27-04-2023 - 08:00

Sự tích đá vợ chồng và lễ hội chùa Chân Tiên

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Sự tích đá vợ chồng và lễ hội chùa Chân Tiên của tác giả Đặng Viết Tường, Hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian, Hội LHVHNT Hà Tĩnh.

SỰ TÍCH ĐÁ VỢ CHỒNG VÀ LỄ HỘI CHÙA CHÂN TIÊN

 

 Hai hòn đá vợ chồng ở đầu chân núi Vân Am, thuộc địa giới xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đá vợ chồng ở cạnh  cửa lạch Kèn đổ ra biển Đông bao la. Nhà nho Lê Văn Diễn viết trong sách “Nghi Xuân địa chí” rằng: “Đầu chân núi Vân Am nổi lên hai tảng đá lớn, một tảng đá rất cao to, hình như người đang ngồi kê cùi tay trên chồng gối, một tảng nhỏ hơn, hình như người ngồi hầu, đầu hơi cúi xuống. Chung quanh, nhiều hòn đá rải rác vây quanh, lớn nhỏ khác nhau, như con cháu quây quần vui chơi bên ông bà”. Ngày nay, tại hòn đá vợ chồng, người dân Thịnh Lộc xây cất trùng tu ngôi miếu cổ, nơi lập bàn thờ đôi vợ chồng nàng tiên út theo truyền thuyết biến hoá thành đá.
Cửa biển lạch Kèn xanh biếc quyến rũ khách lữ hành. Nơi đây có núi Tiên Tích nối liền với núi Vân Am. Là một trong những danh thắng, kỳ quan thiên nhiên trong dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ. Lưng chừng núi Tiên Tích có tảng đá lớn, trên mặt đá có dấu chân người khá lớn, lún xuống đá khá sâu. Người dân địa phương bao đời nay gọi là “dấu chân tiên”. Phía nam núi Vân Am thuộc địa giới xã Thịnh Lộc. Phía đông núi đá chồng chất như những ngôi nhà, người dân Thịnh Lộc gọi là Ao Thung. Lưng chừng núi Tiên Am có ngôi chùa cổ, do dân xã Yên Điềm nay là xã Thịnh Lộc xây cất. Chùa cổ có tên chùa Chân Tiên. Núi Tiên Am với nhiều thắng cảnh thiên tạo nổi tiếng như: Đá vợ chồng, giếng tiên, bàu tiên tắm, động trúc, động mai, dấu chân tiên, bàn cờ tiên, suối ngọc – dòng chảy xanh như ngọc từ đỉnh núi đổ xuống bàu tiên, nước trong và mát. Xung quanh những danh thắng độc lạ này là những huyền thoại, sự tích thú vị.
Theo truyền thuyết dân gian vùng này, thưở xưa, dưới chân núi Vân Am có một chàng trai vạm vỡ to khoẻ, làm nghề tiều phu lên núi hái củi. Trước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, không thể cầm lòng được, bấy giờ có 7 nàng tiên nữ xin phép mẫu cửu thiên xuống hạ giới thưởng thức cảnh đẹp thiên tạo. Được mẫu cửu thiên cho phép, 7 nàng tiên nữ đáp xuống núi Tiên Am vãn cảnh non xanh nước biếc. Xuống đỉnh Tiên Am quần tiên trêu đùa thoả mãn, cởi xiêm y xuống bàu nước bơi lội, tắm mát. Chơi đùa nghịch nước chán chê, các nàng tiên lại rủ nhau ngồi lên tảng đá chơi cờ thi thố tài năng, trí tuệ. Khi trời đã về chiều, các chị đã trở về thượng giới. Nhưng nàng tiên út say cảnh đẹp, mãi mê hái hoa đuổi bướm, chiều đã vãn mà không muốn về tiên cung. Nàng tiên út mê mãi đuổi bắt cô bướm vàng, vô tình bị vấp ngã trẹo chân không đi lại được. Nàng đau đớn, quằn quại bên suối ngọc. Tình cờ chàng tiều phu trai tráng đi rừng về qua suối ngọc thì gặp tiên nữ. Thương người đẹp, chàng cõng nàng tiên xuống suối ngọc rửa chân cho nàng. Nước suối giúp nàng tiên hết đau, đi lại được. Kỳ lạ thay, dấu chân của nàng tiên đã in lên đá, lún sâu và tồn tại mãi. 
Nàng tiên út cảm mến lòng dạ chân tình của chàng trai, quyết định không về thượng giới, mà ở lại núi Tiên Tích, kết duyên vợ chồng cùng chàng tiều phu hái củi. Hai người sống hạnh phúc, sinh ra một đàn con cháu đông đúc, quây quần bên nhau lấy làm mãn nguyện. Cuộc tình của chàng tiều phu và nàng tiên út keo sơn, ấm áp, vui vẻ tưởng chừng hạnh phúc lâu dài nhưng không ngờ, một ngày sóng gió, phong ba bão táp nổi lên tan vỡ. 
Sự việc nàng tiên út không về trời, phạm giới luật xuống hạ giới lấy chồng, sinh con đến tai Ngọc Hoàng. Thượng đế nổi giận sai thiên tướng xuống trần bắt nàng tiên về trị tội. Khi biết được việc tồi tệ, vợ chồng có thể chia lìa, cách trở. Nhưng lệnh trời khó cưỡng, chàng tiều phu khuyên vợ trở về tiên cung chịu tội và xin Ngọc Hoàng mở lượng khoan hồng, tha thứ. Nhưng nàng tiên út kiên quyết ở lại núi Tiên Tích cùng chồng và con cháu. Thực hiện ý định này, tiên nữ dùng phép biến mình và chồng, con, cháu thành những tảng đá. Khi thiên tướng xuống hạ giới để bắt vợ chồng tiên nữ, không thấy vợ chồng, con cái họ ở đâu, mà chỉ trông thấy đá lớn, đá nhỏ nằm la liệt dưới chân núi Tiên Tích. Những phiến đá đó được người dân địa phương Thịnh Lộc, Cương Gián gọi là đá vợ chồng. Dân gian cho rằng đá vợ chồng là hình tượng của tình chung thuỷ, nghĩa tình sâu nặng. Với đá vợ chồng, người xưa có thơ rằng: “Thơ xưa “đá hoá làng người” / Nay người hoá đá răn đời cũng tinh/ Chuyện xưa “có cây liền cành”/ Ở đây đôi đá chung tình nước non”.(Nghi Xuân địa chí-tr51). Cảm động trước mối tình chung thuỷ, keo sơn của vợ chồng hoá đá, người dân địa phương đã lập miếu thờ, bốn mùa lễ bái. Miếu thờ đá vợ chồng (phu phụ thạch) được tỉnh Hà Tĩnh công nhận, xếp hạng di tích lịch sử văn hoá. 

