08-04-2020 - 10:05

Tác giả NGUYỄN THANH TRUYỀN

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tác giả Nguyễn Thanh Truyền, hội viên Hội LHVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Lý luận phê bình

 Ngày tháng năm sinh: 12 - 11 - 1981.

 Quê quán: Tùng Châu, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Nơi thường trú: Tổ dân phố 4, Thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh

Nơi công tác: Hiệu trưởng trường THCS Bình Thịnh

Hội

Hội viên Hội Liên hiệpVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành:  Lý luận phê bình.  Năm kết nạp:  2013

Địa chỉ liên lạc: Trường THCS Bình Thịnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh                                         

 Điện thoại: 0983834861/ 0918489399.  Email: nthanhtruyen@gmail.com.

  Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản: Đã có thơ, phê bình văn học đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương.

  Giải thưởng VHNT:

- Giải Nhì cuộc thi Bình ca dao của tạp chí Thế giới trong ta năm (tác phẩm “Rất sâu và rất sắc”, 2005)

- Giải Ba cuộc thi Bình ca dao của tạp chí Thế giới trong ta năm (tác phẩm “Cuộc tương ngộ của hai tấm lòng biết yêu thương”, 2006)

  Tác phẩm tự chọn:

 

MẸ MỖI CHIỀU PHÊN LIẾP CHỞ CHE…

(Đọc những bài thơ về mẹ của Lê Văn Vỵ)

 

Tôi muốn bắt đầu những suy cảm của mình về hình tượng người mẹ trong thơ Lê Văn Vỵ từ câu “Cảm ơn mẹ mỗi chiều phên liếp chở che” rút từ “Đi qua nỗi buồn” – bài thơ mang chở rất nhiều gửi gắm của tác giả. Cõi vô thường đa sự, phận người thi sĩ đa đoan, bước qua những nỗi buồn đau của kiếp nhân sinh là hành trình đầy gian nan qua giông bão. Khi Những vết thương lòng/ Lên sẹo đất đai là lúc nhà thơ nhận thấy thật rõ những điều kỳ diệu đã giúp mình vượt qua những thử thách quá sức chịu đựng. Đó chính là thơ, là mẹ, và em: Cảm ơn thơ đã chở ta về tuổi thơ lãng quên ở quê mà hồn đau xa xứ/ Cảm ơn mẹ mỗi chiều phên liếp chở che/ Cảm ơn em/ Đã là chiếc mỏ neo cắm thuyền ta giữa giông bão đảo điên... Trong hành trình dài rộng của cuộc đời mình, cùng với thơ và em, Lê Văn Vỵ may mắn luôn có mẹ mỗi chiều phên liếp chở che... Người mẹ bình dị, thân thương, cao cả ấy đã hiện diện trong những trang thơ được cất lên từ sâu thẳm tâm hồn...     

Tính đến nay, Lê Văn Vỵ đã xuất bản gần chục tập thơ. Hầu hết những tập đã xuất bản đều là những tác phẩm tươi mới, gom lại từng chặng sáng tác. Tập Thưa mẹ (Nxb Văn học, 2014) có điểm khác, bởi nó mang dáng dấp của một thi tuyển, tập hợp những bài thơ từng xuất hiện trong các tập trước đây cùng một số bài mới viết. Gom tất cả những nỗi niềm, những suy tư suốt bao năm về mẹ, liên quan đến mẹ thành một lời thưa/ lời khoe/ lời báo hiếu của “cục cưng” với mẹ, tập thơ là nơi khắc tạc chân dung tinh thần của mẹ, thể hiện tập trung tình cảm sâu sắc với bậc sinh thành đồng thời bộc lộ nhiều suy tư sâu sắc của nhà thơ về tình mẫu tử, về những giá trị trong cuộc sống.

