Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm được Unesco ghi danh (2014-2024). Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Sông Ví, Giặm chảy nơi xứ Nghệ” của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý
Có một dãy Hoành Sơn chia ân tình hai phía, mái Nam đèo đổ xuống Quảng Bình quê tôi và phía Bắc là vùng đất mang tên xứ Nghệ. Dân hai miền vẫn quen gọi dãy Hoành Sơn là đèo Ngang. Đèo Ngang hai mái chân vân/ Nửa nhớ thương Hà Tĩnh, nửa ái ân Quảng Bình. Có ai đó từng cắt nghĩa, chân vân chính là chênh vênh nhưng giọng đất Ô Châu nói ra thành như thế, chẳng biết đúng sai mấy phần. Nhưng thôi, đó là chuyện chữ nghĩa. Hai vùng đất không xa nhau mấy nhưng có lẽ do cách trở núi đèo mà những kẻ như tôi phải tới khi trưởng thành mới được khỏa chân nước sông La, sông Lam xứ Nghệ. Nhưng, có một dòng chảy khác của miền đất ân tình và nổi tiếng hiếu học Nghệ - Tĩnh đã tới với tôi từ hồi còn học cấp hai. Thời ấy chiến tranh, cả Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đều được gọi là tuyến lửa, bom đạn tơi bời, gian nguy vô kể. Bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ xứ Nghệ đi qua hoặc đến Quảng Bình và có lần nào đó tôi được nghe Giận thương... Tuy còn nhỏ nhưng tôi đã cảm nhận được phần nào cái sự da diết luyến láy trong đó Anh ơi, khoan vội bực mình/ Em xin kể lại phân minh tỏ tường/ Anh cứ nhủ rằng em không thương/ Em đo lường thì rất cặn kẽ/ Chính thương anh nên em bàn với mẹ/ Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường... Lúc đó, tôi làm sao biết được bài dân ca này được hát theo giọng pha trưởng nhịp 2/4 có nhiều dấu luyến kỳ ảo mà chỉ cảm nhận được cái man mác buồn buồn của nó. Đến mùa Thu năm 1969, cả nước chịu cái tang lớn khi Bác Hồ ra đi và sau đó ca khúc Trông cây lại nhớ đến Người của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được ghi dựa theo dân ca Nghệ Tĩnh ra đời càng làm cho tôi gần gũi hơn với ví, giặm. Đời lính, đời văn cho tôi quen thân với nhiều anh chị em xứ Nghệ; cảm cái tình chân thật, sâu đằm; cái chất phóng khoáng và đa tình, cái sự thủy chung sau trước của bè bạn đất này dần dà thấy yêu hơn vùng quê con người bên kia dãy Hoàng Sơn. Thốt nhiên nghĩ rằng, có lẽ nết đất, tính người như thế khi được cộng hưởng vào sông núi linh diệu đã tạo nên tinh hoa, tinh túy cho một miền dân ca đặc sắc làm say đắm bao người. Ví, giặm thành món ăn tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn bao người, dẫu rằng không sinh trưởng ở đây nhưng vẫn cất giữ trong lòng mình những Giận thương; Phụ tử tình thâm; Mời trầu... và khá nhiều ca khúc hiện đại mang chất liệu ví dặm, dân ca Nghệ Tĩnh như Trông cây lại nhớ đến Người của Đỗ Nhuận; Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ; Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh của Nguyễn Văn Tý; Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác; Ca dao em và tôi và Neo đậu bến quê của An Thuyên; Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh của Trần Hoàn - Đỗ Quý Doãn; Khúc hát sông quê của Nguyễn Trọng Tạo; Điệu ví, giặm là em của Quốc Nam; Câu đợi câu chờ của Ngọc Thịnh... Và, điều gì đến nó phải đến, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lan tỏa ra nhân loại, được tôn vinh xứng đáng. Wikipedia đã ghi rõ: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thuộc miền Trung Việt Nam. Dân ca ví, giặm tại Nghệ Tĩnh là một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại tại kỳ họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể ngày 27/11/2014 tại Paris (Pháp). Họ còn nói rõ thêm: Loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng xứ Nghệ, được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải, trồng lúa... Lời ca của dân ca ví, giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, long chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người.
Ảnh: Huỳnh Nam
Nghệ - Tĩnh có nhiều con sông trữ tình nổi tiếng đã đi vào văn thơ, nhạc, họa như sông Lam, sông La... nhưng trong cảm thức đầy trân trọng thương yêu của tôi vùng đất này còn có một dòng chảy dân ca lừng danh mang tên Ví, Giặm. Dòng sông Ví, Giặm như được khởi nguồn từ cuộc sống lao động cực nhọc mà can trường của vùng đất khắc bạc này. Dòng chảy ấy tỏa rạng ánh sáng tâm hồn con người xứ Nghệ, hiền lành mà dũng cảm, chân thật mà tinh tế, đa cảm mà thủy chung, thẳng thắn mà uyển chuyển lại còn chịu khó và hiếu học. Không thể nói khác được, Ví, Giặm chính là tâm hồn của xứ Nghệ. Tự nó toát lên vẻ đẹp văn hóa dân dã mà sang trọng, thực sự có sức sống lâu bền, với sự truyền cảm vô cùng lớn. Lưu vực của dòng sông ấy bao la hơn ta tưởng, khởi nguồn từ xa xưa, rất xa xưa nhưng chưa hề có dấu hiệu mai một trong hiện tại và mặc nhiên sẽ có mặt trong tương lai của vùng đất này, đất nước này và cả trong những giá trị văn hóa cần bảo tồn của nhân loại nữa. Đấy là sự thật bởi vì trong Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hội tụ được nhiều tinh chất đẹp đẽ, trong sáng về tính nhân văn và nghệ thuật.
