22-04-2020 - 19:36

Truyện ngắn Bầy bồ câu của mẹ

Tôi rất có cảm xúc với chim bồ câu. Những chú chim bồ câu đơn côi, lẻ bạn trong chiều tối; những cặp bồ câu gù nhau, khoe mẽ tình yêu; bầy bồ câu chiều chiều chao lượn vòng quanh; bầy bồ câu mang gốc gác miền Bắc của mẹ tôi.

     Hồi nhỏ, tôi hay được bố mẹ đưa về quê. Quê xa tận xứ Hà Tây cũ, trong trí tưởng tượng thưở nhỏ của mình, quê hương tôi có những mỏm núi nhọn phủ đầy những bụi cỏ xanh rì, mượt mà, nơi ấy nuôi cơ man nào là những bầy bò, bầy nghé… Đó là những cảnh tượng tôi tự nghĩ ra sau khi đọc sách viết về anh Hồ Giáo, một anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, không hẳn vậy, quê tôi khác cơ. Và câu chuyện về bầy bồ câu của mẹ cũng bắt đầu từ hành trình hồi hương ấy.
     Về quê, tôi nhanh chóng kết thân với nhiều anh em họ. Cùng nhau múc nước sông Đáy bằng lá khoai môn đổ tràn hang dế trong ruộng lạc, hè nhau đu ngọn bạch đàn non cong oằn xuống tới đất, rủ nhau chơi trò trốn tìm vào ban đêm để được leo trèo trên những cổng nhà, cổng làng. Hay chia phe đều rồi đánh nhau theo kiểu võ đài, ai ngã phải dừng tay lại. Bao trò chơi mới mẻ, đông vui mà đứa bé tôi ngây thơ chơi mãi chẳng chán. Còn người lớn, mỗi dịp về quê lại lục tục kéo nhau đi hết nhà người này, nhà người kia, anh em, bạn bè, cơm nước, chén thù chén tạc, kể chuyện ngày xưa. Đám trẻ con, chỉ chờ mỗi dịp ấy tha hồ tụ hội, chơi bời đã rồi đánh chén, rồi ngủ khì, ngon giấc.
Heo may, gió cứ vờn vờn chân tóc, tôi vừa ngủ dậy đã thấy buồn hoang hoải. Sau bao ngày rong chơi thỏa thê với đám anh em họ ở quê, chính lúc ấy, sau những tháng ngày rong chơi thì tôi mới nhớ đến mẹ. 

     Mẹ tôi kể, năm 1964, cả gia đình ngoại theo đám di dân dồn lên dinh điền Lệ Kim (tỉnh Gia Lai).Thưở ấy, vì bị ép gả chồng sớm nên mẹ tôi trốn nhà thoát ly. Khi thoát ly, mẹ tôi còn đang tâm bẻ ngẹo cổ hai con bồ câu mà người ta mang tới tặng mẹ để gia đình nhà gái nấu cháo tẩm bổ. Nhiều lúc mẹ kể lại chuyện này mà anh em tôi cứ trách mẹ mãi. Ra đi, hà cớ chi cứ phải vặt hai con bồ câu chết ngủm?! Mẹ cười giả lả. – Tại tao không ưng!

     Nhà bác nuôi chim bồ câu nhiều, giống bồ câu miền Bắc lông mượt mà to con. Rải nắm lúa trong tay, miệng không ngớt gọi chim, đám bồ câu từ nóc nhà, cành cây, dăm ba con đậu trên nóc chuồng cũng đã bắt đầu sà xuống đầy sân. Chúng chăm chỉ lượm hết từng hạt lúa nho nhỏ vãi trên nền bê tông. Tôi thấy thế cứ thinh thích là. Để chiều chuộng cháu, hai bác đã nấu cháo bồ câu cho tôi đổi vị. Mùi cháo bồ câu với củ nén thưở ấy, để lại trong tôi ấn tượng mạnh mẽ. Rồi chiều nào cũng qua bên bác chơi để được cho bồ câu ăn và ngắm chúng. Thấy tôi tỏ ý thích nên lúc về Nam, bác cũng bỏ lồng kín cho tôi 2 cặp. Bác còn dặn dò bố thật kỹ cách làm nhà cho chim, rồi nuôi nhốt độ tuần để chim quen nhà, cắt bớt lông cánh, sau đó mới thả cửa.
     Từ những miếng ván cũ mà bố đã đóng cho bồ câu những chiếc chuồng với ô cửa tròn sơn xanh vừa lọt chú bồ câu ra vào. Mái nhà cũng thật đẹp, có một miếng tôn che khớp ván phòng nước mưa, 8 ô cửa nhỏ là 8 chuồng chim dự trữ. Hai cặp bồ câu được nhốt chung 2 con một, 2 con một, để đầy thức ăn và nước uống hàng ngày. Sau lớp cửa bằng lưới thép, chúng không thể sải cánh mà bay đi được. Đúng một tuần, bố bắt đầu thả cửa, không chặn lưới thép nữa. Bồ câu lâu ngày không bay, cánh mỏi nên bay vút, lượn vòng hồi lâu định hình ngôi nhà mới rồi mới bắt đầu sà xuống nóc nhà đầy rêu của tôi mà đậu, mà gù. Vậy là hai cặp bồ câu miền Bắc, “thủy tổ” của những đôi bồ câu con sau này được đánh mốc “khai hoang” từ dạo đó.

