Họ và tên:
NGUYỄN THẾ HÙNG
Sinh ngày: 16.1.1972
Quê quán: Sơn Diệm- Hương Sơn- Hà Tĩnh.
Dân tộc: Kinh
Nơi công tác hiện nay: Tạp chí Văn nghệ quân đội số 4- Lý Nam Đế- Hà Nội.
Vào Hội nhà văn Việt Nam năm 2010.
* Vài nét về quá trình học tập, công tác:
Nhập ngũ 1992, bắt đầu viết văn từ năm 1998
Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, có 14 năm công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Chức vụ hiện nay: Thư ký Tòa soạn. Tạp chí VNQĐ.
Các trường đã qua: Sĩ quan lục quân 2
Trường viết văn Nguyễn Du.
* Tác phẩm đã xuất bản:
Tập truyện ngắn: Đàn chim về sau bão.
Tập truyện ngắn: Truyện ngắn Nguyễn Thế Hùng.
Tập truyện ngắn: Ngược ngàn.
Tập truyện ngắn: Người đi bỏ mặc câu thề.
Tiểu thuyết: Họ vẫn chưa về.
Tập truyện ngắn: Liu điu dòng họ
Tiểu thuyết: Lối nho nhỏ.
* Giải thưởng văn học:
- Giải nhất truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long cho tác phẩm Người giữ cồn sau đó truyện được chuyển thể thành kịch bản phim Ngọn đèn bốn mặt đoạt giải thưởng Bộ Quốc phòng.
- Giải bút ký văn học Đồng bằng sông Cửu Long
- Giải thưởng truyện ngắn báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh
- Giải thưởng truyện ngắn Tạp chí VNQĐ cho truyện ngắn Lộc Trời
- Giải thưởng Liên hiệp Hội VHNT TP Hà Nội cho tiểu thuyết: Họ vẫn chưa về.
- Và một số giải thưởng khác.
Nghĩ về nghề văn: Văn như rượu quý, phải làm sao càng để lâu càng thấy ngon. Vì vậy nhà văn như là sự tổng hòa của: Tài nghệ người ủ mấu, men, nước, khí trời, gạo…nơi sinh ra thứ rượu ngon đó.
* Tác phẩm tự chọn:
NGÀY - ĐÊM - NGÀY
Thằng Cò vừa bám bờ cỏ leo lên khỏi đầm với mấy cái gương sen chắc trìu trĩu trên tay thì gặp ngay lão Điệt đứng trấn trước mặt. Cò tính lách tránh thì bị lão cản lại, giọng the thé:
- A thằng này dám hái sen hợp tác, bắt bỏ tù.
- Cháu xin bảo vệ rồi, cháu hái mấy gương cho mẹ.
- Mẹ mày lại thèm sen à… hề hề… rỡ nữa à…nhạy nhể, đẻ tiếp à? Lại đây, tao sờ chim cái tao tha.
Thằng Cò đang tính thối lui thì lão Điệt lao tới tóm lấy cái chim nó nhéo. Cò oái lên một tiếng, tay cầm sen, tay ôm chim chạy thục mạng, được một quãng khá xa nó quay lại chu mỏ:
- Đồ Điệt đẹn, không biết thẹn…
- Ái chà, thằng này láo!
Lão Điệt dợm chân doạ đuổi, Cò chúi nhủi chạy như tên bắn, gần đến ngang cây quéo cụt, nó dừng lại đi lúm rúm trốn bà Thêm và để đánh lừa con chó mẹo nhưng không được. Thấy bóng thằng Cò, con mẹo hăm hở lao ra, chồm hai chân trước lên vai thằng Cò rồi ra sức liếm láp khắp cổ, khắp mặt làm Cò nhột. Nó dùng đầu gối thúc mạnh vào bụng con mẹo, mẹo ẳng lên một tiếng, đặt vội hai chân trước xuống đất, mông ngoáy tít, mắt hăm hở chờ đợi. Nghe tiếng chó ẳng, bà Thêm vội cầm cái bát đất đi ra ngõ. Thấy thế, Cò nhăn mặt nói trống lổng:
- Cháu vừa đái rồi.
- Ngoan nào, đừng lừa bà có tội, đái vào đây xem có giọt nào nữa không.
Cò miễn cưỡng vạch quần, bắt cái chim nhọn vít như đầu đạn CKC kề miệng bát đất. Vừa cố rặn, nó vừa lầu bầu:
- Xin suốt. Sao không bảo bác Thắng lấy o Loan đẻ cho bà một đứa cháu nội. Nó đái suốt ngày, sức bà uống.
- Cha bố anh, nói như người lớn - Bà Thêm thở dài - Nó mà chịu lấy cho đã phúc nhà. Nào cố rặn thêm tý nữa, chưa đủ ngụm.
- Sao không xin cái Lan, cái Tý ấy. Con gái đái nhiều.
- Cha bố anh, con gái đái ngồi, vừa khai vừa khẳm, tưới khoai chả đáng. Thôi được rồi, rặn quá sút rắm bây giờ.
Bà Thêm ực hết ngụm nước đái rồi lúc cúc trở vô nhà.
