18-03-2020 - 08:08

Truyện ngắn Hoa hồng không gai của tác giả Phạm Thị Thanh Hoa

Mẹ thường bảo tôi, cái gì cũng có giá của nó. Tôi vốn tính hay thích phản biện, cứ chưa được sáng mắt bởi những lí lẽ của các cụ là cãi. Tôi bác ngay:" Đó chỉ là đa số thôi mẹ. Thiếu gì anh có mất đồng nào đâu mà vẫn cứ được của ngon đấy thôi, tớ lớ phớ lại trúng số độc đắc, vợ đẹp con khôn, của tiêu không hết ý chứ!". Mẹ tôi cười, lắc đầu: " Cái giá ấy không trả trước thì trả sau, con để rồi mà xem!". Nói thế thì tôi cụt rồi!

     Làng quê tôi vốn hẻo lánh, dân cư thuần nông bao đời. Ngôi làng nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng và nương cạn. Tôi hay giới thiệu với bạn bè là nhà tôi nằm trên một ốc đảo. Mà ốc đảo thật. Mang tiếng là xã miền núi vùng cao nhưng cứ đến tháng tám, tháng chín mưa về cứ mưa tầm vài ba ngày là những cánh đồng xung quanh làng tôi trắng nước, dầm thêm vài ngày nữa là lút đường, cô lập luôn với các làng xung quanh. Nước leo lên đường, nước vào sân nhà rồi vui tính có năm còn chui vào nhà đánh soàm soạp vào các bức tường xám xịt, rêu mốc và in hằn bao lằn nước lụt của những năm trước. Nếu như có flycam mà quay thì làng chúng tôi chẳng khác gì một hòn đảo nhỏ giữa bốn bề nước trắng. Chính vì vậy, các cánh đồng làng thường đẫm phù sa. Dân làng từ xưa nay dựa dẫm vào thiên nhiên mà sống, quanh năm cày cấy ruộng đồng. Cái cốt cách, suy nghĩ của họ cũng vì thế rất chất phác, giản dị, ưa truyền thống, ưa thủ cựu. Vẻ bình yên, hiền hòa đến trầm lặng của làng quê cũng từ đó mà ra. Mỗi thông tin khác lạ ngày thường cũng làm quê xôn xao lạ thường. 
       Chính vì vậy mà tin cu Thảnh chuẩn bị cưới vợ như là một sự kiện gì ghê gớm lắm! Hai tuần nay tôi mới có dịp ghé qua nhà mẹ, vừa mới chào, chưa kịp cởi cái mũ bảo hiểm mẹ đã vui vẻ báo ngay: 
-    Thảnh nhà bà Thơi chuẩn bị cưới vợ rồi đấy con ạ! 
   Hơ! Có liên hệ gì không nhỉ, mẹ làm như bạn bè thân hữu không bằng! Tôi điềm nhiên: 
-    Thì họ đến tuổi dựng vợ gả chồng rồi thì cưới có gì lạ đâu mẹ! 
    Tay mẹ vẫn tẩn mẩn tước từng sợi vỏ trên ngọn bí đỏ xanh non, cười khẩy:
   - Không lạ nhưng kì. Cái thằng như nó mà cũng kiếm được vợ mới tài. Nghe đâu con vợ xinh phết đấy!
 - Vậy mừng cho anh ta rồi!
 - Ừ. Mẹ chợt ngừng tay bẻ rau, mắt nhìn tôi chăm chú: 
- Tao vẫn nghi lắm 

