03-08-2012 - 16:03

NGUYỄN MẠNH HÀ



Họ và tên:  NGUYỄN MẠNH HÀ
 

Ngày tháng năm sinh: 15/8/1982
Quê quán: Thạch Hương - Thạch Hà – Hà Tĩnh
Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Ban Tuyên giáo - Huyện uỷ Thạch Hà
Địa chỉ liên lạc hiện nay: xóm 10 - Thạch Hương - Thạch Hà – Hà Tĩnh.
Điện thoại di động: 0984,964,171
Email: nguyenmanhha113@gmail.com
Vào Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành: Lý luận Phê bình, năm 2010.
 
* Vài nét về quá trình học tập, công tác:
- 2003 – 2007: Sinh viên khoa Ngữ văn – ĐH Vinh
- 2007 – 2009:  Học viên cao học  khoá 15 – ĐH Vinh
- 2009 – nay:  Công chức Huyện uỷ Thạch Hà.
 
* Tác phẩm chính đã xuất bản:
Đã có một số bài viết được đăng tải trên báo chí  TW và địa phương
* Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí:
 
* Tác phẩm tự chọn:  
 

ĐI TÌM TÍNH CÁCH DÂN TỘC VIỆT
TỪ CẤU TRÚC CỦA THỂ LOẠI LỤC BÁT 
 

            1. Một dân tộc do tác động của điều kiện sinh sống, lao động hoặc như là sự quy định của vô thức tập thể đã hình thành “một chùm tính cách” (Đỗ Lai Thúy). Chùm tính cách này được ghi dấu rõ rệt ở các sản phẩm văn hoá, gồm cả văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần. Thể loại văn học đã góp công lớn trong việc ghi dấu những đặc điểm tính cách dân tộc. Điều này có thể thấy ở thơ Haiku trên đất nước của xứ sở anh đào, nơi chén trà shino và phong vị Thiền Tông Phật giáo, hay thơ qasidahtrên vùng đất Hồi giáo Ả Rập, hay ngay cả thơ Eclogue(1) ở Châu Âu thời Trung cổ.
Từ xưa đến nay, giới nghiên cứu và người bình dân luôn ca ngợi thể loại lục bát và công nhận đó là thể loại dân tộc, thậm chí có nhà nghiên cứu còn cho rằng, nói về văn hoá Việt Nam chỉ cần kể: lúa nước, lục bát và áo dài. Đành rằng, có thể lục bát không phải là sản phẩm độc tôn của Việt Nam vì đang có những giả thuyết khác nhau, song điều quan trọng nó là thể loại dân tộc, có nghĩa dân tộc ta đã in dấu đậm nét lên thể loại mà chúng ta đang sử dụng ngày nay. Tuy nhiên, bên cạnh một khối lượng đồ sộ các công trình nghiên cứu về thể loại lục bát vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào bàn về mối quan hệ giữa lục bát với tính cách dân tộc, hay rộng hơn là đặc điểm dân tộc. Trong khi, theo tôi, đây là mối quan hệ khả hữu, mối quan hệ cần thiết phải chỉ ra dầu rằng tính chất của nó là dễ cảm nhận hơn là phân tích.
Từ thực tế đó, trong cái vốn ít ỏi của mình, tôi mạnh dạn tìm hiểu một số mối quan hệ giữa lục bát với tính cách dân tộc. Thao tác làm việc của tôi là, từ thể loại lục bát “truy nguyên” tính cách dân tộc.
         2. Cho đến nay vẫn chưa có sự thống nhất về việc xác định thời gian ra đời thể loại lục bát. Có quan điểm cho rằng, lục bát ra đời vào trước thời điểm khởi nghĩa hai Bà Trưng (Nguyễn Đổng Chi), có quan điểm lại cho, lục bát ra đời sớm nhất là khoảng thế kỷ XVI (Phan Diễm Phương, Nguyễn Xuân Đức). Dầu thời điểm ra đời chưa được thống nhất nhưng giới nghiên cứu nhìn chung đều gặp nhau ở điểm cho rằng lục bát là thể loại văn học dân tộc, được hình thành dựa trên cơ sở nền sản xuất nông nghiệp lúa nước. Cư dân sản xuất nông nghiệp lúa nước có đặc điểm nổi bật đó là nương dựa vào nhau trong quá trình sản xuất (tính tập thể trong sản xuất), chống chọi với thiên tai, thú giữ và sinh sống theo lối quần cư, hình thành cấu trúc làng xã với các phong tục, tín ngưỡng văn hoá lấy lúa nước (hoặc phương thức sản xuất lúa nước) làm hình tượng trung tâm (tục thờ thần nông, thần lúa, thờ đất, trời, hình tượng rồng, thờ nước, thờ các con vật hiền như: trâu, cóc...).