Bà quá lứa, gần bốn mươi tuổi mới tự túc được đứa con trai. Hồi nãy thằng Cò đã hồn nhiên chạm vào chỗ buồn tủi nhất của bà. Bà khát nước đái cháu nội còn hơn đất cày trâu khát nắng. Khát cháu, bà nhìn thằng con trai duy nhất ngu thuỷ, ngu chung mà bà đau. Bà còn đau hơn bởi đường tình duyên của con quá giống bà. Bà cũng đơn phương thuỷ chung với một người đàn ông đã có gia đình để đến khi giật mình, tuổi bốn mươi đã về trong chân tóc. Không liệu e không kịp, bà đành làm liều tự túc kiếm đứa con. Nuôi con một mình, khi sanh nở không gìn, không giữ. Giờ về già, cứ trái gió trở trời là đau nhức khắp mình mẩy, mặt mũi váng vất, trời đất quay cuồng, chỉ có nước đái trẻ con là làm cho bà đơ đỡ. Uống riết thành nghiện.
Khi bà Thêm đã khuất sau hàng chè tàu, con mẹo dụi đầu vào bụng Cò nhắc nhở. Cò vuốt đầu nó, nói thân mật như với một người bạn:
- Cái này mày đâu có ăn được, tao đây còn đói meo chưa có gì đặt bụng. Theo tao về nhà xem có gì ăn tao cho. Đi, nhưng mày phải cõng tao.
Như hiểu được tiếng thằng Cò, con mẹo chìa lưng lại, hơi khịu hai chân trước cho Cò ngồi lên. Cò cũng giả bộ choàng chân qua lưng con mẹo rồi vừa người vừa chó, cộng có sáu chân cứ thế xạng nạng về nhà.
Con mẹo này bà Thêm nhặt được trong một trận lũ. Ngày ôm cột trôi sông nó mới chỉ lớn bằng cái bắp chuối, cứ tưởng là chó thường, chó cỏ sủa đường, cắn ma, ỉa bếp. Ai ngờ, được bà Thêm chăm, nó phẳng nhanh lắm, lông lá trơn mượt, tai dõng lè suôn, đi lừng lững dáng hổ. Càng lớn nó càng hiền và khôn. Bao giờ cũng vậy, cứ dứt mấy loạt bom là nó nhằm hướng bom vừa nổ mà lao tới. Nếu bom ở phía nông trường thì khi về nó thường cắp trên miệng miếng thịt trâu, thịt bò. Bom chệch ra rừng thì thường là thịt chồn thịt cheo, còn nổ nơi vực quành trên sông Ngàn Phố thì là những con cá vừa chết đay đảy. Rất ít khi nó chịu về không. Mỗi lần như thế mẹ con bà Thêm được bữa cải thiện. Và lần nào cũng vậy, bà để dành một bát, đậy lá chuối đưa sang cho Cò. Bạc nhạc thì phần mẹo. Mẹo to lớn, ăn khoẻ nên nó luôn trong tình trạng đói, hai hông khép lẹp. Chính vì vậy con nít trong làng đều là bạn của nó, chúng cưỡi, chúng nghịch rồi dẫn nó ra đồng săn chuột. Được đi với lũ trẻ, mẹo hăng hái lắm, luôn chạy trước đánh hơi, khi phát hiện ra lỗ chuột nó sực lên mấy tiếng, lũ trẻ xúm lại, thằng Cò đứng dạng chân phân công mỗi đứa đứng trấn mỗi ngách, trên tay đứa nào cũng lăm lăm cái roi mây lùi. Riêng mẹo một ngách. Cắt đặt xong, Cò chất rơm ẩm nơi cửa chính rồi nổi lửa. Khi lửa vừa liu riu cháy, nó cởi cái nón cời ra khỏi đầu ra sức quạt hun khói vào hang. Mấy phút sau, đồng làng rộn ran tiếng trẻ, tiếng chuột chít, lắm khi cả tiếng khóc thét, của một đứa nào đó bị bạn lỡ tay vụt cho một phát thật lực vào chân, vào mông. Xong một hang, chúng gom chuột lại tủ toóc đốt cho hườm hườm, rồi lột da, mổ bụng, chuyển sang bếp củi nướng tiếp. Khi mùi thơm đã bắt nước miếng trào ra, chúng cời từng con một chia nhau hai cái đùi sau, mỗi đứa nhón thêm một dúm muối ớt, lá chanh xé nhỏ rồi vừa tứa nước miếng nhai vừa hít hà cả cái lạnh mùa Đông. Còn mẹo chả cần da vị, nó chén sạch những phần còn lại của những con chuột nướng.
Thằng cò cưỡi con mẹo về gần đến ngõ thì nghe tiếng cha nó gọi:
- Cò ơi!
- Dạ!
- Đưa cái dạ về đây cho cha!
