06-04-2020 - 20:03

Tác giả NGUYỄN MẠNH HÀ

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu tác giả Nguyễn Mạnh Hà, Hội viên chuyên ngành Lý luận phê bình, Hội LHVHNT Hà Tĩnh

Ngày tháng năm sinh: 15 - 8 - 1982

Quê quán: Thạch Hương, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Nơi thường trú: Xã Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Nơi công tác: Phó trưởng phòng Xuất bản, Báo Hà Tĩnh

Hội viên Hội Liên hiệpVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành:  Lý luận phê bình.  Năm kết nạp:  2009

Địa chỉ liên lạc: Xã Thạch Lạc, Thạch Hà, Hà Tĩnh. Điện thoại: 0917969825. Email: nguyenmanhha113@gmail.com                                              

Tác phẩm chính đã công bố, xuất bản:

- Văn hóa, văn học, một góc nhìn (Nxb Đại học Vinh, 2013)

Giải thưởng VHNT: Giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT Nguyễn Du (2015)

 

 Tác phẩm tự chọn:

 

NỖI LO KÝ ỨC VÀ TỔ CHỨC TRẦN THUẬT, ĐIỂM NHẤN TRONG TẬP TRUYỆN “GiỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT” CỦA ĐỨC BAN 

Trước áp lực của quá trình đầu tư phát triển và tư tưởng duy lợi, con người thường xem nhẹ ký ức. Bằng đầu óc suy lý, con người tự xây dựng ý chí mạnh mẽ để tiến về phía trước. Điều ấy đã làm tổn thương quá khứ, thậm chí cắt lìa quá khứ với thực tại. Hậu quả của quá trình “xóa nhòa - thay thế” ấy là sự đơn điệu trong tâm hồn mà biểu hiện rõ nhất là cách hiểu đơn giản hóa về ý nghĩa của các giá trị cấu thành nhân cách. Quan sát những xung đột thầm lặng của quá trình ấy, nhà văn Đức Ban đã chuyển tải một cách kín kẽ qua tập truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất(*). Điều đáng nói trong tập truyện ngắn này, theo tôi, một mặt là “bè chìm” của câu chuyện, mặt khác, quan trọng hơn, là cách tổ chức trần thuật - một nỗ lực làm mới mình trước những gì đã định hình của nhà văn.

Câu chuyện trong Giọt nước mắt màu đất là những vấn đề hệ trọng mang tính thời sự về mỗi vùng quê, mỗi con người trong giai đoạn hiện nay. Nỗi lo lắng đánh mất ký ức được tác giả Đức Ban chuyển tải thông qua vùng đất bị xới tung, làm mới, bất chấp quá khứ của nó; thông qua câu chuyện về những giá trị mang tính tâm linh. Dưới góc độ cá nhân, tôi hứng thú với cách tiếp cận này, về cả lối phản ánh trực tiếp cũng như lối tiếp cận vào chiều sâu tâm linh, văn hóa. Có thể dễ dàng nắm bắt điều này qua truyện ngắn nói về việc triển khai dự án “bất chấp” ký ức của đất (Chốn xưa, Giọt nước mắt màu đất), nói về xây dựng cây cầu mới xóa hẳn những ngày xưa cũ, gắn với sự phục sinh và sự kỳ vọng của một con người biết nâng niu những giá trị nhân văn (Người đàn bà bên cầu Giằng), nói về những niềm tin đã trở thành tín ngưỡng nhưng bị… “đánh cắp” (Lối trong rừng).

Tựu trung, 9 truyện ngắn trong tập truyện nêu trên của Đức Ban bàn về sự xung đột giữa cái mới và cái cũ. Nhưng, lưu ý, đây là xung đột giá trị, chủ yếu là những giá cấu thành nhân cách, tâm hồn con người, không phải là những xung đột hành động, ý chí theo kiểu trực tiếp như trong tác phẩm kịch. Chẳng phải vậy mà các truyện ngắn khác vẫn đầy ắp sự đau đớn trước những con người cụ thể mang tâm huyết về giá trị làm người, giàu lòng nhân ái nhưng trở thành nạn nhân của sự xúc phạm. Truyện Nước chảy là câu chuyện về đức tính của người phụ nữ tận tụy, hi sinh, chăm lo cho chồng trở thành người được chọn, thuê chăm sóc chó. Truyện Trong mưa là câu chuyện về một con người không thể chấp nhận những con người xung quanh, tựu trung là môi trường lai tạp, nhốn nháo, vô cảm với nội tâm con người. Truyện Bên đường phố là sự xung đột ghê gớm của những giá trị nhân văn với xu thế mưu cầu lợi ích, trọng vật chất trong xã hội. Dĩ nhiên, trong đó, nhà văn phải cụ thể hóa bằng hình ảnh trí thức. Lúc này, câu chuyện về sự thất bại của trí thức trong thời hiện đại đã được chuyển tải.

