03-05-2020 - 09:04

Truyện ngắn Nơi neo giữ tâm hồn của tác giả Ngân Kim

Trời tháng hai xanh ngằn ngặt. Một màu xanh nhức mắt người nhìn, đến độ bức bối, ngột ngạt. Nhân chỉ muốn lao tới cắn một phát vào cái màu xanh ấy cho nó tứa ra thứ nước đỏ, loang ra thành những đám mây tia tía, và ở chỗ đằng xa kia sẽ tứa ra thứ nước vàng thành đám mây mỡ gà. Như thế trông sẽ bớt nhạt nhẽo hơn. Thường cái gì hoàn mỹ quá hay khiến người ta hoài nghi.

     Nhân không thích thứ gì quá hoàn mỹ. Đời, làm gì có thứ hoàn mỹ, nếu có chắc chắn là giả tạo. Như cái thành phố mà mẹ con cô đã ở, một mớ hổ lốn mà người ta vẫn lao vào nó như thiêu thân lao vào ánh sáng, trong số đó có mẹ cô. Ngày đó chắc hẳn bà đã ôm giấc mộng tuyệt đẹp chứ không chán chường tất cả như cô bây giờ. Ờ, trong cuốn nhật ký của bà, mấy trang đầu tiên tràn ngập những dòng chữ nhảy múa. Con người thật kỳ, luôn muốn đến một nơi xa lạ để dệt những giấc mơ, như giấc mơ về thiên đường chẳng hạn. Làm quái gì có nơi gọi là thiên đường, Nhân chắc chắn vậy. Nếu có thì người ta đã đua nhau chạy đến đấy chứ chẳng cố bám dính vào cõi hỗn tạp này!
     Nhân đã mười bảy tuổi, bằng cái tuổi của mẹ khi bắt đầu viết nhật ký. Ngay lúc này đây, cô cũng đang ở cái nơi mà mẹ mô tả trong nhật ký. Chẳng làm gì cả, chỉ nằm trên cỏ ngắm bầu trời, trên cái đồi này có gì khác để ngắm ngoài mộ lô nhô. Cô nằm sát bên mẹ tự hỏi rằng ngày đó sao mẹ lại muốn rời bỏ nơi này để đi. Có thể bà cũng chán cái màu xanh ngằn ngặt trên cao ấy nên khi thấy bầu trời bị xé rách bởi những tòa cao ốc lại thấy yêu. 
     Thói đời, người ta luôn thấy cái lạ lẫm với mình là đẹp. Nhân dám chắc như thế. Đám nữ sinh trong trường nó là một ví dụ, đua nhau mặc quần chíp và áo lót đậm màu, có đứa còn cố gắng may váy ngắn tới nửa đùi để khi leo cầu thang tụi bạn khác giới phía sau phải cố khòm lưng nhìn trộm. Nhân coi rẻ mấy trò nổi loạn ấy chỉ đơn giản vì cô không thích cái nhìn lom lom của lũ con trai bắt đầu mọc ria mép. Cái nhìn đó có lẽ giống cái nhìn của ba ngày ấy nhìn mẹ. Thứ ánh nhìn đầy dục vọng. Cô biết lũ con trai ấy khối đứa ngày ngày coi phim sex, và cũng biết khối đứa con gái tay trong tay cặp kè vào nhà nghỉ với một thằng bạn khác giới. Có đứa còn cặp với mấy anh chàng sinh viên và xem đó là đẳng cấp. 
     Mẹ, có lẽ đã hơn một lần lo lắng Nhân sẽ học đòi theo chúng bạn yêu đương nhăng nhít như thế, nên trong cơn mơ bà ú ớ khóc van xin cô đừng bỏ rơi bà. Không, Nhân sẽ chẳng bao giờ bỏ nhà theo thứ tình yêu viển vông mà mẹ đã từng. Cô thấy tất cả đàn ông trên thế gian này đều đáng ghét, y hệt ba của cô (người mà cô đến bây giờ vẫn chưa biết mặt). Lúc bỏ rơi mẹ với cái bụng ngày một to lên chắc ông ta đã cười khẩy cho sự dại dột cả tin của cô gái quê ngây thơ. Mẹ có nhìn thấy điều đó không nhỉ? Có lẽ mẹ chẳng bao giờ thôi yêu con người ấy, bởi những trang nhật ký của bà vẫn ngập tràn tình yêu, thứ tình yêu thầm lặng mà người ta hay bảo là cao thượng, còn với Nhân thì đó là thứ tình yêu vớ vẩn. Đôi lần Nhân cảm thấy ghét mẹ ghê gớm, không phải vì bà ngang bướng tự bương chải nuôi con hay vì cứ yêu da diết con người bội bạc đó, mà là vì sao mẹ khờ dại đến độ kiên quyết giữ lại đứa con oan nghiệt làm gì, đến độ khiến cả gia đình quay lưng với mình. Phải chi hồi đó bà sinh Nhân ra rồi quẳng đại vào cái chùa nào đấy, làm lại cuộc đời với một người đàn ông tử tế, có một gia đình nhỏ ấm cúng và quên béng đi đứa con kia thì có lẽ giờ bà đã không phải nằm đơn độc trên đồi một mình. Nhân sẽ lớn lên như bao đứa trẻ khác trong chùa, không cần biết cha mẹ là ai, và quan trọng nhất là không phải đọc những trang nhật ký đầy nước mắt, không phải nhìn mẹ héo hon từng ngày vì thứ tình yêu rồ dại. Nhân định một vào ngày sinh nhật thứ mười tám sẽ hỏi một cách sỗ sàng rằng mẹ có thể quẳng thứ tình yêu vớ vẩn ấy đi được không, nhưng cô chưa kịp hỏi thì mẹ đã nằm đây dưới ba tấc đất, chỉ cách ngày sinh nhật hai tháng.

