06-09-2024 - 00:47

Bút pháp Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 216 trân trọng giới thiệu bài viết “Bút pháp Nguyễn Du trong Văn tế thập loại chúng sinh” của tác giả Trần Bạch Ngọc

1. Trong di sản văn chương của Nguyễn Du, ngoài kiệt tác Truyện Kiều, thi hào còn để lại cho hậu thế một tác phẩm văn chương quốc âm giá trị khác, đó là bài Văn tế thập loại chúng sinh (còn được gọi là Văn chiêu hồn), một bài văn tế được viết bằng thể tài ngâm khúc.

Như định danh trong tiêu đề chính thì có lẽ đây là bài văn tế duy nhất có dạng thức là một khúc ngâm. Ngâm khúc là một thể tài của văn học trung đại Việt Nam được viết bằng thể thơ song thất lục bát, một thể thơ dân tộc. Thể thơ song thất lục bát được hình thành từ sự kết hợp câu thơ thất ngôn Đường luật và câu lục bát của ca dao Việt Nam. Từ tên gọi thể thơ, ta biết rằng thể thơ này là một tổ hợp  của hai câu thất (7 chữ) và hai câu lục bát (6/8), chúng kết dính với nhau bằng cả hai lối gieo vần, vần chân và vần lưng, tạo thành từng khổ với mỗi khổ 4 câu. Thơ Đường luật chỉ gieo vần chân và có nhịp 4/3 (nhịp chẵn trước, lẻ sau) nhưng hai câu thất trong tổ hợp song thất lục bát, vửa gieo vần chân vừa gieo vần lưng như thể lục bát, cách ngắt nhịp thành nhịp 3/4 (nhịp lẻ trước, chẵn sau). Nếu như cả hai loại vần của lục bát đều là vần bằng thì cả hai loại vần trong cặp câu thất có cả vần bằng và vần trắc. Khi mới hình thành, vần lưng của cặp câu thất thường nằm ở vị trí tiếng thứ 3 về sau khi thể thơ này đã hoàn thiện, nó chuyển dịch sang vị trí tiếng thứ 5. Mô hình vận luật của thơ song thất lục bát như sau:

2. Nhìn vào mô hình vận luật trên của thơ song thất lục bát, ta thấy, về mặt thi pháp, âm luật câu thơ, khổ thơ rất chặt chẽ; các yếu tố ngữ âm như nhịp, vần chu chuyển, hồi hoàn trong mỗi khổ thơ theo những vị trí cố định. Đặc điểm ngữ âm này tạo khả năng thể hiện một nội dung trữ tình bi thương, day dứt, khắc khoải triền miên của thể tài ngâm khúc. Từ đặc tính hồi hoàn, luyến láy về âm luật, thủ pháp hô ứng, khởi phục về ý tứ, câu chữ được các tác giả thể hiện một cách quán xuyến trong các khúc ngâm.

Bối cảnh ra đời của bài Văn tế thập loại chúng sinh gắn với sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của người Việt trong dịp Rằm tháng Bảy, ngày xá tội vong nhân và cũng là lễ báo hiếu cha mẹ, tổ tiên theo quan niệm Phật giáo. Đây là một mỹ tục vốn đã có từ xưa và khá phổ biến trong sinh hoạt văn hóa của quần chúng nhân dân. Bối cảnh cụ thể của bài Văn tế thập loại chúng sinh, theo nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại, nó được viết ra để nhà chùa làm kinh cầu siêu cho các vong linh sau một trận dịch lớn làm chết hại nhiều người.

Tính chất hô ứng, khởi phục, trước hết, thể hiện trong bố cục, kết cấu bài văn. Bài văn có 184 câu, chia làm 3 phần. Phần mở đầu từ câu 1 - 20: lý do lập đàn chẩn tế; phần tiếp theo từ câu 21 - 156: chiêu hồn, chẩn tế và phần còn lại: thí thực và chỉ đường giải thoát cho các vong hồn. Mở đầu bài văn, Nguyễn Du đã khởi bút bằng hai khổ song thất lục bát khắc họa khung cảnh cực kỳ thê lương, ảm đạm của “cõi dương” trong “tiết tháng Bảy”:

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may lạnh buốt xương khô;

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Dịp đường lê lác đác sương sa;

