01-02-2024 - 09:15

NGUYỄN CÔNG TRỨ - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI GIAN của Nguyễn Hải Nam

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài nghiên cứu NGUYỄN CÔNG TRỨ- TẦM NHÌN VƯỢT THỜI GIAN của tác giả Nguyễn Hải Nam

NGUYỄN CÔNG TRỨ - TẦM NHÌN VƯỢT THỜI GIAN

                                                                             

Nguyễn Hải Nam                               

             

Vào những thập niên cuối thế kỷ XVIII, Nghi Xuân được coi là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa tiêu biểu của đất Hồng Lam, miền quê sinh ra Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ (1778 – 1858) bậc văn võ toàn tài, anh hùng tuyệt thế, công trạng đầy trong bốn cõi, thanh danh để lại muôn đời. Thật hiếm thấy trong xã hội Việt Nam đương thời một người đa tài và mạnh mẽ như thế. Không chỉ giỏi trong việc điều binh trị nước mà thi ca cũng vào hàng xuất chúng, kinh tế cũng thu về nhiều thành tựu. Xin được trích lời Giáo sư Lê Thước – Nhà Giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XX nói về ông: “Người xưa có nói rằng: Ở đời có ba điều bất hủ:Một là lập công, hai là lập đức, ba là lập ngôn”. Lập công tất là công nghiệp vẻ vang trong bốn cõi, lập đức tức là đức trạch lưu truyền đến muôn đời, lập ngôn tất là ngôn luận văn chương, có bổ ích cho nhân tâm thế đạo. Trong ba điều ấy, có được một, vẫn là khó, mà gồm được cả ba chưa dễ mấy ai. Thường xét nước ta có một bậc vĩ nhân, nói về công thời công rất lớn, nói về đức thời đức rất dày, mà nói về ngôn thì ngôn luận văn chương rất có giá trị. Nước nhà có được một bậc vỹ nhân như vậy, quốc dân ta há không nên tôn sùng, nên kỷ niệm, nên tượng đồng bia đá hay sao?” (Trích: Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - Nhà in Lê Văn Tân, Hà Nội, 1928 của tác giả Lê Thước).

Sinh ra trong một gia đình thi thư thế phiệt, khoa giáp danh gia, dòng dõi trâm anh nhưng lớn lên trong cảnh quốc phá gia vong, do đó tuy là danh gia tử đệ nhưng cũng phải sống trong cảnh hàn sỹ bần nho. Từ đó, hơn ai hết ông hiểu những tâm tư và khát vọng của người dân nghèo. Với ý chí mãnh liệt muốn ra tay “kinh bang tế thế”, năm 24 tuổi, ông đã soạn bản điều trần “Thái bình thập sách”, một cương lĩnh trị nước để dâng vua:“Giữ lòng trung ái; Chăm đạo dâu con; Phát triển nông trang;  Trừ bỏ dị đoan; Sửa đổi phong tục; Thanh thải tham tàn; Tiến cử tài đức; Giữ nghiêm luật lệ” (Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ, Cổng TTĐT UBND tỉnh Hà Tĩnh) . Suốt cuộc đời làm quan của mình, những việc ông làm đều hướng vào những khát vọng kiến tạo một cuộc sống thái bình no ấm cho nhân dân. Nhìn lại quá trình quai đê lấn biển, trị thủy khai hoang, rửa đất dựng vườn, lập làng gây nghiệp, chúng ta mới thấy rõ hơn ở ông một cốt cách lớn, một trí tuệ mẫn tiệp, một tầm nhìn tiến bộ đi trước thời đại và mang tính chiến lược đáng khâm phục của một nhà kinh tế, một nhà nông nghiệp. Công cuộc “lập đất” và “an dân” đó của ông với những mục tiêu, chiến lược và kỹ thuật tổ chức, vẫn đang tiếp tục được Nhân dân các vùng miền kế thừa và phát triển trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh ngày nay.

Năm 1827, trong khi Nguyễn Công Trứ tham gia đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, ông đã nhận ra những kẻ “làm loạn” không phải ai xa lạ mà chính là những người dân đói nghèo không có ruộng đất. Muốn khắc phục triệt để nạn xiêu tán và khởi nghĩa thì phải giải quyết được nhu cầu ruộng đất và cơm áo cho nông dân nghèo. Với nhãn quan của một vị quan tài giỏi, Nguyễn Công Trứ nhận thấy những miền bãi bồi ven biển chính là sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng, bãi biển Tiền Châu (còn gọi là cồn Tiền, được hình thành từ quá trình bồi tạo của sông Hồng, sông Lân và sông Trà Lý) lúc đó bát ngát ngàn trùng, đất đai màu mỡ có thể khai phá thành đất canh tác. Ông đã tấu sớ lên triều đình nêu rõ nguyên nhân sâu xa của các cuộc khởi nghĩa nông dân và đề nghị triều đình tổ chức cho nông dân nghèo tiến hành khẩn hoang quy mô lớn vùng bãi biển Tiền Châu. Tấu sớ của Nguyễn Công Trứ đã mở ra lối thoát cho tình hình bế tắc trầm trọng của xã hội đương thời. Với chủ trương thu hút bộ phận gọi là quân khởi nghĩa nông dân vào công cuộc khai hoang, Nguyễn Công Trứ đã tạo ra lối thoát không những cho nông dân nghèo và nghĩa quân mà cũng là cho ngay cả bản thân giai cấp thống trị. Những người từ chỗ là lực lượng đối kháng mạnh mẽ của triều đình đã chuyển thành nhân tố quan trọng của sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Đó là biện pháp vừa khôn ngoan, vừa táo bạo mà Nguyễn Công Trứ đã thực hiện thành công.