Hình ảnh đá vợ chồng tượng trưng cho mối tình chung thuỷ được dân tôn vinh thờ ở xã Thịnh Lộc, Hà Tĩnh.

Theo ghi chép của Nghi Xuân địa chí, xã Yên Điềm (Thịnh Lộc) dựng ngôi chùa ở lưng chừng núi Tiên Am, gọi chùa Chân Tiên. Xung quanh chùa là một rừng thông trải rộng, cảnh trí khá đẹp. Theo tài liệu ở xã Thịnh Lộc, (huyện Lộc Hà) chùa Chân Tiên được người dân địa phương xây cất vào triều đại nhà Trần. Chùa Chân Tiên đã trải qua 3 lần trùng tu, tôn tạo. Hiện tại, khu vườn chùa Chân Tiên được phân chia 2 nhóm gồm nhà chùa thờ đức Phật tổ và am miếu thờ Thánh mẫu. Về tóm tắt lịch sử chùa Chân Tiên từ cuối thế kỷ XIX: Những năm 1885 -1886 nơi đây làm căn cứ, bãi tập của nghĩa quân phong trào Cần Vương chống Pháp. Năm 1908, chùa là điểm tập trung nho sĩ huyện Can Lộc, triển khai đi biểu tình chống sưu thuế Trung Kỳ do chí sĩ Nguyễn Hàng Chi lãnh đạo. Năm 1928, chùa là cơ sở hội họp của Đại tổ đảng Tân Việt huyện Can Lộc. Tiểu tổ đảng Tân Việt được thành lập ở chùa Chân Tiên vào năm 1929. Ngày 25/4/1930, Chi bộ Đảng cộng sản Yên Điềm (Thịnh Lộc) ra đời ở chùa Chân Tiên. Ngày 29/ 7/ 1930, tại chùa Chân Tiên chi bộ Đảng họp bàn kế hoạch hoạt động kỷ niệm chống chiến tranh quốc tế. Ngày 5 /11/1930, tại chùa diễn ra cuộc họp của chi bộ Đảng bàn kế hoạch ủng hộ Cách mạng tháng 10 Nga Xô viết. Xác định chùa Chân Tiên là cơ sở Cách mạng, cơ sở văn hoá tín ngưỡng giá trị, vào năm 1992 Bộ Văn hoá –Thông tin nay là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích Lịch sử -Văn hoá cấp Quốc gia.
Chùa Chân Tiên ở phía Bắc, cách thành phố Hà Tĩnh 25 km. Chùa ở Đông Nam núi Hồng Lĩnh cách thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 30 km. Con đường dưới chân núi Tiên Am có ngôi chùa Hội, là nơi tập hợp đồng đạo, du khách mọi miền trước khi lên chùa Chân Tiên. Vào tháng 4 dương lịch, cụ thể là ngày 3 tháng 3 âm lịch hàng năm, tại chùa Chân Tiên có tổ chức lễ hội truyền thống. Các hoạt động lễ hội ở chùa Chân Tiên diễn ra trong thời gian 2 ngày. Đến ngày lễ hội chính không chỉ người dân Thịnh Lộc, Cương Gián lân cận, mà người dân, thiện nam tín nữ du khách mọi miền cùng về núi Tiên Tích bái tạ đức Phật, Thánh mẫu, vãn cảnh danh thắng chùa Chân Tiên và khám phá những cảnh quan độc lạ, quyến rũ ở núi Tiên Am.

Ngôi chùa Hội, là nơi tập hợp đồng đạo, du khách mọi miền trước khi lên chùa Chân Tiên.


Sau phần lễ diễn ra các hoạt động đọc tấu sớ, tụng kinh, dâng hương cầu quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, dịch bệnh tiêu trừ, cuộc sống người dân yên an, no đủ, hạnh phúc, quê hương đổi mới giàu đẹp và mến khách. Phần hội  chùa Chân Tiên tràn đầy sức sống với các hình thức dân gian: Giao lưu văn nghệ, ca hát những làn điệu dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, thả hoa đăng, thả diều sáo, đua thuyền trên bàu tiên, đấu vật truyền thống, kéo co, đánh cờ thẻ, cắm trại và thi đấu bóng chuyền bãi biển. 
Đến với lễ hội chùa Chân Tiên trong mùa lộng gió biển sẽ được thưởng thức núi non hùng vĩ, biển cả bao là, động trúc ngàn thông tuyệt đẹp, khám phá “dấu chân tiên”,  suối ngọc cùng lời ca điệu ví ngọt ngào và những ẩm thực, đặc sản từ biển quê hương Hà Tĩnh ./.


 

. . . . .
Loading the player...