Họa sĩ NGUYỄN PHAN CHÁNH
Hà Tĩnh là một miền quê có truyền thống hiếu học, giàu tinh thần yêu nước, có nền văn hóa lâu đời với nhiều làn điệu dân ca đậm bản sắc: Ca trù Cổ Đạm, hát Sắc bùa Kì Anh, hát phường vải Trường Lưu. Nơi đây đã sinh ra nhiều nhà yêu nước, nhà cách mạng lỗi lạc như: Cụ Phan Đình Phùng, Cố Tổng Bí thư Trần Phú, Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, anh hùng Lý Tự Trọng… Mảnh đất này cũng là quê hương của nhiều nhà văn, nhà thơ lớn như: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Huy Cận, Xuân Diệu. ..Trong số những tên tuổi đã làm rạng danh cho quê hương, có một Danh họa mà ít người biết rằng ông là người con của Hà Tĩnh - đó là họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.
Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh bút danh là Hồng Lam, sinh ngày 21 tháng 7 năm 1892 tại thôn Tiền Bạt, xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nay là phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh. (Bút hiệu Hồng Lam có nghĩa là núi Hồng Lĩnh và dòng sông Lam). Ông tốt nghiệp trường Sư phạm Đông Ba (Huế) năm 1922 và dạy học tại Huế .
Từ năm 1925 đến 1930, ông là sinh viên khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương. Trong thời gian học tại trường, những tác phẩm đầu tay của ông đã được gửi tham dự Triển lãm đấu xảo Quốc tế Pari (Pháp), lần đầu tiên, công chúng nước Pháp biết tranh lụa Việt Nam qua bút pháp Nguyễn Phan Chánh…
Năm 1945, Nguyễn Phan Chánh tham gia Cách mạng, để phục vụ kịp thời cho cuộc kháng chiến, họa sĩ đã vẽ tranh cổ động và áp phích về đề tài chống thực dân. Năm 1955, Nguyễn Phan Chánh trở về Hà Nội trở thành giảng viên của trường Đại học Mĩ thuật Hà Nội và trường Đại học Kiến trúc. Ông là ủy viên Ban chấp hành Hội Mĩ thuật Việt Nam khóa I(1957), đại biểu Hội liên hoan anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III(1962), đại biểu Quốc hội khóa III nước Việt Nam dân chủ cộng hòa(1964). Ông mất ngày 22 tháng 11 năm 1984 tại Hà Nội và được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Nguyễn Phan Chánh đã đã để lại một sự nghiệp đồ sộ với rất nhiều tác phẩm đặc sắc. Theo thống kê chưa đầy đủ của gia đình, ông đã để lại 110 tác phẩm tranh lụa, 52 bức ký họa, tổ chức bốn cuộc triển lãm cá nhân, tham gia nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế.
Công chúng yêu nghệ thuật biết đến Nguyễn Phan Chánh với các tác phẩm tiêu biểu như: “ Chơi ô ăn quan”(1931), “ Cô gái rửa rau” (1931), “ Em bé cho chim ăn” (1931), “ Cô gái hàng xén” (1957), “ Tấm áo” (1962), “Bát nước giải lao” (1967), “Sau giờ trực chiến”(1967), “Trăng tỏ”(1968), “Chiều về tắm cho con”(1969 ), “Trăng lu”(1970). . . Tranh của Nguyễn Phan Chánh có mặt ở nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Liên tục trong các năm 1933, 1935, 1936, ông tham gia trưng bày tranh ở Địa ốc ngân hàng Hà Nội, Triển lãm cá nhân lần thứ nhất. Năm 1938, Triển lãm cá nhân lần thứ hai của ông được tổ chức tại Hà Nội với các tác phẩm tiêu biểu như: “ Đôi chim bồ câu”, “Chăn trâu trong rừng”, “Đi chợ”, “ Tắm cho trâu”, “ Đi lễ chùa”…Triển lãm cá nhân lần thứ ba của họa sĩ được tổ chức tại bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam vào năm 1972, nhân dịp họa sĩ 80 tuổi. Năm 1974, “Sau giờ trực chiến”- tác phẩm đầu tiên về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước của ông tham dự “Triển lãm tranh tượng về đề tài lực lượng vũ trang”. Năm 1978, Triển lãm cá nhân lần thứ tư của Nguyễn Phan Chánh được tổ chức tại Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam .
Nguyễn Phan Chánh là một trong số những họa sĩ Việt Nam sớm có tranh tham dự các triển lãm Quốc tế. Một số tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã được trưng bày ở Milan (Ý) năm 1934, ở San Francisco (Mỹ) năm 1937, ở Tokyo (Nhật Bản) năm 1940. Năm 1958, ông tham gia triển lãm Nghệ thuật tạo hình các nước xã hội chủ nghĩa với tác phẩm “ Sau giờ lao động”. Triển lãm riêng của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh còn được tổ chức tại Pari, Bratislava, Pudapest, Matxcova, Varsava, Bucarest vào các năm 1982,1983.
Tranh của ông đã làm rung động lòng người bởi cách thể hiện chân thực, bình dị, đầy chất trữ tình; thể hiện rõ tâm hồn người nông dân Việt Nam: cần cù, chịu khó, yêu nước nồng nàn. Đặc biệt, trong tranh ông, phụ nữ nông dân và trẻ em là những con người chân chất, lam lũ nhưng luôn yêu cuộc sống. Tranh lụa của ông với lối thể hiện nhẹ nhàng, những mảng lớn màu sắc hết sức đơn giản, trầm ấm với những màu đen, nâu rất truyền cảm. Sinh ra từ một làng quê chủ yếu làm nông nghiệp, cuộc sống mộc mạc, chân chất, ông đã thấu hiếu được ngọn nguồn của quê hương. Bởi vậy, khi xem tranh của ông ta thấy màu sắc, các nhân vật trong tranh phần nào gắn với cuộc sống của con người Hà Tĩnh. Những bức tranh lụa mềm mại mang sắc thái phương Đông, đặc biệt rất Việt Nam trong khuôn khổ luật lệ của nền khoa học đương đại làm ngạc nhiên giới nghệ thuật phương Tây. Sự khẳng định tài năng của họa sĩ có nguồn gốc sâu xa là ông luôn trung thành với nền văn hóa dân gian của mình. Nguyễn Phan Chánh xứng đáng được ghi danh vào lịch sử hội họa hiện đại Việt Nam bởi ông là người đã sáng tạo ra phong cách tranh lụa đặc biệt Việt Nam và cũng là người đầu tiên gióng tiếng chuông lớn cho hội họa Việt Nam ở nước ngoài.
Với những đóng góp to lớn và mang tính tiên phong trong lịch sử Mĩ thuật Việt Nam, ông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Lao động hạng nhất và hạng ba. Năm 1997, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam truy tặng Nguyễn Phan Chánh Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt một. Tại quê hương ông, ngay trên mảnh đất của ngôi nhà cũ, nay đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh và gia đình dựng nhà lưu niệm, con đường trước mặt được đặt tên là đường Nguyễn Phan Chánh.
Ngày nay, khi đời sống nghệ thuật của công chúng ngày một nâng cao thì những giá trị nghệ thuật mà họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sáng tạo nên càng được trân trọng. Yêu mến và tự hào về ông, chúng ta cần bảo vệ, gìn giữ những thành quả lao động quý giá mà nghệ sĩ đã để lại cho đời; truyền đạt cho các thế hệ học sinh và những người yêu nghệ thuật trên quê hương Hà Tĩnh những hiểu biết về người họa sĩ đã làm rạng rỡ cho nền Mĩ thuật Việt Nam hiện đại.
Đặng Quốc Tuấn
( Nguồn:.www.htu.edu.vn).
Độc vận Nguyễn Phan Chánh
Ngôi nhà cửa vẫn mở
Ông như vừa mới đi đâu
Bên trong bàn viết, giá vẽ, cây cọ như còn ấm hơi nóng
Bàn tay ông chắc dừng chưa lâu
Nách tường có vẻ còn phơ phất chòm râu bạc
Những đêm khuya chuyện cơm áo từng làm ông giật thót
thức dậy lo âu
Ngoài vườn chẳng biết buồn hay vui, con chim gì chuyền
cành cất tiếng kêu tic tic
Chuyền nhau trên cành cây bàng, cây xoan, cây nhãn, cây cau
Cô gái đẹp mộng mơ trong bộ quần áo dài màu thanh thiên
bước chân qua ngõ
Ngỡ như người mẫu bước ra từ những ngày ngồi cho ông vẽ thuở nào
Trước mặt dòng sông cụt
Nước đen như mực tàu
Ông từng mài bạc tóc vẽ những bức tranh trên lụa
Nổi tiếng khắp năm châu…
Thái Vĩnh Linh