     Thuở ấy, gia đình tôi nghèo, nhà vách ván, mái lợp ngói đỏ phủ đầy rêu. Chính tôi lúc ấy cũng đã từng trèo leo lên thang theo bố sửa những viên ngói vỡ chống dột mùa mưa. Đứng trên nóc nhà mới thấy cảm giác khoan khoái, dìu dịu của đôi chân trần bước lên những đám rêu man mát, êm êm. Tỏ mắt ra xa thấy sân nhà bé nhỏ mà cũng nhiều rêu xanh sau những trận mưa rào đầu mùa. Từ ngõ vào nhà được dẫn bởi hai hàng chè Bắc mà thi thoảng chiều, bố cầm rựa phạt cho phẳng ngọn, vuông vức. Vừa đẹp mắt, vừa để cây đâm chồi non.
     Vừa lo học hành, vừa ham chơi nên rất nhanh sau đó, tôi không còn để tâm đặc biệt đến những chú chim bồ câu nữa. Tuy nhiên, chúng vẫn được mẹ tôi chăm sóc và cho ăn thật kỹ. Chỉ độ nửa tháng cả hai đôi câu này đã bắt đầu đẻ lứa trứng đầu tiên. Anh tôi phát hiện con chim trống tỉ mẩn tha từng cọng rơm, sợi cỏ lót ổ. Chim mái bắt đầu đẻ trứng. Lúc mới đầu nuôi, anh chị em tôi ai cũng hăm hở leo lên chuồng câu để xem trứng đã nở chưa. Bố bảo đừng cho tay sờ vào trứng, lạ hơi chim bố mẹ bỏ không ấp nữa đâu. Phần vì sợ bố đánh, phần cũng vì thương trứng chim bị bỏ rơi nên anh em không dám sờ mà chỉ nhìn qua ô cửa tròn. Đôi khi chim bố cựa mình hay ấp mỏi bay đi kiếm ăn, lúc ấy anh tôi reo lên gọi mấy đứa đứng lên ghế dòm vào ngắm trứng chim cho đã mắt. Chim con nở, chim con ra ràng, rồi chim con tập bay, đi bộ trên sân nhà… Từ ấy đàn bồ câu của gia đình tôi càng nhiều thêm và việc nhà mình có nuôi chim bồ câu cũng đã là chuyện rất đỗi thường với tất thảy mấy anh em chúng tôi. 
     Rồi bao nhiêu năm tháng trôi qua, anh em tôi lớn lên và cũng vỗ cánh bay xa như bầy bồ câu của mẹ vậy. Anh Ba có gia đình ra riêng, chị Bốn sống ngoài phố với gia đình chồng, chị Năm cũng theo chồng sống mãi tận Quãng Ngãi quê mẹ. Còn tôi bôn ba qua nhiều nơi, cuối cùng cũng đã chọn Phan Rang để dừng chân, nghỉ mệt. Thế là nơi nếp nhà chỉ có bố mẹ tôi với bầy bồ câu là bạn. Những năm trước, khi tôi còn ở nhà. Thời ấy, bồ câu sinh trưởng khá mạnh. Một bận nọ, không biết từ đâu có chú bồ câu trắng đơn độc bay đến nhập bầy. Loanh quanh sân nhà vài ngày rồi cả bọn mới kết thân, mà cũng chính từ đó, mầu lông xám, mốc nay lại lai thêm giống lông trắng. Rồi sau đó là đốm trắng, đốm xám. Màu lông của chúng cứ loạn xì ngầu lên trông cứ buồn cười là. Tôi để ý đến đời bồ câu thứ 4 thì mới thấy lại được một cặp bồ câu trắng toát giống màu lông của con chim mái dạo nọ. Mà thật lạ, loài bồ câu sống thật đơn giản, thanh thản. Bố xây cho chúng những cái bồn nước tắm và đặt ở nhiều nơi trong khoảng sân vườn nhà. Sáng sớm, tôi đã thấy chúng lượn vờn bay đi kiếm ăn. Đến nửa buổi tụ họp, tán tỉnh nhau dưới chậu tắm, cứ gù gù, xòe xòe đôi cánh, đi qua đi lại, bước từng bước như gà con. Ban trưa chúng tránh nắng dưới giàn bầu của mẹ, phần còn lại ngủ nghê trong chuồng và trên nóc nhà, phía có tán cây mít che rợp bóng. Có vài đôi không ngủ mà tán tỉnh nhau trên đống đá dưới gốc vú sữa. Cứ thế, đến chiều, khi tôi vừa đi chơi về, tắm rửa sạch sẽ, mát mẻ, rủ đám bạn chơi bắn bi trước sân nhà, thì cả bầy bồ câu rủ nhau lượn vòng quanh khoảng trời nhà tôi. Cả đám bạn tôi cứ ngước cổ lên trời nhìn theo đường bay của chúng mà trầm trồ, mà thinh thích.

