11-05-2020 - 14:19

Nguyễn Thị Hà – Người nghệ nhân của nhân dân

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hà may mắn vì được sinh ravà lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn hóa nghệ thuật, tại xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh – nơi có “Trường Lưu bát cảnh” - quê hương của các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy là những người ham mê hát dân ca Ví Giặm. Mảnh đất này xưa kia có nhiều cô gái hát hay người đẹp, thu hút nhiều giai nhân tài tử khắp nơi về đây đua tài, đọ sức: “Xôi nếp cái, gái Trường Lưu/ Văn nhân tài tử dập dìu/ Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang”.

Sinh năm 1953, ngay từ khi còn bé, Nguyễn Thị Hà đã được tắm mình trong làn điệu Hát phường vải Trường Lưu. Làng này xưa nay được coi là cái nôi của Hát Ví phường vải Nghệ Tĩnh, là nơi sinh ra các nghệ nhân dân gian nổi tiếng còn lưu lại trong ký ức của dân làng và tác phẩm thi ca. Đặc biệt, hai làng Trường Lưu (Can Lộc) và làng Tiên Điền (Nghi Xuân) với dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, họ Nguyễn Tiên Điền là hai dòng họ ở hai phía Đông - Tây của dãy Ngàn Hống đã làm nên một thời kỳ “vàng son” nhất trong lịch sử văn học Việt Nam, như học giả Hoàng Xuân Hãn đó nhận định là đã xuất hiện hẳn một Hồng Sơn Văn phái. Ông nói: “Thật ngẫu nhiên là hai vùng đất ở hai huyện cùng chung nhau hai mái núi Hồng này lại có một dòng họ “cha truyền con nối” đỗ đạt, làm quan và để lại những tác phẩm văn học bất hủ cho dân tộc và nhân loại”. Dân làng nơi đây sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và nghề bông vải. Đây là quê hương của các danh nhân nổi tiếng: Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Hào, Nguyễn Huy Vinh, Nguyễn Huy Phó v.v…Trường Lưu có nhiều địa danh, phong cảnh đẹp như Mái Quan thị, đỉnh Thượng sơn, sân Cổ miếu, giếng Thạc truyền, chuông Hậu tự, mõ Nghĩa thương, Phúc Giang thư viện,…chính vì vậy mà dân làng tự hào gọi là Trường Lưu bát cảnh.

Tự hào về truyền thống quê hương, trong suốt hơn 40 năm qua, bản thân nhờ có sự truyền dạy của chú mình là NSUT. Trần Đức Duy và các thế hệ nghệ nhân đi trước như NSUT. Xuân Năm, NSUT. Thanh Bảng…cộng với sự đam mê, tự học hỏi đến nay nghệ nhân nắm giữ được năm thể hát ví gồm: Hát Ví phường cấy, Ví phường vải, Ví phường nón, Ví đò đưa và một số làn điệu khác.  Thời gian như những lớp phù sa ngày càng bồi lắng trong tâm hồn nghệ nhân Nguyễn Thị Hà tình yêu, niềm tự hào về câu ví quê hương để tình yêu ấy cứ đằm sâu trong từng câu hát.

NNUT Nguyễn Thị Hà (đứng) và NNDG Trần Thị Lý (giữa) 
với Hát Ví phường vải Trường Lưu. Ảnh: Tư liệu

