04-07-2019 - 15:21

Cánh diều tuổi thơ

Tôi cũng giống như nhiều đứa trẻ được sinh ra và lớn lên từ làng quê nghèo miền Trung – nơi có cái nắng mùa hè cháy bỏng, những triền gió cát như tạt lửa suốt ngày đêm, nơi mùa mưa nát đất lầy đường, nơi có những cô bé tóc vàng hoe sạm nắng và những cậu con trai gầy nhẳng với nước da nâu bởi mải mê với thú sáo diều.

     Là con trai nhưng tôi không mê đá bóng hay chơi gụ, đánh đáo như nhiều đứa khác trong xóm mà luôn cảm thấy bị hấp dẫn bởi những cánh diều. Một hôm, thằng Quân hí hửng khoe con diều bằng vải dù được cắt thành hình một chú bướm trông rất đẹp mắt mới được bố mua trên chợ huyện. Lúc đó tôi cũng ước ao rằng mình có một con diều thật đẹp như Quân nhưng rồi lại tiu nghỉu vì biết nhà mình còn nghèo lắm. Với một cậu nhóc mới 7 tuổi như tôi, đó là một thứ quá xa xỉ, ngoài tầm với. Ấy thế nhưng, từ hôm nhìn thấy chú diều rực rỡ sắc màu của nó, tôi quyết tâm sẽ tự làm cho mình một con diều.
     Nhà tôi có một cây ổi đào ngon tuyệt cú mèo. Đợi mãi mới có được vài quả chín cành, treo lủng lẳng. Bình thường chẳng quả ổi nào thoát khỏi tay tôi nhưng lần này thì khác, tôi leo lên hái xong bỏ vào túi bởi đây sẽ là “ quà” tôi đưa đi để “ bái thầy”. “ Thầy” của tôi là anh Thanh, con bác Minh sửa xe đạp đầu xóm. Anh khéo tay lắm. Chỉ với những đồ nghề đơn giản như giấy, thanh tre, dây cước, hồ dán, dao rọc giấy, bút chì.. anh đã tạo ra được những con diều thật đẹp với nhiều kiểu dáng khác nhau. 
     Khi tôi đến, anh Thanh đang ngồi trên chiếc võng trong vườn nhà hí hoáy vẽ gì đó trên quyển tập. Rón rén đi vòng ra phía sau lưng, tôi hù anh cái rõ to rồi cười khúc khích: “ Anh làm chi mà tập trung ghê vậy. Em vô nhà mà cũng không biết?”. Anh Thanh dùng tập vở gõ yêu lên đầu rồi mở ra cho tôi xem… Cả một sưu tập vẽ về áo dài với đủ kiểu dáng, màu sắc khiến tôi không khỏi ngạc nhiên rồi buột miệng: “ Ôi, anh là con trai mà khéo tay thật nha!”…. Anh Thanh cười hiền khô : “ Sau này, anh là một nhà thiết kế thời trang rồi sẽ may tặng nhóc một bộ đồ thật sành điệu nhé!”…Tôi hí hứng, nhảy cẫng lên vì sung sướng. Chợt nhớ đến nhiệm vụ chính của mình, tôi chìa túi ổi đào ra, ngập ngừng nhờ anh chỉ cách làm diều. Anh Thanh mở ra lấy hai trái to nhất ra đưa tôi cùng ăn rồi ra vẻ nghiêm túc: “ Có thực mới vực được đạo. Ăn đi rồi ra sân thầy trò mình cùng làm”!
         Là buổi đầu tiên nên anh chỉ cho tôi cách làm diều đơn giản nhất là lấy giấy vở dán lên thanh tre đã được vót một cách tỉ mỉ. Cành tre chẻ ra, vuốt nhỏ uốn kết lại thành con diều to khoảng 30 cm. Để trông được bắt mắt hơn, tôi mượn bộ bút màu của anh Thanh, chăm chỉ tô tô, vẽ vẽ những hoạ tiết xinh xinh rồi tiếp tục cắt giấy thành những đoạn dài, lấy hồ phết vào tạo hai dây thòng lòng làm đuôi. Hồ dán là nhựa mít còn dây thả diều anh cho tôi là chỉ mành kiếm được ở đâu đó. Một đầu dây cột vào con diều, một đầu cuộn vào lon sữa bò. Sau này, anh còn dạy thêm cho tôi làm những con diều với nhiều kiểu dáng khác nhau như hình thoi, hình tam giác, bán nguyệt….Anh Thanh còn cẩn thận dặn dò tôi chọn chỗ thả diều bởi độ cao của con diều phụ thuộc rất lớn vào sức gió và độ dài của dây. Địa điểm tôi chọn thường là những đám ruộng mới gặt, chỉ còn trơ những gốc rạ lởm chởm hay trên những triền đê xanh mát ven sông mỗi độ chiều buông với những vạt nắng vàng suộm và gió lồng lộng từ ngoài bãi bồi đưa vào. 