Với đặc thù sản xuất lúa nước, một mặt gắn với tính tập thể, mặt khác vì phụ thuộc lớn vào tự nhiên trong khi khoa học - kỹ thuật du nhập và phát triển rất muộn nên đặc trưng của phương thức sản xuất này chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm, do đó đã hình thành các bài ca ca ngợi sản xuất, biểu thị tình cảm giữa những con người cùng sinh sống, lao động với nhau hoặc để giải trí và các câu tục ngữ đúc rút kinh nghiệm. Dần dần, với sự hoàn thiện của tiếng Việt, đặc biệt là hệ thống thanh điệu (tạo ra sự hài hoà), thể loại lục bát đã được hình thành, phát triển và chiếm lĩnh vị trí thứ nhất trong việc thể hiện tình cảm, cảm xúc, kinh nghiệm của con người. Đó là nguyên nhân giải thích tại sao Nguyễn Xuân Đức lại cho rằng: “Đường dẫn (để hình thành lục bát - NMH) đó có nguồn gốc sâu xa từ thành ngữ nhưng bắt đầu bộc lộ rõ ở tục ngữ. (...) Những lối nói cách điệu hẳn phải có trước những sáng tạo văn chương và chính là cơ sở để tạo nên những tác phẩm văn chương dài hơi hơn lời nói. Tuy nhiên (...), không phải thể lục bát đã được hoàn thiện trong tục ngữ. Tục ngữ và ca dao tuy có thời điểm ra đời khác nhau về phương diện thể loại nhưng lại có thời gian phát triển cùng nhau rất dài trong lịch sử văn hoá dân tộc, vì vậy sự ảnh hưởng qua lại lẫn nhau đã góp phần hoàn thiện thể thơ lục bát”(2).
Gác lại câu chuyện về nguồn gốc ra đời của lục bát, lật lại vấn đề, tôi thấy sự hình thành lục bát có một mối quan hệ mật thiết với tâm tính, đặc điểm tư duy của người Việt Nam dù điều này rất khó để chứng minh. Đã từ lâu, tôi có cảm giác giữa cái sự đều đặn, luân phiên, đắp đổi bằng trắc, nhịp điệu của lục bát với sự mênh mang, tít tắp của ruộng đồng và sự thư thái, thảnh thơi của người lao động mộc mạc có một sự gần gũi nào đó. Phải chăng điều ấy là có thật mà chỉ có thể được chứng minh bằng hai đặc điểm đó là tiếng Việt và cách tư duy của người Việt. Tiếng Việt là của sản phẩm người Việt. Cư dân này hình thành kiểu ngôn ngữ phù hợp với cách tri nhận về thế giới chung quanh không gian, thời gian gắn với trồng lúa nước. Điều này giúp ta giải thích tại sao rất nhiều quốc gia sử dụng tiếng Anh nhưng mỗi quốc gia có mỗi sắc thái khác biệt. Và, lục bát chỉ ra đời khi sự hài thanh của ngôn ngữ xuất hiện mà công cụ của nó là sự hoàn chỉnh về ngữ âm và hệ thống thanh điệu. Lục bát có đặc điểm cơ bản đó là sự hài hoà, mềm mại, uyển chuyển, điều này có một sự tương đồng với kiểu tư duy, cách diễn đạt hàng ngày của người Việt (kiểu lời nói này là cơ sở để hình thành văn chương bình dân, văn chương ban đầu là lời nói). Người Việt ưa sự hài hoà, uyển chuyển, ưa sự yên ổn, không ưa những nét phá cách, kiểu tư duy thực dụng. Chẳng hạn như người Việt định ra những tiêu chuẩn của cái đẹp: sự mảnh mai, sự hài hoà, cân xứng (vóc dáng người phụ nữ, những sự vật nhỏ như hoa mai, hoa đào, những màu sắc đối lập đen - trắng) là một ví dụ. Người Việt lại thích cách diễn đạt hài hoà, đang đối, nhịp nhàng, có vần vè như: có ngãi có nghì, con chó con má, ông ăn chả bà ăn nem, học với chả hành… Phải chăng bởi vì người Việt ưa yên ổn, không thích sự di dịch, đổi thay mà lục bát dầu trải qua hằng trăm năm phát triển với nhiều biến thể song sống lại trong lòng dân tộc vẫn là hình mẫu lục bát truyền thống với cách ngắt nhịp chẵn, gieo vần ở tiếng thứ 6 của dòng lục và tiếng thứ 6 của dòng bát, tiếng được gieo vần có thanh bằng?