Tôi cười rộ: 
-    Mẹ hay lo! 
  Mẹ cũng cười và không nói gì thêm. Sau ít phút mới chuyển sang chủ đề của gia đình mình được ít câu xong đi chuẩn bị cơm trưa. Tôi ở lại ăn cơm với bố mẹ vì hai nhóc ở lại trường, chồng đi công tác xa. Xong bữa trưa, nhà tôi mời uống nước. Tục lệ mời nước chè xanh đã có từ lâu lắm ở làng tôi. Ngày trước thì gọi ngày một lần, nhưng dạo gần đây người già ít việc hay om nhiều hơn nên gọi thường xuyên hơn, ngày ba bận sáng, trưa, tối thay phiên nhau. Thành ra các ông, các bà ngồi với nhau cả ngày. Vừa dọn bát đũa xong thì bà Thảo đã bước vào sân, tay mang theo cái nón: 
- Gia đình ăn chưa? 
- Dạ, chào bác. Mời bác vào uống nước, nhà cháu ăn rồi ạ! 
- À, ừ, cái Thoa về đấy à? Bọn trẻ đâu? Đã nghe tin gì chưa? 

Tôi ngạc nhiên: 
- Tin gì hả bác? Cháu mới về nên chưa biết ạ 
- Thằng cu Thảnh chuẩn bị cưới vợ đấy! 

Tôi bật cười to: 
- À, tưởng chuyện gì. Chuyện đó mẹ có nói sơ cho cháu nghe rồi bác ạ! 
- Cháu nghĩ có tài không, người như nó mà vẫn chọn được vợ đấy. Nghe nói vợ nó xinh đáo để cơ! 

   Tôi dạ một tiếng ra chiều lắng nghe, nhưng trong bụng đang thầm nghĩ: "việc quái gì đến nhà bà đâu nhỉ, đâu ra cái luật lệ là xấu, nghèo không được lấy vợ? Đành rằng Thảnh có hơi ngô nghê một tí, nhưng cái duyên số con người ai biết được trước điều gì". Bà Thảo dường như sợ tôi chưa đủ thông tin, cúi người về phía tôi, khều thêm: 
- Mà này, nghe nói con bé đó có thai rồi đấy! Cả nhà nó trọng đãi cu Thảnh lắm! Tôi cười hỏi: 
- Sao bác biết rõ thế? 
 - Ơ hay, người nhà nó về khoe tưng bừng ra đó. Cu Thảnh cũng từng đưa vợ đi chơi đám cưới trong làng mà. 

  Quay về phía mẹ tôi, bà Thảo như muốn tìm thêm nguồn nhân chứng: 
-    Bà Thắm nhỉ, chúng nó dẫn nhau đi khắp làng rồi còn gì. Mà tôi cứ thắc mắc sao mà cái thai năm tháng mà bụng con bé kia to thế chứ? 
Mẹ tôi hào hứng: 
-    Hôm qua em cũng đang thắc mắc chuyện đấy đấy, các bà kia bảo, do nó hơi thấp với lại mang bụng dưới nó vậy đó bác! 
  Mẹ tôi và bà Thảo say sưa tám chuyện nhà Thảnh. Một lúc sau lại thêm hai bà với hai ông trung niên nữa. Họ quên hết chuyện mùa vụ, quên hết giống má, cày cấy- vốn là chủ đề quen thuộc lâu nay của các cuộc uống nước chè xanh- để hồ hởi bàn chuyện nhà ông Thơi. Tôi ngồi nghe đến nỗi, nếu muốn, tôi có thể kể lại vanh vách tiểu sử cuộc tình nhà này một cách chính xác từng thời gian một, đến mức tôi còn biết trong lễ nạp thái ấy, nhà trai nạp những gì, ông trưởng họ nói những gì và hôm ấy nhà gái chiêu đãi nhà trai món gì... Sự kiện Thảnh- một chàng trai 35 tuổi, nhà rất nghèo và chỉ có hai mẹ con - lấy được vợ và đặc biệt là vợ chưa cưới của Thảnh bụng đã to trở thành chủ đề hot trong làng tôi từ khi biết tin đến nay. Tôi cũng không dám chắc, độ hot của nó đến lúc nào thì sẽ nguội nữa trong khi còn hai tuần nữa đến ngày cưới của nhà họ. Tan cuộc, tôi trở về nhà riêng của mình cách đó hai chục cây số và theo việc mình, quên bẵng đi sự kiện đáng nhớ của dân làng tôi.