Cánh diều tuổi thơ ( Ảnh: Linh Châu)

     Chiều đến, khi ông Mặt Trời dần dần xuống sau dãy núi xa xa, ánh nắng vàng ấm áp còn sót lại rải nhẹ trên bờ đê, thảm cỏ, ngả dài trên ruộng lúa, bọn trẻ trong xóm tôi háo hức kéo nhau đi thi thả diều. Nhìn cánh diều tự làm của tôi mềm mại như cánh bướm, bay cao giữa bầu trời trong xanh lộng gió với những đám mây như cuộn bông khổng lồ trông thật đẹp mắt, trong lòng thấy thích thú, sung sướng làm sao! Đâu đó có tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Sáo đơn, rồi sáo kép, sáo bè,… như gọi thấp xuống những vì sao sớm. Các cánh diều cong cong vút lên không trung hòa mình trong những đám mây xanh, cứ chao liệng giữa tầng không như cánh chim nhỏ đang giang hết sải cánh của mình, hứng từng luồng gió phía dưới để bay cao hơn. Vui là vậy nhưng đôi khi, tôi cũng phải chạy toát mồ hôi đuổi theo con diều mỗi khi bị đứt dây, vấp phải gốc rạ đau điếng. May mắn thì diều sẽ rơi vào chỗ bằng phẳng, hôm nào xui xẻo diều chọn chỗ cành tre cao vút để nghỉ chân thì tối đó lại được bữa chong đèn hì hụi làm lại diều mới. Tôi nhớ có lần, thằng Linh mặt bí xị ôm diều ra thả. Hỏi mãi nó mới khai, hồi chiều lén lấy cuộn chỉ may vá của mẹ bị phát hiện nên ăn mấy cái roi… Nghe Linh kể vừa buồn cười vừa thương!
      Khi đã dần thấm mệt, đám trẻ nhỏ chúng tôi thường cùng nhau nằmsõng xoài trên thảm cỏ triền đê mà thả mộng. Có người ước mơ trở thành ca sỹ, có người thì lại ước mơ thành chú bộ đội, đứa thì lại ước mơ làm cô giáo mang cái chữ về những vùng quê nghèo…Còn tôi lại mong rằng mình sẽ có thể là một bác sĩ giỏi, mang lại sự sống cho nhiều người bởi ngày ấy, nếu bố mẹ tôi được kịp thời cứu chữa sau vụ tai nạn kinh hoàng đó thì đã chẳng rời xa tôi.
     Tôi có một thú vui khác là thả diều vào ban đêm. Sau khi đã ôn bài xong, tôi lại ôm diều ra đê để thả. Ban đêm, khung cảnh không còn gì huyền ảo hơn. Có cảm giác như cánh diều đang trôi lững lờ trên dải Ngân Hà. Bầu trời tự do đẹp như một thảm nhung khổng lồ. Chiếc diều khi tôi mang đi thả đêm là cái tôi ưa thích nhất, đặc biệt nhất bởi trên đó tôi đã viết những dòng tâm sự luôn ẩn chứa trong lòng muốn gửi đến bố mẹ. Ra đi sau tai nạn khi tôi mới một tuổi nên khuôn mặt của họ, tôi còn không thể hình dung nổi nhưng từ sâu thẳm trong tim, tôi luôn tin rằng bố mẹ vẫn đang còn ở đâu đó trên thế gian này, ở bên, dõi theo bước chân tôi…
     Trên bầu trời, các vì sao như những con đom đóm vẫn lập lòe sáng. Con diều của tôi như một vầng trăng non cổ tích vút lên cao, trôi lững lờ giữa bầu trời thăm thẳm. 

 

Linh Châu
 

. . . . .
Loading the player...