Anh đi/ anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống / nhớ  dầm tương
Nhớ ai/ dải nắng dầm sương
Nhớ ai/ tát nước bên đường/ hôm nao
Cũng vì gắn với tâm thức dân tộc, với ngôn ngữ và cách tư duy đặc thù của người Việt mà lục bát luôn được mọi người dân biết đến, thậm chí có người đã cho rằng “nước ta là một nước thơ” bởi vì bất kỳ ai cũng có thể làm được dăm bảy câu thơ trong cuộc đời mình(3). Mà thơ quen thuộc nhất, dễ làm nhất ấy là lục bát. Với sức trường tồn và tính đặc thù đó nên trên phương diện dịch thuật, việc chuyển ngữ đối với thể loại lục bát trở nên hết sức khó khăn nếu người dịch không muốn biến câu “dịch tất diệt” trở thành một câu thậm đúng. Đến đây tôi lại thấy F. de Saussure (1857 – 1913) đã rất đúng khi ông cho rằng: “phong tục của một dân tộc có tác động đến ngôn ngữ, và mặt khác, trong một chừng khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc”(4).
             3. Ở đất nước sản xuất nông nghiệp lúa nước, do tính chất lao động, người phụ nữ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Kéo theo vai trò quan trọng trong lao động, trong việc đem lại giá trị sản xuất lớn nuôi sống gia đình, bộ lạc cùng với sự chi phối trong cách tổ chức cuộc sống, người phụ nữ đã xác lập được vị thế của mình. Đó chính là cơ sở quan trọng cho việc hình thành chế độ mẫu hệ ở nước ta nói riêng và trong lịch sử loài người nói chung. Chính vì vai trò của người phụ nữ quan trọng như vậy nên ở nước, từ rất sớm, đã hình thành truyền thống coi trọng người phụ nữ mà đỉnh điểm đó là tục thờ Mẫu, thờ các vị thánh nương. Kể cả sau này, khi xuất hiện chế độ phong kiến với quan niệm hết sức khắt khe, thiên lệch thì truyền thống coi trọng người phụ nữ vẫn được duy trì (tất nhiên nó không nằm ở chủ trương mà nằm ở cái vô thức, thừa nhận những yếu tố khu biệt của giới nữ). Điển hình đó là việc “áp đặt” cho người phụ nữ những thiên chức, xếp người phụ nữ vào một vai trò hết sức quan trọng trong việc lo lắng, đảm đang việc nhà, chăm sóc chồng, con. Chính vì những quan niệm ấy mà xã hội luôn đề cao, nêu gương những phụ nữ đảm đang, tiết hạnh “… thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng lại giỏi nuôi con”.
