19-11-2019 - 17:17

Truyện ngắn mini CHUYỆN CỦA QUÝ của tác giả Nguyễn Văn Thanh

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu truyện ngắn mini "Chuyện của Quý" của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

       Vừa đẩy chiếc xe máy vào nhà đã nghe tiếng chuông gọi cửa tôi chạy vội ra. Một khuôn mặt ngờ ngợ vừa lạ vừa quen đen nhẻm với bộ quân phục hài quân mới cứng hiện ra qua khe cửa tôi hỏi vội: -“Anh tìm ai ạ!”

        - “Cô Quỳnh! Cô Quỳnh! Cô không nhận ra em nữa à! Quý còi đây, Quý còi của cô đây!

       Tôi mừng rỡ mở nhanh ổ khóa rồi chạy vội ra ôm chặt lấy Quý còi. Em không còn cha mẹ ở với bà nội mà nay đã to lớn ngần này rồi sao? Tôi rơm rớm nước mắt. Quý còi cũng khóc…

Hoa tặng cô (Minh họa từ Internet)

        Dạo ấy, tôi vừa mới tốt nghiệp trường sư phạm được phân về dạy ở một trường tiểu học vùng ven thành phố. Vừa mới chân ướt chân ráo về trường đã được Ban giám hiệu phân công làm Chủ nhiệm lớp 4A tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì mới ra trường đã được đứng lớp hơn nữa lại được làm Chủ nhiệm một lớp mà trong đó có nhiều học sinh giỏi. Tôi vội xếp lịch cho mình. Tuần đầu tiên tôi tìm hiểu hoàn cảnh từng em thật cụ thể để từ đó  giúp các em học tập tốt hơn.  “Quý còi” là học sinh có hoàn cảnh éo le bị bạn bè xa lánh kì thị. Giờ ra chơi nào Quý cũng thơ thẩn một mình trước cửa lớp, chẳng bạn nào chịu chơi với em vì em chính là con của người gieo rắc cái chết trắng cho mọi người, là con kẻ đi tù… Nhiều buổi ra chơi Quý ngồi một mình trong lớp trông thật tội nghiệp. Nghiêm trọng hơn là lực học của em sa sút hẳn, từ vị trí thứ mười đến nay nằm trong tốp áp chót của lớp.

      Chiều chủ nhật đầu năm học đó, tôi tìm đến nhà Quý và sự thực còn đau xót hơn cả sự kì thị của bạn bè. Bố Quý trong cơn mê tiền bạc đã rơi vào vòng xoáy của một đường dây buôn bán ma túy và đã phải trả giá với bản án mười bốn năm tù giam. Mẹ Quý dắt em giao cho bà nội rồi bỏ đi biệt tích. Từ ngày đó em sống với bà. Đứa bé chưa đầy chín tuổi và bà cụ bảy mươi nương tựa vào nhau trong căn nhà nhỏ. Cầm tay em, tôi đau thắt cả ruột gan và bất giác ghì chặt em vào lòng nói thầm trong bụng: -“Quý ơi, em không có lỗi gì cả, đây là lỗi của người lớn đã bỏ rơi em đẩy em đến bước đường này. Quý nằm gọn trong vòng tay tôi khóc rấm rứt…

        Từ hôm đó, tôi bắt đầu thực hiện từng bước vực dậy lòng tin trong em tìm phương pháp giúp em học tập tốt hơn và bước quan trọng nhất là tạo mọi điều kiện để em hòa nhập cùng cả lớp.Tôi còn nhớ như in buổi họp lớp đầu tiên năm ấy tôi ra câu hỏi cho các em tự trả lời. Câu hỏi của tôi đưa ra là: -“Mẹ và bố cùng vắng nhà các em hãy cho cô biết cảm xúc của mình?”. Cả lớp đồng loạt giơ tay xin phát biểu và cùng đồng ý với cô là rất nhớ và buồn, có em còn nói nhớ đến khóc lên được. Tôi để cho các em chìm trong suy tư khoảng mươi phút sau đó mới nhỏ nhẹ kể cho các em nghe hoàn cảnh của Quý. Buổi họp lớp như chùng hẳn xuống đã có nhiều tiếng xuýt xoa xụt xịt ở nhiều dãy bàn… Cuối buổi họp hôm ấy tôi đưa ra câu kết cuối cùng để các em tự trả lời đó là bạn Quý đáng giận hay đáng thương? Câu trả lời đã được cả lớp 4A thể hiện rõ nét ở những lần ra chơi, những buổi đi học cùng nhau sau đó, Quý đã cười trong vòng tay bè bạn của mình.

        Để giúp em tự tin hơn tôi luôn nhắc em viết thư cho bố kể chuyện học hành của em cho bố biết và động viên bố cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình với cộng đồng. Tôi đã dành ra hai buổi chiều thứ ba và thứ bảy dạy thêm cho các em yếu kém trong đó có Quý. Các em chật vật đánh vật với từng phép tính, từng bài chính tả. Thời gian càng dài ra lực học của các em càng nâng lên rõ rệt. Tổng kết học kì một năm đó Quý còi đã là một học sinh khá của lớp.

        Những năm dạy học đầu đời sống xa nhà tôi phải ở lại kí túc xá nhà trường. Đêm nào Quý cũng xin phép bà nội ra học thêm với tôi đến khuya, nhiều đêm mưa gió em không về được tôi lại phải tìm chỗ cho em ngủ lại tình cảm cô trò cũng từ đó ngày càng thắm thiết. Quý còi xem tôi vừa là cô vừa như chị gái nên chuyện nhỏ chuyện to gì em cũng đều tâm sự và tôi cố gắng tháo mở những uẩn khúc còn đè nặng trong lòng em để em thanh thản hơn trong cuộc sống. Ban Giám hiệu nhà trường đã biết rõ việc làm của tôi nên tạo mọi điều kiện giúp đỡ động viên tôi giảng dạy tốt hơn. Từ một cô giáo vừa hết thời gian tập sự, tôi đã được kết nạp vào Đảng.

     Và hôm nay, sau bao nhiêu năm xa cách, Quý còi chững chạc trở về thăm cô giáo cũ làm tôi càng thấm thía hơn với hai chữ lương tâm và trách nhiệm của người làm cô làm thầy khi đứng trên bục giảng vì sự nghiệp trồng người.

N.V.T

. . . . .
Loading the player...