21-02-2025 - 00:29

Yêu như “một chú gấu mùa xuân”

Tạp chí Hồng Lĩnh số 221+222 trân trọng giới thiệu bài viết Yêu như “một chú gấu mùa xuân” của Hoàng Đăng Khoa

Tiểu thuyết “Rừng Na Uy” của nhà văn Haruki Murakami có đoạn:

“- Tớ thực sự thích cậu, Midori à. Thích lắm.

- Lắm là bao nhiêu?

- Là như một chú gấu mùa xuân.

- Một chú gấu mùa xuân ư? Thế nghĩa là sao? Một chú gấu mùa xuân.

- Cậu đang bước đi trên một cánh đồng, chỉ có một mình, vào một ngày xuân, và chú gấu con bé nhỏ đáng yêu ấy, với bộ lông mượt như nhung và cặp mắt nhỏ sáng ngời chạy tới đi cùng với cậu. Và nó nói “Xin chào tiểu thư. Có muốn lộn nhào với tôi không?”. Thế là cậu với chú gấu chơi với nhau cả ngày hôm đó, quấn quýt trong tay nhau, lăn mình xuống triền đồi phủ đầy hoa cỏ ở đó. Hay chưa nào?

- Ờ. Thật là hay.

- Tớ thích cậu đến như vậy đấy”.

Thiết nghĩ, nếu không có đôi mắt được phát quang đến thoáng đãng trong veo, nếu không có tâm hồn được dọn dẹp đến thơm tho sạch sẽ, hay nói như nhà văn Kawabata Yasunari (Nobel văn học 1968), nếu không biết “sửa soạn tấm lòng sao cho thật trong sáng và đẹp đẽ”… thì Murakami khó có thể nhìn thế giới bằng ngôn từ một cách xuân mởn như thế.

Phải, để cái viết có thể bay bổng thanh thoát thăng hoa, theo triết gia Lão Tử, thì “đôn hề kì nhược phác, khoáng hề kì nhược cốc”, nghĩa là người ta cần mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt, giữ cho bản thân trống rỗng như hang núi. Để đón hứng, dung chứa. Để kháng cự lại cái lý tính lạnh lùng trơ khấc. Đó chính là trạng thái trong sáng tự nhiên, biết khám phá và rung động trước những ý nghĩa mới như đứa trẻ nghe được cả đại dương trong chiếc vỏ ốc nhỏ nhoi.

Nhà văn Victor Hugo nói: “Tình yêu khiến con người ta trẻ con hơn”. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền cũng nói, tình yêu khiến “tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ/ trong sạch như một lần sự thật”. Đúng vậy, nhưng cũng cần nói thêm, phải sở hữu một tâm hồn “trẻ con” thì con người ta mới đến được “tình yêu”. Nghĩa là, nói như nhà văn Nam Cao, nếu con người ta mang “đôi mắt ráo hoảnh của phường ích kỷ”, hay nói như nhà văn Phạm Duy Nghĩa, nếu con người ta mắc “bệnh tỉnh”, nhìn ai cũng thấy chẳng có gì đáng yêu, thì làm sao có thể mở cửa trái tim để yêu và ấp iu tình yêu được. Hãy lắng nghe lời của một người con gái đang yêu trong tiểu thuyết “Tên tôi là đỏ” của nhà văn Orhan Pamuk (Nobel văn chương 2006): “Nghe nè Shekure, trái tim tôi đã thực sự bảo tôi, anh ấy không chỉ đẹp trai, hãy nhìn vào mắt anh ấy, anh ấy có trái tim của một đứa trẻ, tinh khiết như thế, cô đơn như thế: hãy cưới anh ấy đi”.

Vâng, từ thoạt kỳ thuỷ cho đến ngày tận thế, tình yêu luôn là nguồn năng lượng, nguồn cảm hứng vô biên bất tận đối với chủ thể sống và viết.

