Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh (tên khai sinh là Nguyễn Thị Hồng Vanh), sinh năm 1955, tại xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà. Mặc dù theo chồng sống phiêu bạt ở phương Nam, nhưng người con gái sinh ra ở miền đất đằm sâu dân ca ấy vẫn chứa chan nguồn mạch khôn nguôi của quê hương xứ xở.
Chân dung nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh
Điều quý báu là chị đã năng động tìm cách hội tụ mọi nguồn mạch khác của cuộc đời lớn rộng để truyền bá cho các giá trị Di sản của quê hương xứ sở. Là người con của quê hương Hà Tĩnh, vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, với các làn điệu dân ca thấm đẫm trữ tình. Nhờ đó mà từ lúc sinh ra và lớn lên, nghệ nhân luôn được đắm mình trong các làn điệu dân ca của đất mẹ Hà Tĩnh. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nghệ nhân đã say mê với làn điệu dân ca, đã tham gia rất tích cực vào các phong trào văn hóa, văn nghệ của nhà trường cũng như ở địa phương. Mỗi khi Hồng Oanh trở về quê, bà con, bạn bè vẫn nhận ra cô bé nhà quê trường huyện ngày nào trong ngỡ ngàng. Cô bé được cha đặt tên khai sinh bằng một từ gốc Pháp: Nguyễn Hồng Vanh. Vanh nghĩa là tuổi hai mươi. Nguyễn Hồng Oanh sinh năm 19…nghĩa là năm nay đã …nhưng tâm hồn chị quả là mãi mãi tuổi hai mươi. Chân tình, nồng hậu, phóng khoáng, trẻ trung. Cùng những sáng tạo tuôn chảy, nồng nàn của người con gái xứ Nghệ mang nghệ danh Nguyễn Hồng Oanh…
Ta như sông xa nguồn đi biền biệt
Theo nhịp đời chảy xiết mãi quê ơi
Mai ta về cùng hát dưới trăng soi…
(Tình tự với dòng sông)
Chị là tác giả của ba tập thơ, do Nhà xuất bản văn học xuất bản: Trăng xuân, Sóng hát, Đất ngời. Và rất nhiều bài thơ khác chưa xuất bản. Chị nói với con thiết tha:
Tuổi con vừa xanh lá
Mẹ dạy con lời hoa
Bông hoa tràn hương sắc
Ngại ân tình xót xa.
Tuổi con vừa mới lớn
Mẹ dạy con lời thơ
Lời thơm hương nắng sớm
Giữa đất trời mộng mơ…
(Tuổi thơ con)
Và tự trào:
Dẫu thơ ta có muộn màng
Sang sông những chuyến đò ngang giữa đời
Tưởng chừng thưa hạt mưa rơi
Ô hay cắc cớ chưa vơi nỗi niềm
Trước gương soi dưới bóng đèn
Mới hay mình đã cũ mèm dung nhan
Chân chim vẽ dọc vẽ ngang
Nhưng lòng vẫn bám bậc thang nụ cười…
(Muộn)
Chị đã lập một kỷ lục mà tôi nghĩ những nhà làm sách kỷ lục ở Việt Nam không thể bỏ qua: một mình ngâm toàn bộ Truyện Kiều và đã hiện thực nó trên nền nhạc bằng 12 CD. Còn ai da diết với Kiều và những tinh hoa văn hóa dân tộc bằng Nghệ sĩ Nguyễn Hồng Oanh – Phó Giám đốc Trung tâm phát triển giao lưu văn hóa - khoa học và giáo dục - Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam. Một giọng ngâm chứa chan âm sắc xứ Nghệ, truyền cảm, da diết với tình thơ, tình người.
Chị cũng là người lập một kỷ lục nữa: đồng biên soạn với nhà thơ Gia Dũng và là chủ đầu tư bộ sách tuyển tập thơ Đường về Xứ Nghệ. Thiết nghĩ, với một vùng đất thơ hàng đầu đất nước là Nghệ Tĩnh thì chị còn tái bản nhiều lần mới đủ đáp ứng nhu cầu của các nhà thơ và người yêu thơ.
Với Câu lạc bộ Nguyễn Du, Nguyễn Hồng Oanh đã tổ chức rất nhiều các chương trình ca múa nhạc dân tộc thành công giữa lòng thành phố Hồ Chí Minh, thời kinh tế thị trường và nhạc rock. Chúng ta chỉ cần nghe chị ngẫu hứng hát ngay câu thơ nào đó bằng một làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh sâu đằm, thì bạn có thể hình dung được rất nhiều về một nhà thơ, một nghệ sĩ đã sống và sáng tạo hết mình cho cuộc đời .
Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh may mắn hơn người là được mẹ mình và các thế hệ đi trước truyền dạy cho các làn điệu dân ca của quê hương xứ sở, nên chị sớm lĩnh hội và phát huy được niềm đam mê của mình với các câu hò, điệu ví... Khi trưởng thành, nghệ nhân đã hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ rất tích cực ở địa phương, chị đã đi khắp nơi để sưu tầm các làn điệu bị thất truyền mang về phục dựng và biểu diễn mỗi khi có dịp. Về sau, gia đình chuyển về thành phố Hồ Chí Minh sinh sống, nhưng chị không quên nhiệm vụ của mình là vừa phải tìm cách để Dân ca Ví, Giặm không chỉ được trường tồn tại mảnh đất Xứ Nghệ, mà phải vang cao, vang xa hơn nữa ở khắp mọi miền tổ quốc. Chị đã thành lập Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm phía Nam và bản thân đứng ra mở các lớp truyền dạy dân ca cho thế hệ con em trong vùng và tại đất khách quê người. Câu lạc bộ dân ca Ví Giặm phía Nam của chị đã có hàng trăm buổi biểu diễn trong và ngoài nước. Cứ như một con thoi, người đàn bà “không có tuổi” này cứ hết ra Bắc, lại vào Nam. Một năm, ít nhất chị có 6 chuyến về thăm quê, ấy là dịp có Kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các danh nhân quê hương; là những cuộc hội thi, hội diễn; những đợt tập huấn đàn, hát dân ca…Từ sự đam mê cháy bỏng với di sản văn hóa phi vật thể của quê hương, dân tộc, chị quên cả tuổi tác và bệnh tật, để tìm đến với những câu hò, điệu ví, trang Kiều bằng một tình yêu cháy bỏng.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh cùng các thành viên CLB dân ca Ví Giặm phía Nam
Từ những ngày còn nhỏ, khi được nghe cha mình ngâm, vịnh, bói Kiều trong ngày tết, hay lời ru của mẹ trong đêm khuya vắng… Những kỷ niệm không thể phai trong lòng mình từ khi còn theo cha, các chú, bà con ra đồng, cấy, gặt, nghe họ hát câu nào, chị hát theo câu ấy. Chị tâm sự: Tôi cứ thắc mắc tại sao họ không ở nhà khi dùng cơm xong, rãnh rỗi ngồi hát cho mọi người nghe mà phải ra đồng mà hát nhỉ? có nhiều lần tôi hỏi cha tôi, chú tôi và điều ai cũng trả lời giống nhau đó là " Con ơi bụng đói cơm ăn không no đi lao động mệt nhọc nên hát và hát nhiều thì làm việc càng lại hăng say hơn con ạ, không hát lấy sức đâu mà cày" . Những sinh hoạt của gia đình, quê hương đã thấm sâu vào máu thịt của chị.
Năm 2016, chị chủ động phối hợp với Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh mời các nghệ nhân, nghệ sỹ có tên tuổi như Vũ Huy Dự (Hát Chầu văn Bắc), Đức Tầm (Hát Dân ca Bình Trị Thiên), Bích Phượng (Hát Dân ca Nam bộ), Hồng Thắm (Hát Dân ca Bài Chòi), Thục An (Hát Ca trù 36 giọng)…thể hiện thành công bộ đĩa CD“Hát thơ Kiều bằng Dân ca ba miền”. Gần đây nhất, nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh tham gia Liên hoan Ca trù toàn quốc tại Hà Tĩnh, 2018 đạt giải B (Huy chương vàng) cá nhân với tiết mục ngâm thơ cổ.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hồng Oanh cùng các ca nương, kép đàn CLB Ca trù thành phố Hồ Chí Minh
Chị lớn lên trong lời ru, câu hát thấm đượm công cha, nghĩa mẹ và tình làng, nghĩa xóm. Nguồn mạch vô tận ấy theo chị đi suốt cuộc đời. Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh không chỉ đam mê Dân ca Ví Giặm, chị là người đắm đuối với dân ca ba miền Bắc – Trung – Nam. Tất cả các làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc được chị gửi hồn vào tác phẩm Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du.
Nhận thấy Truyện Kiều là thể thơ lục bát truyền thống, giàu cảm xúc, giàu tính nhạc, dễ đi vào lòng người khi được ngâm, hát bằng các thức điệu truyền thống. Đó chính là một nguồn mạch vô tận của hát thơ và dân ca. Nguồn mạch vô tận của trải nghiệm tình đời, của tuệ giác, của yêu thương... Nghệ nhân Nguyễn Hồng Oanh đã một mình làm công việc tưởng chừng quá sức - Đó là một mình ngâm và hát thơ toàn bộ Truyện Kiều, rồi thu vào 12 đĩa CD audio. Nhiều người khuyên chị nên đăng ký kỷ lục này, nhưng chị đang mải mê với bao cuộc hành trình của một nghệ nhân dân gian mong mỏi đi khắp mọi miền để tìm những “báu vật” mà cha ông để lại, nên vẫn chưa có điều kiện làm được điều đó.
Với những cống hiến của mình nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Vanh đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian, năm 2012. Năm 2015, nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Vanh được chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2018, chị tiếp tục được Ủy ban nhân thành phố Hồ Chí Minh đệ trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.
Phan Thư Hiền