Trên cứ liệu văn học dân gian và văn học viết đã cho thấy người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong văn học. Họ không là chủ thể sáng tạo thì là đối tượng được miêu tả, là nguồn cảm hứng cho tác phẩm. Về phương diện là chủ thể sáng tạo, ngoại trừ văn học viết, do tác động của quan niệm thời phong kiến về vai trò, vị trí người phụ nữ trong xã hội nên người phụ nữ không để lại dấu ấn gì ngoại trừ một vài trường hợp đột biến (không nằm trong mĩ học trung đại) như: Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, văn học bình dân tỏ rõ tính dân chủ và thể hiện sức mạnh của nữ giới. Dầu văn học bình dân mang nặng tính phi chủ thể nhưng rõ ràng những câu có mở đầu là “thân em”, “chiều chiều” (Thân em như tấm lụa đào; Chiều chiều ra đứng ngõ sau), hoặc hơn thế là hình thức đối đáp thì rất khó để phủ nhận người phụ nữ không phải là chủ thể sáng tạo (đành rằng, những câu như thế có thể cũng là sản phẩm của nam giới, nhưng hai vấn đề này không xung đột nhau). Dĩ nhiên văn học bình dân thường lấy cái thể loại quen thuộc để mà diễn xướng, trong đó lục bát được xem là cửa miệng nên được sử dụng nhiều nhất. Ngoài ra, tôi có một nghi vấn rằng, giữa cái vị trí quan trọng của người phụ nữ trong lao động, trong tổ chức cuộc sống và sự ra đời các câu hát, các câu đúc kết kinh nghiệm có hình thức lục bát có mối quan hệ mật thiết nào không? Biết đâu đấy, vì là nhân tố quan trọng của sản xuất, trong khi sản xuất lúa nước thì phải liên kết, gắn bó nên những câu hát sơ khai đã được những người phụ nữ sinh thành. Hình thức sơ khai này đa phần sử dụng văn vần, trong đó tục ngữ chiếm ưu thế, đặc biệt rất ít khi xuất hiện dấu hiệu văn học bác học trong lời ca (bác học đối lập với tự nhiên). Điều này càng chứng tỏ sự hồn nhiên, tự nhiên của tâm hồn người phụ nữ có sự tương đồng với tính tự nhiên, có phần dễ dãi của lục bát (vì cả hai đối tượng được đem để so sánh đều chịu tác động rất ít của tri thức, bác học).
Trên phương diện là đối tượng được miêu tả, cả văn học viết và văn học dân gian đều cho thấy rõ vai trò của người phụ nữ. Như đã nói, văn học dân gian đa phần sử dụng tục ngữ làm thể loại để bày tỏ, diễn xướng, bởi vậy nên hình ảnh những người phụ nữ như “em”, “cô” đã trở thành cảm hứng chủ đạo. Phải chăng những “em”, “cô” ấy có sự mênh mang, giàu chất trữ tình trong tâm hồn nên đã gần với nhạc điệu, lời ca và vì thế khơi nguồn cho thi tính trong người nam giới? Bằng chứng cho điều này là những câu: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, “Hỡi cô cắt cỏ bên sông/ Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây”... Tất nhiên ở đây có yếu tố tính chất quan hệ nam - nữ chi phối (nam, nữ luôn hướng đến nhau), nhưng ngay cả tính chất quan hệ nam - nữ ấy cũng do tính nữ, tính nam quyết định, nghĩa là không tách rời khỏi thuộc tính trọng tình, giàu tâm hồn, giàu cảm xúc của nữ giới.
Xuất phát từ tính chủ thể và đối tượng được miêu tả nêu trên nên thực tế thơ xưa về cơ bản gần với bài ca hơn là thơ với tư cách một tồn tại độc lập. Dĩ nhiên là ở đây đã ngoại trừ thơ Đường - thơ của tầng lớp có học, đã thoát khỏi tính tự nhiên, hồn nhiên “như nó vốn là” của tâm hồn, tính cách.