Tình yêu xưa như trái đất, cũ như loài người, tất yếu như thức ăn nước uống không khí thở. Ấy nhưng, tình yêu luôn mới. Bởi trái đất luôn vận động. Loài người là sự cộng sinh thay thế của vô vàn con người. Mỗi con người là một chủ thể yêu. Mỗi chủ thể yêu là một chủ thể trải nghiệm và sáng tạo. Một khi chủ thể yêu đồng thời là chủ thể thơ thì ở đó tình yêu càng đặc biệt được sáng tạo.

Phải chăng vì quan niệm: “sống/ hành trình tiến về phía trước/ trên con đường trong trải nghiệm của riêng mình”, “không trải nghiệm tình yêu/ đời người như hạt giống nằm trong lọ/ không gieo trồng”, “ta làm mới chính mình để nuôi dưỡng tình yêu”..., nên đời sống đời thơ của Lê Khánh Mai không ra ngoài từ-trường-yêu. Với chị, yêu là lý do sống cũng là mục đích sống; hay nói cách khác, chị yêu để sống và sống để yêu. Và thơ, vừa là cách chị vật chất hoá cái tình yêu ngồn ngộn thường trực trong mình, vừa là cách chị đối thoại với tình yêu đó, định danh nó, khai mở mật ngôn của nó: “như tình yêu chọn thơ làm nơi nương náu”, “chân lý tìm đâu trong cõi mông lung/ cỏ vẫn lặng lẽ xanh lặng lẽ úa tàn”. Cái tên Lê Khánh Mai mang đến cho người đọc hình dung về một chủ thể mà ở đó năng lượng trữ lượng sống-yêu-viết dường như luôn trong trạng thái vơi rồi lại đầy. Chính trạng thái vơi rồi lại đầy (khác với luôn đầy) này khiến cho cái năng lượng trữ lượng kia không ngừng được tái tạo và sáng tạo, để rồi cái sống cái yêu cái viết kia luôn mới mẻ sinh sôi. Thi giới “Mật ngôn của tình yêu” của Lê Khánh Mai song tồn hai mặt đối lập hiện thực và giấc mơ, trong đó, chủ thể bung phá nới giãn hoá giải hiện thực bằng giấc mơ, cũng là cách để hiện thực hoá giấc mơ: “như chiếc hạt ủ sâu trong lòng đất trút bỏ lớp vỏ úa tàn/ đội mầm xanh đón những giọt sương mai soi bóng nụ cười và nước mắt”, “trên ngưỡng cửa ngôi nhà ta chia tay với bóng đêm/ mang theo giấc lành hái từ ngôi sao số phận”. Dẫu vẫn biết “hữu hạn đời người/ bí mật lớn lao trong tay thiên cơ”, nhưng phận người lại đồng thời là trong tay con người, do con người làm chủ. Giữa sâu rộng vũng bi kịch bởi đứt lìa dang dở mất mát, mầm sống mầm yêu mầm thơ cứ cựa quẫy bung bật: “ánh sáng chống lại bóng tối/ đánh thức những cơn mê/ bật dậy những hạt máu li ti/ mạnh hơn ngựa chiến”, “người lặng lẽ thắp lên tín hiệu xanh/ và tôi bừng thức/ như chiếc lá thu tàn/ tái sinh diệp lục”, “tháng chạp kết thúc và tàn lụi/ cho những điều mới mẻ sinh ra”, “loài người tăm tối vì giam hãm mình trong định kiến/ sự nghèo nàn của thơ vì tự giới hạn trong những điều hiện hữu”. Đúng vậy, con người cần tranh thủ tự yêu lấy mình từng satna hiện sinh. Tự phá vỡ định kiến để vượt thoát giới hạn, đó là cách khả dụng giúp con người khai minh cho mình, làm giàu có cho thơ: “hãy sẵn sàng cây cọ/ căng tấm toan cát trắng/ và vẽ lên đó/ tình yêu”, “hãy đi con đường bên ngoài những con đường”. Một khi sống hết mình yêu tận độ, rồi dốc kiệt cái lưng túi sống và yêu ấy lên thơ, thì con người đã đóng được con dấu hữu hạn đời mình lên càn khôn vô hạn, dự phần làm tươi mới trái đất, làm đa dạng đa sắc thế giới loài người: “những ngón tay định mệnh văn chương/ đóng đinh nỗi khát yêu của những người đàn bà đa cảm”, “hạnh phúc này/ oan nghiệt này/ khoảnh khắc này/ là/ cả một đời yêu”.