Cò rời con mẹo, lót tót chạy vào sân, thấy cha đang đứng bên khẩu súng 12 ly 7, một tay cha chống nạnh, tay kia đặt trên thân súng, trông cha giống như những người Mông Cổ đứng nghỉ bên con lạc đà trong chuyến hành trình xuyên sa mạc mà nó vừa được xem ké trong phim của mấy chú bộ đội. Cha vẫy Cò lại gần, bảo lấy cái ghế đặt phía bên trái khẩu súng, ngang với kính ngắm, rồi ra hiệu cho Cò đứng lên ghế, cầm lấy tay quay kính ngắm. Cha ra phiá sau súng đưa giá vào vai, lên đạn và bắt đầu rê rê nòng. Cò không nghĩ là cha sẽ bắn, bởi súng đang giá ngay giữa sân nhà. Nhưng khi Cò đang lơ đãng nhìn trời thì tự dâng súng khạc lên một tràng. Giật mình, Cò ngả tù đít, tai điếc đặc. Cha đứng cười khà khà. Tổ ong vò vẽ trên ngọn cây bồ kết vỡ một mảng lớn rụng lả tả. Bỗng mẹ Cò vùng dậy sau bụi chuối hột, mẹ vừa ôm quần vừa chạy, tóc mẹ xoã bay bay, phía sau một đàn ong bám riệt. Thấy thế cha không cười nữa mà hét lên: “Chạy ra đầm, bứt lá sen.” Nghe vậy mẹ chạy vòng ra đầm, nhảy ùm xuống, tiện tay với bứt chiếc lá sen to đội lên đầu và lặn sang bờ bên kia. Đàn ong vò vẽ nhao xuống đốt thun thút vào lá sen. Chúng đã bị mẹ Cò lừa một cú ngoạn mục! Mẹ leo lên bờ và cũng tiện tay vơ vội cái gộc tre lao về phía cha. Cha hoảng chạy vòng quanh súng, mẹ vụt hụt mấy cái, cha tiếp tục chạy, mẹ đuổi gần kịp, cha bỏ súng đâm hoảng vào buồng, mẹ lao theo, Cò đứng cười như nắc nẻ. Cha chạy đến bên giường, mẹ giơ cao gậy vụt, cha né tránh, theo đà mẹ ngã sấp lên giường, cha lao vào ôm ngang lưng mẹ đè nghiến xuống, miệng không ngớt van xin:
- Anh xin mình, anh lỡ, đâu có biết em đang ngồi đổ dế sau bụi chuối.
- Đồ phát xít, đồ đế quốc...
Mẹ vừa la vừa ra sức ngoái lại phía sau đánh lên lưng cha. Lưng cha như cái phản, mẹ đánh như phủi bụi vậy mà cha cũng la lên oai oái.
- Ối trời ơi! Đánh thế này thì chết mất, lấy đâu sức mai mốt đi đánh đế quốc đây!
Nghe cha la, bỗng người mẹ đờ ra, nước mắt ri rỉ chảy. Cha vạch áo mẹ lên xem, hình như có hai vết ong châm, cha nói:
- Khốn kiếp hai con ong đực, dám châm vợ ta, đúng là đồ đàng điếm… Để anh châm… châm cho mình đỡ đau nhé.
Mẹ phát mạnh một cái vào lưng cha:
- Đồ nỡm ạ. Cu Cò…
- Cò đâu! Con lấy cái đĩa ra đầu làng xin cho cha ít nước mắm về xức cho mẹ.
Cò lót tót chạy ra chạn lấy cái đĩa trẹt rồi lách cửa chái lóc chóc chạy sang nhà o Loan. Đường đồi toàn đá răng ngựa đâm vào chân nhoi nhói, Cò không thể chạy nhanh, con mẹo phi trước, thỉnh thoảng lại phải đứng chờ Cò. Đến nới, thấy Cò đưa cái đĩa ra xin nước mắm, o Loan cười mà mắt ựng nước. Nghe nói o với mẹ Cò một thời là bạn rất thân, nhưng khốn nỗi hai người đều thích cha Cò. Mà đúng thôi, cha Cò tuyệt vời như thế đến Cò còn thích chứ nói gì đến o Loan và mẹ. Hai người đều thích nhưng do Cò láu lỉnh nhảy vào nằm gọn hơ trong bụng mẹ Cò nên mẹ là người thắng cuộc. O Loan ngậm ngùi cho đến nay vẫn ở vậy mặc cho bao người dạm đến mòn đường chết cỏ. Chiều Cò, o cũng lấy chai chiết cho một đĩa nước mắm. Khi Cò khuất lưng o còn dặn với: “ Nhớ đi chầm chậm kẻo sánh ra hết…” Giọng o cũng sủng nước nốt. Hình như như thế người ta gọi là yêu, yêu không lấy được nhau là thất tình. Cò nghĩ, cha cũng buồn cười thật, Cò mà là cha Cò lấy cả hai người, càng đông càng vui chứ có sao đâu. Cả bác Thắng nữa, thích ai không thích lại đi thích mẹ Cò, đến khi cha mẹ ở với nhau thì bác tức, bác giận, bác ở vậy luôn không lấy vợ mặc cho bà Thêm khóc đứng khóc ngồi. Người lớn phức tạp thật. Cò chặc lưỡi lủm bủm như người già mất vợ, chân vẫn rón rén vì sợ nước mắm sánh ra ngoài. Khi Cò lò dò về đến đầu ngõ cũng là lúc bác Thắng đến. Bác xăm xăm đi vào sân, gọi vóng lên:
- Anh Đại đâu, anh Đại đâu ra tôi bảo.