Như vậy, việc xuất hiện tính nữ trong văn học trên thể loại lục bát nói riêng và các thể loại khác nói chung có quan hệ mật thiết với tính nữ của người phụ nữ trong cuộc sống. Theo lí thuyết tâm lí học, phụ nữ khác nam giới ở chỗ, phụ nữ coi trọng trái tim hơn khối óc, trọng tình hơn là trọng lí, giàu cảm xúc, giàu thi tính trong tâm hồn. Vì lẽ này, cùng với truyền thống trọng Mẫu, ít hay nhiều, theo tôi là có yếu tố nguyên lý mẹ trong lục bát truyền thống, đặc biệt là trong ca dao, dân ca. Ở đó không chỉ bắt gặp một tần số cao hình ảnh người mẹ, người phụ nữ, bắt gặp truyền thống thờ Mẫu mà còn bắt gặp sự chi phối/ tương đồng đối với lục bát mà biểu hiện dế thấy đó là cái mênh mang, hoà điệu, uyển chuyển của tâm hồn với cái mênh mang, hài hoà của lục bát. Phân tích sau đây sẽ làm rõ thêm:
Ngoài việc ghi nhận nữ giới là biểu trưng cho cho sự thùy mị, nết na, trọng tình, nhiều nhà khoa học còn dựa trên đặc điểm cơ thể để chỉ ra những khác biệt trong tâm hồn người phụ nữ so với nam giới. Tiến sĩ người Đức I.H.Schulz trong cuốn Giới tính, tình yêu, hôn nhân đã rất tinh tế khi chỉ ra rằng: “Trong hầu hết các trường hợp, tính dễ bị kích thích của phụ nữ hiện ra trên một đường cong thoai thoải, còn của đàn ông là trên một đường cong lao vút lên rất nhanh và trượt dốc rất đột ngột”(5). Kết hợp với đặc điểm là cư dân sản xuất lúa nước lấy phụ nữ làm trung tâm, tôi thấy đặc điểm cơ thể, tâm hồn của người phụ nữ có sự chi phối/tương đồng với đặc điểm của thể loại lục bát.
Về cơ bản, lục bát là thể loại nhuần nhị, nhịp điệu đều đặn, không có những sự đột biến, réo rắt. Có thể mô tả cấu trúc nhạc điệu của lục bát như là giao động hình sin. Đọc một cặp câu hay nhiều câu lục bát bất kể ngắt nhịp chẵn, lẻ và đồng thời vẽ sơ đồ hình sin lúc đọc, ta sẽ thấy sự ăn khớp. Theo tôi cũng vì kiểu dao động này mà hát ru ra đời. Dĩ nhiên, đấy là trên nét lớn, chứ trong thực tế, khắt khe mà nói, lục bát là thể thơ linh hoạt về vần, nhịp do đó không có khuôn mẫu cụ thể có thể áp dụng được. Trong mô hình dao động của lục bát, các thanh bằng, trắc luân phiên và cách ngắt nhịp (cơ bản là nhịp chẵn) trở thành các sóng giao động. Như vậy ta có thể thấy rằng, chính sự luân phiên (gồm luân phiên thanh và nhịp) đã tạo nên sự luân phiên đắp đổi và vì thế, xét trên mặt lí thuyết, lục bát là một thể loại có thể kéo dài mãi mãi. Ở góc độ xét lục bát như một giao động của thanh, của nhịp, tôi có hình dung tới sự uốn lượn của những đường cong trên cơ thể người phụ nữ. Và bởi thế, tại vị trí chuyển giao của các đường cong bao giờ cũng gây xúc cảm mạnh (gợi cảm, thu hút). Đấy lại như là các nốt, điểm của lục bát:“Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.
Như vậy, theo tôi, lục bát có mối quan hệ với tính nữ, với nguyên lí mẹ trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước, kéo theo đó là cách thức tổ chức gia đình, xã hội, cùng với đó là đặc điểm nữ tính thiên tạo của nữ giới.
                4. Lục bát là thể loại văn học dân tộc cho nên gắn chặt với tính cách, đặc điểm tư duy của người Việt. Lục bát ưa sự ổn định về mặt cấu trúc vần, nhịp, nhưng lại là thể loại có tính mở cao. Tính mở ấy không chỉ nằm ở lí thuyết kéo dài mãi số lượng câu chữ mà còn biểu hiện ở việc dễ dàng chấp nhận các lựa chọn từ ngữ, diễn đạt miễn sao đảm bảo vần, nhịp. Điều này chứng tỏ một đặc điểm trong tính cách của người Việt đó là sự dễ dãi, dễ chấp nhận. Chính vì đặc điểm này nên nhìn trong lý thuyết tiếp nhận văn hóa, về cơ bản, chúng ta du nhập được hầu hết các trào lưu tư tưởng, học thuyết nhưng chúng ta lại không triệt để, không đến cùng với học thuyết nào, rõ nhất là việc tiếp nhận các học thuyết tôn giáo - đó là hiện tượng không đẩy đến mức cực đoan, không xuất hiện cái gọi là tử vì đạo. Đặc điểm tư duy này cũng đã làm cho người Việt hiếm khi xuất hiện những nhà lập thuyết trong khoa học, thiếu hẳn mẫu hình các nhà khoa học mang các bệnh như bệnh nhiễu tâm và thiếu những nhà văn có tầm cỡ để viết được bộ sách như Chiến tranh và hoà bình (L.Tonstoi),Sông Đông êm đềm (M. Solokhov) trong khi lịch sử đã là một kho tư liệu đồ sộ và quý giá.
