 đến số 1, rồi khẩu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội phó... Trung đoàn pháo cao xạ 280. Đấy là những năm tháng gian nan, sống chết liền kề nhưng háo hức , đầy nghị lực và khát vọng. Duy Thảo nói cái may mắn cho đời văn chương của anh là thời gian ở quân chủng Phòng không được chiến đấu, sinh hoạt cùng những người đồng đội làm văn chương tài hoa như Đỗ Chu, Duy Khán, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Tri Huân, Nguyễn Khắc Trường, Dương Duy Ngữ…
Đến năm 1972, Duy Thảo rời quân ngũ chuyển ngành về Hà Tĩnh công tác . Cô vợ hiền thục, nết na, tên Phước - Nguyễn Thị Phước, người Yên Lãng , Vĩnh Phúc cũng bồng bế con theo anh. Nhà ở làng, vợ con ở làng, còn Duy Thảo làm Thư ký Tòa soạn Báo Hà Tĩnh, rồi Báo Nghệ Tĩnh, hết ở Thị xã lại ra Thành phố Vinh. Những năm 70 của thế kỷ trước, đầy cam go. Một mình Duy Thảo trong một căn phòng của khu tập thể Báo Nghệ Tĩnh giữa sách báo, nồi niêu, mì hột, mì bột, muối, mắm…. Bây giờ nghĩ lại những ngày ấy, thấy nghị lực con người mới phi thường làm sao. Hầu như ngày nào cũng nhai mì hột, cũng canh rau cải nấu ruốc bể mà Báo vẫn ra đều, chỉn chu, vẫn văn thơ, vẫn say mê mọi chuyện đông tây, kim cổ, còn diện áo trắng, quần xanh, cổ chặt ca-ra- vát đỏ đi ngược gió Lào, đọc thơ nơi này, nơi kia, còn thả bước dọc đường phố dưới trăng vàng lênh láng tán tỉnh những cô sinh viên Đại học sư phạm tóc dài, dĩ nhiên không son phấn. Mỗi tuần đến chiều thứ bảy, Duy Thảo lại lên xe đạp về nhà ở làng Đông Thái, thị trấn Đức Thọ . Tôi không thể quên được cử chỉ vội vàng của anh, nét mặt vui vẻ của anh khi nhảy lên xe và nói như reo, về nhé, về nhé…
Mãi sau này khi đọc những câu thơ anh viết về người mẹ tần tảo hồn hậu, bao dung, người vợ đảm đang tháo vát và mảnh đất quê hương gian nan mà đầy hương nhuỵ, màu sắc tôi mới hiểu được niềm vui của anh mỗi chuyến về nhà. Rồi chiều chủ nhật anh lại lóc cóc đạp xe đến cơ quan vùi đầu vào công việc , lại mì hột độn cơm có khác hơn là thêm hến Chợ Thượng, nhút mít, nhúm lạc rang cháy vỏ người vợ gói ghém kỹ lưỡng bằng lá giong giềng và lá chuối khô . Anh lại gọi tôi ra bảo, chiêu đãi tình quê. Vừa ăn vừa khen ngon . Cái gì cũng ngon, mặn, nhạt, đắng chát gì cũng ngon. Vừa ra khỏi chiến tranh lại rơi vào cơn bão bao cấp, chứ đâu phải lười nhác. Là thế, trời ạ.
Lại nói về làng Đông Thái, Đức Thọ quê anh. Sử sách chép, vùng đất này hình thành từ đời Lê, năm Minh Mệnh thứ 7 (1926) là lỵ phủ Đức Thọ. Trong lịch sử dựng nước , giữ nước đất này vừa là phên dậu vừa là bàn đạp tiến công giặc ngoại xâm của nhà nước Đại Việt . Thế nên, có thật nhiều dấu ấn lịch sử, nhiều danh nhân, võ tướng của nhiều thời đại lưu mãi thế hệ này sang thế hệ khác. Làng nằm ven chân đê La Giang, ngoài đê là sông La hợp lưu sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố đẹp nổi tiếng miền Trung. Trong làng đình , chùa , miếu mạo cổ kính , những lối ngõ xinh xắn , hút vào những ngôi nhà nhỏ giản dị dưới bóng cây âm thầm. Đủ các loại cây , giống cây trên rừng, giống cây ngoài đồng , giống cây ngoài bãi sông. Bà con, láng giềng của Duy Thảo làm ruộng, cào hến, dệt vải, trồng dâu nuôi tằm, làm bánh đa, bánh đúc, làm miến, bún, kẹo lạc, kẹo vừng... và đi đò dọc và hát ví trên đê, trên sông. Duy Thảo thường thiết tha, say mê kể về những ngày lũ trên sông La ngầu đỏ, sùi bọt, cuồn cuộn phù sa. Những chiều hè buông, sông La như dải lụa xanh biếc, đây đó óng ánh sắc đỏ của ráng trời. Những đêm trăng suông đủ rắc vàng trên ngọn cỏ may dọc bờ đê thầm lặng. Những mưa bụi phân vân trên bãi
|
Nhà thơ say nghiệp báo |
dâu, ruộng mía, trên mênh mang hoa cải vàng. Những nắng tơ trên lá tre, lá nhãn và tiếng gió reo trong kẻ hở rồng bay, hổ phù nơi bàn thờ các vị danh nhân xưa cũ. Rồi tiếng ví đò đưa ướt mướt vỡ oà giữa trời cao, rụng xuống, lan ra, len lỏi cả vào trong giấc ngủ. Và những ngày hội, đường làng rực màu xanh, đỏ, tím vàng trong làn mưa xuân nhẹ như sương khói, thoang thoảng mùi hương trầm, cứ hiển hiện nôn nao các cô gái làng tóc buông, mắt đen, má hồng rực. Kể về những người nông dân cần mẫn đi sau những con trâu gầy sì sụp giữa đồng ruộng ngầu ngầu bùn đen. Kể về những nhà nho đầu đầy chữ thánh hiền phe phẩy quạt mo, lặng nhìn khu vườn cũ... Mãi mãi như thế.
