Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh), "ông hoàng của thơ tình". Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào "Thơ Mới". Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).
Tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha, quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha là ông Ngô Xuân Thọ và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp. Xuân Diệu lớn lên ở Qui Nhơn. Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang), sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938–1940). Ông tốt nghiệp cử nhân Luật 1943 và làm Tham tá thương chánh ở Mỹ Tho một thời gian trước khi chuyển về ở Hà Nội.
Bên cạnh sáng tác thơ, ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiên Phong. Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam. Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ lãng mạn trữ tình, "nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh), "ông hoàng của thơ tình". Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào "Thơ Mới". Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945), truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).
Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống. Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân, ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu. Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy, sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu, tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh. (Huy Cận, tháng 4 năm 2000)
Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc, làm Thư ký tạp chí Tiền phong của Hội. Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam, làm Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc. Xuân Diệu tham gia Ban chấp hành, nhiều năm là Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng, một "dòng thơ công dân". Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ: có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình. Tiêu biểu là: Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982), Tuyển tập Xuân Diệu (1983). Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam, Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố), một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.
Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội, và cũng được đặt cho một trường trung học phổ thông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Nhà thơ Xuân Diệu cùng vợ chồng nhà thơ Huy Cận, Xuân Như tại Chiến khu Việt Bắc
Tác phẩm đã xuất bản:
Thơ:
Thơ thơ (1938, 1939, 1968, 1970)
Gửi hương cho gió (1945, 1967)
Ngọn Quốc kỳ (1945, 1961)
Hội nghị non sông (1946)
Dưới sao vàng (1949)
Sáng (1953)
Mẹ con (1954)
Ngôi sao (1955)
Riêng chung (1960)
Mũi Cà Mau - Cầm tay (1962)
Một khối hồng (1964)
Hai đợt sóng (1967)
Tôi giàu đôi mắt (1970)
Hồn tôi đôi cánh (1976)
Thanh ca (1982)
Văn xuôi
Phần thông vàng (1939, truyện ngắn)
Trường ca (1945, bút ký)
Miền Nam nước Việt (1945, 1946, 1947, bút ký)
Việt Nam nghìn dặm (1946, bút ký)
Việt Nam trở dạ (1948, bút ký)
Ký sự thăm nước Hung (1956, bút ký)
Triều lên (1958, bút ký)
Tiểu luận phê bình
Thanh niên với quốc văn (1945)
Tiếng thơ (1951, 1954)
Những bước đường tư tưởng của tôi (1958, hồi ký)
Ba thi hào dân tộc (1959)
Phê bình giới thiệu thơ (1960)
Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm (1961)
Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961)
Dao có mài mới sắc (1963)
Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966)
Đi trên đường lớn (1968)
Thơ Trần Tế Xương (1970)
Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971)
Và cây đời mãi xanh tươi (1971)
Mài sắt nên kim (1977)
Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978)
Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập I, 1981; tập II, 1982)
Tìm hiểu Tản Đà (1982).
Dịch thơ
Thi hào Nadim Hitmet (1962)
V.I. Lênin (1967)
Vây giữa tình yêu (1968)
Việt Nam hồn tôi (1974)
Những nhà thơ Bungari (1978, 1985)
Nhà thơ Nicôla Ghiđen (1982). [5]
VỘI VÀNG
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi .
Của ong bướm này đây tuần tháng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi .
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng . Nhưng vội vàng một nửa;
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất .
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian,
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại!
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;
Mùi tháng, năm đều rớm vị chia phôi,
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt ...
Con gió xinh thì thào trong lá biếc,
Phải chăng buồn vì nỗi phải bay đi ?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa ?
Chẳng bao giờ, ôi, chẳng bao giờ nữa ...
Mau lên đi màu chưa ngả chiều hôm,
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây và cỏ rạng,
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi !
LỜI KỸ NỮ
Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa
Vội vàng chi trăng sáng quá, khách ơi .
Đêm nay rằm : yến tiệc sáng trên trời;
Khách không ở, lòng em cô độc quá .
