24-12-2024 - 07:37

Dấu ấn “cố hương” trong Thượng kinh ký sự

Kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024). Tạp chí Hồng Lĩnh số 220 tháng 12/2024 trân trọng giới thiệu bài viết Dấu ấn “cố hương” trong Thượng kinh ký sự của tác giả Phạm Quang Ái.

1. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 – 1791), đại danh y, nhà văn hóa lớn của dân tộc, sống gần trọn thế kỷ XVIII, thế kỷ đầy những biến động xã hội dữ dội. Ông sinh ra và lớn lên ở hương Cổ Liêu, xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là thôn Văn Xá, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Quê hương Lê Hữu Trác vốn nổi tiếng từ xa xưa là vùng đất đắc địa về phong thủy, có bề dày trầm tích văn hóa hàng ngàn năm, giàu truyền thống văn hiến, khoa bảng.

Tượng đài Lê Hữu Trác. Ảnh: Đậu Bình

Hưng Yên ngày nay, một phần của trấn Hải Dương xưa, là trung tâm châu thổ sông Cái, là nơi đắc địa nên tên đất có ý nghĩa “hưng thịnh” và “yên bình”, được người đương thời truyền tụng là: Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến. Làng quê Lãn Ông là nơi có tiếng là địa linh nhân kiệt, có cảnh quan phong thủy rất đẹp, xung quanh hương Cổ Liêu là những cánh đồng lúa, những vườn cây trái xanh tươi bát ngát, hội tụ sinh khí của cả một vùng. Thiên Hải Dương phong vật khúc trong sách Hải Dương phong vật chí (quyển hạ), đã viết về làng quê và dòng họ của Hải Thượng Lãn Ông như sau:

…Họ Liêu Xá nhất môn hiển đạt,

Nức thư hương sáu lượt đăng danh;

Hồ lô đất kiểu rành rành,

Đúc thiêng trời hẳn đã dành cát nhân,…(1)

Theo cuốn Gia phả họ Lê do cụ Lê Hữu Hành, đời thứ 17 dòng tộc họ Lê Hữu Liêu Xá, biên soạn năm 1959, cho biết: “Vào đời Hậu Lê, Tả Ao tiên sinh là một thầy địa lý nổi tiếng, đi qua hương Cổ Liêu thấy phong thủy đẹp, có dòng Hồ Lô giang uốn quanh, gò đống ẩn hiện vây lấy giải đất hình quả bầu (hồ lô),…(ngài) đã phán một câu “Cổ Liêu hồ lô thiên kim nan cầu”, nghĩa là vùng đất quả bầu Cổ Liêu ngàn vàng khó kiếm”.

2. Điểm qua về đất và người của quê hương đại danh y để hiểu được vì sao trong hơn ba mươi năm xa quê nhưng trong tâm khảm của Lê Hữu Trác, nỗi nhớ về vùng đất thiêng quê nội luôn thao thức trong ông. Bởi vậy, trong tập Thượng kinh ký sự, tập cuối của bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh, kể về chuyến lên kinh đô Thăng Long để chữa bệnh cho cha con chúa Trịnh, có dịp về thăm quê, Lãn Ông đã ghi lại chuyến hồi hương đầy kỷ niệm với những cảm xúc bồi hồi da diết trào dâng.

Trước hết, đọc Thượng kinh ký sự, bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ, là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm. Có thể hình dung diễn biến tâm trạng mong nhớ cố hương của Lãn Ông trong tám sự kiện sau đây.

Sự kiện đầu tiên là việc Lãn Ông hẹn ước gặp nhau tại quê nhà với thân nhân: “Tôi có một người anh làm Thự trấn Lạng Sơn (Tiến sĩ Lê Hữu Kiển), người em con chú làm Đốc đồng Lạng Sơn (Tiến sĩ Lê Hữu Dung). Hai ông đều hẹn với tôi là sẽ gặp nhau tại quê nhà, nhưng đã lâu chưa gặp mặt. Hai ông này về quê sửa chữa nhà cửa, nên chưa lên Kinh. Hôm nay, cả hai cùng tới Kinh thăm tôi. Một số anh em con cháu họ hàng cũng đều đến chơi cả2.