Sau mỗi lần nghe anh kể về quê hương , tôi lại rõ ra ý nghĩa sâu thẳm của những câu: Lãng đãng mây trời quê/ Bóng đổ dài bờ đê/ Miên man tìm bến cũ/ Lành lạnh chút thu se hoặc Có hôm nay cầm bát cơm gạo trắng/ Biết cội nguồn hạt đồng trũng đồng xa/ Biết hạt lép, hạt gầy nơi lam lũ/ Và hạt nào sỏi sạn chốn phồn hoa. Rồi: Ngày ấy em đi theo giận dỗi/ heo may tráng lạnh lá giong riềng/ Hạt đỗ nép vào khe đất hở/ Ơ hờ nằm đợi tiết ra giêng. Rồi: Lối đâu xóm dệt lên đèn/ Sương giăng tiếng vạc kêu đêm não nùng/ Canh khuya bên ngọn bấc lùng/ Câu Kiều mẹ lẩy theo chừng thoi đưa. Chỉ có đằm thắm, tha thiết, tận tường, gan ruột với quê hương, với con người lắm mới có những câu thơ như thế.
Thơ ngắn có, thơ dài có, thơ chính luận có, thơ trữ tình càng nhiều. Dù dài hay ngắn thơ Duy Thảo đều có chất kể, kể một cách tài hoa. Kể về mẹ, kể về người tình cũ, kể về cô bán hoa bên đường phố, kể về một cơn mưa, kể về một mảnh vườn, kể về một cây thông, kể về một hạt đỗ nẩy mầm, về chút lạnh trên lá giong giềng trong sương lạnh tiết giêng, hai... cứ thủ thỉ mà ai cũng muốn nghe. Người ta muốn nghe bởi những cái mới lạ trong những cái quen thuộc gần gũi với cuộc đời, với bao con người, và với ngọn nguồn của moị sự đời: “ Ngọn nguồn rau má, rau lang/ Ngọn nguồn mái dột vách che/ Ngọn nguồn chiếc áo nâu sồng/ Ngọn nguồn nước mắt phân chia/ Ngọn nguồn chữ hiếu chữ tình... Cái mới lạ, cái đi cùng tận ngọn nguồn ấy được tạo nên bởi ngôn ngữ có bản sắc. Đấy có thể nói được là nét riêng trong thơ Duy Thảo.
Nhà thơ Duy Thảo với bạn trẻ yêu thơ ở trường Đại học Hà Tĩnh
Cho đến nay Duy Thảo có trên 50 năm làm thơ, viết báo. Hàng ngàn bài báo đã đi theo sự kiện và thời gian. Chín tập thơ từ Lời tin yêu, Lối Xanh, Sau mùa lá rụng, Bến mặn đến Mưa ngâu, Lộc vừng, Góc chiều, Nỗi xưa rồi Đi dọc lối xanh thì ở lại, và tôi tin nó còn ở lại với đời lâu hơn nữa bởi một lẽ giản dị: Duy Thảo nhận ra mình viết cho ai? Nhận ra Cái thời tôi viết cho tôi/ Cái thời tôi viết theo tôi/ Cái thời tôi viết nhắc tôi. Trách nhiệm với con người với cuộc đời , trung thực với mình với con người với cuộc đời lắm mới viết ra vậy . Tôi đã thấy được như thế ở thơ Duy Thảo, ở dấu ảnh hưởng thơ anh vào thơ của các bạn trẻ , ở dư âm thơ anh để lại trong lòng đông đảo bạn đọc.
Năm nay, Duy Thảo sang tuổi bảy mươi hai. Đang yên lành thì chị Phước gặp cơn bạo bệnh. Con cái ở xa, anh chạy ngược chạy xuôi, người đã gầy càng gộc đi. Vậy nhưng trên khuôn mặt hằn đầy nếp nhăn, đôi mắt đuôi dài cứ không thôi cười, cái miệng cứ không dứt cởi mở. Mờ sáng đã thấy anh xình xịch xe máy lên Bưu điện giao dịch thư tín với bạn bè văn chương, báo chí, rồi gói to, gói nhỏ ở chợ về và hì hụi, lục cục nấu nướng, rồi còng gập lưng trên máy vi tính, hết Google sang mail... Vẫn cứ thơ, cứ báo. Hôm vừa rồi anh rủ tôi vào cái quán cà phê sùm sụp bên đường Nguyễn Công Trứ. Hai anh em tìm đến cái bàn trong góc. Và ngồi xuống. Và im lặng. Duy Thảo nhìn ra đường phố cứ như không chỉ mỗi hai con mắt mà toàn bộ con người anh nhìn ra đường phố. Chẳng biết anh ta nhìn gì, nghĩ gì. Chợt đọc: Người đi hái lộc cành tơ/ Ta quanh quẩn gốc quét mùa lá rơi. Tôi nói, buồn quá, tội quá. Duy Thảo quay lại, tôi lại bắt gặp cái nhìn trìu mến, sắn sàng thân thiết của anh ba mươi năm trước. Rồi anh cười nhẹ nhàng nói, ờ, có buồn, nhưng lá cứ rơi mà chẳng lẽ tất cả mọi người đều đi hái lộc ư ?
Tôi biết anh đang nghĩ xa...
ĐỨC BAN