14-08-2017 - 23:44

Đọc sách" Đến với thơ đương đại" của Nhà LLPB Hà Quảng

Như một độc giả tâm huyết và có vốn lý luận phong phú vững chắc, có năng lực thẩm bình sâu sắc và tinh tế, có một cách nhìn nhận khá điềm tĩnh và khoa học về đời sống văn chương - có được trên cơ sở vốn kiến văn vững chắc - Nhà LLPB Hà Quảng đã có những trang viết thuyết phục về đời sống văn chương, cung cấp cho người đọc một cái nhìn cụ thể và toàn cảnh về văn học đương đại. ( Nguyễn Thị Nguyệt)


 
                             ĐẾN VỚI THƠ ĐƯƠNG ĐẠI
  (Tập sách phê bình tiểu luận của tác giả Hà Quảng, Nxb Hội nhà văn, 2017)
                                                                                     NGUYỄN THỊ NGUYỆT
 
         Mặc dù không phải là nhà viết LLPB chuyên nghiệp, ông vôn là nhà giáo, nhưng có thể nói Hà Quảng là cây bút viết nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp duy nhất ở Hà Tĩnh. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng ban LLPB của Hội VHNT Hà Tĩnh. Lĩnh vực LLPB vốn thiếu, mỏng về đội ngũ gần như đã có ông “gánh vác” thay. Sức đọc, sức viết và sức nghĩ của một người chuyên tâm và say mê với tác phẩm văn chương thể hiện ra trong hơn chục cuốn sách phê bình, nghiên cứu mà ông đã xuất bản: “Văn chương, cảm nhận và phân tích” (2000), “Thơ lục bát mới” (1998), “Thơ ca yêu nước và cách mạng Hồng Lam” (2000), “Bên những dòng văn” (2002), “Nhành hoa bên suối” (2007), “Văn chương - một góc nhìn” (2009), “Nguyễn Du – sao mai lấp lánh” (2010), Nhà văn Hà Tĩnh đương đại” (2012), “Cảm nhận và suy ngẫm” (2012), “Văn chương, ký ức và sáng tạo” (2014) và “Đến với thơ đương đại” – vừa xuất bản tháng 6 năm 2017.              Trong nhiều năm qua, Hà Quảng vẫn miệt mài đọc, quan sát, cập nhật thường xuyên đời sống văn học trong nước và địa phương một cách cụ thể và bao quát, cụ thể từ các tác phẩm được xuất bản, được giải thưởng cho đến bao quát những chuyển động, những xu thế chung của giai đoạn văn học. Như một độc giả tâm huyết và có vốn lý luận phong phú vững chắc, có năng lực thẩm bình sâu sắc và tinh tế, có một cách nhìn nhận khá điềm tĩnh và khoa học về đời sống văn chương - có được trên cơ sở vốn kiến văn vững chắc - ông đã có những trang viết thuyết phục về đời sống văn chương, cung cấp cho người đọc một cái nhìn cụ thể và toàn cảnh về văn học đương đại. Quan trọng hơn, ở những trang viết phê bình của ông là sự thể hiện rõ tư duy thẩm mỹ, tư duy văn học có chiều sâu, mang tính khoa học cao.
         “Đến với thơ đương đại” (2017) là cuốn chuyên khảo về thơ đương đại Việt Nam bao gồm những vấn đề chung và một số tác giả cụ thể. Cuốn sách đặt ra những vấn đề chung của thơ đương đại. Đây là những vấn đề mà tác giả quan tâm theo dõi, có nhiều suy nghĩ, cảm nhận, trăn trở và đã từng thể hiện trong nhiều bài viết. Thơ đương đại với những cách tân, đổi mới về thi pháp, xuất hiện những cách viết lạ lẫm thách thức người đọc và gây nhiều tranh cãi… Cần có một sự nhận chân cái tất yếu của sự đổi mới, những giá trị mỹ cảm thời đại mà nó mang lại và cả những “lệch chuẩn” trong sáng tạo và tiếp nhận… trên cơ sở những đặc trưng căn cốt của thơ, của cảm thức sáng tạo, của giá trị chân thiện mỹ, của chiều sâu triết lý không bao giờ thay đổi.  