Hát Ví phường vải là một điệu ví của phường quay xa, dệt vải. Vào những dịp nông nhàn, trong những đêm thời tiết tốt, quanh năm bảy chiếc xa quay sợi, những tiếng hát hay qua những câu đối đáp tài tình, tao nhã của hai phe nam nữ đã lôi cuốn được bao nhiêu người, từ những người bình dân đến những bậc cự nho như Tú San, Mền Cơ (tú tài Hoàng Đình Thực ở xã Thịnh Lạc), Giải San…Do vậy, Hát Ví phường vải chính là sự kết hợp giữa những người trí thức với người lao động. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ vừa mang tính dân gian, vừa mang tính bác học. Nhờ có sự có sự tham gia tích cực của các tao nhân, mặc khách, các nhà nho nên lời ca trong đối đáp giao duyên Hát Ví phường vải thường rất trong sáng, tao nhã và tình tứ, không dân dã, mộc mạc như một số loại hình dân ca phổ biến khác. Sự đặc biệt này còn được thể hiện bởi các thủ tục, lề lối của cuộc hát phường vải khá chặt chẽ, bài bản. Thông thường một cuộc Hát Ví phường vải có 3 chặng, 7 bước, gồm:  Hát dạo, hát chào hỏi; hát đố, hát đối; hát xe kết, hát mừng, hát tiễn. Điều đặc biệt nhất là trong sinh hoạt hát Ví Phường vải, theo tập quán phe nữ dường như ít khi phải đến nhà nam và đây cũng là một thuận lợi, một thế mạnh cho phe nữ, họ ngồi nhà vừa làm nghề kéo bông, sợi vừa hát: Nguyệt dạ canh trường/ Dăm ba o ngồi lại/ Trước là nghề bông vải/ Sau hò hát vui chơi…Con trai trong làng, ngoài xã, sau khi cày bừa ban ngày mệt nhọc, ban đêm muốn có giải trí văn nghệ nên phải tìm đến nhà nữ để hát: Đến đây xin hỏi mấy lời/ Nghe đồn hai o hát giỏi, có phải người đây không? …

Khôi phục Hát Ví phường vải ở Trường Lưu phải ghi nhận công lao của những người con yêu nghệ thuật trong làng như NSUT. Trần Đức Duy, nghệ sĩ Nguyễn Đức Dần, nghệ sĩ Trần Ngọc Liên, trong đó  NSUT. Trần Đức Duy là một người nghệ nhân - nghệ sỹ được ví là có giọng chuông vàng. Tuy nhiên, sau khi NSUT. Trần Đức Duy và các nghệ sĩ quê hương mất đi, phong trào ca hát ở làng Trường Lưu gần như cũng mất theo. Nghề trồng dâu nuôi tằm cũng không còn, Hát Ví phường vải cũng vì thế mà tắt ngấm trong một thời gian khá dài.

Trước sự mai một về Dân ca Ví Giặm trên quê hương làng Trường Lưu và với những hiểu biết của mình về dân ca Nghệ Tĩnh, nghệ nhân Nguyễn Thị Hà đã bàn với nghệ nhân Trần Thị  Lý (con gái của NSUT. Trần Đức Duy) cùng phối hợp tổ chức mở lớp truyền dạy miễn phí cho lớp trẻ xã nhà và các xã lân cận một tuần hai buổi tối. Nhờ sự tâm huyết và tài thuyết phục, vận động của hai nghệ nhân, người theo học Dân ca Ví Giặm ngày càng đông.

Với tinh thần “mưa dầm thấm lâu”, các nghệ nhân đã không biết mệt mỏi, nghệ nhân Nguyễn Thị Hà và nghệ nhân Trần Thị  Lý đích thực là người nông dân chân lấm tay bùn, đời sống vật chất cũng không mấy khá giả, nhưng họ sẵn sàng bỏ cả tiền túi của mình từ việc bán từng hạt lúa củ khoai để lo điện, nước cho câu lạc bộ sinh hoạt hàng tuần. Nhờ sự say mê, nhiệt huyết của hai nghệ nhân nên số học viên theo học ngày càng đông. Hiện nay số học viên do hai nghệ nhân đào tạo và truyền dạy lên tới khoảng gần 200 người, có người đã thoát ly, người đi lấy chồng và có người làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Trong đó có nhiều học viên trẻ đã đi tham gia liên hoan hát dân ca cấp huyện, cấp tỉnh và đạt giải cao, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian địa phương. Tiêu biểu như các  học viên: Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Sương, Trần Đình Hùng, Nguyễn Thị Vân, Phạm Thành Trung, Trần Thị Cẩm Tú, Trần Thị Thanh…

