14-12-2020 - 13:13

Hồi ký “Một thời đạn bom – Một thời hòa bình” của NSNA Sỹ Ngọ

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Sỹ Ngọ, sinh năm 1937, quê quán Quảng Vọng - Quảng Xương - Thanh Hóa, hội viên chuyên ngành Nhiếp Ảnh Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu cuốn hồi ký “Một thời đạn bom – Một thời hòa bình” của NSNA Sỹ Ngọ qua lời giới thiệu của nhà báo Nguyễn Khắc Hiển.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Sỹ Ngọ

 

QUA “MỘT THỜI ĐẠN BOM – MỘT THỜI HÒA BÌNH” CÀNG TRÂN QUÝ HƠN NSNA SỸ NGỌ

 

“ Ngoái nhìn lại gần 70 năm kể từ ngày tôi rời quê hương Quảng Vọng lên đường chiến đấu theo tiếng gọi của Bác Hồ, cho đến nay ở tuổi 83, tôi có thể thanh thản, tự hào nói rằng: Với đất nước, tôi đã sống, chiến đấu, làm việc và cống hiến một phần xương máu, sức lực và trí tuệ. Với vợ con và người thân, tôi đã làm trọn tuyên ngôn đời mình, đó là: làm một đứa con có hiếu, một người chồng mang lại hạnh phúc cho người mình yêu, một người cha có trách nhiệm với con cái...”
     Đọc đoạn kết cuốn hồi ký “Một thời đạn bom - Một thời hoà bình” của NSNA lão thành Ngô Sỹ Ngọ, tôi thực sự ngạc nhiên và vỡ ra một điều: “Hiểu được hết một con người, không dễ chút nào!”

Cuốn hồi ký “Một thời đạn bom - Một thời hoà bình” của NSNA Ngô Sỹ Ngọ

     Tôi quen biết rồi chơi thân với anh Ngô Sỹ Ngọ từ những năm 80, khi đang làm việc ở báo Nghệ Tĩnh. Hồi đó anh ở tận Thị xã Hà Tĩnh, sau khi ở bộ đội trở về, mở một hiệu ảnh tại mặt đường Nguyễn Công Trứ - Phan Đình Phùng. Từ những bức ảnh ban đầu được đăng lên báo Nghệ Tĩnh, dần dần anh trở thành một CTV ảnh chủ lực phản ánh về đất nước và con người phía Nam Nghệ Tĩnh. Tờ Nghệ Tĩnh cuối tuần, thời tôi được giao phụ trách rất “đói” ảnh về Hà Tĩnh, may mà có anh Sỹ Ngọ CTV xuất sắc, tích cực có thể nói duy nhất của Hà Tĩnh, gỡ bí cho rất nhiều. Đến khi tờ Hà Tĩnh đầu tiên xuất bản ở Vinh chào mừng sự kiện tái lập tỉnh, bức ảnh “Cửa hàng bách hoá TX Hà Tĩnh” của anh được phóng to, đăng trang trọng chân trang 1.
     Cho đến hơn 20 năm sau, tôi và nhiều bạn bè, đồng nghiệp của anh vẫn chỉ biết anh là một anh hiệu ảnh tỉnh lẻ, tự phấn đấu trở thành một nghệ sỹ nhiếp ảnh có tiếng tăm của cả nước, với nhiều bằng khen, giải thưởng. Chỉ thế thôi. Bởi anh hầu như rất ít trải lòng về những gì trước đó. Đến hôm nay, ở trên tuổi “bát thập” anh làm tôi rất đỗi ngạc nhiên, khi được đọc, được biết tường tận hơn về cuộc đời sôi nổi, đủ các cung bậc “ái, ố, hỷ, nộ” của anh.

Tác giả đang bấm máy ghi hình ảnh chiến sỹ pháo binh chiến đấu tại trận địa Quảng Trị năm 1972.