Theo dõi mục lục của tập truyện, 9 truyện chỉ có 3 truyện nhan đề nêu khá cụ thể về địa danh, về vấn đề (Sóng Bến Duềnh, Người đàn bà bên Cầu Giằng, Giọt nước mắt màu đất), số còn lại không xác định cụ thể, thậm chí mơ hồ, ước lệ nhưng gợi lên một nghĩa biểu trưng, liên quan đến mối quan hệ cũ – mới như nêu trên. Sự không xác định này, theo tôi, ngay cả khi nhà văn không dụng ý, đã chuyển tải ý nghĩa về tính phổ biến, tính vấn đề của nó. Ta có thể dẫn dụ để làm sáng rõ. Lối trong rừng không xác định là rừng nào, nhưng nó gợi đến những lối đi tù mù, dễ thất lạc trong lựa chọn nhân sinh, bởi lối trong rừng lúc nào cũng dễ lạc. Chốn xưa là chốn cũ, không xác định ở đâu, nhưng nó gợi đến những miền đất gắn với kỷ niệm mà nay con người cụ thể nào đó đã phải chia xa. Bên đường phố là không rõ là phố nào nhưng gợi lên sự lạc lõng của con người giữa các lối đi trong quỹ đạo phát triển của xã hội… Việc đặt nhan đề của tác phẩm, ngay từ đầu đã cho thấy cách tổ chức trần thuật và dụng ý chuyển tải ý nghĩa, thông điệp của truyện, khác với lối tiếp cận trước đây của nhà văn như: Cô Tề làng tôi, Đền thờ Đức Thánh Mẫu, kể cả Đêm thức, Hoa bần, Bến tắm… dầu không rõ về địa chỉ cụ thể nhưng không gợi được nghĩa biểu trưng.

Với những nỗi niềm ưu tư về giá trị cũ, về các giá trị làm người, Đức Ban đã chuyển tải khá thành công thông qua tổ chức trần thuật. 9 truyện ngắn trong tập truyện cho thấy những nỗ lực trong tổ chức trần thuật với mục đích làm mới chính mình của tác giả.

Một đặc điểm dễ thấy trong các truyện ngắn này là cách xây dựng nhân vật theo hướng nhân vật – vấn đề. Nếu chủ nghĩa cổ điển ưa thích những con người cụ thể, có đặc điểm tính cách, thân phận, thậm chí có giai cấp, có số phận thì chủ nghĩa hiện đại ưa thích những vấn đề hiện sinh, những trạng thái của con người. Khác với những cô Tề, ông Đa, con Nợi (trong Cô Tề làng tôiĐền thờ Đức Thánh Mẫu), những người “đàn ông gầy”, “ông”, “Giáo sư”, … (trong Trong mưa, Giọt nước mắt màu đất, Lối trong rừng) là những nhân vật theo kiểu … “thủ vai”.  Vai mà các nhân vật phải đóng ở đây là các vấn đề liên quan đến con người, cụ thể hơn là các vấn đề liên quan đến chức phận của họ: Giáo sư - nhà trí thức trong ứng xử với giá trị tâm linh (Lối của rừng), ông lão - nông dân hồn hậu, chất phác ứng xử với giá trị của làng Yên Linh (Giọt nước mắt màu đất), người đàn ông gầy - một trí thức đầy trăn trở nhưng thất bại trong nỗ lực cứu vãn giá trị tạo thành tâm hồn con người, thất bại trong sự hiện tồn của chính ông (Trong mưa)… Ngay cả chú Huyên trong Bên đường phố dầu có tên tuổi nhưng số phận không cụ thể, là một kiểu trí thức thất bại vì tâm huyết ở đời, thậm chí khốn khổ hơn, vì tâm huyết nên thất bại. Cay đắng của sự thất bại ở chú Huyên là trở thành “người xa lạ” với xung quanh, bị xung quanh xa lánh, cuối cùng chú Huyên sống trong mỏi mòn trí lực.