Với chủ trương: “Người nào khai phá được bao nhiêu mẫu sào đều cho nhận làm tư điền” (điều thứ 3 trong bản điều trần 3 gửi triều đình). “Mộ những dân nghèo các hạt đến khai khẩn, như mộ được 50 người thì lập làm một làng, cho làm Lý trưởng, mộ được 30 người thì cho lập một ấp, cho làm Ấp trưởng, đều tính đất chia cho. Cấp cho tiền công để làm cửa nhà, mua trâu bò nông cụ, lại cấp tiền lượng gạo trong 6 tháng, ngoài hạn ấy thì tự làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng, đến chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc để phòng năm mất mùa cho dân vay”(sớ dâng triều đình tháng 3 năm Mậu Tý 1828 – Đại Nam thực lục chính biên, tập II, trang 719 -721), những đề xuất của ông đã đáp ứng đúng nguyện vọng thiết tha nhất của người dân khai hoang và làm cho họ nhận rõ rằng công sức khai phá đất hoang của họ đã đem lại quyền lợi quan trọng nhất cho họ. Do đó, có tác dụng kích thích mạnh mẽ nhất tính tích cực của người dân lao động và thúc đẩy nhanh chóng tốc độ khẩn hoang. Chủ trương này của ông khiến ta liên tưởng tới chính sách “khoán mười” 200 năm sau và xa hơn nữa là sự manh nha của một hình thái kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.

Với biệt tài sáng suốt trong chỉ đạo của mình, ông đã đưa cuộc khẩn hoang và công tác thủy lợi đầu thế kỷ XIX đạt được thành quả to lớn vượt lên hơn hẳn các thế kỷ trước. Tổng diện tích đất khai hoang từ năm 1828 đến năm 1839 là 45.990 mẫu, trong đó riêng ở các Trấn Nam Định, Ninh Bình (trong đó có 2 huyện thành lập mới Kim Sơn và Tiền Hải) là 40.990 mẫu. … cùng với đó, hàng trăm ki-lô-mét đê sông được đào đắp, hàng vạn mẫu ruộng được hình thành, gần 100 làng ấp trại giáp được thành lập, tất cả chỉ trong không đầy 6 tháng. Đó thực là một kỳ tích, mặt khác với những kiến thức về thiên văn, địa lý của mình, ông dự đoán đúng hướng của đất bồi lấn ra biển ở mỗi địa phương để quy hoạch bố trí địa thế các làng. Nhờ đó, các làng ven biển có điều kiện khai khẩn đất phù sa trong thời kỳ dài.

Tháng 10 năm Mậu Tý đến tháng 3 năm Kỷ Sửu (1828 - 1829), sau khi lập nên hai huyện Tiền Hải (phủ Kiến Xương, Nam Định) và huyện Kim Sơn (phủ Yên Khánh, Ninh Bình), ông nhận thấy lòng dân vẫn chưa yên, các làng ấp lập vẫn thiếu sự kết gắn, các hiểm nguy đói nghèo, nổi loạn vẫn có nguy cơ rình rập. Ông lại dâng sớ: trong sớ ông tấu xin 5 điều:

- Đặt trường học: “mỗi ấp, mỗi làng đều dựng nhà học, đón một thầy học, làng thì lấy ruộng 10 mẫu, ấp thì 8 mẫu làm học điền, miễn đánh thuế… Người đến 8 tuổi thì cho vào trường học,.... Nếu học không được thì cho đổi nghề khác”.

- Đặt xã thương (Kho thóc ở xã): “Thóc kém thì bán ra, khi hơn thì đong vào. Gặp thủy hại bất thường thì chiết khẩu phần mà cấp cho, năm được mùa thì lại thu chứa y số”.

- Siêng dạy bảo: “Lại lấy 25 nhà làm một tư có Tư trưởng mà trông nom dân. Có kẻ bất hiếu, bất đễ, bất thuận bất kính, du thủ du thực, giao kết với côn đồ thì phải nghiêm rặt răn cấm,…”

- Cẩn phòng thủ: “Phàm trong tổng có giặc cướp phát chỗ nào thì phải đem dân phu đến cứu gấp. Nếu theo bắt bất lực, để bọn giặc chạy xa thì chiếu số của cải sự chủ mất, bắt các Ấp, Lý trưởng trong tổng bồi thường và theo luật trị tội”.

- Chăm khuyên răn: “…Nếu thấy phong tục thuần hậu, ruộng đồng mở mang, nhà không có người ăn chơi, đất không có nơi bỏ hoang, trong 3 năm người cai quản không can án, thì cứ thực đề đạt mà chờ nêu thưởng. Nếu người dân lười biếng, đồng ruộng bỏ rậm, tập tục gian dâm, cùng nhau kiện tụng, thì Ấp trưởng, Lý trưởng đều bị chiếu luật trừng trị, chọn người cẩn tín nhanh giỏi làm thay”.

   (Sách Đại Nam thực lục chính biên, trang 834-845, tập II)

 Nghiên cứu kỹ những điều trong các tấu chương, những chủ trương đường lối, chính sách và hành động mà Nguyễn Công Trứ đã thực hiện, chúng ta thấy ông có một tầm nhìn vượt thời gian, một tấm lòng vì dân vì nước. Và chính những định hướng, chủ trương đó ngày nay chúng ta vẫn đang tập trung thực hiện để xây dựng một xã hội thái bình, kỷ cương, khẳng định rõ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu nhằm tạo cho người dân cuộc sống ấm no hạnh phúc. 

 

. . . . .
Loading the player...