Thạch Hà là vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời, nơi con người tụ cư và khai phá từ rất sớm. Đền Chiêu Trưng và lễ hội đền Chiêu Trưng có vị trí quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần của người nơi mảnh đất này. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi - Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống ở vùng Nam Giới của ThS. Phan Thị An Phú – Giảng viên Trường Chính trị Trần Phú
Lê Khôi người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hóa, là con anh thứ hai của Lê Lợi. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ đầu và lập được rất nhiều công lao. Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, Lê Khôi được ban chức Kì Lân Hộ vệ tướng quân, quyền Hành Tổng quản, hàm Nhập nội Thiếu úy, sau thăng hàm Tư Mã, được đem Kim Phù. Năm 1437, được phong Nhập nội Tư mã, Tham trị chính sự, kiểm quản Tây Đạo. Năm 1440, được thăng Nhập nội Đô đốc; đến năm 1443, được làm Nhập nội Thiếu úy, trấn thủ Nghệ An.
Năm Thái Hòa thứ 4 (1446) đô đốc Lê Khả đem đại binh đi đánh phương Nam, ông được lệnh đem binh bản bộ trấn Nghệ An đi trước, phá tan đồn quân ở trên ải, vượt ly giang đến cửa biển Thị Nại... Ông dẫn quân đến đâu giặc tan đến đấy, bắt được Chúa giặc là Bí Cai, rồi rửa giáp thu quân về.
Trên đường về thì ông lâm bệnh nặng, tướng sĩ lo lắng thuốc men nhưng không qua khỏi, ông mất ở chân núi Long Ngâm, thuộc cửa biển Nam Giới ở xã Dương Luật xưa (nay là xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà). Tin buồn về tới triều, vua thương xót cho bãi triều ba ngày, sắc cho quan hữu tư đi thăm điếu, ban tên thụy là Trung Hiếu. Sau truy tặng Nhập nội kiêm hiệu Tư không Bình chương sự, đổi tên thụy là Vũ Mục Công. Năm Hồng Đức thứ 18 (1487) vua gia cho ông phong tước "Chiêu Trưng Đại Vương". Sau khi chôn cất, dân Châu Hoan đã lập miếu ngay nơi ông mất để thờ. Từ đó tới nay, đền thờ ông được người dân ở đây thăm viếng chăm nom cẩn thận.
Mộ và đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi (xã Đỉnh Bàn) được xếp hạng di tích quốc gia tại Quyết định số 309/QĐ ngày 8/6/1990 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Năm 2017, Lễ hội đền Chiêu Trưng Lê Khôi cũng đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ rước vọng Lê Khôi - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Ngôi đền thờ Lê Khôi trên đỉnh Long Ngâm được xây dựng theo kiến trúc “tiền miếu hậu lăng” trên đỉnh núi phủ bóng cây xanh nhìn xuống vũng Ông (vũng Rồng). Từ mép nước lên mấy bậc đá lên đến cổng ngoài có hai cột hoa biểu cao lớn khi vào trong bên trái có đàn sơn linh. Bước qua 23 bậc đá với hai bên tường hoa là đến cổng trong được xây kiểu trùng lâu có câu đối hai bên khắc rằng “Quỳnh đảo trùng lâu, Duy Tân Ất Mão y thủy;/ Long Ngâm chính khí, Thái Hòa Bính Dần dĩ lãi”. Sau cổng là sân gạch rộng, hai bên có nhà bia xây gần trước hạ đường mà bên trái là bia công tích còn bên phải là bài thơ Nôm đều khắc trên đá. Ba tòa nhà trong đền do ba làng dựng lên bằng gỗ, mái ngói tường gạch: Thượng đường nhỏ gọn, Hạ đường rộng hơn nhưng đặc sắc nhất là Trung đường - công trình gỗ được chế tác bởi làng Vĩnh Tuy. Cả ba gian nhà được kèo lim gác trên tường dày chạm trổ “tứ linh”, “ngũ phúc”...; trên các chẩm ở gian giữa là bức chạm “rồng mẹ, rồng con” đầy lung linh, huyền ảo và hai bên chẩm là hai tượng phổng. Những kiến trúc điêu khắc tỷ mỉ, công phu theo phong cách điêu khắc của thế kỷ XVII ở đền hiện nay vẫn còn nguyên vẹn. Các hương án bố trí ở ba tòa nhà được bài trí theo thứ tự phía trên là các tự khí bằng gỗ sơn hoặc từ sứ quý giá; hai bên bày giá cờ quạt, gươm đao… Trên trung đường treo biển bốn đại tự “Vạn khoảnh ân ba” còn thượng đường trên cỗ án sơn son thiếp vàng đặt khám thờ mà trong khám có bức tượng Chiêu Trưng Vương bằng gỗ trầm hương sơn son. Mộ của Chiêu Trưng Vương được đặt ở mặt sau ngôi đền cất trên nền cao theo lối trùng diêm được bao phủ tường hoa bốn phía. Ngoài đền chính Long Ngâm ở Thạch Hải thì ở các xã thuộc Thạch Hà còn lập các đền thờ vọng. Vào ngày giỗ của tướng Lê Khôi vào mùng 03 tháng 5 âm lịch hàng năm đều xuất hiện những trận mưa rào vào chiều hoặc tối mùng 2 nên dân quanh vùng gọi đó là “mưa gội tượng, rửa đền”. Trong ngày mùng 03-04/5 âm lịch cả vùng tổ chức lễ tế và hội lớn có rước kiệu, đua thuyền trên sông Sót trước cửa đền đoạn từ Mai Phụ về vũng Ông. Theo khảo sát, đánh giá thì đền Chiêu Trưng Lê Khôi là một trong số ít những di tích văn hóa - lịch sử được giữ gìn gần như nguyên vẹn cả từ cảnh quan, kiến trúc và các nghi thức lễ hội truyền thống mang dấu ấn của vùng biển.
Đền Chiêu Trưng Lê Khôi được xếp vào một trong bốn ngôi đền thiêng ở xứ Nghệ, gồm “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Vào ngày 2-3/5 (âm lịch) hàng năm, hai huyện Thạch Hà, Lộc Hà và sau này là Thành phố Hà Tĩnh đều tổ chức Lễ hội đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi trang nghiêm chu đáo, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đến dâng hương, tưởng niệm, tham quan. Đến với đền Chiêu Trưng, mỗi người như được trở về nguồn cội, vừa trải nghiệm không gian thiêng vừa làm giàu thêm đời sống văn hóa tinh thần cho chính bản thân mình.
Trong thời gian tới, nhằm khai thác tốt tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch của đền Chiêu Trưng Lê Khôi, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo thuận lợi đi đến di tích; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch kết nối tour, tuyến du lịch. Phát huy sức mạnh của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ, giữ gìn những giá trị tốt đẹp của đền Chiêu Trưng cũng như lễ hội đền Chiêu Trưng. Trong quá trình tổ chức lễ hội cần phát huy vai trò của các đoàn thể như người cao tuổi, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh… kịp thời tuyên dương những gương người tốt, việc tốt trong việc tham gia tổ chức và quản lý di tích. Để lan tỏa, giữ gìn các giá trị tốt đẹp của đền Chiêu Trưng và lễ hội đền Chiêu Trưng cần tạo điều kiện để những vị nghệ nhân có kinh nghiệm trao truyền lại cho thế hệ sau các kinh nghiệm về nghi lễ thực hiện lễ hội.
Di tích đền Chiêu Trưng và lễ hội đền Chiêu Trưng không chỉ lưu giữ những trầm tích của bề dày lịch sử, văn hóa mảnh đất Thạch Hà mà còn nhân chứng cho những lúc thịnh khi suy của vùng đất qua những giai đoạn lịch sử nhất định. Việc giữ gìn những nét đẹp của di tích, lễ hội góp phần thể hiện lòng biết ơn những công lao của tiền nhân trong xây dựng, bảo vệ đất nước, lưu giữ những nét đặc sắc của văn hóa địa phương./.
Phan Thị An Phú
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thạch Hà, Địa chí huyện Thạch Hà, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015.
2. Lê Thị Minh Lý, Biện pháp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể - Di sản văn hóa - Bảo tồn và phát triển, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2008.
3. Luật Di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị Quốc gia.
4. Viện nghiên cứu Hán Nôm, Đồng Khánh dư địa chí, Tập 2, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2003.