Nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc sinh năm 1953 tại xã Cẩm Long (nay là thị trấn Thiên Cầm), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, anh đã được gia đình và nhà trường phát hiện là người có năng khiếu ca hát và đam mê văn nghệ. Những năm học ở trường phổ thông, bao giờ anh cũng là hạt nhân văn nghệ của trường, của lớp. Với những thành tích và những cống hiến trên 30 năm về việc bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, năm 2012, nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian. Năm 2015, anh vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, đợt I.
Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc
Nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc sinh năm 1953 tại xã Cẩm Long (nay là thị trấn Thiên Cầm), huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, anh đã được gia đình và nhà trường phát hiện là người có năng khiếu ca hát và đam mê văn nghệ. Những năm học ở trường phổ thông, bao giờ anh cũng là hạt nhân văn nghệ của trường, của lớp. Với những thành tích và những cống hiến trên 30 năm về việc bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, năm 2012, nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian. Năm 2015, anh vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, đợt I.
Không phải sau khi Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, Nghệ nhân Hoàng Bá mới nghiên cứu, tham gia thực hành và truyền dạy dân ca Ví, Giặm mà từ nhỏ anh đã yêu thích bộ môn nghệ thuật này đến cháy bỏng. Năm 1981, từ một anh lính trẻ ở Đảo Mắt, nhờ có tài năng nghệ thuật, Hoàng Bá Ngọc được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh điều vào Đội tuyên truyền Văn hóa để đi phục vụ cán bộ và chiến sỹ bộ đội Biên phòng và nhân dân vùng biên giới, hải đảo ở Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đảo Ngư, Đảo Sơn Dương…
Với thời gian 24 năm công tác tại quân đội (1973-2007), ngoài hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, Hoàng Bá Ngọc thường xuyên được cử tham gia các hội thi, hội diễn toàn quân, toàn quốc do Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa tổ chức; tham gia hội diễn Quân khu IV, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, lần nào anh cũng dành được giải cao. Chính thời gian ở trong quân ngũ, được làm việc ở Đội Tuyên truyền Văn hóa, Hoàng Bá Ngọc được sự dìu dặt của lớp đàn anh, đàn chị trong lĩnh vực hát dân ca như các nhạc sỹ: An Thuyên, Vi Phong, Lê Hàm, Hoàng Thành cùng các nghệ sĩ: NSUT Trần Đức Duy, NSND Tiến Dũng, NSUT Lệ Thanh...họ đã nhiệt tình truyền dạy cho anh tất cả các làn điệu Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh như Hát Ví phường vải, Ví đò đưa sông La, sông Lam, Ví phường cấy, phường củi, phường chài, phường vàng…; Giặm ru, Giặm kể, Giặm nối, Gặm Đức Sơn, Giặm xay lúa; Phụ tử tình thâm; Thập ân phụ mẫu; Con cóc, Làn khuyên; Ví phường vải chuyển điệu; Xẩm thương; Xẩm thuốc Bắc, thuốc Nam; Lời nguyền, Giận thương…Ngoài ra, anh thời thường xuyên học hỏi kinh nghiệm một số nghệ nhân cao tuổi, am hiểu Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh như các nghệ nhân: Trần Khánh Cẩm, Nguyễn Thanh Minh, Vũ Thanh Minh, Nguyễn Nhiễu, Ngọc Sở, Hoàng Vinh...Anh cũng rất chịu khó tìm đọc các tài liệu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian như Nguyễn Chung Anh, Ninh Viết Giao, Thái Kim Đỉnh, Vi Phong, Thư Hiền, Lê Hàm, Thanh Lưu...để nắm chắc các loại hình nghệ thuật truyền thống của vùng Xứ Nghệ.
Từ năm 2007 đến nay, sau khi chính thức nghỉ hưu theo chế độ quân đội, nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương. Nhờ có nhiều năm trải nghiệm trong văn nghệ quân đội, cộng với năng khiếu, nhất là giọng hát của anh được bạn bè đồng nghiệp cho là trầm ấm, truyền cảm và cách diễn xuất khá điêu luyện. Về lại quê nhà, anh vẫn tiếp tục được tỉnh, huyện, xã mời tham gia sưu tầm, biên soạn, dàn dựng và trực tiếp trình diễn trong các chương trình liên hoan Dân ca Việt Nam, liên hoan đàn hát dân ca toàn tỉnh, toàn huyện. Người dân địa phương cảm kích và ví NNUT Hoàng Bá Ngọc như một người “thắp lửa” và “truyền lửa” cho Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trở lại bùng cháy trên đất Cẩm thân yêu.