Bản chất của con người là khổ, là cô đơn. Yêu là cách thể khả dĩ để người ta hoá giải phần nào kiếp nạn ấy. Tuy nhiên, nhiều khi nhiều người bận bịu thương thân nên không còn đủ sức để yêu tha nhân, để mở lòng với ngoại giới. Lê Hoà - tác giả thi tập “Trong cơn khát của mặt trời” - vì xác tín: “ta sang là ở chút tình”, “chỉ tình yêu ôi tình yêu cứu mình”, nên xác quyết: “quẩn quanh nhân thế lòng vòng để yêu”, “mỗi giờ là một tứ thơ/ để yêu đến bến đến bờ nông sâu”. Và rồi, thể thơ lục bát đã tỏ ra rất “vừa vặn” khi triển tải cái “thanh xuân mơn mởn phía điều hiện sinh” ngồn ngộn tứ thơ của người thơ này. Nếu mỗi người là một văn bản, thì “khát”, “yêu”, “thơ” và “lục bát” là những từ khoá đắc dụng để thông diễn văn bản Lê Hoà; qua đây người thông diễn sẽ ít nhiều tìm lại được bản nguyên của mình, của thế giới.

Đi vào thi giới “Những bông hoa nở về đêm” của Đinh Tiến Hải, khách thơ có cơ hội nhập hòa “khu rừng nguyên sinh” rộn ràng mùi hương rậm rịt màu sắc ríu rít âm thanh. Phải chăng, vì luôn biết “dọn dẹp lòng mình”, tạ ơn cuộc đời, độ lượng cuộc người, căng mở tâm trí, tựa hồ “bản Mường/ vách nhà xưa cửa ngỏ/ người canh nương chẳng khóa bao giờ”, nên người thơ đón hứng dung nạp được tất thảy suối nguồn khôi nguyên vang động của sự sống. “Khu rừng có lí lẽ riêng của nó/ ngọn núi có bản lĩnh riêng của nó/ thác nước có tiếng reo bên trong nó”. Thơ Đinh Tiến Hải là một cách thơ kháng cự lại kiểu thơ ủy mị ái kỷ đã trở nên bão hòa trong thi quyển đương đại.

“Mùa Bạch Diệp” của Bạch Diệp mở ra một “khu vườn tận hiến”, một “cánh đồng thơm tho”, nơi Em “yêu và đau như bổn phận”, “như ân điển cứu chuộc”. Em vừa riết róng nhiệt cuồng vừa dịu dàng thì thầm kể “câu chuyện giọt sương/ vũ điệu nước mắt/ ngàn triệu năm ngóng đợi mặt trời/ để chết đi trong giấc mơ hạnh phúc”. Và khách tri âm như “nghe lời kinh cất lên từ những trang thơ”.

Thi tập “Sự im lặng biếc xanh” như là một cách Như Bình tự thú, rằng thực ra mình chỉ là một “con thú”, hoang dại và cô đơn, bị nhốt và bỏ đói quá sâu và quá lâu: “em không thể chạy đến để nói với anh thật ra em rất cô đơn/ con thú hoang trong em rũ lông cụp đuôi lùi về phía bìa rừng/ gục đầu thú tội/…/ nỗi nhớ phờ phạc đổ bóng những chiều tà/ nỗi nhớ rạc gầy trong xác thân héo rũ/ nỗi nhớ như a xít ăn mòn răng và tóc/ chỉ còn trơ lại hốc mắt khô/…/ con thú hoang đã nhốt sâu/ dù nó nhe răng van vỉ em bằng cái vẻ cụp đuôi xờ xạc/ dù nó đã cắn em suốt đêm trong nỗi nhớ anh phờ phạc”.

