Tạp chí Hồng Lĩnh số 221+222 trân trọng giới thiệu bài viết “Ngày xuân nghĩ về diễn dịch nghệ thuật quanh Truyện Kiều” của Nguyên Phúc
Truyện Kiều - Nguyễn Du là một Di sản vô giá, thể hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ thời đại Nguyễn Du sống mà suốt hơn hai thế kỷ qua, đến thời Công nghệ và trí tuệ nhân tạo hiện nay. Mặc dù xuât thân từ giai cấp quý tộc nhưng Nguyễn Du gắn bó với đời sống nhân dân, lắng nghe được tâm hồn và nguyện vọng của quần chúng, ý thức được những vấn đề trọng đại của cuộc đời và với tài năng tuyệt vời của mình ông đã làm cho những vấn đề của cuộc đời thời ông sống bức thiết hơn, da diết hơn, ám ảnh hơn trong tác phẩm. Hàng trăm năm qua, từ tình yêu Nguyễn Du, Truyện Kiều, nhân dân đã sáng tạo nên những thể tài văn nghệ dân gian bắt nguồn từ Truyện Kiều đa dạng, phong phú và đặc sắc: Vịnh Kiều, Phú Kiều, Tập Kiều Lẩy Kiều, Bói Kiều, Đố Kiều, Đối đáp Kiều, Hát thơ Kiều… Loại hình văn nghệ dân gian này là tình yêu, là niềm say mê của người bình dân đến vua chúa, quan lại, nhà nho, trí thức, nghệ nhân, văn nghệ sỹ khắp Bắc Trung Nam.
Ảnh: Đậu Hà
Xin điểm qua hình thức và nội dung của một số thể tài văn nghệ Dân gian bắt nguồn từ Truyện Kiều:
+ Bói Kiều: Nguyễn Du là một trong số rất ít nhà văn của văn học nhân loại với 3.254 câu thơ mà làm nên một cuốn Bách khoa toàn thư của hàng ngàn tâm trạng. Truyện Kiều đã tạo nên một niềm tin, một đức tin trong dân gian. Các nhân vật tích cực trong Truyện Kiều đã trở thành, cõi thánh“, linh thiêng nên người ta gửi gắm, nhờ cậy phù hộ độ trì với tâm nguyện thành kính...
Bói Kiều là một sinh hoạt văn hóa tâm linh vô cùng kỳ lạ. Bảo tồn hoạt động tín ngưỡng văn hóa này cũng là để giữ gìn mối quan hệ Nguyễn Du với dân gian, phát huy một giá trị nghệ thuật tâm trạng độc đáo của Truyện Kiều.
+ Vịnh Kiều: Lấy nội dung, tích truyện, quang cảnh, nhân vật của Truyện Kiều làm đề tài và sử dụng các thể loại văn chương như biền văn, thơ lục bát, hát nói,..và hầu hết là thơ luật (bát cú, tứ tuyệt), thơ Quốc âm (chữ Nôm và chữ quốc ngữ) để giãi bày tâm sự hoặc nêu lên quan điểm của mình khi nhận định một vấn đề nào đó. Từ thế kỷ XIX, Vịnh Kiều mới chỉ là thú tiêu khiển bằng văn chương của vua chúa, quan lại, khoa bảng, nho sỹ về sau nó trở thành một phong trào sinh hoạt văn hóa sôi nổi ở nhiều nơi.
+ Tập Kiều: Mượn văn chương, chữ nghĩa trong Truyện Kiều sáng tác thêm vào những câu, những chữ mới để phản ảnh một vấn đề nào đó mà mình quan tâm bằng thể thơ lục bát, song thất lục bát, thơ luật, văn tế, câu đối, ca trù ...Tập Kiều có thể sử dụng trong hát nói, hát ru, hát ví hát giặm…
+ Nhại Kiều; Phỏng theo một số câu quen thuộc trong Truyện Kiều để viết ra những câu tương tự, thường là để châm biếm, giễu cợt. Đưa trò chơi dân gian Nhại Kiều vào nội dung các sinh hoạt văn hóa cộng đồng sẽ khuyến khích năng lực sáng tạo ngôn ngữ học theo nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, thể tài thơ lục bát của Truyện Kiều (ngữ âm, tu từ, láy, điệp, thành ngữ, tục ngữ…) làm nên sự phong phú, vui tươi cho môi trường xã hội.
