28-05-2023 - 01:49

VŨ MỤC LÊ KHÔI –DANH TƯỚNG NHÂN THẦN CỬA SÓT

Lê Khôi, tên thụy là Vũ Mục, công thần khai quốc nhà Lê sơ. Ông là con trai của Lê Trừ- anh thứ hai của Lê Lợi, tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, lập nhiều công lao được Lê Thái Tổ lên ngôi phong cho là Kì Lân Hổ Vệ tướng quân, hàm Nhập nội thiếu úy, tước Đình Thượng hầu. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Vũ Mục Lê Khôi – danh tướng Nhân thần Cửa Sót của tác giả Đặng Viết Tường.


VŨ MỤC LÊ KHÔI –DANH TƯỚNG NHÂN THẦN CỬA SÓT
                                  Đặng Viết Tường


     Đất xứ Nghệ có 4 ngôi đền thờ nhân thần linh thiêng nổi tiếng: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền Chiêu Trưng, thờ Vũ Mục công Lê Khôi ở núi Long Ngâm, cửa Sót, Hà Tĩnh. Bia Vũ Mục ở đền Lê Khôi, (nay thuộc xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) trên núi Long Ngâm thuộc dãy núi Nam Giới, có niên đại dựng năm Hồng Thuận thứ 4 (1512), được tu tạo năm 1994. Theo văn bia Vũ Mục, danh tướng Lê Khôi là con trai của Lê Trừ, người anh thứ hai của Lê Thái tổ. Tuổi trẻ Lê Khôi là người có tài kỳ lạ, được mọi người xem trọng, thường thì ít nói, làm việc gì cũng rõ ràng, trong ngõ làng ngoài thành thị, mọi người khắp nơi đều ca tụng ông.
     Danh tướng Lê Khôi là một dũng tướng, sớm có mặt trong hội thề Lũng Nhai vào năm 1418, khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn. Lê Khôi có mặt trong các trận đánh lớn nhỏ ở núi rừng Thanh Hoá từ năm 1418 – 1423. Năm 1424, Lê Lợi, Lê Khôi cùng nghĩa quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An, lập được chiến công ở Bồ Ải, Trà Lân, Khả Lưu. Sách Đại Việt sử ký, bản thực lục có chép rõ về Lê Khôi trên chiến trường: “Vua phục sẵn ở Bồ Ải, giữa nơi hiểm yếu. Giặc lại không ngờ tới, đem hết quân ra mà đánh. Vua (Lê Lợi) bèn tung phục binh xông vào trận giặc. Bọn Lê Sát, Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Khôi, Lê Bôi …tranh nhau lên trước phá giặc”. Trong 10 năm kháng chiến chống giặc Minh đô hộ, danh tướng Lê Khôi từng chiến đấu trên chiến trường Chi Lăng, Xương Giang, có mặt trong những trận chiến lớn, có tính quyết định buộc Vương Thông phải đầu hàng nghĩa quân Lam Sơn. Bia Vũ Mục ghi chép về Lê Khôi: “Ban đầu theo quân khởi nghĩa của Thái tổ Cao Hoàng đế, (Lê Lợi -TG) túi tên bên trái, cung đeo yên ngựa bên phải, vào ra trận mạc, đánh khắp bốn phương, tiễu trừ bạo loạn, khôi phục kinh đô làng xóm, được tuyên ban là người hết lòng trung. Nhiều lần nhận ban chức Lân Hổ vệ Thượng tướng quân hành quân Tổng quản Nhập nội Thiếu uý.” ( Văn bia Hà Tĩnh, tr.258). Theo Sử ký, ngày 3 /5 năm Kỷ Dậu (1429) vua Lê Thái tổ ban biển ngạch công thần cho 93 viên, danh tướng Lê Khôi được ban ngạch công thần Đình thượng hầu.
