Giêng hai là khoảng thời gian giao thoa giữa cái Tết rộn ràng và những ngày đầu xuân an yên, khi đất trời vẫn còn phảng phất chút dư âm lễ hội nhưng cũng bắt đầu vào guồng quay của một năm mới. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tản văn Thương nhớ Giêng hai của tác giả Anh Đức
Thương nhớ Giêng hai
Giêng hai – hai tháng đầu năm như một khúc dạo đầu dịu dàng cho bản nhạc bốn mùa của đất trời. Mỗi lần nhắc đến Giêng hai, lòng tôi lại bâng khuâng với bao kỷ niệm. Đó là những ngày tháng gợi thương, gợi nhớ, dịu dàng như một chiếc khăn voan mỏng, nhẹ nhàng phủ lên tâm hồn, mang theo chút se lạnh, chút ấm áp, chút hy vọng, và cả những giấc mơ xuân còn ngái ngủ.
Mội buổi sáng Giêng hai từ ban công tôi nhìn ra bờ đê chạy dọc theo con sông hiền hòa, nơi lũ trẻ thường chơi thả diều mỗi ngày hè. Mưa xuân tung bụi nước như tẩy đi bụi trần, dai dẳng, len lỏi phả vào cái rét ngọt để cỏ trền đê thay nhau mọc lên mơn mởn đậm chất xuân. Giêng hai gieo vào hồn những cảm xúc mới, những khúc nhạc xuân nhẹ nhàng mà sâu lắng, trữ tình. Dẫn dắt ta đến một bến bờ mới lạ thư thái an nhiên.
Ký ức Giêng hai như cơn bão ùa về, là mùa hoa xoan nở tím li ti dọc theo triền suối. Nơi ba vợ tôi đã trồng những cây xoan từ khi những ngày đầu ra mảnh đất chợ này bám víu mưu sinh. Chợ quê, được phủ cả một rừng xoan, mùa hoa về là tôi thấy thương nhớ ba – người đã gắn bó trên hai mươi năm với mảnh đất này. Ba thường bảo “Mảnh đất ven suối này sỏi đá khô cằn, rất khó để trồng được cây ăn quả có giá trị. Chỉ trồng được tre và xoan đâu. Để tránh gió, tránh rét và thân xoan sau này còn làm được trần nhà”. Nay ba đã về nơi cực lạc, xoan nở đẹp nao lòng bời bời tím rụng, biêng biếc cả con suối quê để lại những luyến thương quay quắt khôn nguôi.
Thương nhớ Giêng hai (Ảnh: Thanh Bình)
Giêng hai giáp hạt, câu nói đó ngày thơ bé tôi chả hiểu gì. Mãi sau này khi trưởng thành mới hiểu được câu nói của bà. Giêng hai là thời điểm vô cùng quan trọng đối với nhà nông, nhất là những gia đình thuần nông như nhà tôi ngày xưa, mỗi nhà đông con cái rất nhiều miệng ăn chỉ trông chờ vào vụ lúa, vụ khoai. Qua Tết, tất bật với công việc xuống đồng, đầu tư cho vụ mùa mới. Từ thời điểm gieo hạt lúa đến khi lên xanh tốt, đẻ nhánh và phải đợi ba bốn tháng mới thu hoạch. Kéo theo những bữa cơm mùa giáp hạt cứ thưa dần, gạo ít đi nên phải độn thêm khoai sắn mới được bữa no. Nhiều nhà túng quẩn, lại đi mượn hàng xóm, rồi được mùa lại trả sau. Cứ như vậy thành một vòng luẩn quẩn. Giờ đây, không còn cảnh mùa giáp hạt nữa, bữa cơm gia đình luôn có đầy đủ thức ăn, đồ uống nhưng vẫn nhớ ăm ắp một thời đầy gian khó đầy tình làng nghĩa xóm.
Giêng hai là khoảng thời gian mùa xuân lắng đọng, là mùa trẩy hội náo nức theo tiếng chiêng, tiếng trống hội làng, ngập tràn sắc màu văn hóa quê hương. Trên con đường đê uốn lượn qua cánh đồng xanh mướt, từng đoàn người trong tà áo dài, khăn đóng như dòng sông hoa chảy về những lễ hội làng quê. Tiếng trống hội vang vọng, hòa quyện cùng hương trầm thoang thoảng trong không gian, đánh thức những ký ức linh thiêng tựa như hơi thở của tổ tiên. Trẩy hội không là hành trình tìm về cõi tâm linh, là dịp để người ta gặp gỡ, sẻ chia những niềm vui đầu năm mới. Trong không khí ấy, ai ai cũng như được tiếp thêm nguồn năng lượng diệu kỳ từ đất trời, lòng người mở ra, tâm hồn thư thái, để những ước nguyện xuân xanh nở rộ như cánh mai vàng.
Giêng hai là những cơn mưa phùn lất phất giàu hình ảnh như chạm vào trái tim của thi nhân “Tháng giêng mưa trên tóc/ Những người đi lễ chùa/ Theo giọt mưa cầu phúc/ Tiếng chuông từ bi mơ” (Mưa tháng Giêng – Nguyễn Việt Chiến). Đó là thời điểm người dân đi lễ chùa. Một nét đẹp truyền thống của người Việt trong mùa xuân, khi khởi đầu năm mới bằng sự tịnh tâm và cầu nguyện cho những điều tốt lành của năm mới. Nơi không gian mưa bụi mờ ảo đan xen với vẻ tĩnh lặng, thiêng liêng của cảnh lễ chùa khi những giọt mưa nhỏ li ti rơi nhẹ trên mái tóc, vừa như chạm vào người, vừa như thấm vào lòng. Đó là thứ mưa tháng Giêng – không ồn ào, không nặng hạt, mà dịu dàng, man mác, làm dấy lên trong lòng người những suy tư lặng lẽ. Khép lại bằng âm thanh ngân vang trầm mặc, tựa như nhịp thở của chốn linh thiêng. Tiếng chuông ấy không chỉ xua tan u sầu, mà còn mở ra một cõi an nhiên, khiến lòng người thêm nhẹ nhõm và thanh thản.
Thương nhớ Giêng hai, tôi thương cả những năm tháng cũ, những con người cũ. Dù cuộc sống có cuốn tôi đi xa đến đâu, tôi vẫn luôn mong được sống lại những khoảnh khắc giản dị mà ấm áp ấy. Bởi Giêng hai trong tôi không chỉ là mùa xuân, mà còn là mùa của yêu thương, của gắn kết, của những điều đẹp đẽ nhất mà cuộc đời ban tặng.
Anh Đức