Nơi neo giữ tâm hồn ( Tranh minh họa: Lê Võ Thanh Nhã)

     Nhiều lần Nhân nghĩ đó là sự giải thoát cho mẹ, bà sẽ không phải khóc thầm, không phải lo lắng con gái sẽ lao vào vết xe đổ. Hơn một lần nó nghĩ rằng bà cố tình lao vào xe tải để cho những người máu mủ của mình phải hối hận vì bỏ rơi bà suốt những năm tháng khó khăn. Cứ nhìn ánh mắt đau đáu của bà ngoại mỗi chiều thắp nhang lên bàn thờ là ý nghĩ ấy lại xẹt qua trong đầu nó. Mỗi bữa cơm ngoại lại ép nó ăn món này, món kia như thể mẹ đã bỏ đói nó suốt mười mấy năm qua. Dì Út không thể hiện tình cảm như ngoại, dì mua rất nhiều đồ hiệu cho nó cứ như thể nó vẫn còn bị dỗ ngọt như trẻ con. 
     Nó sợ phải nhìn vào mắt mỗi người trong nhà, trong đó có đủ cung bậc cảm xúc. Mắt ngoại lúc nào cũng ươn ướt như thể nước mắt chầu chực sẵn ở đó, chỉ cần ai lỡ buộc miệng nhắc mẹ nó là rơi xuống liền cho nhanh. Mắt dì út lại tê tái nỗi buồn, nhất là lúc dì bó gối nhìn hoàng hôn, sao mà giống mắt mẹ những đêm không ngủ nhìn đêm dữ không biết. Tròm trèm ba mươi, dì vẫn chưa lấy chồng. Dì biểu lấy chi cho khổ như mẹ mầy, như dì hai, dì ba. Dì hai, dì ba lấy chồng xa, ghé về hồi làm đám dúi cho nó ít tiền kiểu bù cho những tháng năm từ em không nhận. Dì hai giọng the thé, nói rổm rảng vì quen buôn bán ngoài chợ. Dì ba thì trầm lặng, ít nói, mặt lộ hai gò má cao. Qua mấy cuộc chuyện trò nó biết dì khổ dữ lắm, chồng bài bạc rượu chè lại hay đánh vợ. Dì hai thì lại khổ vì chồng kiểu khác, nhà có tiền chồng đâm gái gú. Thấy ba chị khổ vì đờn ông mỗi người một kiểu như vậy, dì út ngán lấy chồng cũng đúng. Ngay như Nhân, mười mấy tuổi đầu cũng phát ngán nữa là…
     Út gọi Nhân ơi Nhân à ra rừng cao su chơi không con? Nhân mừng rơn, ru rú ở nhà nghe tiếng ngoại thở dài buồn chết được. Dì đèo nó đi coi rừng cao su đang mùa thay lá, cơ man nào là chồi non rợp trời. Cái màu chồi non chẳng thể tả bằng lời, không phải màu tía, cũng chẳng phải màu xanh non. Chỗ nắng quét qua thì  bàng bạc sáng, chỗ khuất nắng lại tía thẫm. Út biểu nó chụp dùm mấy tấm hình trên nền lá vàng và nền lá non. Khi chỉnh ống kính không hiểu sao nó lỡ phóng lớn, con chìa vôi lọt vào tầm, vội vàng bấm máy. Mắt con chim nhỏ ngơ ngác tìm, chắc mải chơi lạc mẹ, hoặc bị bỏ rơi bắt phải tự lập. Tự dưng mắt Nhân sa nước, phải chăng mẹ cũng cố tình rời bỏ để bắt nó phải tự thân vận động?
     Út biểu Nhân hỡi Nhân ơi, biết trái gì đây hôn? Nhìn cái hột tròn tròn to bằng trứng gà ác bóng lộn, óng ánh vân như vân gỗ nó reo lên thích thú. Út biểu đúng cái dân thành phố, trái cao su mà cũng khoái dữ bây! Nè, cạ hai trái lại với nhau nó nóng lên có khi bật thành tia lửa luôn đó con. Nó tò mò làm theo, tới khi hai tay phồng rộp mà chẳng tia lửa nào lóe lên, chỉ thấy nóng ran. Thấy nó xuýt xoa hai tay đỏ dừ, út dỗ dành:
- Khó mà lên lửa lắm con, nếu dễ chắc rừng cao su này cháy trụi mất đất lâu rồi.
Thấy nó vẫn xuýt xoa lom lom nhìn chỗ phồng rộp, út chặc lưỡi:
- Về thoa dầu dừa cho đỡ rát. Tay gì tiểu thư quá, mới chút đã rộp rồi.
     Đêm. Nó ngắm nghía mấy quả cao su nhặt được hồi chiều. Khó tin có loại quả nào da bóng đến vậy. Út biểu nhân bên trong ăn được, bùi bùi như đậu phộng rang, mà ăn ít thôi nhen con, ăn nhiều say như má bây hồi nhỏ á. Câu nói lỡ lời của út khiến ngoại thở dài nối tiếp. Nó giả vờ ngáp thiệt dài rồi úp mặt vô tường ra bộ buồn ngủ dữ lắm rồi. Ngoại thở dài càng bạo hơn:
- Sao giống má nó dữ thần, lưng cũng có hai xoáy y chang.
- Má con sao hổng giống. Má nhắc Tư chi rồi lại buồn, mắc công Tư ở trển nhảy mũi nữa.
- Biết nó có ở trển hông, hay mắc kè kè thằng ôn dịch đó đặng đỡ nhớ.
- Thôi má, người ta sống ác mốt người ta gánh, chửi chi chửi hoài mỏi miệng…