     Theo ghi chép của sử sách, văn bia Vũ Mục, sau 3 năm lên ngôi hoàng đế, vua Lê Thái tổ muốn lấy lại đất cũ phương Bắc. Lại thấy vùng đất biên giới phương Nam giáp Chiêm Thành còn lỏng lẻo, sẽ là mối hoạ khôn lường. Đối với vùng biên Chiêm Thành nếu không có trọng thần trấn giữ cửa ngõ này ắt không thể thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ biên cương. Tin tưởng tài đức của ông, năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) vua Thái tổ sai Lê Khôi vào Nam làm trấn thủ Châu Hoá. Ông đến Châu Hoá làm việc, được nhân dân yêu mến. Người dân nơi đây hài lòng, khen ngợi: “Hoá Châu được người tài giỏi như vậy, thật không có gì phải lo nữa”. Lê Khôi bỏ trạm gác để dân tự do đi lại, chiêu dụ người lưu tán lập trang ấp, khuyến khích phát triển nông nghiệp, huấn luyện quân sĩ sẵn sàng cẩn thận phòng thủ biên giới, cai quản nghiêm mà hài hoà, được dân kính trọng yêu mến. Vùng ven, con đường biển thông thương được yên ổn, người Chiêm Thành sợ oai của ông, lại vừa mến mộ ơn nghĩa của Lê Khôi, đã không dám đem quân ra cướp phá như trước nữa. Niên hiệu Thuận Thiên thứ 4 (1431), danh tướng Lê Khôi được vua Thái tổ triệu về Bắc giao việc cầm quân đánh dẹp Thái Nguyên. Ông xuất chinh xâm nhập địa bàn giặc, lập được công, vua rất yêu mến, cho bàn những việc lớn, thưởng ban áo bào kim phù. Vào niên hiệu Thuận Thiên năm thứ 6, (1433), Thái tổ triệu ông Lê Khôi vào điện để hỏi việc phế, lập Thái tử,  định sách phong, ban cho ông Kim phù.
Ngày 22/8 nhuận năm 1433 vua Lê Thái tổ băng hà. Thái tử Nguyên Long lên ngôi Thái tông Hoàng đế, Lê Khôi nhận chức Nhập nội Tư mã tham tri chính sự. Triều đình xét thưởng công lao trấn thủ biên giới, đã tiến phong Lê Khôi làm Nhập nội Đô đốc tham dự triều chính. Về sau có việc, ông xin từ chức. Niên hiệu Thái hoà thứ nhất, (1443) triều vua Lê Nhân tông, danh tướng Lê Khôi nhận chức Nhập nội Thiếu uý nhưng đi cai quản trấn thủ Nghệ An. Nhân dân xứ Nghệ An đều biết danh tiếng, hiền tài của Lê Khôi. Hôm ông về nhậm chức, ai cũng vỗ tay hoan hô vui mừng nói: “Dân ta trông ngài lâu rồi. Trời như ban  phúc cho dân ta chăng?”. Ông cai quản Nghệ An sau mấy năm chính trị bình yên, kiện tụng xử lý, dân vui mùa màng bội thu, hết sức ca tụng đức tài của ông. Lê Khôi vốn là người bình dị gần dân mà dân vui.
Năm 1445, chúa Chiêm Thành khởi binh xâm chiếm châu Hoá. Danh tướng Lê Khôi vâng lệnh dẫn binh cùng các tướng Nguyễn Thận, Nguyễn Xí đánh một trận mà đại phá được, nên ông được tiến phong chức Nhập nội Tham dự triều chính, cho trở lại trấn thủ Nghệ An, làm tướng tiên phong bình định Chiêm Thành. Năm 1446 vua lệnh cho xuất quân, cử Bình chương sự Trịnh Khả đem đại quân đi đánh Chiêm Thành. Tướng Lê Khôi được lệnh đem binh lính Nghệ An đi trước, quân ta tiến theo đường biển, ông đến địa phận đất Chiêm Thành. Tướng quân Chiêm Thành thấy quân sĩ nghiêm chỉnh, oai phong khí thế, biết là Lê Khôi đến bèn hô lớn: “Tướng quân có phải là ông Tư mã đó không?” Lê Khôi cởi mũ miện ra cho quân Chiêm thấy, tướng Chiêm xuống ngựa bái lạy quy hàng, giao nộp vũ khí, tiến cống vàng bạc, sản vật. Quân ông đến đâu thắng đó. Trên chiến trường giáp trận mà không cần giao tranh, không mất một mũi tên, binh sĩ không phải đổ giọt máu nào. 

Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu, danh tướng Lê Khôi lập được nhiều chiến công trên chiến trường

Trở về báo tin mừng thắng lợi, trên đường rút quân không may danh tướng Lê Khôi bị bệnh nặng, đến núi Long Ngâm, cửa biển Nam Giới rồng kêu, dưới núi hổ gầm là điềm báo danh tướng Lê Khôi mất vào năm 1446. Biết tin ông mất, vua Nhân tông bãi triều 3 ngày. Vua ban sắc truy điếu táng, tặng chức Nhập nội Đô đốc ban thuỵ Trung Hiển, sau lại tặng Nhập nội Kiểm hiệu Tư không Bình chương sự, đổi tên thuỵ Vũ Mục công, tuyên bố là bậc Thượng đức để yên dân. Về sau vua Lê Thánh Tông còn tiến phong chức Chiêu Trưng đại vương cho danh tướng Lê Khôi. Trong thơ ngự chế khai quốc công thần nhà Hậu Lê, vua ghi nhớ công trạng Lê Khôi là một võ tướng tài đức vẹn toàn có câu: “Di miếu truyền đây đền Vũ Mục / Danh sơn nhờ đó cổ Quỳnh Viên”.
Văn bia Vũ Mục chép, ngày 3 tháng 5, niên hiệu Hồng Thuận thứ 4 (1512) vua sai Hàn lâm viện Thừa chỉ học sĩ Đô uý Nguyễn Như Đỗ, tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442) nhận việc soạn thảo văn bia. Bia Vũ Mục khẳng định: “Dân ta cho là người có công lớn với đất nước, đức hậu dân không dám quên, nên lập miếu thờ ông, thấm thoắt trôi qua, người cầu đảo đều thiêng ứng nghiệm, đấy chính là ông luôn cần mẫn với dân vậy. Từ xưa người có công với dân, ắt dân nhớ mãi, nhớ mãi thì lập miếu thờ, dựng bia đá, để cái tấm lòng muôn vàn yêu mến từ trước về sau.” Lê Khôi là một ông quan trấn thủ Nghệ An, có công lớn trong việc ổn định xã hội, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay. Tướng Lê Khôi được nhân dân xứ Nghệ hơn 500 năm nay tôn vinh nhân thần linh thiêng cầu đảo linh ứng. Ở Nghệ An, Hà Tĩnh hiện nay có hơn 10 ngôi đền thờ Lê Khôi. Trong đó đền chính thờ Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi ở núi Long Ngâm, cửa Sót, không chỉ là di tích Lịch sử -Văn hoá cấp Quốc gia,  mà năm 2017 lễ hội đền Chiêu Trưng được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. 
Theo Ban quản lý, lễ hội đền Chiêu Trưng đại vương danh tướng Lê Khôi được bảo tồn tốt, hàng năm tổ chức, diễn ra từ ngày 1 – 3 âm lịch, lễ chính tại đền Chiêu Trưng ở núi Long Ngâm, núi Long Ngâm, xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà. Trước khi diễn ra lễ hội chính tại đền Chiêu Trưng, có lễ tế Lê Khôi tại đền Vọng ở xã Thạch Kim, huyện Thạch Hà và đền Vọng Mai Lâm ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà. Trong lễ hội có lễ rước kiệu thần được chuẩn bị chu đáo. Mỗi đoàn rước khoảng hơn 100 người. Các đoàn đi trên 5 đến 7 thuyền lớn. Trang phục đoàn rước kiệu rất đẹp. Nữ mặc áo dài, đầu vấn khăn xếp. Nam mặc đồ binh lính màu vàng có chỉ nẹp, thắt lưng vải đỏ, đội nón gõ sơn son, tay mang đao, kiếm, giáo, chuỳ đi đầu đoàn rước. Đoàn rước thần còn có phường nhạc ngũ âm, bát âm, chiêng trống, tàn lọng, cờ biển, đồ tế khí. Sau lễ rước kiệu thần, có phần hội sôi nổi các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao như thi bơi thuyền, đi cà kheo, cầu kiều, đánh cờ thẻ, cờ người và bóng chuyền bãi biển.
Lễ hội Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi, được nhân dân các xã vùng bãi ngang Cửa Sót bảo tồn ở danh thắng Quỳnh Viên, đã trở thành tín ngưỡng dân gian độc đắc, nhân văn “uống nước nhớ nguồn” sâu nặng, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước cho các thế hệ. Hàng năm lễ hội Chiêu Trưng, đã thu hút lượng du khách lớn từ mọi miền đất nước, trong đó có các tỉnh có đền thờ vọng Chiêu Trưng vương Lê Khôi như Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Nội…về chiêm bái lễ hội Chiêu Trưng. Ngọn núi Long Ngâm dãy Nam Giới trong những ngày lễ hội đèn nến lung linh, huyền diệu, trở thành điểm đến thú vị của du khách./.  


Đ.V.T

. . . . .
Loading the player...