Những bài thơ về mẹ của Lê Văn Vỵ được hình thành từ những cảnh ngộ, những thời gian và không gian cụ thể của ngày thường. Vì vậy, hình ảnh mẹ hiện lên rất thực, với những chở che rất đời. Đó là người mẹ đầy lo toan, tảo tần vất vả ngược xuôi, thức khuya dậy sớm vì chồng con, cháu chắt. Dẫu bước chân mưu sinh chen giữa lao xao chợ đời, giữa bao nhiêu rẻ, đắt, thật, giả... mẹ vẫn luôn mang theo những ưu tư nặng trĩu Mẹ chen vào chợ ưu tư/ Toan với tính mệt lừ đừ lao đao/ Chiều chồng một nhúm thuốc lào/ Thương con kẹo lạc gói vào lá khô (Mẹ đi chợ). Khi con đã thành gia thất, ở cùng con, mẹ lại làm phên liếp cho con yên tâm bươn chải: Tất cả còn ngủ say/ Mẹ đã xuống giường không sai một phút/ Bất chấp lạnh lẽo ngày đông/ Bất chấp nóng nực ngày hè/... Chúng con vội vàng/ Nhoáng nhoàng/ Ăn sáng/ Đưa đứa lớn đến trường/ Đứa bé dúi vào tay mẹ...(Lúc năm giờ sáng). Đó cũng là người mẹ từng trải nhiều lam lũ, chịu nhiều hy sinh mất mát cõi người. Phên liếp ấy đã từng xông pha, từng vững vàng che chắn, cũng từng chịu biết bao gió mưa giông bão. Nhìn bàn chân mẹ tuổi già nhúc nhắc lệch bước, càng thương mẹ càng thấm thía những nỗi niềm riêng chung mẹ từng trải qua: Đôi bàn chân đi qua cuộc chiến tranh/ Ròng ròng máu chảy/ Đi qua những con đường chông gai/ Bầm dập/ Chéo chồng vết xước/ Theo xe tang ra bãi tha ma/ Nặng trĩu lê lết buồn...(Bàn chân mẹ). Thấu hiểu tình yêu thương vô bờ mẹ dành cho mình (Con đã về đây mẹ ơi!/ Mẹ tất tưởi chạy ra ôm cục cưng của mẹ - Quà cho mẹ), anh cảm nhận được những buồn phiền đớn đau của mẹ khi mình lâm vào biến cố: Thương con vừa đổ bệnh/ Mẹ xa xổm không yên/ Đêm vịn giường nghe ngóng/ Ngày hiu hắt buồn phiền// - Lạy con đừng bỏ mẹ/ Ở trần gian một mình// Linh thiêng từ lời mẹ/ Trời đất bỗng lặng thinh (Lạy con...). Từ đó, anh cũng chạm được vào nỗi niềm sâu kín của mẹ khi trao mẹ tiền tuất liệt sĩ hàng tháng: Anh mất rồi vẫn còn nuôi mẹ/ Hồn thiêng luôn phù hộ độ trì/ Cứ hàng tháng nhận tiền liệt sĩ/ Mẹ thẫn thờ, nước mắt tràn mi (Mẹ); và khi dắt mẹ đi tìm người anh hy sinh trong kháng chiến: Con đã theo tàu, theo xe/ Dắt mẹ đi hết Thừa Thiên, Quảng Trị/ Con đã đưa mẹ đến bao nghĩa trang liệt sĩ/ Hàng hàng mộ chí vô danh// Gặp những người mẹ tìm con, vợ tìm chồng, em tìm anh/ Chung một bầu tâm sự/ Thắp nén nhang, vái bốn phương trời, vốc nắm đất nơi nghĩa trang cho vào lọ sứ/ Mẹ ôm về an ủi hồn thiêng (Mẹ). Bằng những bài thơ được viết nên rất tự nhiên như những dòng nhật ký, từ những rung cảm chân thành, tác giả đã dựng nên bức tranh sinh động về cuộc đời, số phận của bậc sinh thành Một đời tận tụy hy sinh...(Với mẹ).