Lòng nào, lòng chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm…

Trong đoạn khởi bút này, tác giả đã khéo léo đặt một nét phục bút vào cặp lục bát cuối đoạn “Lòng nào, lòng chẳng thiết tha/ Cõi dương còn thế nữa là cõi âm”. Cặp lục bát này, một mặt, nó khái quát sự gợi tả và gợi cảm về “cõi dương”, mặt khác, nó đảm nhiệm chức năng chuyển đoạn, chuyển phần đồng thời mở ra những liên tưởng, so sảnh giữa hai “cõi” trong tâm thức người nghe. Đây chính là cách mà người xưa gọi là “tá khách hình chủ” (mượn khách để hình dung về chủ), đặc tả “cõi dương” để người nghe hình dung về “cõi âm”. “Cõi dương” là thế giới của con người đang sống, con người đã có kinh nghiệm, đã có tri kiến sâu sắc, đầy đủ nên tả ra, biểu thị ra là người nghe sẽ cảm nhận được một cách rõ ràng. Tác giả dùng hai khổ song thất lục bát để tả cái ảm đạm của “cõi dương” và chuyển đoạn bằng một câu thơ gợi liên tưởng, so sánh về sự tương đồng của cảnh tượng và sự khác nhau về mức độ “Cõi dương còn thế nữa là cõi âm”. Câu kết đoạn thơ này không chỉ mở ra những nét khái quát về cái “cõi âm” mà tác giả sẽ tả một cách khái quát ở khổ thơ tiếp theo, mà còn mở ra cả một thế giới cô hồn đáng thương của “thập loại chúng sinh” trong 136 câu thơ ở phần thỉnh tế.

Trong phần thỉnh tế cô hồn mười loại chúng sinh, thì có sáu loại cô hồn thuộc các “đấng bậc” lớp trên của xã hội, mỗi loại này, tác giả dành cho họ một đoạn thơ gồm ba khổ song thất lục bát. Và chúng ta sẽ thấy trong các đoạn thơ này, tác giả luôn chú trọng đặt phục bút:

- Vua chúa bị giết: “Lớn giàu sang, nặng oán thù/ Máu tươi lại láng, xương khô ra rời”;

- Quý nữ liều thân: “Nào những kẻ màn lan, trướng huệ/ Những cậy mình cung Quế Hằng Nga”;

- Công khanh thất thế: “Ngòi bút son sống thác ở tay… Thịnh mãn lắm, oán thù càng lắm”;

- Nguyên soái chết trận: “Gió mưa sấm sét đùng đùng/ Giải thây trăm họ làm công một người”;

- Kẻ tham làm giàu chết đường: “Cũng có kẻ tính đường trí phú/ Mình làm mình nhịn ngủ bớt ăn”

- Kẻ tham công danh chết quán: “Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý/ Dấn thân vào thành thị bôn ba

Những câu thơ của mỗi đoạn mà chúng tôi dẫn ra ở trên đã chỉ rõ nguyên nhân của những cái chết thê thảm của sáu loại người này. Đây là những nguyên nhân tự thân, tự họ gây ra cho họ, tạo nên cái nghiệp quả đáng sợ của họ. Như vậy, dù khi họ đã trở thành những “cô hồn thất thểu dọc ngang” cũng thật đáng thương nhưng Nguyễn Du vẫn có hàm ý phê phán những loại người này khi nêu luật nhân quả trong cuộc đời họ. Số phận của họ không chỉ “mình làm mình chịu” mà còn gây ra tai vạ, oan nghiệt cho người khác: “ngòi bút son sống thác ở tay”, “giải thây trăm họ làm công một người”,… Dường như, tác giả dành cho sáu loại người này một số lượng câu thơ nhiều hơn hẳn những kẻ ở lớp dưới là còn để nói về trách nhiệm xã hội của họ. Vì sự tham lam của những loại người này không chỉ bản thân họ bị quả báo mà còn làm cho số đông những người lớp dưới khốn khổ.

Tính chất hô ứng, hồi hoàn, luyến láy không chỉ thể hiện trong ý tứ, bố cục mà còn thể hiện đậm nét trong lời văn. Điều đó, trước hết là việc sử dụng từ láy, từ lặp. Từ láy, từ lặp do có tính tượng hình, tượng thanh nên chúng có tác dụng rất lớn trong việc gợi tả, gợi cảm cho lời văn, hình ảnh, hình tượng tác phẩm. Các loại từ này, chúng tôi thống kê được 52 lần sử dụng trong bài văn tế, trong đó có những từ như “thiết tha”, “ngẩn ngơ”, “thất thểu”, “lạc loài”, “vội vàng”,… được dùng với tần suất khá cao. Ngay ở đoạn thơ mở đầu, nếu tác giả không dùng những từ láy như “sùi sụt”, “man mác”, “lác đác”, “thiết tha” thì sự khắc họa khung cảnh của “Tiết tháng Bảy” sẽ kém phần cảnh ảm đạm, thê lương:

Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt,

Toát hơi may, lạnh buốt xương khô;

Não người thay buổi chiều thu,

Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.

Đường bạch dương bóng chiều man mác,

Dặm đường lê lác đác sương sa;

Lòng nào, lòng chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm,…

Nếu không dùng từ láy, từ lặp một cách đắc địa thì tác giả sẽ không vẽ nên được bức tranh nhếch nhác, thê thảm của các cô hồn trong đoạn tiểu kết phần thỉnh tế:

Sống đã chịu một bề thảm thiết,

Ruột héo khô, da rét căm căm;

Dãi dầu trong mấy mươi năm,

Thở than dưới đất, ăn nằm trong sương.

Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn,

Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra;

Lôi thôi bồng trẻ dắt già,

Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh!