Trong nhà không có tiếng trả lời, bác đến bên cánh cửa đấm thình thịch, vừa đấm vừa hét:
- Có gan bắn thì có gan nhận, bắn xong lại trốn tiệt như chồn đèn ban ngày thế à?
Đợi bác Thắng đấm đến mỏi tay cha Cò mới mở cửa he hé. Giáp mặt, bác Thắng hỏi ngay.
- Anh vừa làm cái trò gì vậy?
- Dạ em… em với nhà em đang làm một nhiệm vụ hết sức quan trọng để xây dựng chủ nghĩa xã hội ạ. Dạ! bọn em đang tái sản xuất lực lượng lao động.
- Anh…anh… Tôi không hỏi việc đó… Ai cho anh đưa súng về nhà bắn ùng oàng… Tôi thì…tôi thì …gô cổ…
- Thật không bác? Được thế thì phúc đức cho nhà em quá, được bác gô cổ thì em mừng lắm, bác nhốt thì mai mốt em khỏi phải vào chiến trường, em vẫn được ở trong tổ bắn máy bay với bác, với nhà em… lại được tiếp tục làm cái việc thiêng liêng, cái việc tái sản xuất…
Nghe cha Cò nói đến đó, bác Thắng không còn nói được gì nữa, bác đứng xu xoa một lúc giữa sân rồi đến bên khẩu 12 ly 7 sờ sờ, mó mó cho qua chuyện, trước khi về, bác nói hắt lại:
- Tý nữa tôi cho người sang lấy súng, anh chớ có bắn nữa… Anh là, anh là… vừa vừa phải phải thôi chứ…
- Dạ bác lại nhà… em nghe lời bác, vừa vừa phải phải. Mà không vừa phải cũng sức đâu mà bắn nữa bác, ngày một lần đã mệt bã bời. Bác chưa bắn lần nào chưa biết ấy chứ, mệt lắm. Mà bác cũng phải làm nốt cái việc tái sản xuất đi chứ...
Không thèm đấu đều với cha Cò, bác Thắng lút cút đi ra ngõ. Cò đưa cho cha đĩa nước mắm, cha nhìn Cò cười cười:
- Mẹ hết đau rồi, con cất trong chạn, tối chấm rau. Cha sắp đi rồi, con nhớ ở nhà ngoan giúp mẹ, cha cấm ra đê nấp xem mẹ bắn máy bay, con ngoan cha an tâm đánh Mỹ, mau thắng, mau về.
Mẹ Cò trong nhà đi ra, mắt đỏ hoe, má đỏ hồng, tóc rũ rượi. Mẹ ôm Cò vào lòng nhìn cha. Cha không dám nhìn hai mẹ con vội quay lưng bước xuống thềm đến bên khẩu 12 ly 7. Cha cứ bần thần mân mê từng bộ phận của khẩu súng. Nghe nói khẩu súng này gắn bó với cha trước cả khi Cò có mặt trên đời. Cũng nhờ có khẩu súng mà cha mẹ Cò đến được với nhau, có Cò, có một gia đình. Chuyện này đã có lần Cò nghe lão Điệt đẹn kể…
…Hôm đó trời mưa lâm thâm, đất trên trận địa mềm nhũn, tối hôm trước lại có đám cưới trong làng nên sớm ra làm công tác chuẩn bị chiến đấu không được tốt, cọc ghim chân súng lại thiếu, khi mục tiêu đến thằng Thắng mới nảy một điểm xạ ngắn súng đã chổng chân trước lên như ngựa vía. Mẹ mày đang lắp đạn thấy thế vội lao lại chụp lấy chân súng đè nghiến, nhưng khi thằng Thắng bắn, súng vẫn cứ nẩy. Thấy không ổn mẹ mày choàng chân, trịt xuống ngồi kẹp cứng lấy chân súng. Rồi cứ thế, thằng Thắng bắn một cái, chân súng nẩy lên một cái, mẹ mày cũng nẩy lên một cái, miệng kêu oai oái. Thằng thắng càng bắn thì súng càng nẩy, mẹ mày càng oái. Được một lúc rồi trời cũng quang quắn lại, máy bay đã bay ra, nhưng không hiểu sao thằng Thắng vẫn tiếp tục nghéo cò. Có lẽ trước đó nó thấy mắt mẹ mày nhìn cha mày có đuôi, ướt rượt. Nó ghen. Thằng Thắng nẩy thêm mấy điểm xạ nữa cho đạn bổng vào trời. Cha mày khi đó đang làm xạ thủ hai, thấy thế điên tiết, thoi cho thằng Thắng một phát vào mặt rồi gầm lên: “Bắn cái mả cha anh à? Có cái khu khỉ trên trời nữa đâu mà bắn.” Thằng Thắng vuốt máu mồm đi xuống bờ sông, cha mày vội vực mẹ mày dậy, bồng chạy lên trạm xá, quần mẹ mày ướt nhẫy… Hề…hề…mày biết tại sao ướt không, con nít biết qué gì… Đợt đó cha mày ở lại trạm xá canh mẹ mày. Y sỹ trực không để ý, bà ngoại mày ngủ quên, tai lại nghểnh ngảng, thế là mày lén vô nằm trong bụng mẹ mày. Đồ láu cá. Hề…hề… Mày thấy chưa, không có khẩu súng thì còn lâu mới có cái mặt mày… Cha mày bắn máy bay thì gan cùng mình nhưng chuyện gái gú thì nhát xịt. Tao biết, mấy lần con Loan chui vô mùng cha mày lúc nửa đêm, cha mày vùng dậy chạy như chó phải pháo. Phải tay tao thì… Hề...hề…
Cò ngồi nghe, nhìn cái miệng với hàm răng ám khói thuốc lào của lão Điệt đẹn mà ghét tợn, tay Cò ngứa ngáy cứ muốn vã cho lão một cái nhưng không dám. Lão Điệt đẹn tuổi đong được cả đấu mà người không chịu lớn, cứ loắt cha loắt choát như con nít. Cha mẹ lão không còn, vợ con không có vì vậy lão cứ quẩn quanh ở làng, chuyện gì cũng biết. Lão hay chơi với trẻ con, chơi mãi, đùa mãi chúng đâm nhờn, coi lão như bạn.