Hồ Minh Thông tận tụy sống trải, cần mẫn gom cất mỗi ngày vào ngăn ký ức, rồi thường trực thao thức “mở mùa đem nỗi nhớ ra phơi”, lật trở hít hà từng mảnh thời gian đã mất “thơm suốt một đời trăng”. Thi giới “Gọi hoàng hôn” chập chờn chiêm mộng, là bóng quê nhà, là hình ruột rà, là hương tình cũ. Chủ thể thơ trắc ẩn đa mang mong manh như lau trắng, gió qua rồi vẫn run rẩy xôn xao. Và thơ như là sợi chỉ mềm bền, để chị luồn vô năm tháng, mê mải tìm mình, khâu/xâu những dang dở lỡ làng, những ngọt ngào nồng đượm, để được tái sinh, căng mẩy tràn đầy…

Giữa lưng chừng thiếu phụ, giấc mơ đầy một gánh, với ý chí tự do của gió, Bùi Thị Diệu trượt khỏi đường biên của mùa bằng thi tập “Còn bông cúc vàng ở lại”. Như lá giữa muôn ngàn phiến, đòi sắc xanh khác sắc vàng khác. Như chiếc bát trắng tinh, khát nỗi đầy, giêng hai mùa gạo mới. Để rồi, từ gian nan tình yêu, những bài thơ cứ im lặng nở, ở lại bên đời, ấm hơn mặt trời, mặc kệ thời gian rơi đầy hai tay…

Không gian thơ Trần Hạ Vi, từ “Lật tung miền ký ức” đến “Vi” đến “Phiến hạ”, như một lẽ thường tình, “có những vết thương vô danh/ và những vết thương có tên gọi”, nhưng đáng chú ý ở chỗ là tràn ngập hoan ca tình yêu. Chị “cảm ơn vũ trụ bao dung” mở ra vô vàn cơ duyên để bản thân không ngừng được kết nối tương giao. Cái yêu đọng thành cái sống và chảy thành cái viết. “Yêu nhau trên những vần thơ/ làm tình cùng chữ”. Thơ Vi, do vậy, như “những cái hôn sâu/ như bản năng cuộc sống”.

Vũ Trần Anh Thư xác quyết, rằng “ta về thương lấy mình thôi”, đồng thời rằng “hãy để nỗi buồn nở hoa từ giọt đêm chưng cất”, thế nên, thi tập “Tiếng mưa” của chị không phải là những khúc than thân trách phận như thơ nữ thường tình, mà là như những đóa quỳnh vừa se sẽ vừa xôn xao mở cánh tự thắp mình giữa đêm không trăng. Chắt chiu những dịu dàng ngọt ngào thơm thảo để đan dệt thành lời hoan tụng mùa yêu, để “mùa yêu này em nối tới mùa sau”, đó phải chăng là phương cách vừa tối giản vừa tối ưu để người thơ vừa tưởng thưởng mình vừa tạ ơn đời? Thản nhiên nồng nàn, là tâm thế sống mà Vũ Trần Anh Thư không ngừng kiến tạo: “cứ kệ dòng đời đang trôi rất vội/ mình ngồi đây bầu bạn với thời gian”, “ngủ nhé hạ ơi dẫu có ai níu lại/ gối lên sen hạ mơ giấc nồng nàn”, “em - anh đôi hạt bụi người/ cuốn vào nhau để cùng trôi vô cùng”… Người thơ đắm mình cùng những cánh hoa vô ưu rơi vàng con phố; nâng niu tách trà sen cuối hạ; để mặc tháng Giêng hôn lên má mùa xuân bằng những cánh đào còn run rẩy giọt sương ban sớm; như cánh hoa sưa tự rơi mình vào lòng phố xá mà không cần biết phố kia có đợi chờ và ủ ấm môi cong… Người thơ đem cuộc sống của mình hòa điệu với cuộc sống của vũ trụ. Gọi tên bốn mùa. Mẫn cán làm sứ giả của mùa vui. Mùa nào cũng là mùa hoa, chuếnh choáng mềm môi mật ngọt. Mùa nào cũng là mùa trĩu quả, cho nụ cười thơm trái chín cây… 

