02-12-2024 - 00:48

Tản văn “Hoa giấy trôi sông” của Đường Xuân Hùng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu tản văn “Hoa giấy trôi sông” của Đường Xuân Hùng

Về quê lần này, không hiểu vì sao mà trong lòng tôi trĩu nặng. Dạo này cha tôi mái tóc chuyển bạc, màu da xạm dần, dáng đi không còn được nhanh nhẹn như trước nữa. Một linh cảm mơ hồ, một nỗi lo đâu đó dậy lên trong tâm thức. Đấng sinh thành đã ngoài tám chục tuổi, cái tuổi “thất thập cổ lai hy” không tránh khỏi những khi trái gió trở trời.

Tôi nhìn cha, những ký ức về ông lại ùa về trong tôi. Tôi không quên được hình ảnh người cha hao gầy, đêm đêm bên ngọn đèn mải mê soạn giáo án, ngòi bút ngọn đèn đối với ông như người bạn tri kỷ.

Suốt bốn mươi năm cầm phấn, ít khi cha được dạy học gần nhà. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước rất nhiều khó khăn. Mỗi lần về nhà, cha  đều động viên gia đình. Người chiến sĩ ấy luôn lấy khẩu hiệu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”. Khẩu hiệu ấy chính là động lực thôi thúc ông suốt chặng đường hơn bốn mươi năm đứng trên bục giảng, vững vàng vượt qua mọi hiểm nguy, mưa bom bão đạn để mang cái chữ đến vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh.

Bài dạy của cha tôi dễ hiểu lắm. Tất cả những lí thuyết đều được ông đúc kết thành thơ. Đó là những bài thơ về định luật, định lý, hình vẽ để anh em chúng tôi dễ học, dễ thuộc khi phải kiểm tra trên lớp. Những phương pháp học được ông đúc kết thành thơ thật bổ ích. Những bài thơ đó sau này trở thành những bài đồng giao của cả thế hệ chúng tôi.

Khi cha tôi đã nghỉ hưu những việc đồng áng, việc nhà vẫn đều do mẹ tôi cáng đáng. Mẹ tôi phần sợ ông chỉ quen việc dạy học mà lóng ngóng việc nhà, phần thương ông một đời đam mê thơ phú, hội họa mà những năm tuổi trẻ chưa thỏa ước nguyện được nên bà đảm nhận mọi việc để ông có thời gian dành vui sống theo sở thích. Ông đã đem lại niềm vui cho hội người cao tuổi bằng những bài thơ khuyên con, dạy cháu, những lời răn kim cổ làm người mà ông tích góp trong cuộc đời dạy học, làm phong phú cho đời sống tinh thần các cụ ở tuổi xế chiều. Những Huân huy chương, kỷ niệm chương của Đảng Nhà nước tặng vì sự nhiệp giáo dục đã nói lên tất cả. Không những thế, ông còn là hội viên của các câu lạc bộ thơ của xã, huyện, ở đâu ông cũng được bạn bè quý trọng. Những bài thơ của ông được đăng tải trên các tạp chí văn nghệ địa phương là động lực trên con đường sáng tạo nghệ thuật, là mồi lửa thắp sáng cho phong trào sáng tác của các hội viên khác, tạo nên một nếp sống đẹp đầy nhân văn.

Minh họa: NGỌC LAN

Tôi nhớ bài thơ “Chiều sông Hương” của ông vừa được đăng trên Tạp chí văn nghệ sông Hương sau một lần đến Huế:

Chiều nghiêng mái quán đơn sơ

Vắng em cô quạnh nẻo chờ riêng tôi

Lơ thơ vài vạt nắng rơi

Vương lên tán lá chơi vơi sắc vàng

Dòng sông sương tỏa mơ màng

Thẫn thờ cô gái đò ngang buông chèo

Đâu là bóng dáng người yêu

Hòa trong sắc nước trời chiều Hương Giang..