Em bé và chim bồ câu ( Tranh: Picasso)
 

     Hôm bố bắt đầu ngã bệnh, bầy bồ câu vẫn cứ thế, sinh hoạt hàng ngày của chúng không thay đổi và vẫn vô tư lự. Chỉ có anh em chúng tôi tất bật đường xa trở về, vào ra bệnh viện mà nôn nao, lo lắng. Trải qua hàng tháng trời trong bệnh viện, bệnh tai biến đã khiến bố không còn khỏe mạnh và bình thường như trước. Đôi mắt bố không còn linh hoạt, dáng đi cũng thay đổi, chậm chạp và mệt nhọc hơn. Mẹ cũng hốc hác, xanh xao vì phiền muộn và lo quản việc gia đình. Những ngày ấy, lợi dụng khi nhà vắng chủ, bầy bồ câu của mẹ, khi ấy cũng bị trộm vơi nửa. Đến khi về nhà, ngoài chuồng chim bỗng hoang vắng một cách xa lạ. Có 2 tổ chim bỏ ấp nên trứng bị hư, đôi chim non mới nở mất cả bố và mẹ, đói khát đã qua đời từ mấy ngày, kiến bò lên, bu đỏ thân hình chúng, đôi ngọn gió lùa vào, phe phẩy những chiếc lông ràng màu vàng phớt. Nhìn chiếc lông vũ mắc vào mạng nhện, treo ngược trên hàng rào lưới B40 bị cắt đứt đôi mà mắt mẹ tôi đỏ ngầu, mẹ khóc!
     Khi thấy sức khỏe bố đã ổn định, anh em chúng tôi lại đi, rời xa “thủy tổ” của mình mà lòng đứa con nào cũng nặng trĩu. Chỉ có mẹ là vẫn khẳng khái, mạnh mẽ lắm. Tôi chia tay bố mẹ lội ngược vào thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục việc học hành của mình. Chừng ấy năm đi học là chừng ấy năm mẹ ở nhà chăm sóc bố, có bầu bạn là bầy bồ câu. Cứ thế những năm học xa nhà, phần chu cấp cho tôi, phần chăm sóc bố, mẹ có cả hai gánh nặng trên lưng, lại thêm việc đồng áng và chăm sóc lũ bồ câu nữa. Mẹ tần tảo, chịu thương chịu khó. Cả héc – ta cà phê, mình mẹ lo lắng, chăm bón; bầy vịt, lũ gà, mấy con heo ủn ỉn cũng được mẹ nuôi nấng kỹ lưỡng; vườn tược, sân nhà cây cối vẫn xanh tốt, mận cho quả ngọt, mít thơm lừng giữa vườn, bơ sai trái, bưởi vẫn nở hoa thơm dịu.
     Mà cũng thật lạ, từ khi bố bệnh, anh em tôi không có nhà mà đàn bồ câu ngày nào, nay sao bỗng cứ già cỗi và vơi dần đi. Chị Bốn có lần mua thêm cho mẹ vài đôi bồ câu chợ, những con bồ câu có sắc lông đỏ gạch, chúng cũng dễ nhập bầy. Cả đàn sống chung ngày qua ngày nhưng sinh nở cũng không nhiều. Rất lâu rồi, tôi cũng không còn để ý thấy bồ câu con xuống chuồng tập bay nữa.
     Đi hoài chồn chân, bay rồi cũng mỏi cánh, nhưng tôi lại vẫn thấy mình dường như mang khao khát của loài bồ câu, muốn được bay, được sống tự do, được chao liệng, thanh thản và thoải mái. Sau công việc đầu tiên ở xa xứ, tôi bỏ về nhà với bố mẹ và đàn bồ câu để tiếp tục chọn một công việc thích hợp thử sức mình. Việc đầu tiên trong những tháng ngày ở nhà tôi nghĩ tới là phải gầy lại giống bồ câu của mẹ. Và chợt nhận ra, qua nhiều lần pha tạp, cận lai, bồ câu Bắc nhà tôi đã còm cõi về hình dáng tự khi nào! Nhà giờ chỉ còn 4 con chim bồ câu, không thể để ý được đâu là con trống, đâu là con mái, chúng không gù, cũng không còn đẻ trứng mà màu lông thì tạp nham. Phủ mình màu lông trắng mà lại thêm lốm đốm đỏ ở cánh, ở lưng, màu xám gỉ ở đuôi và bụng. Chỉ còn 4 con, chiều chiều cũng không thấy chúng lượn vòng quanh nhà nữa. Trông dáng mẹ cho ăn mỗi chiều và tiếng mẹ cú cú bầy gà, bầy chim mà trong tôi thảng thốt, trống vắng lạ. Ở nhà với bố mẹ được thời gian ngắn, bầy bồ câu chưa kịp được cải tạo mà đôi chân tôi lại muốn đi, tâm hồn muốn được bay nhảy. Quyết định xa gia đình lần nữa, tôi đặt chân đến một phố thị để nhận cho mình một công việc mới. Nhà lại trở nên vắng vẻ, thanh u. Bố lớn tuổi bệnh tật lại nặng hơn nhưng được mẹ chăm sóc kỹ lưỡng và công của những chú chim bồ câu cũng góp phần đáng kể trong những bát cháo củ nén, tiềm thuốc. Mẹ tôi bảo, nuôi chim cũng là có số, có tay, vui thì chim sống, thoải mái thì sinh đẻ, gia đình mình ấm no thì bầy chim cũng sum vầy. Đôi khi mẹ cũng ví anh em tôi như bầy chim non, lớn lên rồi bay tứ tán, để lại bố mẹ cô đơn nơi đây. Nghĩ đến mà tôi thấy xấu hổ và chạnh lòng.
     Ngày bố bệnh nặng, anh em tôi thu xếp trở về nhà. Chuyến xe đêm gấp gáp làm tôi khó ngủ. Bên ngoài cửa kính xe ca, loang loáng những vệt nước đan xen hiện lên trong tôi những nghĩ suy mang hình lông vũ. Những hôm đám tang bố, trời vần vũ mây nhưng bà con hàng xóm cũng vẹn nghĩa, trọn tình, âu cũng là phúc phần của bố mẹ ngày xưa sống hiền lành, nhân ái. Anh em tôi, chẳng ai còn nghĩ đến những chú bồ câu nữa, những giờ phút ấy, tình cảm thiêng liêng nhất đã trỗi dậy và lấn áp. Đâu đấy biên hiên nhà tiếng dế kêu quyện hòa tiếng kinh cầu. Hiếm có đêm nào, gia đình tôi lại đầy đủ nằm ngủ bên nhau như vậy, nằm bên chiếc quan tài chứa đựng một phần máu thịt và tâm hồn. Bao ánh mắt trao nhau mà nghĩ suy dồn về một hướng. Ngày mai đưa bố đi!