       *    *    *

        Đêm mùa xuân đất trời ẩm ương, sáng sớm sương phủ trắng cánh đồng mờ mờ ảo ảo. Đã sáu giờ sáng nhưng còn chưa sáng tỏ mặt người. Thảnh đã thức dậy từ lâu nhưng cứ ngần ngừ chưa ra khỏi giường. Ghé mắt trông ra thấy những tia sáng trắng lọt qua các khe của những tấm gỗ tạp ghép lại làm cửa sổ bên cạnh giường, hắn đoán thời gian. Chắc còn sớm! Sớm như vậy dậy cũng chẳng làm gì. Trâu thì hôm qua đang còn cỏ, tí dậy trộn ít chuối là xong. Nhà cửa chỗ nào cần dọn thì dọn rồi. Thảnh lại bâng khuâng nghĩ đến sự kiện trọng đại sắp tới. Cảm giác lại lâng lâng. Càng gần đến ngày càng hồi hộp. Mấy ngày nay bên nhà vợ chưa cưới hối đi đăng kí kết hôn mà chưa đi được. Ông bố vợ bảo, nếu bên kia khó khăn gì thì cứ sang bên này, hai nhà cũng chỉ cách xã thôi. Không có xe thì sang lấy xe ông mà đi lo việc. Thảnh dạ dạ, vâng vâng mà trong bụng thấy sướng. Hắn thấy mình may mắn. Hôm đầu tiên được bạn bè đưa đi giới thiệu và gặp mặt cô gái ấy, hắn đã ưng cả mắt cả bụng. Cô vợ dễ nhìn đã đành, ăn nói đưa đón đã đành, lại thêm có bố mẹ xởi lởi, bắt chuyện quan tâm hết mực. Từ thuở biết thích con gái đến nay, chính xác là từ lúc biết theo bạn đi tán gái, lần đầu tiên Thảnh được đối đãi ngon lành như thế. Còn những lần trước đa phần đều bị thể hiện thái độ ngay, không lạnh lùng thì cũng đốp chát, dửng dưng. Lần này, Thảnh còn hên nữa là sau vài lần đến chơi hắn ta còn được bố mẹ cô gái mời ở lại ăn cơm, uống rượu. Bạn bè ai cũng bảo Thảnh số sướng rồi. Nhà còn hai mẹ con, nghèo, xấu đã đành lại còn có phần tính hơi ngô nghê, nên Thảnh không phải là đối tượng nhắm của các cô gái trong làng ngoài xã. Thảnh được cái thật thà, chất phác, siêng năng. Nhưng hình như những phẩm chất ấy không là ưu điểm hàng đầu mà các cô gái nhắm đến để chọn chồng ngày nay. Vì vậy mà Thảnh mãi chưa có người thương. Nay thì ngon rồi! Mối tình đầu cũng coi như xác định luôn. Có lẽ vậy mà qua lại được chừng hơn tháng thì bố mẹ cô gái đặt vấn đề hôn nhân. Ngoài nói, ông bà còn liên tục làm cơm rượu thết đãi Thảnh. Đặc biệt, nhiều hôm mượn lí do đi đêm về nguy hiểm, (cách dăm bảy cây số) ông bà nằng nặc đòi Thảnh ở lại sau bữa cơm tối say sưa rượu thịt với nhạc phụ. Đêm đầu tiên Thảnh tỉnh dậy và có phần sợ hãi khi thấy nằm bên cạnh mình là người yêu. Hắn sợ hắn nhầm giường. Nhưng nhầm sao được, có nhầm thì cô người yêu nhầm thôi chứ, hắn đi ngủ trước mà. Thảnh nhớm người định dậy thì bỗng cánh tay mềm mượt kia kéo xuống, ôm ghì. Cái nỗi sợ bỗng chốc trộn thêm niềm phấn khích. Mạch máu trong người Thảnh căng lên, tim nhảy loạn xị ngậu. Vốn trong người còn men, Thảnh