Cò nghe lão kể vậy thì biết vậy, không dám hỏi người lớn. Mà có thể thế thật, nhiều khi bác Thắng nhìn mẹ trông cũng giống cha nhìn mẹ lắm.
*
* *
Mới đó mà cha Cò đã đi được gần hai năm, thỉnh thoảng cha gửi thư về, mẹ đọc Cò nghe đến thuộc. Thư nào cha cũng dặn Cò ngoan và giữ mẹ cho cha. Cò nghĩ cha hay thật, mẹ đâu phải là con nít đâu mà phải giữ. Thế nhưng mười thư như một, thư nào cha cũng dặn vậy. Nhiều lần mẹ viết thư cho cha, Cò tính nhờ mẹ hỏi nhưng lại quên. Và rồi cũng đến ngày Cò viết được thư cho cha. Nó đuổi con mẹo về, đóng cửa lại trốn bạn, ngồi cả buổi sáng mới viết được mấy dòng lộn xộn kể sự việc. Kể như một người lớn. Đại ý nó viết:
... Từ ngày cha đi đến giờ làng mình có thêm nhiều hố bom, cây đa cạnh chùa tuần rồi bị bom vật ngã, chùa đổ, ông Bõ già theo các tượng phật cháy còng keo. Phật về với Phật, không biết Bõ về đâu (người lớn thở dài nói vậy). Người ta mới mở đường né chạy gần làng mình. Mẹ nói nếu bây giờ cha mới đi thì chắc sẽ đi theo đường này vào Nam chứ không phải xuống ngã ba như trước nữa. Từ ngày nghe mẹ nói vậy, chiều nào Cò cũng cùng con mẹo đứng bên đường trông cha. Mấy lần bác Thắng đến nhà nói để dạy chữ cho Cò nhưng mẹ không cho. Mẹ cũng hay thật cha nhỉ. Cha đi vắng, nhà buồn cho bác đến cho vui có sao đâu. Có lần Cò thấy mẹ vừa khóc vừa đẩy bác Thắng ra cửa, hình như bác cũng khóc, mẹ van nài: Em xin anh, thân này làm sao xẻ đôi được… em thấy… hấy Loan (Loan là o Loan đó cha) nó cũng… cũng thích anh rồi. Bác Thắng nói: Không ưng thì làm sao mà sống chung được. Loan cũng chỉ muốn lấy tôi để thay Đại. Mẹ nói: Đừng cầu toàn quá. Thôi anh về đi, miệng thế gian. Thương em thì về đi…
Mẹ đã nói vậy nhưng bác Thắng thỉnh thoảng vẫn sang nhà mình, khi thì dọi lại cái chái nhà, khi sửa giúp cánh cửa. Nghe đâu bây giờ bác làm xã đội trưởng đấy. Đêm nào mẹ cũng ôm Cò khóc nhớ cha. Dạo này bom nổ nhiều mà con mẹo ít kiếm được thức ăn, bò nông trường chết gần hết, bom riết, chúng nó cũng khôn rồi, biết chạy đi trú rồi. Cá dưới sông cũng hết rồi thì phải cha ạ. Cò với bạn với mẹo cũng không dám ra đồng săn chuột nữa đâu, mấy lần thấy khói, máy bay đến ném bom, chạy trối chết. Cha yên tâm đánh giặc. Con vẫn giữ mẹ ngoan cho cha…
Viết xong, Cò rút cái phong bì mẹ đã viết sẵn để trên tủ, cho thư vào lấy cơm nguội dán lại. Xong xuôi, nó lách cửa chạy xuống ngã ba. May có đoàn xe đang ì ạch vượt qua đoạn đường hôm qua mới bị bom phá. Nó đến bên một chiếc, đưa phong thư lên vẫy vẫy, chú lái xe biết ý với tay ra lấy, nhoẻn miệng cười, nói át cả tiếng xe: “Lớn nhanh nhanh ra chiến trường mà gặp cha, chú chỉ chuyển cho lần này thôi nhé…”. Gửi xong thư, Cò hăm hở chạy về, đã thấy mẹ lúi húi dọn dẹp trong nhà. Thấy mẹ, Cò khoe liền:
- Con vừa đi gửi thư cho cha.
- Ừ! Con ngoan, con viết gì cho cha vậy?