*****

     Nắng lên bên hiên nhà, đôi bồ câu lại gù nhau, bước từng bước ve vãn trước sân. Thì ra nhà chỉ còn lại mỗi cặp câu này. Mẹ kể có lần mèo hoang bắt mất một con, có hôm bị súng săn của thanh niên thủ hạ. Chuồng câu rộng thênh giờ chỉ còn 2 con câu già, vơ vẩn sao chúng cũng không còn đẻ trứng.
     Về nhà được dăm hôm, mở cửa mả, xây cho bố ngôi nhà, anh em tôi lại chia tay nhau rời xa “thủy tổ”. Nơi ấy chỉ còn mình mẹ, đêm hôm nhang đèn để bố khỏi lạnh. Không còn bồ câu để chăm nữa, mẹ lại thành ra trống vắng hơn. Muốn đưa mẹ xuống sống cùng tôi, nhưng mẹ bảo mồ bố còn chưa kịp lạnh. Nhớ bố, thương mẹ, đôi khi chỉ còn là câu hỏi thăm sức khỏe mỗi ngày.
     Chiều nay, mưa rải lất phất, trở trời, gió từng hồi nặng nhọc. Điện thoại cho tôi mẹ khóc. Mẹ bảo mấy hôm nay không ra chuồng câu, sáng nay thấy chim trống cứ đứng trước cửa lồng gù mãi mà không chịu đi ăn, mẹ leo lên thang xem mới thấy chim mái đã chết từ khi nào. Chưa kịp trấn an, mẹ đã vội tắt máy. Mắt tôi hiện lên trong ngân ngấn nước, mẹ, chuồng câu với những ô cửa tròn, con chim trống đơn độc bước từng bước qua lại, xù lông cổ gù gù vào những khoảng lặng xa xăm./.


    Đức Minh

. . . . .
Loading the player...