Những tiết mục do anh biên soạn, đạo diễn, trình diễn bao giờ cũng đạt giải xuất sắc. Không thể kể hết những tấm Huy chương Vàng, Bạc, Đồng và Bằng khen, Giấy khen các cấp dành cho nghệ nhân về thành tích trong các hội thi, hội diễn, liên hoan. Anh chỉ điểm qua cho chúng tôi một số kết quả khen thưởng mà anh còn lưu giữ được cũng đã thấy thật đáng kính nể như: Huy chương Vàng tại Hội diễn làng Sen toàn quốc tại Nghệ An, năm 1981; Huy chương Vàng, Hội diễn NTQC toàn quân tại Hà Nội, năm 1997; Huy chương Vàng, Hội diễn NTQC toàn quân tại Đà Nẵng, năm 1999; Huy chương Vàng: Hội diễn NTQC toàn quốc tại Đà Nẵng, năm 1999; Huy chương Bạc, Hội diễn Sân khấu – Dân ca toàn quốc do Bộ Văn hóa tổ chức tại Ninh Bình, năm 1999; Huy chương Vàng, Hội diễn NTQC Quân khu IV tổ chức tại Huế, năm 1985; Huy chương Vàng, Hội diễn NTQC lực lượng vũ trang và sinh viên toàn quốc tại Thanh Hóa, năm 1988; Giải A Hội diễn đàn hát dân ca toàn tỉnh lần thứ I, năm 1994; Giải A Hội diễn đàn hát dân ca Nghệ Tĩnh toàn tỉnh do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức, năm 2012; Bằng khen do UBND tỉnh Nghệ An tặng Vì có nhiều thành tích trong 20 năm Liên hoan tiếng hát làng Sen (1981-2011); Bằng khen do Quân khu IV tặng Vì có nhiều thành tích sáng tác Dân ca Nghệ Tĩnh đạt giải cao trong hội diễn; Bằng khen do Quân khu IV tặng giải Diễn viên Xuất sắc Hát Dân ca tại Hội diễn NTQC, năm 2003; Bằng khen của Bộ VHTT&DL và UBND tỉnh Hà Tĩnh về thành tích bảo tồn, phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh…
Mặc dù không nhớ hết giải thưởng của mình, vì một số bị thất lạc sau nhiều lần chuyển công tác, nhưng có những kỷ niệm trong cuộc đời người nghệ sỹ - chiến sỹ lại không bao giờ phai nhạt trong anh. Đó là lần Hoàng Bá Ngọc được vinh dự hát cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe bài Thử lòng chung thủy, anh được Đại tướng tỏ lòng khen ngợi. Nghĩa nặng, ân sâu với dân tộc và đồng đội, khiến nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc càng ra sức đem hết tài năng, nhiệt huyết của mình để cống hiến cho quê hương, đất nước.
Từ khi nghỉ hưu đến nay, nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc đã thường xuyên phối hợp với anh chị em ở Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Cẩm Xuyên phục dựng lại không gian diễn xướng Hát Ví phường chài, Hò sông nước, Hò chèo cạn Cẩm Nhượng, Ví phường cấy, Ví phường nón…góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian đặc sắc ở địa phương. Bên cạnh đó, anh đã chủ trì biên soạn và dựng nhiều chương trình khác nhau để các Câu lạc bộ thị trấn Thiên Cầm, thị trấn Cẩm Xuyên và các cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện như ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn các cấp; xây dựng các chương trình sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh phục vụ các nhiệm vụ của địa phương như: Tuyên truyền biển đảo, Biểu dương gia đình văn hóa, Tuyên truyền về Nông thôn mới, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV, AIDS, Kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình…do Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, các ngành Y tế, Công an, Tư pháp, Ban điều phối Nông thôn mới, Lao động Thương binh – Xã hội, UBND huyện, thị trấn tổ chức. Các chương trình trên đã có nhiều mục dành giải cao, đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. NNUT. Hoàng Bá Ngọc từng được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia, Đài truyền hình Trung ương và Đài Phát thanh Truyền Hà Tĩnh về làm phóng sự và phát sóng nhiều lần. Khán giả truyền hình đã quá quen thuộc với giọng ca và cách diễn xuất của anh trên các sân khấu biểu diễn của nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
NNND Trần Khánh Cẩm (đầu) và NNUT Hoàng Bá Ngọc (thứ 2) Với tiết mục Ví O Nhẫn làng Đan Du - Ảnh: Linh Châu
Từ vốn hiểu biết của mình về các làn điệu Dân ca Nghệ Tĩnh, nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc đã dành nhiều thời gian truyền dạy miễn phí cho lớp trẻ của xã và những người ở xã lân cận một tuần 2-3 buổi tại nhà. Ngoài ra, các trường học trên địa bàn khi có yêu cầu, nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc đều sẵn sàng đến giúp nhà trường dạy hát dân ca cho các em học sinh. Trong khi truyền dạy, anh thường phân tích kỹ từng làn điệu từ môi trường văn hóa đã sản sinh ra nó, quá trình kế thừa và phát triển, giá trị nội dung, nghệ thuật, quá trình trao truyền và cách thức tiếp nhận di sản từ thế hệ này đến thế hệ khác…để các học viên hiểu biết sâu sắc hơn về những giá trị độc đáo của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh nên các hội viên tiếp thu rất nhanh. Hiện nay, số học viên do nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc truyền dạy lên tới khoảng 200 người, trong đó những học viên trẻ do anh đào tạo và truyền dạy đã hát được các làn điệu gốc.
Năm 2012, khi hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh mới bắt đầu có chủ trương về việc đề nghị UNESCO công nhận Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ nhân Hoàng Bá Ngọc đã tích cực tham mưu cho lãnh đạo thị trấn Thiên Cầm, các cơ quan, trường học trên địa bàn xây dựng các Câu lạc bộ Dân ca Ví Giặm, để có sân chơi bổ ích cho bà con nhân dân lao động và học sinh, góp phần tôn vinh, quảng bá Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh./.
Phan Thư Hiền