lao vào người yêu bằng tất cả cảm xúc dồn nén từ lâu. Chiếc giường khẽ rên lên ken két. Thảnh định ngừng lại vì sợ ông bà nghe thấy nhưng người yêu thì không có biểu hiện rón rén mà còn ra hiệu cho Thảnh bạo liệt hơn. Kể từ đêm đó, Thảnh dường như trở thành người nhà. Việc ở lại qua đêm ở nhà người yêu là chuyện cơm bữa, đến nỗi, hắn ta nghĩ là nhà vợ từ lâu rồi. Tết nhất Thảnh còn dành nhiều thời gian bên nhà người yêu hơn ở nhà mình. Việc gì cũng đến tay. Và chuyện gì cần đến đã đến. Người yêu Thảnh có thai! Bố mẹ cô biết và công khai luôn, không hề giấu diếm gì nữa, cô con gái đã bắt đầu xuất hiện với cái bụng lùm lùm. Tính chuyện cưới xin chỉ còn là thời gian. Vì vậy,ông bố vợ giục Thảnh đăng kí kết hôn, để muộn không hay, với lại bụng cô dâu cũng sợ to quá không mặc được váy cưới. Với người khác còn suy nghĩ, chứ Thảnh được như vậy là tốt phúc rồi, không dám đòi hỏi chi hơn. Vừa có vợ vừa có con, song hỉ lâm môn rồi. Hắn đã về báo cho mẹ. Bà Thơi mừng. Không, phải gọi là sung sướng. Hạnh phúc nào bằng con cái yên bề gia thất. Bà giục Thảnh tiến hành sớm, còn bà loan báo cho anh em họ hàng để nhờ họ giúp một tay, trước mắt là kinh tế. Được tin, anh em láng giềng, họ tộc liên tục chúc mừng và sốt sắng giúp hai mẹ con chuẩn bị. Hôm nay là đầu tháng rồi, còn hơn tuần nữa là đến ngày nạp tài. Cũng may cỗ, lễ nhà gái họ hiểu cho gia cảnh nên đã gọi điện nói trước là bà không cần phải hậu, chỉ cần có đủ hình thức là được rồi. Thảnh cũng đã lo hết thiệp mời, chụp ảnh cưới rồi. Hôm nay họ hứa đưa giường, ri đô đến lắp nữa. Lễ cũng đơn giản thôi, ấm cúng là được.
     Đang nghĩ miên man, chợt tiếng bà Thơi cắt ngang dòng suy nghĩ của con trai:
-    Dậy đi con. Muộn rồi. Nhà còn nhiều việc lắm !
    Thảnh dạ một tiếng rồi ngồi dậy. Ngoài trời đã sáng hẳn nhưng trong nhà vẫn còn tối nhờ nhờ. Thảnh lẹp kẹp bước ra sân, uốn vai ngáp dài. Mảnh sân gạch đỏ cũ kĩ rêu mốc bể ngang bể dọc do sức nặng của những chuyến xe bò lúa lạc. Hắn nhìn quanh ngôi nhà thấp đan chằng đụp các tấm gỗ: ừ, nhà còn nhiều việc lắm. Phải sửa soạn lại một tí cho khang trang chứ! Vợ về thấy nhà cửa bề bộn lại tội! Với lại cũng sắp đón con rồi còn gì. Nghĩ đến đó Thảnh không nhịn được tủm tỉm cười, thấy nhớ và thương vợ. Hôm trước, dẫn vợ đi đám cưới trong làng, bạn bè thanh niên trêu ghẹo đã đành, bà con lối xóm cũng ghé mắt nhìn lén rồi chỉ trỏ cái bụng cố che dấu dưới lớp áo rộng của cô người yêu, Thảnh vừa thấy hạnh phúc vừa thương vợ lạ lùng. Thôi, cố lên vài tuần nữa thôi là hợp thức hóa vị trí rồi nhé, đăng kí kết hôn đã xong chỉ chờ ngày đẹp rước nàng về dinh nữa thôi!