Khách ngồi lại cùng em! Đây gối lả .
Tayem đây mời khách ngả đầu say;
Đây rượu nồng . Và hồn của em đây,
Em cung kính đặt dưới chân hoàng tử .
Chớ đạp hồn em! Trăng từ viễn xứ
Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn .
Gió theo trăng từ biển thổi qua non;
Buồn theo gió lan xa từng thoáng rợn .
Lòng kỹ nữ cũng sầu như biển lớn
Chớ để riêng em phải gặp lòng em ;
Tay ái ân du khách hãy làm rèm,
Tóc xanh tốt em xin nguyền dệt võng .
Đẩy hộ hồn em triền miên trên sóng ,
Trôi phiêu liêu không vọng bến hay gành ;
Vì mình em không được quấn chân anh,
Tóc không phải những dây tình vướng víu,
Em sợ lắm . Giá băng tràn mọi nẻo .
Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da .
Người giai nhân bến đợi dưới cây già,
Tình du khách : thuyền qua không buộc chặt .
Lời kỹ nữ đã vỡ vì nước mắt
Cuộc yêu đương gay gắt vị làng chơi .
Người viễn du còn bận nhớ xa khơi,
Gỡ tay vướng để theo lời gió nước .
Xao xác tiếng gà . Trăng ngà lạnh buốt
Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi .
Du khách đi . Du khách đã đi rồi .
CHIỀU
( Tặng Nguyễn Khắc Hiếu )
Hôm nay, trời nhẹ lên cao ,
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn .
Lá hồng rơi lặng ngõ thôn,
Sương trinh rơi kín từ nguồn yêu thương
Phất phơ hồn của bông hường
Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng .
Nghe chừng gió nhớ qua sông,
E bên lau lách thuyền không vắng bờ .
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu .
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều,
Lòng không sao cả, hiu hiu khẽ buồn ...
PHẢI NÓI
..Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ ?
..Anh tham lam, anh đòi hỏi quá nhiều,
..Anh biết rồi , em đã nói em yêu;
..Sao vẫn muốn nhắc một lời đã cũ ?
-Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ,
Nếu em yêu mà chỉ để trong lòng;
Không tỏ hay, yêu mến cũng là không .
Và sắc đẹp chỉ làm bằng cẩm thạch .
Anh thèm muốn vô biên và tuyệt đích .
Em biết không ? Anh tìm kiếm em hoài .
Sự thật ngày nay, không thạt đến ngày mai ...
Thì ân ái có bao giờ lại cũ ?
Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ ,
Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần ;
Phải mặn nồng cho mãi mãi đêm xuân,
Đem chim bướm thả trong vườn tình ái .
Em phải nói, phải nói và phải nói
Bằng lời riêng nơi cuối mắt, đầu mày
Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn, chiều say,
Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay riết .
Bằng im lặng, bằng chi anh có biết!
Cốt nhất là em chớ lạnh như đông .
Chớ thản nhiên bên một kẻ cháy lòng ,
Chớ yên ổn như mặt hồ nước ngủ .
Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ .
VÌ SAO
Tặng Đoàn Phú Tứ
Bữa trước giêng hai dưới nắng đào
Nhìn tôi cô muốn hỏi "vì sao " ?
Khi tôi đến kiếm trên môi đẹp
Một thoáng cười yêu thỏa khát khao
Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên
Tôi đã đày thân giữa xứ phiền
Không thể vô tình qua trước cửa
Biết rằng gặp gỡ đã vô duyên ?
Ai đem phân chất một mùi hương
Hay bản cầm ca ! Tôi chỉ thương
Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc
Như thuyền ngư phủ lạc trong sương
Làm sao cắt nghĩa được chữ yêu !
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhẹ nhẹ, gió hiu hiu ...
Cô hãy là nơi mấy khóm dừa
Dầm chân trong nước đứng say sưa
Để tôi là kẻ qua sa mạc
Tạm lánh hè gay: - Thế cũng vừa
Rồi một ngày mai tôi sẽ đi
Vì sao, ai nỡ hỏi làm chi
Tôi khờ khạo quá, ngu ngơ quá
Chỉ biết yêu thôi , chẳng biết gì .