 “Có phải chúng ta đang bị tự nhiên lừa/ để kéo dài sự sống”. Đây là hai câu thơ của thi sĩ Trương Đăng Dung, dựa trên ý của triết gia vĩ đại người Đức Arthur Schopenhauer. Theo đó, cái gọi là tình yêu đã bị đặt vào tình thế giải thiêng, chất vấn. Con tạo khéo bày trò lừa mị con người, để rồi giống đực và giống cái ngộ tưởng yêu nhau mà đến với nhau, phối trộn cùng nhau, để lại tạo sinh ra những con người, để nhân loài được trì bồi miên viễn.

Mặc kệ ai giải thiêng, chất vấn tình yêu, thì trái tim những thi sĩ, đặc biệt là nữ sĩ, vẫn đinh ninh tin, rằng tình yêu là có thật, rằng tình yêu là tất cả sinh mệnh, là ân điển và tai ách, hạnh phúc và thống khổ, phấn hứng và bất an, đầy tràn và hao rạc… Sau bã bời sống và yêu, họ đi đến được trạng thái tự cân bằng, nhờ học theo cách của bầu trời: “bầu trời triệu năm đã thiền bên mây trắng/ bọc ối thiền mặc kệ bão ngàn xa”, “thở vào thở ra tan biến/ hóa em một thanh âm lành” (thơ Như Bình); “sau những mùa lá rụng/ thấy mình đơn sơ hơn/ sau tháng ngày dài rộng/ tim đau từ tốn hơn” (thơ Trần Kim Hoa); “tôi yêu cái khoảng cách mơ hồ lọc tôi đến trong veo/ và độc chiếm không gian bình yên tự do dâng hiến (thơ Lê Khánh Mai)…

Mọi thứ đều đáng hoài nghi, riêng tình yêu là bất khả tư nghị. Đi thật khẽ thật sâu vào thi-giới-yêu, khách thơ lại muốn, nói như thi sĩ Đỗ Quang Nghĩa là, một lần nữa tỏ tình cùng người mình đang yêu.

Nhà văn Luigi Pirandello (Nobel văn chương 1934) đề cao thái độ thành thực ngưỡng mộ cuộc sống của các nhà văn, theo ông, đó là điều quyết định sự nghiệp của mỗi người. Nhà văn Jon Fosse (Nobel văn chương 2023) cũng chia sẻ, rằng cảm giác thanh thản chính là điều quan trọng nhất ông muốn truyền tải trong các tác phẩm của mình; ông hy vọng độc giả có thể “tìm thấy sự bình yên” trong hoặc từ các sáng tác của ông.

Được sống là đặc ân. Và ích dụng thiết thực nhất, “vị nhân sinh” nhất của văn chương đó là góp phần giúp con người tìm thấy niềm vui sống. Bởi nói như nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì, cuộc đời trôi đi đơn giản, văn chương cứ day đi dứt lại mà làm gì.

Phải, cuộc đời trôi đi đơn giản, như xuân đi xuân lại lại. Hãy biết yêu đời yêu người mà sống. Yêu nhiều, nhiều như… “một chú gấu mùa xuân”.

H.Đ.K

. . . . .
Loading the player...