- Con không nhớ, viết nhiều lắm, con viết bác Thắng hay sang đây giúp mẹ con mình, cha yên tâm đánh Mỹ...
- Trời ơi…con, sao con viết vậy…. con ơi là con…
- Thì con thấy…
Mẹ ôm riết Cò vào lòng, nước mắt giàn giụa.
*
* *
Cò gửi thư cho cha được mấy tháng thì đến một ngày, Cò để ý, chiều ấy bác Thắng tha thẩn trước ngõ nhà Cò mấy lần nhưng không vào, đến khi nhọ mặt người bác mới dè dặt gõ cửa. Mẹ không cho Cò mở cửa mà chỉ ở trong nói với ra:
- Tôi xin anh, anh Thắng ơi! Anh về đi, để cho anh Đại yên lòng mà đánh nhau nữa chứ.
- Hường! - tên mẹ Cò- Hường cho tôi vào một lúc, có việc quan trọng tôi muốn bàn.
- Tôi xin anh, có việc gì để ngày mai không được à? Còn không anh đứng ngoài đó nói vô cũng được - Giọng mẹ Cò đã chùng xuống van vỉ.
- Không được! Cò ơi, Cò mở cửa cho bác vào nào.
Cò nhìn mẹ, không thấy mẹ biểu hiện gì. Cò sẽ sàng đến bên cửa rút chốt. Bác Thắng khom người bước vào. Bác chưa kịp ngồi mẹ đã hỏi trước:
- Có chuyện gì anh nói nhanh đi rồi về cho, tiếng đã đầy tai rồi đó.
Mẹ Cò nhắc vậy, nhưng bác Thắng lại không nói gì, cứ xa xa, xẩn xẩn, lúng ba lúng búng trong miệng. Bác cứ tính mở miệng rồi lại thôi. Bác ôm Còi vào lòng, thơm lên tóc, lên mặt rồi lại nhìn sang mẹ. Mẹ giục, bác cũng không nói gì. Cuối cùng bác vùng vằng:
- Thôi, chả có chuyện gì đâu… tôi về…
Thấy thế, mẹ rùng mình, ôm riệt Cò vào lòng nhìn theo bác Thắng thảng thốt. Nước mắt lưng tròng, mẹ rên lên:
- Không… không… Anh Thắng… anh quay lại cho tôi hỏi một câu đã…
Mẹ Cò tha thiết gọi nhưng bác Thắng không quay lại. Tối đó mẹ ôm Cò khóc rấm rức suốt đêm. Chốc chốc mẹ lại dậy, thắp lên bàn thờ mấy nén hương rồi lầm rầm khấn vái. Sáng ra mẹ bảo Cò sang nhà bà Thêm chơi rồi bỏ đi đâu đến ba ngày sau mới về. Mẹ sang đón Cò, tóc rã rượi, mắt thâm quầng, quần áo nhàu nhĩ, tả tơi. Mẹ ôm Cò, bà Thêm ôm cả hai mẹ con, vừa khóc bà vừa nói:
- Có khi họ nhầm…
- Cháu đã hỏi trên huyện, trên tỉnh, gặp cả người trực tiếp chôn cất anh âý… Con ơi! Cha không về với mẹ con mình nữa rồi…
- Thằng Thắng biết từ tháng trước… nhưng thấy cháu còn yếu sau trận bom dồi… nó bảo xã hãy khoan… Nó tính sang động viên nhưng lại sợ thiên hạ hiểu nhầm… Không ngờ cháu tinh… cháu nhận ra sự bất thường ở nó…
- Thành lệ rồi mà bà… có sự quan tâm đột xuất… y như rằng… Trời ơi!… anh Đại ơi...
Người làng nghe tiếng khóc của mẹ Cò, họ kéo đến đông lắm. Người bồng Cò, người dìu mẹ về nhà. O Loan mắt đỏ hoe không biết lấy đâu được tấm ảnh cha Cò lồng khung kính trao cho lão Điệt đẹn, lão loay hoay tìm cái ghế cập rập đứng lên đặt khung ảnh trên bàn thờ. O Loan là người thắp lên nén hương đầu tiên. Khi cắm hương vào bát, mắt o nhìn trân trân ảnh cha Cò. O nhìn được một lúc rồi toàn thân bỗng luội xuống như một giải lụa trước bàn thờ. Người ta vội bồng o lên giường nằm cạnh mẹ Cò. Mẹ và o ôm nhau lặng thinh, ai cũng cố ghìm tiếng nức, chỉ để cho nước mắt chảy ướt gối.
