03-08-2012 - 03:59

NSND, Hoạ sĩ LÊ HUY QUANG

Không nệ thực, không tả thực, không bị chi phối bởi hiện thực; nhưng cũng không tìm đến những hình thức biểu hiện cầu kỳ lạ lẫm - hội họa Lê Huy Quang là của tâm tưởng.

NSND, HOẠ SĨ LÊ HUY QUANG - “NGƯỜI NHÀ QUÊ” SANG TRỌNG
 

Đi đâu, ngồi ở đâu, NSND, họa sĩ Lê Huy Quang thường tự nhận mình là "người nhà quê". Người nhà quê luôn tiếp nhận và học hỏi thấm đẫm tinh hoa vùng đất mới. Trong giới văn hóa - văn nghệ cả nước; cũng như trong "làng" văn nghệ sĩ Hà Nội; người ta biết nhiều đến họa sĩ, NSND Lê Huy Quang qua hội họa, qua thiết kế trang trí sân khấu, qua minh họa hay bìa sách; phần lớn là bạn hữu, qua thơ ca và các bài báo trong suốt mấy chục năm qua. Quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Nghệ An; ngót nửa thế kỷ qua, Lê Huy Quang sống và làm việc tại Thủ đô Hà Nội. Suốt đời chỉ đi guốc mộc; nhẫn bạc, cổ tay vòng bạc; chỉ mặc hai màu đỏ đen, thích nhâm nhi chén rượu cuốc lủi hơn là uống bia... đã làm nên một ấn tượng Lê Huy Quang trong đời sống; thì trong nghệ thuật, Lê Huy Quang cũng đã làm nên một ấn tượng cho riêng mình - khi đã thiết kế mỹ thuật trên 300 vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước, với nhiều giải thưởng về hội họa, đồ họa, trang trí sân khấu và thơ ca...

      Không kể nhiều lần triển lãm chung và triển lãm nhóm bạn; một triển lãm riêng ở 29 Hàng Bài, Hà Nội cho cả Hội họa, Đồ họa, Trang trí sân khấu của ông cách đây vừa tròn chục năm thật bề thế và ấn tượng. Những tác phẩm hội họa, dù chưa phải tất cả; cũng đủ cho ta nhận ra một bản lĩnh riêng, một mảnh hồn riêng Lê Huy Quang đằm thắm và bình thản, trước ồn ào cởi mở, có khi thái quá của đời sống nghệ thuật hiện nay.

       Không nệ thực, không tả thực, không bị chi phối bởi hiện thực; nhưng cũng không tìm đến những hình thức biểu hiện cầu kỳ lạ lẫm - hội họa Lê Huy Quang là của tâm tưởng. Nhiều tác phẩm như vẽ trong hoài niệm. Ở Hà Nội và ngay ở các tỉnh thành trên cả nước, có những họa sĩ đã coi việc phản ánh cái đẹp của phố phường như một chủ đề quen thuộc trong thế giới sáng tạo của mình. Danh họa Bùi Xuân Phái và các họa sĩ kế tiếp ông đã tạo được những dấu ấn đặc biệt cho nền mỹ thuật Việt Nam từ đề tài này.

Nói vậy để thêm một lần khẳng định cái khó, rất khó, trong việc vừa giãi bày tâm cảm, vừa tránh được những yếu tố phết phẩy, na ná của nhau trong lối vẽ, trong nghệ thuật biểu hình, và thậm chí ở bảng màu. Dường như Lê Huy Quang đã vượt khỏi những rào cản ấy ngay từ những tác phẩm ở giai đoạn đầu, và cho đến mãi sau này, khi ông phả vào hệ thống hình thể, rõ hơn là ở cách đi nét - những cảm quan đầy nhạc tính. Điều này đã giúp người xem nghĩ về một phong cách Lê Huy Quang với nhiều gợi mở và thẩm thấu riêng biệt.

 



(Giữ lấy nét đẹp làng quê)

 

Chùm tranh phố như chuỗi dài kỷ niệm với những đường nét tựa hồ tiết tấu chậm rãi, khắc khoải của bản nhạc không lời. Tam Bạc hình vuông với gam màu ghi ngả sang vàng nhạt, hình thể quy về những hình vuông lấp lửng mơ hồ. Một cái gì đó vừa hiện tại, vừa quá khứ đang thì thầm dẫn dắt ta đi, qua những khuôn hình thân phận. Dãy phố màu ghi xám có đường viền đen lung linh buông thả trong tác phẩm Tam Bạc Hải Phòng 1972, hay lối đi nét khoáng hoạt, hồn nhiên trong Mái phố tuổi thơ, chất ẩm ướt ảo mờ trong Phố sau mưa như láy đi láy lại những hợp âm trầm mà sáng, mà mộng mơ và hoài niệm, đã tạc vào lòng người những bất ngờ đồng cảm.

Lê Huy Quang tâm đắc với mùa thu, với ông, mùa thu đồng hành tiếc nuối, những tiếc nuối trong veo vàng rực gam màu. Từ bông cúc tỏa vàng như vòng sáng hào quang, bật lên hình hai trái tim ghép lại thành nụ hôn thắm đỏ (Mùa thu) đến cô gái trong Chân dung mùa thu cùng nỗi bâng khuâng vời vợi. Với chân dung mùa thu, có lẽ Lê Huy Quang không nhằm diễn tả một nhân vật nào đó cụ thể, bởi thế ông không bị những áp lực thông thường giống nhiều hay giống ít của thể loại. Và có lẽ, để ghi trọn cảm hứng, ông không chú ý nhiều đến kỹ thuật, điều này dễ cho người xem cảm nhận về một phác thảo ban đầu. Những nhát bút, những hòa sắc vàng nhẹ, đưa đẩy như mộng du, những họa tiết ở nền, ở áo và mái tóc nhân vật buông trễ nải, một điều gì đó như chợt đến chợt đi, như có như không của một khoảng thời gian chuyển tiếp, đa mang và hồi hộp...