- Lẩy Kiều: Là một lối phóng tác những đoạn thơ ngắn hoặc những cặp vế đối trong Truyện Kiều. Lấy bất kỳ câu nào trong 3.254 câu trong Truyện Kiều miễn là cùng vần để rồi dùng câu 6 ghép vào câu 8, hoặc lấy một câu sáu hoặc tám rồi thêm vào câu của chính mình, tạo ra một văn bản hàm nghĩa khác; dài ngắn như thế nào là tùy vào nội dung mà người lẩy Kiều muốn diễn đạt.
Lẩy Kiều, bất kỳ ý tưởng nội dung nào thì hình thức nghệ thuật vẫn bám sát nghệ thuật Truyện Kiều với các đặc trưng cơ bản, ngôn ngữ, thể loại, tự sự…
- Đố Kiều: Do tính chất, đặc điểm của thể tài Đố Kiều, đối tượng tham gia không những đòi hỏi phải thuộc, phải hiểu truyện Kiều mà còn phải có cách phản ứng nhanh trong việc diễn tả ý của mình mà vẫn sâu đậm bản sắc ngôn ngữ thơ và thể loại lục bát đặc sắc của Truyện Kiều.
Ngoài các thể tài văn nghệ dân gian kể trên, những loại hình diễn xướng dân gian của kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, bắt nguồn từ Truyện Kiều với các yếu tố đặc sắc, phong phú của cốt truyện, ngôn ngữ dân gian, trữ tình và tính cách nhân vật của Truyện Kiều:
+ Chèo Kiều, là một diễn xướng nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam. Chèo kiều kể những tích truyện trong Truyện Kiều bằng trò diễn với sự kết hợp của hát, múa, âm nhạc, diễn trò nhằm đưa vào đời sống tinh thần của người dân những bài học sâu sắc về đạo lý trong đó, tích truyện, lời thơ và tính cách nhân vật của Truyện Kiều giữ vai trò quan trọng.
+ Tuồng Kiều: Tuồng Kiều là loại hình diễn xướng sân khấu hát và diễn từ tích và ngôn ngữ Truyện Kiều. Tuy sử dụng các làn điệu Tuồng, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp của những giá trị nghệ thuật của Truyện Kiều từ cốt truyện gồm nhiều chuyện, nhân vật có tính cách, lời thơ lục bát giàu bản sắc dân gian.
+ Trò Kiều: Một loại hình diễn xướng dân gian xuất hiện muộn hơn các loại hình, Tuồng, Chèo, nhưng phát triển nhanh và phổ cập rộng khắp ở các vùng thôn quê, thị thành. Kịch bản Trò Kiều chuyển tác từ nội dung Truyện Kiều và được thể hiện bằng nhiều thành tố: Hát , múa, làm trò, lời ca pha trộn Ca Huế, Tuồng bội, Chèo, ngâm thơ, lẩy Kiều, Ca trù, dân ca Ví, Giặm...Dù vậy, nhưng Trò Kiều là một trong it loại hình diễn xướng dân gian chân thực nhất với Truyện Kiều, đặc biệt là tính cách, tâm lý, tâm hồn nhân vật, ngôn ngữ và tính tự sự, trữ tình của Truyện Kiều.
Bên cạnh những diễn dịch nghệ thuật dân gian kể trên, với đặc điểm riêng một tác phẩm kinh điển lớn, Truyện Kiều trở thành đề tài đa dạng, phong phú cho những diễn dịch nghệ thuật bác học như: Điện ảnh, Âm nhạc, Hội họa, Điêu khắc, Sân khấu…Trong thời đại cách mạng công nghệ, chính phủ điện tử, kinh tế số những diễn dịch bác học càng có nhiều điều kiện, môi trường thuận lợi để nâng cao chất lượng nghệ thuật, phát triển nhanh, thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân từ người bình dân đến các trí thức, văn nghệ sỹ.
Các phương thức diễn dịch nghệ thuật dân gian lẫn nghệ thuật bác học quanh Truyện Kiều chắc chắn nó sẽ còn được tiếp tục với mục đích, yêu cầu mới nhằm tạo nên những chuyển biến mới trong sáng tạo và tiếp nhận của xã hội; lan tỏa niềm tin, sự hưng phấn cho người dân về truyền thống văn hóa của dân tộc, bồi dưỡng, giáo dục thể chất và tinh thần con người, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đủ sức mạnh bước trên con đường phát triển bền vững, kiến tạo, dựng xây một xã hội của kỷ nguyên mới an nhiên, phồn thịnh./.
12/2024
N.P