*
* *
Càng ngày làng càng đói. Mà đói là đúng thôi, cánh đồng làng trông thảm hại đến thế là cùng. Hố bom chi chít hố bom, đứng trên đồi nhìn xuống, đồng làng chẳng khác gì tấm chăn chiên rách tả rách tơi ai phơi giữa trời. Vậy mà chiều nào loa cũng ra rả: “…Xã nhà quyết phấn đấu thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người…” Từ ngày họ báo tử cha, mẹ Cò không còn lên đê trực bắn máy bay nữa mà chuyển sang làm công tác phụ nữ xã. Mẹ đi luôn. Bà Thêm nói: “Để mẹ đi cho khuây khoả”. Bác Thắng cũng đi ở thất thường nên hai nhà chỉ còn lại hai người, một già một trẻ thui thủi vào ra. Nhà trông càng quạnh quẽ hơn vì con mẹo đói, gầy, mắt toàn nhử không còn hiếu động như trước. Mẹo thường nằm trong góc nhà, đầu gác lên hai chân, dõi cặp mắt nâu buồn nhìn ra ngõ. Chắc nó nhớ những ngày đi săn chuột, chạy loăng quăng cùng cu Cò ngoài đồng. Dạo này nghe tiếng bom nó cũng ít khi lao đi, hình như nó nản, đã quá nhiều lần phải về không rồi. Những khi nó lủi thủi trở về trông thương lắm. Nhưng biết làm sao, người còn đói bạc mắt… Hàng ngày trước khi đi làm, mẹ Cò thường đưa gạo nhờ bà Thêm nấu hộ để hai bà cháu cùng ăn. Cũng có khi mẹ và bác Thằng cùng về đột xuất, bà phải thêm vào nồi vài lẻ gạo, cạo mấy củ khoai hấp lên trên rồi cũng xong bữa. Lâu dần thành quen, hai nhà mà như một. Nhiều đêm mẹ không về, Cò ôm bà ngủ, hít hà mùi cốt trầu, mùi mà mẹ Cò không có. Rồi đến một đêm, hình như đã khuya lắm, đang ngủ Cò chợt tỉnh và nghe tiếng mẹ nói trong nước mắt:
- Con xin bà… con là gái goá…, còn anh Thắng trai tân… Trước con đã phụ bạc… nay sao dám… thiên hạ họ cười…
- Ai cười được cả đời đâu con… Mẹ đã nghĩ từ lâu nhưng đợi con nguôi ngoai rồi mới dám… Anh Đại đi thiệt phận… thằng Cò nội ngoại cũng chẳng còn ai. Mẹ thương con, thương thằng Thắng. Ngày con lấy Đại, nó thề chẳng lấy ai mặc cho mấy lần mẹ doạ chết nó vẫn trơ trơ… Con thương lấy nó, thương mẹ. Mẹ thấy hai bác cháu chúng nó cũng mết nhau lắm.
Cò không nghe mẹ trả lời, hình như mẹ đang cố kìm tiếng khóc. Tiếng khóc thầm trong đêm quạnh nghe cũng lớn lắm, tủi lắm. Thương mẹ, Cò không khóc mà nước mắt cũng thấm ướt gối. Cò gìm tiếng nức, úp mặt vào gối rồi ngủ tự lúc nào, sáng dậy mẹ đã đi.
*
* *
Bom ngày càng rớt xuống làng nhiều hơn. Cái dậu cúc tần giữa hai nhà đã được phá chỉ còn chừa lại bụi tầm xuân, đầy năm mẹ sinh em Thiên. Quen miệng, Cò vẫn gọi bác Thắng là bác mặc cho nhiều lần người lớn bảo gọi bằng dượng. Lão Điệt đẹn không còn tếu táo như trước. Lão tập uống rượu say bét nhè. Có lần gặp mẹ Cò giữa đường, đang trong cơn say lão ôm mặt khóc: “Sao Hường không hiểu cho tôi, tôi khổ lắm…”. Thấy vậy mẹ lách qua lão đi thẳng nhưng hình như mắt mẹ buồn, ựng nước. Đa đoan khổ! Người lớn nói vậy. Người ta dựng lại chùa làng. Mái tóc dài của o Loan không còn, thay vào đó là tấm khăn đen trùm kín đầu, o lên chùa mới ở. Đói, cả làng đói nên nhà Cò cũng không ngoại lệ. Mẹ sinh em không có gì tẩm bổ, thiếu sữa em khóc nheo nhoé suốt ngày đêm, tóc mẹ rụng xơ rụng xác. Bao giờ cũng vậy, trước khi đi làm, bác Thắng thường thơm em Thiên, xoa đầu Cò dặn: “Con đừng đi chơi đâu xa để khi nghe báo động còn về kịp đưa bà và em xuống hầm”. Có nhiều đêm bác không về, bà Thêm, mẹ Cò nhìn chớp lửa phòng không phía bác đến mà lo ngay ngáy. Em Thiên đúng một tuổi, chập tối trước khi đi, bác ôm em rất chặt, chặt đến nỗi em khóc ré lên và tè cho bác một bãi ướt cả vạt áo. Mẹ bảo thay, bác nói để vậy cho đỡ nhớ, bác còn ngửa cả bàn tay ra bảo: “Hường nhổ vào đây một miếng”. Mẹ nguýt bác. Cò thấy nhớ cha, Cò muốn khóc. Con mẹo cứ chạy vòng quanh bác Thắng tru lên từng hồi, bà Thêm thấy thế vớ cái chổi trện phang cho nó mấy cái, nó kêu ăng ẳng rồi lại chạy vòng quanh bác Thắng mà tru. Bác nói: “Chắc nó muốn tìm bạn tình”. Khi bác dợm chân ra ngõ, mẹo chạy theo cắn ống quần kéo lại, bác đành ngồi xuống xoa đầu nó nhỏ nhẹ: “Mẹo ngoan ở nhà với cu Cò, với bà”.
