19-02-2020 - 08:21

Nguyễn Khắc Hùng – Người nghệ nhân của vùng sơn cước Hà Tĩnh

Những người yêu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh không mấy ai là không biết đến Nguyễn Khắc Hùng bởi anh từng là một thầy giáo dạy văn giỏi, lại là tác giả đã viết và biểu diễn thành công nhiều tổ khúc dân ca cũng như ca khúc mang âm hưởng dân ca Nghệ Tĩnh về quê hương, đất nước.

       Nghệ nhân Nguyễn Khắc Hùng, sinh năm 1949 trong một gia đình có truyền thống văn hóa, văn nghệ nhiều đời. Bà nội anh là người thuộc làu Truyện Kiều từ câu mở đầu đến câu kết thúc. Chính bà đã gieo vào lòng Nguyễn Khắc Hùng, đứa cháu bé bỏng của mình lòng mê say dân ca từ thuở nằm nôi bằng những lời ru bổng trầm rút trong các tích truyện“Mụ Phó Đông Giang”, “Lưu Bình – Dương Lệ”, “Truyện Kiều”…Đặc biệt, cha đẻ của Nguyễn Khắc Hùng (tức là ông Nguyễn Khắc Oánh) lúc sinh thời là một nhà soạn Tuồng, ông vừa tác giả, vừa đạo diễn, lại kiêm đóng những kép chính. Mặc dù ông Nguyễn Khắc Oánh mất tính đến nay cũng đã hơn 10 năm trời, song những công trình của ông sưu tầm và biên soạn còn lưu truyền rộng rãi trong dân và được các đội văn nghệ không chuyên trên địa bàn các huyện Đức Thọ - Hương Khê (nay là huyện Vũ Quang) phục dựng nhiều lần.

       Lên 10 tuổi, Nguyễn Khắc Hùng đã theo gánh hát của cha đi lưu diễn nhiều nơi trong tỉnh và huyện. Mới đầu, anh tham gia đóng những vai phụ trong các tấn Tuồng dài, dần dà mới được cha mình giao cho đóng vai các kép chính. Nhờ có quá trình trải nghiệm trên sân khấu, mà từ đó Nguyễn Khắc Hùng say mê với loại hình nghệ thuật biểu diễn. Anh đã tích cực tham gia hoạt động phong trào văn nghệ quần chúng trong nhà trường cũng như tại địa phương. Hầu như anh không bỏ sót một cuộc liên hoan, hội diễn nào do tỉnh và huyện tổ chức.

       Những năm tháng ngồi trên ghế đại học là những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. Trường Đại học sư phạm Vinh hồi bấy giừo hết sơ tán ra Quỳnh Lưu, lại chạy vào Yên Thành, chỉ lo học cho được đã vất vả lắm rồi, thế mà Nguyễn Khắc Hùng vẫn không quên được âm nhạc. Anh và một số bạn trong khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Vinh lập ra một đội văn nghệ có chất lượng khá, được chọn hát phục vụ cho các chiến sĩ ra trận, được Đài Phát tiếng nói Việt Nam thu thanh. Riêng Nguyễn Khắc Hùng đã có lần hát cho đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn nghe.

       Các bài hát, tổ khúc dân ca mà Nguyễn Khắc Hùng sáng tác và biểu diễn đạt giải cao ở tỉnh và huyện như: “Sông La bản tình ca”, “Em hãy về quê anh”, “Trần Phú – Tôi hát mãi tên người”, “Đêm trăng biên cương nhớ Bác”…

       Khán giả khi xem chương trình của anh, không ai nghĩ là anh lại chưa qua một trường lớp nhạc lí cơ bản nào, vì tác phẩm nào, anh viết cũng rất chỉnh chu và bài bản. Phải chăng lòng đam mê âm nhạc, nhu cầu của cuộc sống và tình yêu quê hương đã giúp anh thành công trên con đường nghệ thuật của mình. Làm nghề nhà giáo nên Nguyễn Khắc Hùng hiểu rất rõ tác dụng của văn hóa văn nghệ. Chính nó là cái cầu nối tâm hồn giữa tác giả và người xem; bắc nhịp tình cảm giữa thầy và trò.

       Các bài hát của Nguyễn Khắc Hùng viết về nhịp cầu quê hương, về vùng quê, về nhà trường…chính các em học sinh là thính, khán giả và là những ca sĩ đầu tiên cảm nhận, yêu mến nó. Con đường đi tới thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình, Nguyễn Khắc Hùng phải trải qua rất nhiều giai đoạn: Tập làm diễn viên trên sân khấu - tự học để ngồi vào ghế nhạc công - mày mò nghiên cứu để sáng tác và đạo diễn…Trải qua gần 40 năm gắn bó với nghề văn hóa nghệ thuật, cho đến nay, Nguyễn Khắc Hùng có quyền tự hào đã trở thành cây bút chủ lực, đạo diễn xuất sắc, nghệ nhân gạo cội của vùng sơn cước Vũ Quang – Hương Khê – Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh.

       Hiện nay do tuổi cao, nghệ nhân Nguyễn Khắc Hùng ít xuất hiện trên sân khấu với vai trò diễn viên hơn những năm trước đây, nhưng tình yêu nghệ thuật của anh vẫn không hề thay đổi, giọng hát của anh ngày càng sâu lắng hơn; tay nghề đạo diễn của anh tỏ ra xuất sắc hơn và tác phẩm của anh viết ra cũng ngày càng chín hơn, đằm thắm hơn. Nghệ nhân Nguyễn Khắc Hùng dành nhiều thời gian để biên soạn và chuyển thể nhiều tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh cho các cơ quan, trường học, câu lạc bộ dân ca ví giặm xã nhà biểu diễn. Tiêu biểu như: “Tấm áo nên duyên”; “Sáng đẹp một miền quê”….

       Gần đây, nghệ nhân Nguyễn Khắc Hùng tập trung nhiều cho việc sưu tầm,  khôi phục các không gian diễn xướng cổ truyền của cả một vùng miền núi trung du rộng lớn – quê anh, nơi trước đây có nhiều làn điệu độc đáo đang dần bị mai một như: Hò khoan đi đường, Hò xeo gỗ; Hát phường chăn trâu, cắt cỏ; Hát Ví sông La; Hát giặm giao duyên nam nữ... Đồng thời anh tập trung chăm lo công tác trao truyền cho lớp trẻ, biết hát để tiếp nối những làn điệu cổ truyền của cha ông.

NN Nguyễn Khắc Hùng (đầu, bên trái) tại Lễ vinh danh Người có công bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm (Ảnh: Nguồn Báo Hà Tĩnh)

       Với những cống hiến âm thầm lặng lẽ và đầy tâm huyết, năm 2018, nghệ nhân Nguyễn Khắc Hùng vinh dự được đón nhận danh hiệu Nghệ dân gian tại lễ vinh danh những người có công bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh./.

Phan Thư Hiền

. . . . .
Loading the player...