*      *      *

     Hôm nay là thứ bảy, con gái thôi được nghỉ. Ra giêng cơ quan tôi cũng ít việc nên tôi không phải ôm sổ sách về nhà làm vào ngày nghỉ nữa. Con gái xin tôi cho về bà ngoại chơi. Tôi cũng thấy nhớ nhà liền đồng ý ngay. Nhớ chuyện về làng tôi bất chợt nhớ chuyện nhà cu Thảnh. Tính tôi vốn ít tò mò, không thích tọc mạch chuyện nhà người nên bữa giờ về cũng không hỏi mà mẹ biết tính nên cũng không nói.

Hoa hồng không gai ( Tranh: Lê Duy Lợi)


       Tôi quên bẵng chuyện nhà cu Thảnh không phải vì tôi đãng trí mà vì tôi không thấy lạ ở sự kiện ấy. Chuyện dựng vợ gả chồng là duyên số người ta. Còn chuyện người đàn bà có chửa trước khi cưới đâu phải lạ lùng gì nữa. Ngày xưa, đó là chuyện động trời, khó chấp nhận, nhưng ngày nay nhà trai lại càng mừng vì không còn lo vớ phải "cau điếc" nữa. Cưới như thế là song hỉ lâm môn rồi. Tôi thấy vậy cũng bình thường. Thế nhưng, trong cái sự bình thường mà tôi cho ấy lại ẩn chứa điều không bình thường mà các bà ưa lấy chuyện người khác làm chuyện mình ở làng tôi đã nhận ra ngay từ đầu. Hai mẹ con ăn cơm xong thì chạy xe về luôn, sợ về muộn thì chiều về lại nhà không kịp. Trưa mùa xuân có nắng mà không có gió. Chạy xe thì mặc áo ấm cũng thấy lành lạnh mà đứng một chỗ thì áo phông cũng thấy bức. Các cánh đồng lúa bao quanh làng tôi xanh mướt đầy sức sống. Trên nương, ngô cũng căng tràn từng thân mẫm bóng khỏe khoắn, lá cong dài xanh biếc. Hai bên bờ đường vào làng, hoa xuyến chi phủ trắng những bông hoa nho nhỏ cánh trắng muốt, nhụy vàng tròn như bông hướng dương tí hon đặt vào đó. Lũ bướm trắng, cũng nho nhỏ như loài hoa kia, đang dập dờn quanh những vườn hoa tự mọc ấy tạo ra khung cảnh đáng yêu vô cùng. Tôi khẽ đập tay vào bàn tay con gái nhỏ đang ôm chặt lưng mẹ: 
- Con xem, loài hoa dại mà đẹp chưa kìa! 
Nó nhìn hai bên đường: 
- Đẹp mẹ nhỉ, hoa này không ai chăm sóc mà cứ nở đẹp rực rỡ thế. Chẳng bù cho mấy chậu hồng của mẹ mãi cứ còi cọc, chẳng ra hoa! 
Tôi cười: 
- Cái gì cũng có giá của nó mà con! Có những thứ không vội được. Hoa hồng mà cũng dễ như xuyến chi thì hoa hồng đâu ai trọng vọng nữa! 
Nó gật đầu đánh cộp mũ vào lưng tôi ra vẻ hiểu: 
- Ờ ha! 
Xe về đến nhà, trong nhà tôi đang rộn rạo người uống nước. Tôi và con gái sà vào ngồi góp vui. Bà Thảo hỏi tôi: 
- Con biết tin gì chưa? 
Tôi tò mò: 
- Tin gì là tin gì ạ? 
Mẹ tôi nhanh miệng cướp lời bà hàng xóm: 
- Vợ cu Thảnh đẻ rồi đấy! 
Tôi cau mày rồi cười: 
- À, con tưởng có gì giật gân lắm! Đẻ rồi thì mừng cho người ta, chỉ là rước dâu hơi dở nhỉ! 
Mẹ tôi và mọi người cười rạo lên, bà Thảo bảo: 
- Vậy là con không biết rồi. Vợ cu Thảnh đẻ nhưng đứa trẻ không phải là con cu Thảnh. 
Tôi tròn mắt: 
- Hả? Sao lại thế? 
- Thì đó mới là điều đáng nói. 