Ước mong của tôi là được có mặt trên một chuyến đò dọc theo sông La, sông Lam để có cơ hội thấm thía hơn cái đẹp, cái hay của Ví, Giặm xứ Nghệ địa linh nhân kiệt. Để được nghe lại khúc Mời trầu đượm thắm như chỉ dành cho tri kỷ, tri âm: Miềng trầu thơm đượm đượm tình làng nghĩa xóm/ Mộc mạc quê nhà nhưng đậm đà đằm thắm đượm câu ví dặm/ Mời trầu để chọn bạn tri âm, tri kỷ/ Mời trầu để xe duyên đôi lứa. Dân ca Ví, Giặm thực sự cuốn hút đông đảo người nghe vì nó lắng sâu bởi giai điệu và có lời đẹp. Ân tình của một vùng đất đọng vào dân ca Ví, Giặm man mác và lung linh như khúc giao duyên tình tứ dưới vằng vặc trăng sao xứ sở: ...Trăng kia đã đến hôm rằm hay chưa/ Trăng đang mười bốn chưa rằm/ Dâu xanh đang đợi con tằm kéo tơ. Đấy chính là điệu hồn quê hương càng mộc mạc, chân tình càng da diết thương yêu, minh triết cuộc sống và tình cảm con người hòa quyện vào nhau nhuần nhuyễn và giản dị vô cùng. Nghe là hiểu, là thấm; có ẩn dụ, hoán dụ chăng nữa cũng bắt nhịp vào được cảm thức của con người dẫn dắt ta trở về nguồn cội một cách tự nhiên. Ơn nghĩa cuộc đời bắt đầu từ mẹ cha ta: Rồi mười ngày chín tháng/ Mẹ thúc giục lên thai/ Con nên một nên hai/ Thầy ấp iu bồng bế/ Đứa mười chín đôi mươi/ lo cửa nhà dựng vợ... Hát cứ như là đang thủ thỉ kể chuyện, cõi tâm tình ấy đâu dễ phôi phai, luôn làm ta rưng rưng bởi những hoài niệm sâu sắc. Ví, Giặm mặc nhiên là trữ tình rồi và tôi nghĩ một trong những yếu tố quan trọng để làm nên cái đó là chất thơ. Anh đang tìm vợ qua sông/ Em đang tìm chồng thì gặp được anh đây hay: Sang sông thì em cũng muốn sang/ Sợ rằng gặp chuyến đò ngang chồng chềnh... Con gái xứ Nghệ được tiếng có duyên phải chăng một phần được nương vô ví, giặm. Dân ca một vùng đất là phần hữu tình dễ nhận biết nhất của sông núi, ruộng đồng, xóm mạc nơi ấy và không ít thi sĩ, nhạc sĩ chịu ảnh hưởng của di sản văn hóa đặc sắc đó. Đất Hà Tĩnh tự hào khi là quê gốc của đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều bất hủ. Người ta cho rằng không gian văn hóa xứ Nghệ, trong đó có dân ca Ví, Giặm cùng với phong tục tập quán quê nhà đã ảnh hưởng tới cảm quan sáng tạo của Ông. Ta có thể nhắc tới cách khai thác và biểu đạt phương ngữ (thường xuất hiện ở Ví, Giặm) của Nguyễn Du trong Truyện Kiều. Tiết điệu trong thơ lục bát của Nguyễn Du chắc chắn cũng có phần được thừa hưởng từ vốn dân ca Ví, Giặm mà đại thi hào rất thân thuộc. Chuyện rằng, khi sống ở Nghi Xuân quê nhà Nguyễn Du hay cùng trai làng phường nón đi hát ví giao duyên với các “ả” ở phường vải Trường Lưu (Can Lộc). Những câu đối đáp thông tuệ, tình tứ của Tố Như đã làm cho các chàng trai, cô gái rất khâm phục.
Sinh ra từ xứ Nghệ, dân ca Ví, Giặm đã tồn tại và lan tỏa không ngừng. Di sản quý giá của một vùng quê thành di sản của đất nước và đĩnh đạc được tôn vinh là di sản của nhân loại. Xứ Nghệ đã được đền đáp xứng đáng. Bốn phương nhận ra tâm hồn, diện mạo, cốt cách con người xứ Nghệ một phần qua dân ca Ví, Giặm. Nó không chỉ là loại hình nghệ thuật đặc sắc của quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh mà có thể nói đấy là tầm vóc văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt lừng danh. Sức hấp dẫn của miền quê này chưa hề vơi hao. Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ/ Nghe câu hò ví giặm, càng lắng lại càng sâu/ Như sông Lam chạy chậm, đọng bao thủa vui sầu/ Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen xứ Nghệ quen lâu/ Càng tình sâu nghĩa nặng...
Bạn ở Hà Tĩnh hồ hởi báo tin vui với tôi, ngày 16 tháng 10 năm 2024, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh vừa ra Kế hoạch về tổ chức Festival “Về miền ví, dặm - Kết nối tinh hoa di sản” nhân 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ - Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong đó, điểm nhấn là cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật Đôi bờ ví, giặm. Ngày hội lớn của Ví, Giặm là đây, một dấu mốc khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của hình thức nghệ thuật dân gian này. Tôi tin và mong rằng dân ca Ví, Giặm sẽ lan tỏa rộng khắp trong cả nước, bắt đầu từ cái nôi xứ Nghệ đẹp “như tranh họa đồ”. Thế hệ trẻ, trước hết là thiếu niên nhi đồng đang ngồi trên ghế nhà trường biết yêu quý, hiểu biết và hát dân ca ví dặm. Sự bắt đầu, có lẽ sẽ bắt đầu từ Nghệ - Tĩnh mình thương!
31/10/2024
N.H.Q