Sự kiện thứ hai là việc Lãn Ông gặp lại một người bạn thân từ thưở nhỏ. Ông này bấy giờ đang là một võ quan trong quân Cấm vệ ở kinh đô. Lãn Ông thuật lại cuộc hội ngộ này như sau: “Chúng tôi ngồi chơi, kể lể hàn huyên, mừng mừng tủi tủi, nỗi niềm không sao kể xiết. Lại hỏi qua về các chuyện năm trước, thì vật đổi sao dời, mọi phần khác đến tám chín… Đêm ấy, hai chúng tôi ngủ cùng giường, nửa vách đèn tàn, trà đắng mấy chén, cùng nhau hàn huyên chuyện xưa nay, tới gà gáy mới chợp mắt3. Từ những hồi ức về người xưa cảnh cũ khi gặp lại người bạn thân thuở thiếu thời, mong muốn được về làng cũ của Lãn Ông lại càng trở nên mãnh liệt.

Sự kiện thứ ba là lúc Lãn Ông đi thăm bệnh Tào Quận công trong dinh cơ ở bờ Hồ Tây. Lúc đi thuyền qua hồ để về chỗ trọ thì thấy lại quang cảnh xưa gợi cho ông nhớ đến những kỷ niệm ngọt ngào thời trai trẻ: “…Khi còn nhỏ ở kinh đô, tôi cùng mấy người quen kết bạn làm thi xã (nhóm thơ), hò hẹn cùng nhau, hằng năm xuân thu hai lần cùng tới Hồ Tây vui chơi… Than ôi! Ngày nay bạn bè nhiều người đã khuất, bây giờ nhìn cảnh động lòng…4

Sự kiện thứ tư là sau khi ngậm ngùi ngắm cảnh Tây Hồ, Lãn Ông tới thăm bệnh cho Văn Quốc sư theo lời hẹn. Trên đường tới dinh Văn Quốc sư, ông lại một phen ngậm ngùi: “Qua những chỗ dinh cũ của cha tôi và chú tôi trước kia, nhìn cảnh tiêu điều, tôi xuống võng nhìn ngắm. Núi hồ vẫn như cũ nhưng hoa cỏ năm nay đều đã thuộc về người khác5

Sự kiện thứ năm là lúc đi thăm bệnh mẹ quan Thự trấn An Quảng ở đất Hồng Châu (nay thuộc vùng đất Hải Dương và Hưng Yên). Ông thuật lại: “Canh hai, tới xã Kiêu Kỵ (nay thuộc huyện Gia Lâm, Tp. Hà Nội, phía đông và phía nam giáp tỉnh Hưng Yên)… Sáng mai đi rất sớm, đến trưa tới thôn Nha (một thôn thuộc đất Hồng Châu). Nhìn xem phong cảnh bỗng thấy động lòng… Nhớ lại ngày xưa, đây chỉ là nơi đồng cỏ mà bây giờ đã chùa miếu huy hoàng, gà gáy, chó sủa ran ran làng xóm, tiếng hát của nông dân vang vọng khắp cánh đồng. Sao mà cảnh tượng khôi phục lại mau làm vậy. Lúc này sực nhớ lại làng quê mình, đã hai chục năm binh lửa, đã từng trải cảnh thôn xóm tan tác, người người lưu lạc, nhưng nghe nói ngày nay đã đông đúc hơn xưa.6

Đoạn trích cho chúng ta thấy, khi trở về gần chốn cố hương, tâm sự Lãn Ông vui buồn lẫn lộn. Buồn vì nhớ đến cảnh xưa, người cũ; vui vì thấy quê hương đã đổi sắc thay da. Và nghĩ về làng cũ, biết rằng cũng cùng một tình hình như thế, tâm trạng ông lại càng bồn chồn mong nhớ.