     Nhân chỉ ước mình ngủ thiệt để khỏi phải nghe cuộc chuyện trò của ngoại với út, đặng lòng thôi rỉ máu từ vết thương cũ. Cần bao nhiêu lâu để lành một vết thương lòng? Chắc lâu dữ lắm, có khi hết đời người vẫn chưa lành được, thì có chịu để nó yên đâu, hơi tí lại cạy mày lên biểu sao lành cho đặng?
     Ông ngoại ít nói, hay ngồi đốt thuốc ngó thinh không. Ông hay đánh rớt mấy câu tưởng chừng như vô nghĩa mà thiệt ra ngẫm kỹ thấy nhoi nhói trong lòng. Có bữa ông ngồi ngó nắng, đánh chẹp miệng nói khơi khơi:
- Nắng nhảy múa vui vầy sao ít người thấy dữ ta.
     Đợt nghe tivi đọc bản tin một vùng quê chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ, người trẻ đổ xô tứ xứ vô các thành phố lớn tìm việc hết rồi. Ông thở dài:
- Xứ nào chả vậy, riêng xứ nào đâu. Riết rồi con người neo lại cuộc đời này chỉ bởi tiền hay sao á!
     Bà ngoại biểu ông ngoại hay nói tầm phào, bệnh tuổi già hơi đâu mà nghe. Nhân thì thấy hình như ông có nhiều điều giấu trong lòng dữ lắm, muốn nói ra mà thấy không ai mặn mà nghe nên thôi đem cất lại. Một bữa bà ngoại với út đi chợ, ông gọi nó ra nói chuyện. Nhìn mặt ông khác hẳn thường ngày, cái bộ quan trọng dữ lắm khiến nó rụt rè se sẽ ngồi xuống sáp mép ghế.
- Rồi con định thế nào?
-….
- Con muốn ở đây hay vô thành phố ở với cha bây?