Kiểu nhân vật vấn đề là xu thế trần thuật của văn chương hiện đại. Người có công khai màn cho lối trần thuật này trên thế giới là Kafka khi Kafka xây dựng trong tác phẩm nhân vật K. không xác định. Sau 1986, ở Việt Nam, người tổ chức trần thuật theo hướng này rõ ràng nhất là Phạm Thị Hoài. Xu hướng này gần đây đã phổ biến và có biểu hiện trung hòa hơn, ở chỗ, các tác giả không đặt tên ước định cho nhân vật mà đặt tên theo lối phiếm chỉ (hắn, ông, thị, giáo sư…) hoặc đặt tên thật nhưng vấn đề của nhân vật lại là vấn đề xóa nhòa số phận và tên gọi của chính nó.

Cùng với hướng tiếp cận từ nhân vật, tác giả Đức Ban đã có cách tiếp cận khác về đối thoại. Đối thoại là muôn thuở của tự sự nhưng xây dựng đối thoại như thế nào để trở thành chức năng trần thuật thì phải “chờ” vào nỗ lực của nhà văn. Ở đây, chúng tôi hiểu chức năng trần thuật của đối thoại trên các bình diện căn bản: đối thoại không chỉ hướng đến người đối thoại trực tiếp (người tham gia hội thoại); đối thoại có chức năng cấu thành nội dung chỉnh thể tác phẩm. Điều này chúng tôi nhằm phân biệt với dạng thức đối thoại theo lối truyền thống: đối thoại chỉ làm rõ một phẩm chất, một biểu cảm của nhân vật. 9 truyện ngắn trong tập Giọt nước mắt màu đất cho thấy dụng công trong tổ chức đối thoại. Ở đó, các nhân vật vừa hướng đến nhau trong lượt lời vừa hướng vào nội tâm theo cách biệt lập hóa. Hãy lắng nghe cuộc đối thoại trong Trong mưa:

“- Ở nhà anh cũng thế à? Tôi hỏi.

- Là sao? Hắn hỏi, vẻ ngơ ngác

- Là cứ lắc đầu và cáu kỉnh ấy.

- Nhà tôi cũng ở cõi này.”

Lời người đàn ông ở đây rõ ràng không nhằm xây dựng mối quan hệ giữa ông ta và nhân vật “tôi”. Thay vào đó, ông hướng vào nội tâm nói những nỗi đau khổ, dằn vặt. Lời cuối cùng, đó là sự bất mãn với cuộc đời, như chính sự bất mãn giành cho xung quanh như: cô gái, người đàn ông mặc com lê…

Hoặc có thể kiểm chứng bằng một mẫu đối thoại được tổ chức theo dạng có lời người trần thuật tham gia dẫn truyện trong Bên đường phố: “Chú Huyên nói, trừ thằng Nhu (Nhu là tên tôi) và thằng Hà có học ra còn chú Thắng, chú Duệ làm thân thợ, sướng. Mấy đứa ngớ ra không hiểu. Lúc sau chú nói, người có ba con chữ thương mơ mộng, nghĩ ngợi, giải bày vu vơ, đề cái này, xướng cái kia rồi dằn vặt vì nó… rốt cuộc thân làm khổ mình. Tôi dè dặt nói, có phải ai nhiều chữ cũng khổ đâu”. Ở đây, nhân vật chú Huyên hướng đến trong lời thoại không phải là đám thợ mà là bản thân khi chú đã trải qua sóng gió, chiêm nghiệm. Xa hơn, lời của chú Huyên hướng đến thân phận trí thức trong thời buổi các giá trị có xu hướng bị đảo lộn. Lời của chú Huyên trong nhiều đoạn đối thoại đã đóng vai trò tham gia trực tiếp vào tổ chức trần thuật, tạo thành ý nghĩa của truyện như đã nói trên chứ không đơn thuần chỉ là làm rõ tính cách của một con người.