Trong đoạn thơ trên, chỉ với hai khổ thơ nhưng chúng ta có 4 từ láy: thảm thiết, dãi dầu, lẩn thẩn, lôi thôi; có 1 từ lặp: căm căm và có 2 từ có dạng láy: thở than, ăn nằm. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả sử dụng một mật độ những từ có kết cấu luyến láy  như thế ở đoạn tiểu kết này. Vì, chúng vừa có tác dụng phác họa bức tranh chung về các cô hồn vừa có tác dụng tương thông, ứng đáp với những tiết đoạn miêu tả các loại cô hồn nói trên.

Bài văn tế không chỉ dùng từ láy với mật độ cao mà còn sử dụng một số lượng các biểu thức thành ngữ đa dạng, phong phú, và chủ yếu là thành ngữ đối xứng. Số lượng các thành ngữ trong bài văn tế tương đương số từ láy và phối hợp với các từ láy một cách linh hoạt, nhịp nhàng để tạo giá trị gợi tả, gợi cảm và đánh giá cao nhất. Ví dụ:

Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp,

Liều tuổi xuân buôn nguyệt bán hoa;

Ngẩn ngơ khi trở về già,

Đâu chồng con tá, biết là cậy ai?

Việc sử dụng từ láy “lỡ làng” kết hợp với thành ngữ “buôn nguyệt bán hoa” cho ta thấy sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với hạng người sống bằng nghề “bán trôn nuôi miệng” ở chốn lầu xanh. Nếu như hai câu thất sóng đôi với nhau tạo nên cái cảm giác bất biến về định mệnh của gái bán hoa thì cặp lục bát kế tiếp với từ láy “ngẩn ngơ” được đưa lên đầu câu đã khắc họa tâm trạng thảng thốt của người kỹ nữ khi đã trở về già, không còn khả năng mưu sinh, không nơi nương tựa, bơ vơ, cô độc.

Tính chất luyến láy còn thể hiện ở chỗ đối với những thành ngữ có giá trị biểu đạt cao, tác giả đã hoán đổi vị trí các tiếng kết hợp với thay thế một số tiếng để sử dụng ở những vế câu khác nhau. Ví dụ dạng thành ngữ được tạo ra từ sự mở rộng từ ghép đẳng lập “hồn phách”:

- Thương thay thập loại chúng sinh,

Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.

- Gặp cơn mưa nắng giữa trời,

Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao.

- Mỗi người một nghiệp khác nhau,

Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ

Sở dĩ tác giả phải thay hai tiếng còn lại mà giữ nguyên cặp “hồn phách” là vì từ ghép đẳng lập này là một khái niệm ẩn dụ tri nhận quan trọng nhất để tác giả dựng không gian của thế giới các cô hồn.

Vai trò của các yếu tố láy, lặp và thành ngữ trong bài văn tế càng có điều kiện phát huy tác dụng biểu đạt khi được tác giả sử dụng phối hợp với thủ pháp trùng điệp. Điệp âm, điệp từ, lặp cấu trúc câu, khổ, đoạn đã tạo nên sự bi lụy, não nề triền miên như các lớp lớp sóng trào trong tâm trạng của nhân vật trữ tình:

- Kìa những kẻ chìm sông lạc suối,

Kìa những người sẩy cối sa cây.

- Người thì mắc sơn tinh thủy quái,

Người thì phải nanh khái ngà voi

- Gặp phải lúc lạc đường lỡ bước,

Cầu nại hà kẻ trước người sau;

Mỗi người một nghiệp khác nhau,

Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ.

Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi,

Hoặc là nương ngọn suối gốc cây;

Hoặc là điếm cỏ bóng cây,

Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ.

Hoặc là nương thần từ phật tự,

Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông;

Hoặc là trong quảng đồng không,

Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre…

Với một mức độ lặp từ, lặp cấu trúc dày đặc thế này mà không có sự hỗ trợ của từ láy và thành ngữ thì chắc chắn câu văn sẽ rất nhàm nhạt, thiếu sức sống, sức khái quát bằng hình ảnh.

3. Có thể nói, gắn với hoạt động tâm linh của ngày lễ Vu Lan tiết rằm tháng Bảy, Văn tế thập loại chúng sinh đã, đang và sẽ là một áng thiên cổ bi văn của thi hào Nguyễn Du. Ngoài chức năng sinh hoạt tôn giáo, áng văn của thi hào thực sự là một di sản nghệ thuật to lớn, mãi mãi sẽ là “tiếng thương” khuấy động tâm hồn ta trong một thế giới ngày càng sa sút tinh thần nhân đạo. Làm nên “tiếng thương” da diết đó là những câu chữ được chưng cất từ những trải nghiệm đau đớn của thi hào được sử dụng bằng một bút pháp đặc sắc, lão luyện. Đó là bút pháp hô ứng, khởi phục, hồi hoàn rất phù hợp với cấu trúc âm vận của thể thơ song thất lục bát điệu ngâm.

T.B.N

. . . . .
Loading the player...