Bác Thắng đi được gần tiếng đồng hồ thì bom nổ phía nông trường. Com mẹo lập tức lao đi. Mẹ Cò và bà Thêm nhìn theo ngạc nhiên, đã lâu nó có còn chạy đi khi nghe tiếng bom nữa đâu? Đang ngủ tự dưng em Thiên khóc ré lên, mẹ dỗ thế nào cũng không chịu nín. Dứt bom một lúc, con mẹo lao về, trên miệng cắp theo một mảng thịt thâm khói bom. Bà Thêm tính xoa đầu con mẹo khen ngoan thì nó lại chạy vòng quanh, vừa cắp miếng thịt vừa tru lên những tràng đứt ruột. Cò đuổi theo, con mẹo như hoá điên, nó thả miếng thịt xuống, nhe hàm răng trắng ởn ra đe doạ. Cò tính xông vào cướp miếng thịt nhưng bị bà Thêm chụp lấy tay giữ riệt. Bà nói: “Chắc nó bị dại!”. Cả nhà đang loay hoay không biết xử sự với con mẹo thế nào thì người ta đưa bác Thắng về. Bác nằm trên võng, đắp ngang người một chiếc chăn chiên, ai cũng cản nhưng mẹ thét lên rồi như điên như dại giật tấm chăn chiên ra. Toàn bộ phần ngực bác Thắng không còn. Mẹ lả xuống như lá chuối bị lửa táp. Lão Điệt đẹn khoẻ lạ, xốc nách mẹ Cò đưa vào giường. Lão khóc rống lên: “Sao khổ mãi vậy Hường ơi…”. Bà Thêm xoã tóc cười sằng sặc chạy lên chùa, trên đó tiếng gõ mõ tụng kinh của o Loan vẫn đều đều… A di đà Phật cứu khổ cứu nạn… A di đà Phật cứu khổ cứu nạn… Khi người ta chuẩn bị nhập lượm bác Thắng, con mẹo lẳng lặng bỏ ra ngoài, ai đó tò mò nhặt mảng thịt rồi rú lên chết giấc. Mảng thịt được rửa nước thơm đắp lên ngực bác Thắng trước khi cho vào quan tài.
Bà Thêm ở hẳn trên chùa. Em khóc, Cò đói nên mẹ không thể nằm lâu. Mẹ gượng dậy, đi lại vật vờ như cái bóng. Nhiều bữa may nhờ nổi sắn luộc của lão Điệt đẹn cả nhà mới có cái ăn.
*
* *
Cứ mỗi lần đi qua hố bom của đêm kinh hoàng là mẹ Cò như thấy hiển hiện cảnh bác Thắng tơ tướp trong đêm người ta khiêng về. Đến khi không chịu được nữa. Sức yếu không thể lấp hố bom, mẹ ra ao chùa xin mấy chồi sen thả xuống. Người ta nói thời gian đó lão Điệt đẹn đêm đêm thường ra đồng một mình, tinh sương về, người bê bết bùn đất. Chưa đầy năm, tất cả các hố bom trên cánh đồng làng sen đã lan đầy. Đứng trên đồi nhìn xuống, đồng làng như tấm thảm hoa. Hết bom lúa lại lên xanh, mùa sen nở cũng là mùa lúa chín. Sen lúa rập rờn toả hương tơm ngát đồng làng. Mẹ vẫn làm việc xã, đi vắng luôn. Lão Điệt không còn say rượu nữa, cũng ít đùa với trẻ con, tuy người vẫn không lớn thêm nhưng trông lão già dặn hẳn, trẻ con gặp lão đều lễ phép chào một bác Điệt, hai bác Điệt, không đứa nào dám đệm thêm chữ đẹn phía sau. Những lúc mẹ đi vắng bác thường sang nhà Cò, khi thì sửa lại cái hàng rào, khi giẫy cỏ trong vườn. Cũng có khi bác đang làm dở thì mẹ Cò về. Thấy mẹ, tay bác như đồ đi mượn, buộc nuộc lạt giang cũng không chặt. Nhà bếp dột, bác Điệt giúp lợp lại, mẹ đứng dưới trao tranh, bác Điệt mặc cái quần xoóc lửng của cha Cò rồng thùng thình. Thấy thế mẹ bụm miệng cười, bảo bác lấy sợi giây giang buộc túm hai ống quần lại. Cũng nhờ có bác Điệt nên nhìn vào nhà mẹ con Cò không đến nỗi cô quạnh, hoang tàn. Cò thường đưa em Thiên lên chùa chơi cùng bà, cùng sư Loan. Con mẹo dạo này đã phẳn lại, Cò giữ cho em Thiên cưỡi lên lưng mẹo. Thiên thích chí, cười răng rắc, cầm nắm lông dày nơi cổ con mẹo giật giật như phi ngựa, miệng hát ngọng líu ngọng lô…ong ong ong ngựa ong đã về…cắt cỏ bồ dề cho ngựa ong ăng… Cây đa đổ ngày xưa còn sót lại mấy cái rễ, từ đó rễ mọc thành cây, cây nay đã mơn mởn lớn, bóng đa toả mát sân chùa. Chiều nào cũng vậy, tiếng chuông chùa buông lan trên cánh đồng làng rập rờn lúa và sen.
11-2005