( Tam Bạc, Hải Phòng.)

 

Ở Tóc quê 2 hay Chân dung màu xanh... cảm giác nhát bút ông có gì bối rối, những mảng màu ông đặt như thể vô định, vu vơ... Tất cả cứ cồn lên là nỗi niềm trước chuyển dịch thiên nhiên mà ông gửi gắm. Trong loạt tác phẩm khai thác từ chủ đề không gian quê kiểng, ta nhận ra một Lê Huy Quang luôn khát thèm, đề cao và níu giữ những giá trị thuộc về nhân bản (Tóc quê 1,2,3; Giấc mơ 1 và 2; Hồi chuông cảnh tỉnh và Chênh lệch). Hình tượng con đò, dòng sông, cánh diều với vầng trăng khi tròn khi khuyết cứ trở đi, trở lại trong tranh ông như hiện thân của một lời nhắn nhủ, như niềm thổn thức khôn nguôi trước bao nhiêu chật hẹp phố phường.
Ảo ảnh đồng quê là hình tượng thiếu nữ trước mênh mông đồng lúa, Ký ức tuổi thơ là vầng trăng vành vạnh giữa không gian ảo huyền với con thuyền giấy nhỏ nhoi. Vẫn là vầng trăng ấy ở Ấn tượng trăng quê, nhưng có lẽ sự mảnh mai trong đường lượn của hình, sự chuyển tiếp những khúc xạ của màu, những vòng tròn vàng đậm, không là bóng nước, cũng không là bóng mây, và con thuyền neo đậu trong đơn lẻ... tất cả không gian tranh đang tạo ra hiệu quả âm nhạc khi câu chuyện thầm thì, phấp phỏng của thân phận đang làm nhòa dần mái tóc, dáng người, khuôn mặt thiếu nữ tuyệt vời ngời ngợi. Ở những tác phẩm này, hình tượng và bố cục thật đơn giản, bảng màu cũng giản đơn thoải mái trước khi nhận về những thông điệp nhân văn, dù vẫn biết rằng, đằng sau những hình những nét những màu kia, ẩn chứa trong từng đôi mắt nhân vật của ông, thi thoảng ánh lên một chút buồn thảng thốt.
Chưa được biết nhiều về những tác phẩm hội họa của Lê Huy Quang, do ở một chừng mực nào đó, ông có vẻ "chểnh mảng" trong việc công bố tác phẩm (cũng như ông khá "chểnh mảng" với việc in thơ trong 40 năm qua). Nhưng có thể nói, Lê Huy Quang là một họa sĩ thiên về tự sự. Sự độc thoại là thế mạnh và nhiều khi được đẩy lên thành cao trào đầy kịch tính. Sự độc thoại ngân lên trong bảng màu với những hòa sắc bảng lảng mà day dứt, ngân lên trong lối tạo nét tưởng như rành mạch lại quá đỗi mơ hồ, ngân lên trong câu chuyện nhân tình mà người xem phải rộng dài ngẫm ngợi. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà nhiều người, nhất là bạn bè đồng nghiệp có chung một ghi nhận tâm đắc về hội họa của ông - Một thứ hội họa của suy cảm - một thứ hội họa trong lòng hội họa
Bền bỉ, đam mê trong lĩnh vực hội họa và thiết kế mỹ thuật cho sân khấu suốt mấy chục năm, ông còn là một nhà thơ đầy cá tính với những cách tân ồn ào dư luận một thời; cho đến những ngày vừa qua, năng lực của ông vẫn tiếp tục bùng lên với tập thơ Phải khác vừa xuất bản. Là một nhà báo với những bài viết ngắn mà sắc về nhân tình thế thái, về những vấn đề cộm lên trong đời sống nghệ thuật... Nghệ sĩ nhân dân Lê Huy Quang là người xông xáo, hối hả trong công việc lẫn rong chơi.
Chuyện trò với ông, tôi cứ nghĩ rằng: Có khi ông đã quên mình đi qua tuổi 60 - "Lục thập nhi nhĩ thuận" (Biết nghe lời nói phải và biết nói lời nói phải) tự lúc nào. Dù rằng vậy, qua những thành công đã gặt hái được trên 40 năm qua; tôi biết ông vẫn lặng lẽ vẽ, lặng lẽ tiếp tục kiếm tìm cái đẹp của riêng mình - bởi qua hội họa nói riêng, và qua nghệ thuật - người ta mới dễ dàng nhận ra một Lê Huy Quang suy tư và trách nhiệm, một Lê Huy Quang đằm thắm tận cùng - như lời tự bạch của ông: "...Vì thế, cứ mỗi lần có dịp trở về thăm quê hương Nghệ - Tĩnh, nơi sinh ra, lớn lên, rồi phải cách xa; trong tôi bao giờ cũng có cảm giác như tự nhìn lại chính mình: những học hành, làm ăn, công việc, tiền bạc, đất đai, nhà cửa; những được thua, còn mất, ngọt ngào, cay đắng; những danh vọng hào nhoáng, hão huyền... đan xen giữa quá khứ, hiện tại và cả tương lai của một gã trai quê tự ném mình ra giữa chốn Thăng Long phồn hoa đô hội. Nhưng nghĩ cho cùng, hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sĩ, chính là được được vẽ, được viết, được sáng tạo với những niềm vui, nỗi buồn của riêng lòng mình và của cả nhân dân"...

 

(  Nguồn: CAND Portal)

. . . . .
Loading the player...