Gắn bó với quê hương, với đồng ruộng, người nghệ nhân luôn phải tất bật với cuộc mưu sinh, nhưng mỗi buổi sinh hoạt văn nghệ bên ấm nước chè xanh, họ dường như đã quên đi vất vả đời thường để thả hồn theo từng điệu ví. Niềm say mê ấy đã thực sự tiếp lửa cho các thế hệ hôm nay biết yêu quý những giá trị di sản vô giá mà cha ông để lại. Nếu như ở Trần Thị Lý có lợi thế là được cha mình truyền nghề cho các lối hát, thì ở Nguyễn Thị Hà là năng khiếu trong việc sáng tác và dàn dựng những làn điệu mới. Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng nhưng ở họ đều có một điểm chung đó là niềm say mê và tình yêu mãnh liệt đối với dân ca ví giặm.

Điều đáng trân trọng đối với  nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hà và nghệ nhân dân gian Trần Thị Lí này là họ không hề được tham gia đào tạo chuyên ngành nghệ thuật dù là ngắn hạn hay dài hạn cả, mà chủ yếu qua truyền miệng của NSUT. Trần Đức Duy và các bậc lão thành. Nhưng chính  họ là những tác nhân quan trọng trong việc gìn giữ, trao truyền vốn quý của cha ông cho lớp trẻ đúng ý nghĩa đích thực: không lai tạp. Nhờ vậy mà dẫu nay đã bước sang tuổi 70, nhưng giọng hát của 2 nữ nghệ nhân dân ca ví giặm làng Trường Lưu vẫn mượt mà, sâu lắng, mang một kiểu cách  rất riêng.     

Tiết mục diễn xướng "Gái phường vải, trai làng rèn"
Của CLB Hát phường vải Trường Lưu - Ảnh: Tư liệu
      

Trong quá trình thực hành diễn xướng dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, nghệ nhân Nguyễn Thị Hà và nghệ nhân Trần Thị Lý luôn thể hiện sự cháy bỏng sự đam mê của mình. Họ cũng là những thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ Hát phường vải Trường Lưu. Tuy vậy, trong điều kiện cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm, đầu tư nên câu lạc bộ Hát phường vải Trường Lưu không mấy khi dành được giải cao trong các hội thi, hội diễn và nếu có được giải đi nữa thì bản thân 2 nghệ nhân này cũng không dành được giải thưởng nào dành cho riêng mình, bởi những con người “chân lấm tay bùn” này dẫu có hát hay, hát đúng đến mấy, nhưng họ vẫn luôn mặc cảm với tuổi tác và thiếu tự tin đứng ra trình diễn trên các sân khấu lớn. Những người “thầy nhà bà làng” chỉ biết “cầm tay chỉ việc” cho lớp trẻ, luôn đứng sau cánh gà sân khấu hồi hộp, “nín thở” để chờ đón sự thành, bại của các cháu sau mỗi kỳ liên hoan, hội diễn. Sự thiệt thòi của các nghệ nhân này dẫu sao cũng được anh em bạn bè trong làng hát dân ca ví giặm ở Hà Tĩnh tôn vinh là “Những người nghệ nhân của nhân dân” hay “Những người giữ lửa câu ví Trường Lưu, bởi họ vô cùng chân quê, mộc mạc như củ khoai, hạt lúa. Đáng trân quý hơn, họ là những người chỉ biết hy sinh, chứ không biết đòi hỏi! Với các nghệ nhân, phần thưởng và niềm vui lớn nhất đó là sự cống hiến không mệt mỏi của họ đã được ghi nhận bằng sự lan tỏa của phong trào hát ví trong đời sống cộng đồng. Nhờ đó, ở Trường Lưu, kho tàng văn hóa vô giá mà ông cha để lại vẫn còn nguyên vẹn với thời gian và lan tỏa mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của các thế hệ tiếp nối bởi sự nhen nhóm và giữ lửa của các nghệ nhân làng Trường Lưu.

Với những cống hiến thầm lặng cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, năm 2012, nghệ nhân Nguyễn Thị Hà và nghệ nhân Trần Thị Lý đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Tiếp đó năm 2015,  nghệ nhân Nguyễn Thị Hà tiếp tục được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Phan Thư Hiền

. . . . .
Loading the player...