Lối đối thoại theo hướng không cùng nhau xây dựng quan hệ như trên đã cho thấy sự lạc lõng về liên kết giữa con người và con người trong xã hội hiện đại. Ở đó, mỗi người thường chạy theo một ý nghĩ riêng, sự đối thoại bằng lời đã hóa thân thành hướng nội, bộc lộ chiều sâu bên trong. Lúc này quan hệ giữa con người và con người hết sức lỏng lẻo và rời rạc. Trong truyện ngắn Đức Ban, sự lỏng lẻo này hầu như là do các nhân vật xung đột nhau trước các vấn đề liên quan nhân văn. Chú Huyên và đám thợ trong Bên đường phố là xung đột gián tiếp giữa trí thức và xu hướng nhận thức của xã hội; bà lão và Diễm My trong Chốn xưa là xung đột giữa nỗi lòng dành cho chốn cũ với nỗ lực khai thác dự án bất chấp ký ức của đất.

Ngoài xu hướng trên, đối thoại trong truyện ngắn Đức Ban còn được xây dựng theo hướng triết lí hóa. Nhân vật thường có xu hướng chiêm nghiệm và triết lí. Đây cũng là một biểu hiện của chức năng trần thuật khi xu hướng triết lí ấy có giá trị tác động mạnh đến nhân tâm, nhất là vấn đề về ký ức.

Chẳng hạn lời của bà lão nói với Võ My trong Chốn xưa: “Bị quên đi, bị xóa đi - bà lão nói. Trên đời này có nhiều thứ bị xóa đi, bị quên đi. Tất cả bởi cái tâm con người ta nó mỏng nên cứ hư hỏng, cứ tham lam, cứ không thấy nhau, không cần nhau”. Hay lời của Cố Đạo trong Lối trong rừng: “Đời này nó phức tạp như lối trong rừng, con người thì đủ thói hư tật xấu, ngài làm sao mà thông tỏ hết mọi sự”… Lời của bà lão nói với Võ My là lời hướng đến sự phũ phàng của những thế lực, sẵn sàng “cày” lên các vỉa tầng văn hóa mà cụ thể là quần thể làng, tín ngưỡng hồn ma. Hậu quả của nỗ lực ấy là buộc dân làng phải di dời, các hồn ma thì vất vưởng, lưu luyến.

Lời của Cố Đạo nói với Giáo sư là lời đối thoại giàu tính triết học về các lựa chọn nhân sinh mà cụ thể là tín ngưỡng. Vị Giáo sư đại diện cho khoa học, thuần túy khách quan; Cố Đạo đại diện cho niềm tin, sự cứu rỗi, thứ làm nên tâm hồn. Khoa học phát triển đã giải thiêng và lí giải nhiều sự ở đời nhưng chính nó đã làm khô khốc tâm hồn, có khi giải thiêng cả những tín điều, lễ nghi, phong tục, đối thoại với niềm tin. Lời của Cố Đạo nói trên vừa đối thoại với Giáo sư vừa khẳng định chân lí của những điều tưởng là lạc hậu, cũ kỹ, mê tín - đấy là niềm tin của con người vào các giá trị do cộng đồng, các thế hệ đi trước tạo dựng, đã định hình rõ nét. Chính các mẫu đối thoại như vậy đã làm nên sự xung đột trong ứng xử, lựa chọn giữa lý tính và cảm xúc, tâm linh, để rồi giá trị của truyện ngắn đạt đến mức cao điểm khi báu vật bị đánh cắp, còn Giáo sư và Cố Đạo lại đối thoại lượt lời cuối cùng vẫn theo hướng khách quan khoa học và tâm linh, tín ngưỡng. Với quan điểm của tôi, đây là truyện ngắn rất sâu sắc, có nhiều điều đáng lưu ý, nhất là ứng xử với vấn đề rất nan giải đó là tâm linh. Nếu người đọc biết hệ thống hóa có thể thấy những hành động, phát ngôn của Cố Đạo là hết sức chú ý: ông đính chính lời giáo sư khi giáo sư nói “mấy con voi”, ông nói là “báu vật”, ông bảo có thể nhìn nhưng không thấy, rồi nữa ông hành động mang hình thức lễ nghi tôn giáo: “… Cố Đạo mặc áo đỏ, quần đỏ, khăn đóng màu đen trên đầu đang đứng lặng yên trước cánh cửa mờ vào bàn thờ vua Hàm Nghi. Trên tay ông một bó hương nghi ngút khói tỏa…”. Điều đáng nói ở truyện ngắn này là tổ chức trần thuật thông qua đối thoại, xu hướng đối thoại vừa hướng nội, vừa triết lí nhằm khẳng định những giá trị mà mỗi người tin chắc (cụ thể là Cố Đạo và Giáo sư).