Viết giữa ngày thường, nên thơ về mẹ của Lê Văn Vỵ không có dấu vết của hư cấu, thậm chí nhà thơ cũng không dụng công trau chuốt câu chữ. Sở hữu tư chất của một người làm báo, Lê Văn Vỵ làm thơ (anh hay dùng chữ viết thơ) rất nhanh, không ưa dần dà ngâm ngợi, kể lể. Có cảm giác bất kỳ tình huống nào, cảnh ngộ nào, sự việc nào cũng gợi lên trong con mắt thi sĩ những liên-tưởng-thơ, lúc ấy giấy bút hay bàn phím chỉ còn việc lưu lại. Sự mẫn cảm trời cho giúp anh phát hiện rất nhanh vấn đề, phát hiện rất nhanh chiều sau/chiều sâu của những sự việc, vậy nên những dòng thơ tốc ký ấy đồng thời cũng mang chở, gợi lên những suy nghĩ, liên tưởng sâu xa. Anh viết về chuyện cắt móng chân cho mẹ, viết về bàn chân mẹ, về những nỗi niềm của mẹ khi nghe tin bạn già của mẹ mất, rồi viết về ngày mùng 8 tháng 3 của mẹ, về lời dặn của mẹ khi liệm cha, về chuyện cõng mẹ đi chơi, mua quà cho mẹ khi đi công tác xa về, chuyện mẹ cầu vọng lúc con bất ngờ nhập viện,... về cả cảm giác đau đớn lúc mẹ hờn giận bỏ cơm. Thơ về mẹ của Lê Văn Vỵ là tiếng nói của những rung cảm nội tâm nhạy bén, của những ngẫm suy trăn trở. Hầu hết những rung cảm đều dẫn ngay đến những ngẫm suy. Nhà ở cạnh quốc lộ, trước đây là quãng đồng mênh mông, đêm về muỗi bay như trấu, anh mua vợt muỗi, quạt cây... nhưng mẹ già không nhớ nổi cách sử dụng những thứ tiện nghi ấy; vô hình trung khiến mẹ trở thành người canh đồ vật. Để rồi khi mẹ lên cơn sốt vì “sống chung với muỗi lâu nay” con mới ngẫm thấy: Nghĩ bỏ phố về với mẹ/ Huênh hoang hiếu nghĩa đủ đầy/ Nào là màn tuyn, vợt muỗi/ Nào là quạt cây, giường tây// Sáng gió, chiều mây, no say/ Một mình mẹ canh đồ vật/ - Muỗi chưa tha tao đi mất!/ Ngộ ra dẫu muộn còn may (Ngẫm). Ngày mùng 8 tháng 3 lại được Lê Văn Vỵ đặt trong trường liên tưởng với thành ngữ “ngày ba tháng tám”, thành ngữ gợi nỗi ám ảnh về cái đói của người nhà quê lam lũ. Những người phụ nữ từng quanh quẩn với cái ăn cái mặc, với những lo toan muôn thuở thì để ý gì đến ngày mùng 8 tháng 3. Cuộc đời mẹ cũng thế. Điều Lê Văn Vỵ viết nên trong thơ sẽ khiến không ít người làm con phải giật mình: Chúng con lớn lên, có tất cả ngày vui/ Con trai mẹ, ngày mùng 8 tháng 3 lo tổ chức cho chị em phụ nữ cơ quan/ Dâu mẹ với bạn bè đi liên hoan/ Cháu trai mua hoa tặng người yêu/ Cháu gái nhận quà người yêu tặng/ Mẹ một mình ở nhà xoay tròn với lợn gà bếp núc/ Rồi ra ngóng cửa chờ con// Chúng con no say, quên mẹ - Người phụ nữ duy nhất/ Không có ngày mùng 8 tháng 3 (Ngày mùng 8 tháng 3 của mẹ). Với mẹ, Lê Văn Vỵ luôn canh cánh về bổn phận, về đạo hiếu: Người làm ông lớn bà to/ Mình làm con mẹ phận lo chưa tròn; Xế chiều chưa trọn một câu thảo hiền. Nên những sự việc thường ngày thường khuấy lên trong anh những trăn trở nội tâm, những nỗi niềm day dứt tự vấn: Giật mình con tuổi bốn mươi/ Đi tìm vui thú ở nơi hội hè// Lắm tham vọng, lắm đam mê/ Kiếm tiền cứ ngỡ mang về là vui// Biết đâu hạnh phúc ở đời/ Được ngồi bên mẹ, thảnh thơi chuyện trò (Với mẹ). Chạy theo chức tước, bổng lộc người đàn ông trong con đã bao lần tỏ ra tận tụy với cấp trên, sẵn sàng vào bếp nấu món ngon, hãm chè xanh cho sếp thưởng thức, để rồi có những khoảnh khắc lúc thảnh thơi nghĩ về mẹ: Con hờ, con hững... trời ơi!/ Năm nay mẹ đã chín mươi tuổi rồi/ Sao con không hãm chè tươi/ Không xuống bếp, nấu mẹ xơi một lần?! (Tự vấn). Câu tự vấn kia rất thành thật, và có lẽ cũng nói thay cho không ít người con.