           Trở lại vấn đề lục bát. Lục bát là thể loại dễ dãi, dễ chấp nhận việc thay từ, thay ngữ, chấp nhận những từ ngữ tối nghĩa, hoặc từ hư… nên hầu như người Việt nào cũng có thể sáng tác được và sáng tác ở bất kì thời gian, không gian nào, khi mệt nhọc cũng như khi vui vẻ. Một thực tế khá thú vị là các sáng tác đó thường có độ dài 2 câu. Điều này cho thấy một sự bột phát, không nằm trong logic, ngoại lệ quy luật sáng tạo thơ ca. Vì sao thường chỉ dừng lại ở 2 câu? Vì sao lục bát 2 câu chiếm một số lượng lớn trong kho tàng lục bát truyền thống? Có nhiều lí do, song có phải do kiểu tư duy của người Việt, một phần dễ dãi, thiếu chiều sâu, một phần không mạnh về tư duy logic, thiếu dài hơi, thường bột phát rồi chợt tắt? Bỗng dưng xuất hiện 2 câu rồi thôi, tôi thấy giống với tâm lí của người Việt trong cuộc sống đó là cái tâm lí “đâu còn có đó”, thậm chí tâm lí “trời sinh voi trời sinh cỏ”, dễ thoả hiệp, kiểu như “ai biết có sống đến mai mà để củ khoai đến mốt”. Chính vì tư duy không dài hơi và không thiên về tư duy logic nên khoa học - kỹ thuật không phát triển, tầm nhìn chiến lược về cơ bản là chúng ta thiếu(6). Nếu theo dõi một website xã hội bất kỳ thì ta sẽ thấy lượng người ghé thăm các bài viết có tính “giật gân”, thông tin giải trí chiếm phần lớn, điều đó cho ta thấy phần nào(7). Việc thiếu tư duy chiến lược, thiếu chiều sâu còn là một nguyên nhân giải thích tại sao nước ta lại không có tư duy nước lớn, kể cả tư duy xâm lược dù nó không tích cực (không nên so sánh bằng diện tích lãnh thổ vì những đất nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả khu tự trị Đài loan dầu diện tích nhỏ nhưng đã vươn lên thành những cường quốc). Bởi thế, về cơ bản lòng yêu nước của người Việt Nam là một truyền thống đúng nghĩa hơn là một tính cách do gắn với lịch sử phải triền miên chống giặc ngoại xâm. Dĩ nhiên cũng từ nguồn gốc sâu xa này mà phẩm chất hòa hiếu, yêu tự do, hòa bình, tinh thần lạc quan cũng xuất hiện và phát triển.
Những dẫn giải này không chỉ giúp chúng ta lí giải tại sao lục bát 2 câu chiếm ưu thế (đó là chưa tính những kiểu lục bát hàng ngày trong cuộc sống) mà còn giúp chúng ta lí giải hiện tượng lục bát trên 2 câu thường không có sức trường tồn trong lòng người dân, ngoại trừTruyện Kiều của Nguyễn Du do có nhiều yếu tố.
Như vậy, giữa cấu trúc của thể loại lục bát và tính cách dân tộc có mối quan hệ rõ rệt, hay nói đúng hơn, thể loại lục bát đã biểu hiện tính cách dân tộc.