Với vài trăm ngàn tiền nhuận bút mà tiệc chiêu đãi đủ mặt bạn bè thân hữu, cả nhà náo nhiệt như tiệc cưới, tiếng cười nói, chúc tụng làm gương mặt ông như trẻ ra. Rồi ông mang về bao nhiêu thứ giấy xanh đỏ tím vàng có cả, thì ra ông làm hoa để bán. Suốt mấy tháng liền, gian phòng ông như cái trại bóc mây, ông bảo bà để vậy để cần gì dùng nấy. Tết đến cận kề, những bó hoa do ông làm rực rỡ, đẹp mắt khiến ai đến cũng tấm tắc khen ông khéo tay. Khuôn mặt ông giãn ra đầy vui sướng. Nhưng trong lòng mẹ tôi lại lo lắng không nguôi, bà biết giữa cái làng quê nghèo đói hoa mắt này tiền đâu mua thứ xa xỉ này chơi tết. Không ngờ nỗi lo ấy của bà đã trở thành hiện thực. Suốt tuần ông mang hoa đi bán các chợ, gánh hoa của ông chẳng vơi được bao nhiêu. Mấy bông hoa bọc ngoài nhàu nhĩ như khuôn mặt người bán hoa vậy.

Những tưởng sau thất bại ấy, ông thôi nghĩ đến chuyện kiếm tiền. Nào ngờ năm tiếp đó, Tết con ngựa không biết ai biếu ông một bức tranh ngựa “Mã đáo thành công” đẹp lắm, ông liền nảy ý vẽ tranh, ông gọi thằng Kiên cháu ngoại vào dặn: “Cháu xuống chợ mua cho ông bút màu các loại để ông còn vẽ tranh cho kịp bán vào dịp Tết.” Nói là làm, ông làm ngày làm đêm, hý hoáy tô tô vẽ vẽ, cuối cùng ông cũng hoàn thành những bức tranh ngựa đẹp như ý, nhìn xa giống như những bức họa được treo bán trên các hiệu sách. Có lẻ ông đang mơ một năm mới rủng rỉnh tiền nong để thực hiện một ước mơ ấp ủ từ lâu...

Tiếc là dự tính lần này lại không thành công, ông mới thảng thốt thở dài như trải lòng với mẹ tôi: “Bà ạ, tôi thích tự mình kiếm tiền để in tập thơ mà không động đến tiền bà, tiền con cháu, ai ngờ thất bại cả” mẹ tôi lặng lẽ cầm lấy bàn tay gầy guộc của ông rưng rưng “Chỉ cần ông khỏe mạnh và vui vẻ rồi ta bàn với các con in tập thơ đó”

Không ngờ đó là lần đi khám và điều trị đầu tiên và cũng là lần cuối cùng của ông.

Khi nhận được tin bố bị ung thư phổi giai đoạn cuối, toàn thân tôi run lên, chao đảo, như thể có vật gì đó chèn cứng ngực tôi. Tôi muốn thét lên hai tiếng thật to: cha ơi! dẫu đã muộn mằn.

Từ ngày ông bị bệnh, tôi chăm về nhà thăm ông hơn trước. Những ống thuốc giảm đau, những thang thuốc lão trợ cũng làm ông bớt đi những cơn đau. Tuy nhiên tôi cũng biết ngày chúng tôi lo sợ cũng không còn xa, bao nhiêu bản thảo thơ ông đã được chép vào quyển sổ tay của tôi.

Bây giờ tiếng nói ấm áp của ông ngày nào nay đã trở nên yếu ớt nhưng qua cặp mắt trìu mến ai cũng biết ông muốn nói gì. Hai tay ông vẫn ôm tập thơ của mình mà các con vừa nhận về từ nhà xuất bản, đập vào mắt họa tiết trang bìa là thảm hoa lững lờ trôi trên một dòng sông, phía trước bầu trời mấy áng mây hình con ngựa đang phi nước đại về trời, phải chăng đó là chú ngựa tiễn ông về với cõi trường sinh. Chính lúc ấy ông trút hơi thở của mình như chiếc lá cuối thu khẽ rụng về với đất.

Đ.X.H

. . . . .
Loading the player...