08-10-2019 - 06:14

Tản văn MẸ VỚI THÁNG 10 của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú - Văn nghệ Hà Tĩnh

Nghĩ về mẹ, tôi lại mong đến tháng 10. Ôi cái tháng 10 thương mến. Không phải vì con số 10 hoàn hảo mà ở đó nó luôn gắn với đời mẹ, ký ức của mẹ, niềm vui của mẹ. Mẹ mong “chín tháng mười ngày” mang nặng đẻ đau cho đứa con sinh ra mẹ tròn con vuông. Rồi tháng 10 có một ngày dành riêng cho mẹ - Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10). Văn nghệ Hà Tĩnh giới thiệu tản văn "Mẹ với tháng 10" của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

        Nghĩ về mẹ, tôi lại mong đến tháng 10. Ôi cái tháng 10 thương mến. Không phải vì con số 10 hoàn hảo mà ở đó nó luôn gắn với đời mẹ, ký ức của mẹ, niềm vui của mẹ. Mẹ mong “chín tháng mười ngày” mang nặng đẻ đau cho đứa con sinh ra mẹ tròn con vuông. Rồi tháng 10 có một ngày dành riêng cho mẹ - Ngày phụ nữ Việt Nam (20/10). Tháng 10 “Ngày tháng 10 chưa cười đã tối” ngày thật ngắn mà công việc của mẹ thì nhiều. Mẹ phải dậy sớm hơn và nghỉ tay cũng muộn hơn. Cái khoảng thời gian sấp ngữa, tất bật như dáng mẹ trên đồng, chộn rộn như dáng mẹ đi chợ. Tháng 10, mùa thu dường như đã chững lại, lá vàng về cội mà cành thì quá khẳng khiu, heo may đông sắp về. Nghe tiếng ho thủng thẳng của mẹ mới biết túi trầu ngày một nặng hơn. Bếp lửa than cời hong lại bao nỗi niềm…

Gánh cả vầng trăng - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

        Nghĩ về mẹ và tháng 10 tôi lại nghĩ nhiều về cây lúa. Gắn bó với mẹ suốt đời  khi còn là khóm mạ xanh rì. Mà sao gọi là “mạ” nhỉ khi hạt lúa nẩy mầm và mảnh mai lá mạ. Ở miền trung có những nơi gọi “mẹ”“mạ”, rồi miền nam là “má”, Huế thì “mệ”. Dân tộc miền núi phía bắc gọi là “mế”. Và thời kỳ cây lúa căng tròn sức sống nhất, lúc trổ đồng bén hơi sữa là lúa thì con gái. Cứ mây mẩy cứ hớn hở gió đồng, cứ ngăn ngắt xanh và sầm sậm vàng - Cái màu vàng ấm no từ trong con mắt. Lúa trĩu bông uốn câu lại trở về dáng lưng còng của mẹ phôi pha nhưng không nhạt nhòa. Cái ngon, cái lành, cái thơm của hạt gạo mới đã lấy đi bao tinh túy sức lực chỉ còn cái xôm xốp mòn mỏi của rơm rạ. Để rồi ken chặt vào nhau, đan cài vào nhau khô nỏ vào nhau mà thành mái tranh “ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”. Rồi quây quần  nâng nhau lên thành cây rơm, rồi truyền hơi ấm cho người bằng ngọn lửa rơm. Rồi những ổ rơm cho giấc ngủ say trong mật ong đồng ruộng. Cái thời ấy đã xa rồi nhưng cứ nghĩ về mẹ, về tháng 10 lại sực ấm, lại cay cay khóe mắt. Mẹ luôn hiện lên trong cả dáng kèo, dáng cột, trong cái thúng mủng dần sàng Đến cả vỏ  thóc lép cũng có ích khi người gọi đó là trấu - là bếp trấu ủ, là trấu vun  cho ấm nước chè sóng sánh bốc hơi.

        Mẹ ơi tháng 10 đã chầm chậm về đầu ngõ. Những đám mây chì nặng chình chịch u ám sẫm lại cả khu vườn với những cơn mưa như trút nước. Mưa hả hê sau những ngày nắng hạ khô câng nhưng lại kéo theo những con lũ về - lũ trái mùa. Khớp xương của mẹ lại nhức buốt, bước chân của mẹ nặng hơn “sớm nắng mưa chiều” là vậy. Hầu bao của mẹ thắt vào bao lo toan. Hầu bao tháng 10 thắt vào những vun vén của thời gian, để dành dụm đỡ đần cho mẹ. Dù đó là những tia nắng thu hiếm hoi “Nắng đã chiều vẫn muốn hắt tia xa”. Hay những chùm nhãn lồng đã đóng cùi dày mọng nước. Và những chú cá đồng mùa tháng 10 hình như thịt cũng thơm hơn, mỡ màng hơn. Bếp lửa tháng 10 cũng rỡ ràng hơn. Tiếng củi khô nổ lách tách hơn. Tất cả đều được, đều muốn sáng lên, ấm lên ngọn lửa nồng, cho dù trời tối nhanh, sáng muộn. Bóng mẹ in lên vách tường tháng 10 ngày một mỏng hơn. Cứ nghĩ đến chữ “mỏng” mà lòng con thấp thỏm lo âu: “Mẹ già như  chuối chín cây”, như ngọn đèn dầu trước gió. Tháng 10 bao thương mến ơi! Tháng của ân tình, tháng của tin yêu. Bởi bây giờ tháng 10 đã tới…

N.N.P

. . . . .
Loading the player...