Sự kiện thứ sáu là việc gặp lại vị hôn thê. Số là lúc thiếu thời Lãn Ông đã được gia đình dạm hỏi tiểu thư con quan Thừa tư tham chính Sơn Nam, người Huê Cầu (nay thuộc Hưng Yên). Nhưng sau đó cha mất, mẹ về Hương Sơn (Hà Tĩnh) cư ngụ, rồi anh trai cùng mẹ về chăm mẹ cũng mất nên Lãn Ông phải từ hôn để về Hương Sơn nuôi mẹ, nuôi cháu (con anh trai đã mất). Riêng người con gái, gia đình sa sút, bố mất, anh trai ép gả cho người khác để lấy tiền làm đám tang bố nhưng cô kiên quyết từ chối vì tuy chồng bỏ nhưng đã là gái đã mang tiếng có chồng nên thủ tiết ở vậy. Sáu bảy năm sau kể từ lúc ly biệt, nhân có việc ra kinh đô, Lãn Ông nghe câu chuyện đau lòng của cô nên rất hối hận, đã về Huê Cầu tìm kiếm mà không gặp. Nay “thượng kinh” thì tình cờ gặp lại cố nhân trong vai một ni bà đi quyên tiền để đúc chuông chùa Huê Cầu. Bao nhiêu ký ức buồn hiện về. Lãn Ông đã không ngại mà nói thật chuyện này với học trò và nhờ họ giúp đỡ. Ông rất muốn đưa vị ni bà về tu ở chùa nơi ông ẩn cư để nuôi dưỡng bà những năm tháng cuối đời nhưng bà không đồng ý, chỉ xin ông một cỗ quan tài gỗ dâu. Việc cũ, việc mới đồng thời làm cho ông hết sức bối rối, phiền muộn. Ông đã gửi tâm trạng, ước nguyện của mình trong một bài thơ rất cảm động có tên là Ngộ cố nhân (Gặp người cũ):

Việc đã hại người chẳng tính ra

Nhìn nhau buổi ấy xót lòng ta

Một cười tình bạn mà rơi lệ

Hai mắt xuân tàn mới ngó hoa

Cuộc sống anh em lo giữ nghĩa

Kiếp sau ao ước sống chung nhà

Ta không phụ bạc dù ai phụ

Nào biết làm sai nỗi ấy a?

                        Ứng Nhạc Võ Văn Đình dịch

Sự kiện thứ bảy là Tết Trung thu: “…ngày tháng vùn vụt như tên bay, thấm thoắt đã đến Tết Trung thu. Trong thành nhà nào nhà nấy sửa soạn cỗ bàn yến tiệc… Tôi nghĩ: Mình đi ở trọ, dù có kiếm được mấy chén rượu nhạt thì nhà người cũng chẳng phải là chỗ cúng thờ, bèn bảo người cháu tên là Hào có ngôi nhà bên cạnh chùa Quán Sứ sửa soạn nấu giúp cho mấy mâm cỗ. Khi trời sắp tối, tôi tới nhà anh ta, đốt hương thắp nến, cúng vái gia tiên, rồi mời thân thích và những học trò mới theo học, cả thảy hơn mười người, cùng ăn cỗ uống rượu7.

Tâm tình của Lãn Ông lúc thuật việc cũng như lúc tự tình, nhất nhất đều hướng về tổ tiên, làng cũ.

Sự kiện cuối cùng là việc Lãn Ông được chính thức trở về thăm làng cũ. Lãn Ông bồi hồi kể lại: “Đến bến Bát Tràng, bỏ thuyền lên bộ mà đi. Dọc đường làng xóm đông đúc, đình thần chùa Phật đều bằng gạch ngói, quán rượu hàng cơm liên tiếp nối nhau. Cứ khoảng một dặm, tôi lại cho những người theo hầu nghỉ lại, còn mình chống gậy dạo chơi loanh quanh. Dần dà chẳng bao lâu đến Liêu Xá làng tôi.8. Đó là những nét phác họa bao quát làm nền cho phần thuật tả chi tiết của tác giả về khung cảnh, con người và cũng như hoạt động của chính tác giả khi đã về làng. Sự thay đổi của quê hương làm cho tác giả ngỡ ngàng, bồi hồi với bao nỗi vui buồn lẫn lộn đến mức hồi hộp.