          5.1. Qua những gì phân tích trên, tôi muốn chỉ ra rằng, giữa lục bát và tính cách dân tộc có mối quan hệ, lục bát cho thấy các đặc điểm tính cách con người Việt Nam. Trong chùm tính cách đó nổi lên ba vấn đề: lục bát gắn với phương thức sản xuất nông nghiệp lúa nước, yếu tố tính nữ và nguyên lí mẹ trong lục bát, cấu trúc lục bát và đặc điểm tư duy yếu về logic, thiếu tính dài hơi. Các đặc điểm ấy giúp chúng ta hiểu được cội nguồn và giá trị của lục bát, từ đó thể hiện thái độ tôn vinh đối với thể loại lục bát nói hẹp và tiếng Việt nói rộng hơn.
         5.2. Những lí giải trên giúp chúng ta hiểu vì sao trong thời đại ngày nay khi mà công nghệ truyền tin phát triển mạnh, con người thời đại mới đã biết tư duy thực dụng hơn, nhiều loại hình thơ ra đời nhưng thơ lục bát vẫn khẳng định được sức sống bất diệt, đặc biệt nó đằm sâu trong tâm trí mọi người dân - những chủ thể văn hoá của đất nước.
        5.3. Đi tìm tính cách dân tộc Việt từ cấu trúc của thể lục bát không phải là một con đường đơn nhất, tách khỏi các nghiên cứu liên ngành, đặc biệt là ngành dân tộc học và tâm lí học. Cùng với đó, việc so sánh thể loại của dân tộc khác trên thế giới với tính cách dân tộc đã sinh ra thể loại đó cũng hết sức cần thiết. Song, khuôn khổ của một bài viết không cho phép đi sâu tìm hiểu, đối chiếu và áp dụng. Đây chính là một vấn để để ngỏ để những ai ưa con đường tìm hiểu tính cách dân tộc có thể đi sâu, đồng thời từ đó mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các thể loại văn học khác của dân tộc trong khi vẫn trên cùng một hệ quy chiếu.
--------------------------------------------------------------------
1.      Eclogue là một loại thơ đồng quê ở Châu Âu.
2.      Nguyễn Xuân Đức, Đi tìm nguồn gốc thể lục bát Việt Nam, http://lucbat.com/index.php?tab=news&id=293.
3.      Tôi không đồng tình với Nguyễn Hưng Quốc khi ông phê phán, chế nhạo cách nói: “Việt Nam là một nước thơ” trong bài Tự hào là một nước thơ trên website http://www.tienve.org và các trang website khác bởi ông cho rằng cái kiểu thơ ấy gần như không phải là thơ. Nguyễn Hưng Quốc đã lấy cái tư duy của thời đại để quy chiếu, soi xét lục bát. Kỳ thực phương pháp ấy chỉ nên xem là một cách tiếp cận tham khảo bởi vì cội nguồn của lục bát và thơ truyền thống nói chung là dựa trên đặc điểm tư duy và tính cách dân tộc. Do đó, các loại thơ này vẫn phải được gìn giữ (dù thực tế là không thể xoá bỏ) và tôn vinh.
4.      Chúc Độ - Phạm Văn Đức, Ngôn ngữ Việt thể hiện Văn hóa Việt,http://www.chuadonghung.com/viet/van-hoa-giao-duc/giao-duc-phat-giao/507-ngon-ngu-viet-the-hien-van-hoa-viet.
5.      OSWalt Kolle (Thu Lâm dịch), Những bí ẩn của phụ nữ, Nxb Phụ nữ , TP Hồ Chí Minh, 2000, 146.
6.      Chỉ xin liên đới tới một vấn đề đó là Biển Đông: Đáng lẽ Biển Đông cùng với đó các thuật ngữ như lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và giới hạn, chủ quyền của biển Việt Nam phải được đem vào dạy trong nhà trường và phổ biến tới mọi người dân từ lâu rồi. Đặc biệt, không nên tách diện tích đất liền và biển như lâu nay ta vẫn suy nghĩ và dạy cho học sinh (kiểu như: ngoài diện tích đất liền, nước ta còn có diện tích biển gấp 3 lần diện tích đất liền), điều ấy khiến cho mọi người nghĩ rằng biển chưa xứng tầm quan trọng mà nên gộp lại là diện tích lãnh thổ (lãnh thổ đất liền, lãnh thổ biển, kể cả lãnh thổ trên không và phải dạy học sinh như thế).
 

Thạch Hà, ngày 28/7/2011

. . . . .
Loading the player...