Những ngẫm suy từ/về đạo hiếu, từ/về tình mẫu tử (một trong những giá trị nhân văn cao đẹp nhất, thiêng liêng nhất) trong thơ về mẹ của Lê Văn Vỵ nhiều khi nảy sinh trong những nghịch lý, gợi lên những triết lý có giá trị phổ quát, những nỗi niềm thế sự sâu sắc. Những bài thơ như thế đã mở rộng ý nghĩa của hình tượng người mẹ, mở ra nhiều liên tưởng ở người đọc. Câu hỏi sau mùa gặt này là một ví dụ: Mẹ sàng sẩy mùa màng/ Hay mùa màng sàng sẩy mẹ? Và đây là cái kết của bài Lúc năm giờ sáng - bài thơ viết về chuyện thức khuya dậy sớm của mẹ: Con ở với mẹ thành vua/ Mẹ ở với con, thành ôsin/ Ai chưa tin/ Dậy lúc năm giờ sáng. Nghịch lý hiển hiện như sự thật ở đời ấy gợi thật nhiều suy ngẫm! Vấn đề mà bài thơ Vô đề sau đây gợi lên chắc chắn không còn là tình mẹ: Con làm nghề dạy học/ Khách đến, mẹ chào thầy/ Người lặng lẽ xua tay/ Kẻ bực mình tím mặt. Mẹ ở đây đã là hiện thân của những giá trị trong sáng vĩnh cửu, soi vào những giá trị ấy không ít kẻ có vẻ ngoài đạo mạo sẽ chột dạ khi nhìn thấy những lem luốc của chính mình! Biết nương vào sự chở che của phên liếp ấy, biết vịn vào những giá trị ấy, con người sẽ tự tin bước vững vàng giữa cõi người mông lung. Đi - một trong những bài thơ xuất sắc nhất tập, bộc lộ niềm tin vào điểm tựa thiêng liêng ấy: Đã qua trăm núi ngàn khe/ Trăm sông ngàn biển, ơ kìa... vẫn run// Biết đâu là chốn tận cùng/ Ta đang lạc giữa mông lung cõi người// Ngỡ bay cùng ánh sao trời/ Đâu ngờ lạc xuống lối đời đa mang// Thênh thang cứ ngỡ đường quan/ Đâu ngờ luồn, lách, mưu toan, lết bò// Mẹ ơi chập chững ngày thơ/ Bây giờ bạc tóc dại ngờ tập đi// Đường thẳng là cái chi chi/ Vòng vèo vòng vẻo đến khi ngã lòng// Thôi đành đứng lặng mà trông/ Kìa bà bằng gối, đây ông bằng đầu// Đường trần trăm ngả lo âu/ Vịn lời ru mẹ... ngẩng đầu mà đi. Mượn hình ảnh người mẹ, nhà thơ gửi gắm được những thông điệp thế sự tinh tế mà sâu sắc, như trường hợp Mẹ đi tái định cư với những thi ảnh giàu sức ám gợi: Bê tông lấn ruộng, chiếm đồi/ Làng quê/ Nguồn cội/ Đâu rồi…!?/ Khó tin…// ... Núi sông còn đó hồn thiêng/ Tâm linh phấp phỏng một miền giao thoa// Đầu làng bật gốc cây đa/ Giật lùi mẹ bước/ Mắt nhòa lệ rơi! Cây đa bật gốc đầu làng và mẹ rơi nước mắt bước giật lùi là những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng, tác động mạnh mẽ vào người đọc, cảnh báo tư duy chạy theo lợi ích thực dụng cần đi đôi với sự quan tâm đúng mức các giá trị văn hoá tinh thần. Cái chiêm nghiệm Mẹ mỗi chiều phên liếp chở che... có lẽ không chỉ có ý nghĩa tri ân của riêng nhà thơ với người mẹ của mình nữa, mà sẽ gợi lên những nhận thức, những ứng xử theo quy luật của cái đẹp (K.Marx: Con người nhào nặn vật chất theo quy luật của cái đẹp.), của những giá trị nhân văn trong đời sống rộng lớn!

Tập Thưa mẹ của Lê Văn Vỵ đúng là một lời thưa, điều đó thể hiện ngay trong tên tập thơ – lấy tên một bài trong tập. Còn nói là lời khoe của con với mẹ thì phải hiểu thế nào? Ai đã từng được gặp gỡ mẫu thân của nhà thơ, nghe bà lẩy Kiều, cất lên những câu lục bát dân gian cảm động mà sâu sắc/sắc sảo – rồi đọc những bài thơ tập hợp ở đây, sẽ hiểu ngay vì sao người viết lại hình dung Lê Văn Vỵ in tập thơ để khoe với mẹ. Mẹ có thể là người đọc/người nghe đầu tiên và khắt khe nhất với những vần thơ của anh từ thuở khởi sự viết lách và cả khi đã “sành nghề”. Khoe với một độc giả như thế, chẳng phải ai cũng đủ tự tin (và có may mắn)! Còn lời báo hiếu? Niềm vui sáng tạo của con cũng chính là hạnh phúc của bậc sinh thành đã chắt chiu từ những ngày xưa (chữ của Xuân Quỳnh), nhà thơ gom những niềm vui đó lại mừng mẹ vẫn vui vầy cùng con cháu: Mẹ tra vừng thi ca xuống mảnh đất tâm hồn con/ Giờ con tập rắc vừng lên từng trang viết/ Liệu có hạt nào thảo thơm, mùa vàng đỡ đần cho mẹ? (Vừng). Thưa hay khoe hay là báo hiếu trong trường hợp này của Lê Văn Vỵ đều là một, đều là thơ từ trái tim, đều là những hạt thảo thơm dâng lên Mẹ! Liệu đã là “mùa vàng đỡ đần cho mẹ”? Câu trả lời nhường cho những trái tim!

                                                                                              Tháng 3/2015

                                                                                             Nguyễn Thanh Truyền

 

 

. . . . .
Loading the player...