XA CÁCH
Có một bận, em ngồi xa anh quá,
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút; anh hờn.
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa
Anh sắp giận, em mỉm cười, vội vã
Đến kề anh, và mơn trớn: "Em đây !"
Anh vui liền; nhưng bỗng lại buồn ngaỵ
Vì anh nghĩ: thế vẫn còn xa lắm.
Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
Ôi trời xa, vừng trán của của người yêu !
Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
Mà ta riết giữa đôi tay thất-vọng.
Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em; anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn lý trường thành
Của hai vũ-trụ chứa đầy bí-mật.
Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất,
Quá khứ anh; anh không nhắc cùng em.
- Linh hồn ta còn u ẩn hơn đêm,
Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.
Kiếm mãi, nghi hoài, hay ghen bóng gió,
Anh muốn vào dò xét giấc em mợ
Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,
Cũng như em giấu những điều quá thực ...
Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực!
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!
Những cánh tay! Hãy quấn riết đôi vai!
Hãy dâng cả tình yêu lên sóng mắt!
Hãy khắng khít những cặp môi gắn chặt
Cho anh nghe đôi hàm ngọc của răng;
Trong say sưa, anh sẽ bảo em rằng:
"Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!"
TƯƠNG TƯ CHIỀU
Bữa nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm ,
Anh nhớ em , em hỡi ! Anh nhớ em .
Không gì buồn bằng những buổi chiều êm ,
Mà ánh sáng nhoa`dần cùng bóng tối .
Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối ;
Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành ;
Mây theo chim về dãy núi xa xanh
Từng đoàn lớp nhịp nhàng và lặng lẽ .
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ .
Thôi hết rồi ! Còn chi nữa đâu em !
Thôi hết rồi , gió gác với trăng thềm ,
Với sương lá rụng trên đầu gần gũi .
Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi .
(Được giận hờn nhau ! Sung sướng bao nhiêu !)
Anh một mình, nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh .
Anh nhớ tiếng . Anh nhớ hình . Anh nhớ ảnh .
Anh nhớ em , anh nhớ lắm ! Em ơi !
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi ,
Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời ,
Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm .
Em ! xích lại ! và đưa tay anh nắm !
Gió bao lần, từng trận nhớ thương đi,
-- Mà kỷ niệm ôi, còn gọi ta chi ...
VỚI BÀN TAY ẤY
Với bàn tay ấy ở trong tay,
Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày,
Một tối trăng cao gieo mộng tưởng
Vào lòng gió nhẹ thẩn thơ bay.
Một tối bầu trời đắm sắc mây,
Cây tìm nghiêng xuống cánh hoa gầy.
Hoa nghiêng xuống cỏ , trong khi cỏ
Nghiêng xuống làn rêu , một tối đầy.
Những lời huyền bí toả lên trăng,
Những ý bao la rủ xuống trần,
Những tiếng ân tình hoa bảo gió,
Gió đào thỏ thẻ bảo hoa xuân.
Bóng chiều đi vụt : bỗng đêm nay
Tôi lại đa mang hận tháng ngày
Dưới ánh trăng cười , tôi kiếm mãi
Dấu bàn tay ấy ở trên tay
TỨ TUYỆT TƯƠNG TƯ
Lâu lắm em ơi, tháng rưỡi rồi
Sao nhiều xa cách thế, em ơi!
Sớm trông mặt đất thương xanh núi;
Chiều vọng chân mây nhớ tím trời.
Bỗng nhiên trời đất nhớ người yêu
Cây vắng : chim bay, nắng vắng chiều
Nước cũng lơ thơ, bờ líu ríu
Mây chừng ấy đó, gió bao nhiêu...
Hoa tím tương tư đã nở đầy!
Mời em dạo bước tới vườn đây
Em xem : yêu mến em gieo hạt
Hoa tím tương tư đã nở đầy...