Nhà nghiên cứu LLPB Hà Quảng trong cuộc Giao lưu văn học Việt Nam- Thụy Điển ở Khu lưu niệm Nguyễn Du
 
            Cuốn sách chuyên luận của Hà Quảng hướng tới cách tiếp cận này. Phần thứ nhất của cuốn sách trình bày những vấn đề chung của thơ đương đại, tập trung vào sự đổi mới, cách tân của nền thơ đương đại trên tất cả các vấn đề, từ nội dung, đối tượng thẩm mỹ, biên độ cảm xúc, cho đến các thể tài, các thủ pháp nghệ thuật... Và đặt vào dòng chảy chung của thơ với những đặc trưng riêng biệt của thể loại, của văn hóa dân tộc, của xu thế thẩm mỹ, xem đó như một quá trình tất yếu của thơ ca. Những vấn đề chính: Thơ và sự đổi mới, Cách tân và phát triển các thể tài, Cách tân các thủ pháp nghệ thuật...được tác giả khảo sát và lý giải thấu đáo, khách quan, khoa học và đưa ra nhiều nhận định có sức thuyết phục. Nhất là khi bàn đến những vấn đề đang được tranh luận và có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí cực đoan như “về dòng thơ khó”, hay trào lưu “thơ trình diễn” mới xuất hiện trong mấy năm gần đây. Cách tiếp cận mọi vấn đề của ông về cách tân thơ đương đại nhất quan trên một tư duy mở, khoa học: “Thơ luôn cần đổi mới để tiến đến nhân loại, không thể vì cái gọi là truyền thống mà đóng khung vào một mạch tư duy chật hẹp, tương lai không phải là “quá khứ kéo dài” mà phải cách tân và có những bước nhảy đột biến, nhưng cũng không thể sống sít, vội vã!.. Mạch chính của Thơ Việt hiện đại vẫn là loại thơ bắt rễ đời sống dân tộc vào thân phận “con người số đông” với bao chìm nổi cay cực nhưng luôn biết vượt lên làm chủ số phận, đồng thời hàm chứa chiều sâu tư tưởng, triết lý và mỹ cảm thời đại”. Với phần khái quát về thơ đương đại, bạn đọc có thể nắm bắt được những đặc điểm cơ bản nhất của thơ Việt đương đại, những điểm cách tân về thi pháp cũng như có được một nguồn ngữ liệu khá phong phú về tác giả và tác phẩm của giai đoạn văn học này.
         Phần thứ hai của cuốn sách tác giả dành giới thiệu và đi sâu tìm hiểu một số tác giả qua các tác phẩm tiêu biểu được viết trong giai đoạn này như Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Thanh Thảo, Phan Thị Vàng Anh, Vi Thùy Linh, Hoàng Vũ Thuật, Vũ Quần Phương, Duy Thảo, Nguyễn Ngọc Phú, Lê Quốc Hán… Mặc dù chỉ là những bài viết ngắn cho mỗi tác giả và cũng chỉ điểm mỗi gương mặt thơ qua một tác phẩm của họ nhưng tác giả đã khái quát được dấu ấn mà mỗi nhà thơ tạo dựng được trong lòng bạn đọc. Đổi mới, cách tân mạnh mẽ táo bạo hay vẫn theo đuổi hình thức biểu đạt truyền thống, các nhà thơ đều đã tìm được con đường để đến với tâm hồn độc giả, làm nên sự phong phú, đa âm của thơ Việt Nam đương đại. Bằng những nhìn nhận, đánh giá khách quan và năng lực thẩm bình tinh tế, qua mỗi tập thơ, Hà Quảng đã phác họa được chính xác và khá sắc sảo một số giọng thơ đương đai.
         Từ những vấn đề lý luận chung đến tác giả tác phẩm cụ thể, cuốn lý luận phê bình “Đến với thơ đương đại”, mang đến cho bạn đọc một cách nhìn nhận, giải mã tác phẩm văn học nói chung, “mã số thẩm mỹ” thơ đương đại nói riêng. Một khi độc giả được nâng cao nhận thức thẩm mỹ, khả năng giải mã những tín hiệu nghệ thuật sẽ nhìn nhận tác phẩm, tác giả, nền thơ theo một tinh thần cởi mở hơn, nhất là trước những cách tân có vẻ lạ lẫm, khác biệt. Qua sự khái quát, phân tích, lý giải của mình, tác giả khẳng định niềm tin vào “triển vọng một mùa hội nhập thi ca mới” của thơ đương đại Việt Nam.
N.T.N
. . . . .
Loading the player...