Mẹ tôi kể: 
- Ngày mai là ngày lễ ăn hỏi rồi, mọi thứ đâu vào đấy rồi, mâm cỗ, lễ lạt đã chuẩn bị xong, họ hàng đã mời rồi. Ai dè, tối con vợ chuyển dạ. Cả nhà bà Thơi tá hỏa, bởi ai cũng biết, tổng thời gian từ khi Thảnh biết và yêu cô gái đến giờ mới tròn năm tháng! Sao mà đẻ nhanh thế được! Bà Thơi và anh em bà con tìm hiểu thêm thì được biết, đứa bé mới sinh đủ ngày đủ tháng bụ bẩm lắm. 
Tôi băn khoăn: 
- Vậy là con bé này có mang trước khi gặp Thảnh? 
Mẹ gật: 
- Chứ sao nữa. Nghe đâu là nhà gái biết cô ta có thai với gã sở khanh nào đó, không muốn phá, nên tìm cách gí cho anh chàng Thảnh ngu ngơ thôi. 
Mẹ tôi ngừng lời, ông Thắng nói luôn: 
- Biết đâu lại là giống ngắn ngày đấy! Hoặc siêu đẻ! 
      Cả nhóm uống nước cười ầm lên. Rồi thì mỗi người một lời, đều thể hiện lòng thương cho sự tội nghiệp của Thảnh, của bà Thơi tưởng vớ bở hóa ra được ăn thịt lừa dai nhách. Tự nhiên tôi thấy mình vỡ ra một điều gì đấy. Cái phúc của con người là có thật, mối nhân- quả trong đời sống lại càng thật hơn. 
   Con gái tôi thấy mọi ngưòi cười không hiểu gì nhưng thấy vui cũng cười. Định nói với nó một vài điều nhưng chợt nhận ra con còn quá nhỏ! Mà không nhỏ thì cũng biết đâu cũng cãi mẹ như mình ngày xưa!

      *    *    *

        Chiều xuân nghiêng nắng. Một thứ nắng vàng cháy như nghệ già mà không nóng. Trời hiu hiu gió cố lay nốt vài lá bàng đỏ ối đang cố bám vào cành rơi rụng để nhường chỗ cho những chồi non như ngọn nến xanh non đang nhú lên mơn mởn. Sau ngôi nhà già cỗi, cũ nát của bà Thơi, Thảnh đang ngồi bó gối nhìn bất định vào một điểm nào đó trong vườn. Hắn buồn. Hẳn rồi! Đã ba ngày rồi, Thảnh không nói với mẹ câu nào. Bà Thơi hiểu nên cũng chỉ động viên vài câu chứ không nói chi nhiều. Thật ra bà cũng buồn. Bà buồn lắm. Ai cũng đến chia sẻ, bảo bà đừng buồn, may trời thương nên cho gia đình kia lòi mặt sớm không thì lại nuôi con tu hú. Người ta nói cũng phải, nhưng không buồn sao được. Bao nhiêu hi vọng và tình thương đổ dồn lên con, giờ nó bị lừa vố đau quá! Rồi thì chòm xóm họ tộc nữa. Càng nghĩ càng đau. Thảnh không nghĩ được nhiều như thế. Hắn buồn vì bị cả nhà họ lừa là một nhẽ, nhưng trong thẳm sâu nỗi buồn ấy còn có một cung bậc nữa mà mọi người không biết: nó vẫn nhớ người yêu! Giận có, căm có nhưng càng giận hắn càng nhớ da diết. Hắn yêu cô gái đó mất rồi!


Thanh Hoa
 

. . . . .
Loading the player...