     Té ra, đằng sau con người lịch thiệp, đậm chất nghệ sỹ, mấy ai biết anh Ngô Sỹ Ngọ đi lính thiếu sinh quân khi mới 15 tuổi. Trải qua 23 năm sống, chiến đấu, công tác trong quân đội, anh đã phải bầm dập trận mạc hết chiến trường Bình Trị Thiên đến Trung - Hạ Lào, bị thương tật, xếp hạng thương binh 3/4. Không chỉ là một sỹ quan tác chiến, rồi sỹ quan chính trị cấp trung, sư đoàn, quân khu..., với năng khiếu nghệ thuật quần chúng, hết sáng tác, biểu diễn phục vụ hậu phương rồi tiền tuyến, gặt hái nhiều giải thưởng cao trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
     Cũng đằng sau con người nghệ sỹ lúc nào nhìn cũng “mày râu nhẵn nhụi, quần áo bảnh bao” ấy, Ngô Sỹ Ngọ đã từng phải đối mặt với những năm tháng thiếu thốn, cam go, vợ yếu, con đau kéo dài năm này qua năm khác của thời kỳ bao cấp.
     Qua hồi ký của anh, mới sáng lên triết lý: “Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy đi của ai hết cả!”. Trong tận cùng của sự khốn khó, anh luôn được bạn bè, người tốt chìa tay cứu vớt. Những năm tháng cơ cực tưởng như khó có thể vượt qua ấy, anh luôn có chị Trần Thị Lĩnh – người vợ hiền, nhất mực thủy chung chung tay gánh vác, động viên, khích lệ để rồi có một tổ ấm hạnh phúc như hôm nay. Không có gì là lạ, khi ông dành cho bà những dòng viết đầy trân trọng trong cuốn hồi lý này. Đó là: “Sống bên nhau gần 6 thập kỷ, có chung 6 mặt con (4 trai, 2 gái), trải qua bao sóng gió cuộc đời, chúng tôi càng yêu quý, trân trọng hơn những gì hai đứa đã dành cho nhau. Suy cho cùng, thước đo tình yêu không phải ở vật chất, ở quy mô đám cưới, đúng như ai đó đã nói “nhà không cần quá lớn, miễn là trong đó có đủ tình yêu thương”…Trên cõi đời này, tôi thật sự biết ơn người bạn đời của mình và cảm ơn số phận đã dành cho tôi sự may mắn là đã tìm đúng “cái nửa của mình” ngay từ lần đầu tiên và mãi mãi”.
     Tôi thật sự thích thú khi đọc và được biết mối tình trong veo nhưng không kém thơ mộng khi chàng binh nhất Ngô Sỹ Ngọ được cô gái trẻ trung, xinh đẹp Nguyễn Thị Lĩnh đáp lại tình yêu của mình. Có lẽ với bản lĩnh kiên cường, vượt khó vốn có của một chiến binh dạn dày trận mạc, anh đã vượt qua muôn vàn hiểm nguy, khó khăn của tình yêu, cuộc đời, của những ồn ào thị phi để rồi có được tất cả tình yêu, gia đình và sự nghiệp. Đọc lại những lời tụng ca, tri ân của bạn bè, đồng nghiệp về những thành công trên con đường sáng tác môn nghệ thuật ánh sáng của anh, tôi thêm trân quý anh hơn. Cuốn hồi ký quý giá (tuy không dài) đã khiến tôi (và chắc chắn nhiều người khác) phải điều chỉnh lại cách nghĩ của mình, có cái nhìn khách quan, rộng mở hơn về một con người đã vượt khó để vươn lên, đóng góp máu xương cho đất nước và trí tuệ, tài năng của mình vào lĩnh vực ảnh nghệ thuật của Hà Tĩnh và cả nước.
     Chúc anh mạnh khoẻ, giữ mãi ngọn lửa đam mê sáng tác, tiếp tục đưa đến cho người xem nhiều tác phẩm có giá trị hơn nữa.


 Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển
 

. . . . .
Loading the player...