Ngoài những đặc điểm trên, nỗi lo lắng về ký ức còn được tác giả chuyển tải thông qua hình thức kết thúc mở. Kết thúc mở trong các truyện ngắn này là các khả năng xảy ra của tình huống. Nó cho thấy xung đột giữa giá trị cũ, giá trị ký ức và cái mới chưa có kết cục cuối cùng. Cái giá phải trả là rất nhiều cho các lựa chọn, dầu cho sự tiếc nuối và xu hướng ủng hộ giá trị xưa của tác giả là khá rõ. Ở truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất, nỗi dằn vặt, đau đớn của ông cụ trước làng Yên Linh bị chiếm đoạt, người con gái yêu thích giá trị cũ (hầu đồng tại Đền Thánh Mẫu) đã biến thành một cô gái xa lạ trong chính ngôi nhà năm xưa, cuối cùng ông cụ chết, đó không phải là sự chiến thắng trước cái mới nhưng cũng không phải cái mới chiến thắng giá trị cũ. Dĩ nhiên, giá trị của tác phẩm nằm ở thông điệp như lời ông cụ: “Bình yên no ấm chưa thấy thì cứ tin, cứ tự nhủ là rồi nó sẽ đến. Và người ta bằng lòng, người ta vui vẻ hy vọng. Bao đời, bao người đã thế”. Dầu vậy, sự xung đột của tác phẩm vẫn là chưa ngả ngũ. Tương tự ở truyện Lối trong rừng, dầu thiên hướng khá rõ nhưng tác giả để cho câu chuyện dừng lại khi 2 nhân vật chính đối thoại và Giáo sư nhìn lên bàn thơ, tượng vua Hàm Nghi vẫn vô cảm với mọi sự diễn ra trước mặt. Truyện Người đàn bà bên Cầu Giằng kết thúc như một khả năng khi lời kết là những dòng ghi chép của bà thôn trưởng. Đó cũng có thể là giá phải trả của người đàn ông cũng có thể không khi tác giả không đưa ra một lời kết có tính khẳng định. Hay như hành động hoảng loạn ở phần kết thúc truyện của người đàn bà cảm nhận rõ sự cay đắng, bị xúc phạm khủng khiếp nhưng theo kiểu họ đã “đúng một cách khốn kiếp” (Nguyễn Huy Thiệp) trong truyện Nước chảy…  

Lối kết thúc mở là lối kết thúc của truyện ngắn hiện đại. Ở đó, thông qua các khả năng, các tác giả buộc người đọc phải tham gia vào việc kiến tạo tác phẩm. Lúc này, xuất hiện quan hệ đối thoại vượt ra ngoài văn bản tác phẩm, giữa độc giả và nhà văn. Ý nghĩa của truyện gợi mở nhiều ý hướng. Bởi vậy, ngay cả sự xung đột giữa giá trị cũ - giá trị mới trong đó bao hàm là nỗi lo mất mát ký ức cũng không được tác giả trình bày một cách rõ ràng, quan điểm về xung đột được giấu kín. Dĩ nhiên, như tôi nói ở trên, thiên hướng lựa chọn của tác giả là khá rõ. Và đó cũng chính là thông điệp nằm trong tên gọi: Giọt nước mắt màu đất.

Trên những khía cạnh đã phân tích, với tôi, tập truyện Giọt nước mắt màu đất là tập truyện khá thành công của tác giả. Nó cho thấy sự vận động của tác giả trong quá trình tổ chức trần thuật trong truyện ngắn. Đấy cũng chính là điều quan tâm nhất của tôi, bởi nó cho thấy đâu là cách thể hiện mới của một người đã cầm bút lâu năm, mà sự đời là thế, cái gì quen thuộc và lặp lại nhiều năm cũng dễ gây cảm giác nhàm. Dĩ nhiên, đề tài cũng là rất quan trọng, bởi đề tài cho thấy sự hấp thu chất liệu xã hội của tác giả, nhất là trước các vấn đề hệ trọng như đầu tư phát triển, khoa học và tâm linh. Dẫu sự mới mẻ và thành công là nổi trội, tuy nhiên, ở một số truyện ngắn, tôi vẫn cảm tưởng như cốt truyện và cách tổ chức trần thuật còn thiếu sự tự nhiên và uyển chuyển cần thiết.

                                                               Hà Tĩnh, 31/10/2014

                                                               Nguyễn Mạnh Hà

                                                                                   

 

 

. . . . .
Loading the player...