    Nghe nhắc tới cha, tim nó đánh thọt một cái đau nhói:
- Con còn hông biết ổng là ai thì sao mà vô.
- Má bây giấu chưa cho bây biết luôn hả?

     Nó không ngước lên nhìn ông, di mấy ngón chân xuống nền xi măng làm bộ bận bịu lắm.
- Ông biết cha bây, biết chỗ ở của nó. Bữa nó ngỏ ý muốn gặp bây, muốn bây về thành phố học tiếp mà ông biểu đợi hỏi ý bây đã, dù gì bây cũng đã lớn rồi…
     Không có chút nước mặn đắng nào tràn lên ướt khóe mắt. Ráo hoảnh. Nó có hơi bất ngờ nhưng không có chút yêu thương nào khẽ xao động, thay vào đó là cái bĩu môi khinh bỉ:
- Từ lâu lắm rồi con không có cha. Ngoại nói với ổng vậy đó.
     Nó lầm lủi đi vô nhà, không buồn nhìn phản ứng của ông ngoại ra sao khi nghe câu trả lời, chỉ có tiếng thở dài của ngoại bám riết theo vô tận tới cửa mới buông.
     Chiều nay nó không lên đồi một mình mà có út cùng đi. Út biểu lên thắp nhang cho má nó chớ để nằm mình lạnh lẽo tội. Đồi chiều, nắng vẫn còn nhẩn nha dạo chơi chưa muốn về bên kia dãy núi. Bồ công anh nép vào nhau đan dệt thành từng mảng lớn trắng ngà. Út kêu nó đi hái hoa, nhớ hái cọng dài chút xíu nha con. Út đan một cái vòng hoa thiệt đẹp đội lên đầu nó. Út cười. Nụ cười mãn nguyện mà bữa tới giờ nó mới thấy lần đầu:
- Mốt đi thi huê hậu hay người mẫu gì đi con. Đẹp mà làm nông, uổng!
Nó cười ngoặt nghẽo:
- Con mà huê hậu, người mẫu gì út!
- Đẹp! Thiệt á!

     Chừng cao hứng, út ngồi kể cho nó nghe về thời thơ ấu của bốn chị em, có trèo đồi hái táo dại bị cào dày mặt, có chất bốn lên xe đạp rong ruổi rừng cao su nhặt trái chơi, có đi tắm sông bị ngoại oánh bầm đít, có trốn ngoại đi coi tivi ké bị phạt quỳ mấy tiếng, …Sau cái hồi ức dài lê thê, út thở dài đánh thượt:
- Giờ mỗi người một ngả. Cuộc đời tưởng dài mà coi bộ ngắn thấy mồ nội luôn.
     Ngó dáng út nằm gác đầu lên hai tay, ngó đôi mắt ướt của út nhìn mây lững thững trôi, sao nó thấy thương quá đỗi, hệt như má nằm đó chớ hổng phải sâu dưới ba tấc đất. Day qua vòng tay ôm eo út, nó thầm thì:
- Út cho con ở đây làm nông với út nhen!
- Khổ lắm con ơi! Tướng con mảnh mai vầy làm nông uổng lắm, làm huê hậu người mẫu sướng hơn.

     Nó lặng thinh không đáp. Biết cắt nghĩa sao cho út hiểu đây, rằng nó chán nhìn bầu trời rạch nát bởi những tòa cao tầng, nó khoái nhìn trời phẳng lặng như vầy, khoái nhìn cái chồi xanh chớm nhú mỗi sáng, khoái nhìn nắng múa dưới tán cây,… Nó khoái cái miền đất mà nhiều người ruồng bỏ để ra đi này hơn những miền đất hứa lấp lánh ánh đèn. Chừng như đọc thấu tâm can nó, út thầm thì:
- Ờ, út cũng thương xứ này hoài con hà. Hổng hiểu sao. Chán thị thành rồi thì ở đây với út, cũng được.
     Đúng giây phút út chấm dứt câu nói, có thứ ấm áp tràn vào tim nó, lan ra từng mao mạch tí xíu, toàn thân nó nhẹ nhõm hẳn, nỗi muộn phiền bấy lâu nay rơi rụng đâu mất. Nó chợt hiểu rằng đã tìm được một nơi để neo giữ tâm hồn…


Ngân Kim


 

. . . . .
Loading the player...