Theo dòng thuật kể của Lãn Ông, cảnh vật, con người của làng quê, gia đình hiện lên từ xa đến gần, từ hiện tại đến quá khứ; tâm trạng người thuật kể cũng theo đó mà diễn biến với những nét vui buồn đan xen lẫn lộn. Đó là hình ảnh cái “…cầu gạch đi vào làng, trước làng có con sông chảy ngang, trên có một cầu lợp ngói”, hình ảnh bà chị dâu cả “…hơn bảy chục tuổi, tóc bạc như tơ, nhưng người vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Thấy tôi, bà mừng mừng, tủi tủi rân rấn nước mắt, hỏi han mọi chuyện. Tôi đang sống trong cảnh lữ thứ, nên khôn xiết ngậm ngùi9.

Đặc biệt, đoạn tác giả kể về về việc ông xem xét lại dinh cơ xưa của thân phụ, nơi bà chị dâu đang sinh sống và chăm lo hương khói, một cách tỉ mỉ với bao cảm xúc rưng rưng. Khi gặp lại bà con thân thuộc nhưng sau bao nhiêu năm xa cách, tác giả cảm thấy mình là người có lỗi với quê hương, với bà con thân thuộc: “Người trong làng mang quà lại thăm mừng. Già trẻ cả thảy mấy chục người nhưng tôi chỉ biết mặt nhớ tên được mấy người… Trong lúc ngậm ngùi, bất giác tôi khóc òa lên rồi nói: Tôi từ lúc xa quê làng, bấm đốt ngón tay đã ba mươi năm, đến nay mới được về thăm xóm cũ, thì quang cảnh đã vật đổi sao dời, họ hàng ngồi đầy trước mặt mà không biết được họ tên nhau. Quả thật là đã quá hững hờ xa cách10.

Sau khi đi thăm mộ tiền nhân và đến lễ tại các nhà thờ và miếu thần trong làng, ông ra chơi cầu làng cùng với các công tử em họ. Nơi đây ghi dấu bao kỷ niệm êm đềm, đằm thắm thuở thiếu thời: “Nguyên làng tôi có một cái ngòi nhỏ giống hình cái bầu (hồ lô). Làng chia làm hai thôn, một thôn ở trong bầu, một thôn ở ngoài bầu. Ở giữa bắc một cái cầu lấy lối đi lại. Trên cầu dựng cột kèo và lợp ngói làm nhà, hai bên ghép ván cao. Bên ngoài lại có lan can gỗ để cho người đứng chơi nghỉ ngơi. Phụ nữ trong thôn thường ra đây bán chè, rượu và các thức nhắm. Lúc còn nhỏ, tôi rất thích nơi này, không ngày nào không ra chơi. Cứ tới đầu mùa hè, mưa to nước dâng đầy, nước sông chảy vào mạnh, tôi thường cùng anh Thự trấn Lạng Sơn ra đây tắm, bơi lội ngụp lặn, vui đùa mãi tới khuya mới về”. Quang cảnh làng quê được tác giả vẽ ra thật thanh bình, nên thơ với những kỷ niệm đẹp đẽ thời thơ ấu. Dấu ấn về làng quê trong tâm hồn tác giả quả là rất sâu đậm.

Sau cảnh cầu làng là cảnh chùa Từ Vân với hồ nước trước chùa tự nhiên có sen mọc lên, lúc bấy giờ hoa sen đang nở rộ gợi lên trong tâm linh người làng một điềm lành khi bất chợt thấy tác giả về thăm quê. Rồi cảnh chùa Liên Sơn và việc gặp lại người quen cũ đang tu hành ở đây; cảnh anh em, con cháu sum họp nhân ngày giỗ ông chú tác giả là Thượng thư Lê Hữu Kiều; cảnh tác giả cùng thân thích đi thuyền dạo chơi trên sông Hồ Lô (ngòi Bầu). Tất cả những cảnh ấy, ngoài lời kể dẫn chuyện của tác giả thì đều được ghi lại bằng những bài thơ của ông và bài họa của mọi người. Trong sự kiện về thăm quê này, với một tâm tình đầy xao xuyến, tác giả có hai bài thơ Về thăm quêĐề cầu. Bài Về thăm quê là tâm trạng “khế khoát ảm nhiên sinh” (nỗi niềm chợt mênh mông) và nỗi niềm “du du cảm động tình” (dằng dặc xiết bao tình) của ông trước cảnh và người nơi thôn xóm cũ:

Một chuyến thăm làng cũ,

Nỗi niềm chợt mông mênh.

Dạo khắp chốn chơi trước,

Dằng dặc xiết bao tình.

Chùa mới tùng thu mát,

Dinh xưa hoa cỏ xanh.

Gặp bạn thời thơ ấu,

Tên cũ nhớ không rành.11

Bài Đề cầu thì ghi lại nỗi bâng khuâng của tác giả về những kỷ niệm ở cái cầu gỗ đi qua sông Hồ Lô12.

Chốn rong chơi thuở nhỏ,

Một nhìn một bâng khuâng.

Lá vàng bay mấy độ,

Sóng bạc ngó bao tầng.

Cầu ngang nguyên nhịp cũ,

Cây thấp nay nghiêng dần.

Người đi năm tháng dục,

Còn lại bao người thân

               Bùi Hạnh Cẩn dịch

3. Những ghi chép về cảnh vật, con người nơi ẩn cư, trên đường đi, xứ kinh kỳ, chốn cố hương cùng những cảm xúc, suy nghĩ của Lãn Ông trong Thượng kinh ký sự sinh động, trung thực đến mức hồn hậu, tự nhiên như không có sự sắp xếp, chọn lọc gì. Trong hình ảnh cảnh vật, sự việc, con người có tình và tâm tình tác giả luôn luôn được thể hiện một cách khéo léo, đầy ẩn ý trong cảnh vật, sự việc. Nhìn chung, trình tự thuật tả của tác giả là theo thời gian tuyến tính nhưng trong mỗi sự kiện lại có sự đồng hiện quá khứ và hiện tại.

Riêng về diễn biến tình cảm đối với cố hương của Lãn Ông được khơi sâu dần qua tám sự kiện nói trên. Có sự kiện thuộc về giao tiếp phần âm như kỵ lạp, lễ Tết, cải táng phần mộ tổ tiên, thăm viếng đền chùa, dinh thự cũ; có sự kiện thuộc về giao tiếp phần dương như gặp lại cảnh vật, con người, bạn bè, thân thích, vị hôn thê. Qua mỗi sự kiện, tình cố hương trong ông ngày càng sâu đậm, khiến ông khắc khoải khôn nguôi, thôi thúc ông một cách mãnh liệt.

P.Q.A

_______________

1. Hải Dương phong vật chí (quyển hạ), Trợ giáo Trần Huy Phác biên soạn năm Gia Long thứ 10 (1811), Tô Nam Nguyễn Đình Diệm dịch ra quốc ngữ, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên xuất bản, Sài Gòn, 1968; tr.42

2. Sđd, tr. 83;

3. Sđd, tr. 96.

4. Sđd, tr. 136-137

5. Sđd, tr. 138.

6. Sđd, tr.140-142

7. Sđd, tr. 161-163

8. Sđd, tr. 174

9. Sđd, tr. 174-175

10. Sđd, tr. 175

11. Bùi Hạnh Cẩn dịch (người viết có hiệu đính mấy chỗ)

12. Sđd, tr. 176-178.  

. . . . .
Loading the player...