10-05-2023 - 05:24

Con người đã làm gì với tự nhiên?

Tạp chí Hồng Lĩnh tháng 4/2023 trân trọng giới thiệu bài viết “Con người đã làm gì với tự nhiên?” của tác giả Hoàng Vĩnh

“Đối với đồng bào tôi, mỗi tấc đất là thiêng liêng, mỗi lá thông óng ánh, mỗi bờ cát, mỗi hạt sương long lanh trong những cánh rừng rậm rạp, mỗi bãi đất hoang và tiếng thì thầm của côn trùng là những điều thiêng liêng trong kí ức và kinh nghiệm của đồng bào tôi” – đó là lời khẳng định của thủ lĩnh da đỏ Xi-át-tơn khi ông thay mặt cộng đồng mình bày tỏ thái độ đối với đất đai của tổ tiên và thế giới tự nhiên trước khi những thứ đó rơi vào tay người da trắng. Xét về ý nghĩa, những lời trên đây của Xi-át-tơn đã chạm tới một vấn đề vô cùng hệ trọng, không chỉ với riêng cộng đồng da đỏ, mà còn với nhân loại nói chung: mối quan hệ mật thiết giữa con người với tự nhiên.

Quả vậy, giữa con người với tự nhiên có mối quan hệ phong phú, đa chiều. Đó là vấn đề muôn thuở. Tuy nhiên không phải bao giờ con người cũng nhận thức được một cách sâu sắc, thấu đáo để biết ứng xử đúng đắn với tự nhiên.

Trước hết phải hiểu rằng, về bản chất, con người mang tính tự nhiên và là một phần của tự nhiên. Thể xác của chúng ta là hiện thân của tự nhiên, vì nó tuân thủ các quy luật như bất kì hiện tượng tự nhiên nào khác. Để duy trì sự sống, con người cần hít thở không khí, cần ăn uống cũng như trao đổi chất với môi trường. Khi ốm đau, bệnh tật, con người cần được chữa trị, ấy là một cách để trở lại trạng thái bình ổn tự nhiên. Nhờ những khám phá của Sinh học, Y học, chúng ta nhận biết rằng thân thể con người là một công trình kì diệu của tự nhiên. Việc hiểu biết bản chất tự nhiên của con người là hết sức cần thiết, bởi nhờ đó, ta mới có thái độ đúng đắn và biết tự trang bị những tri thức cần thiết để sống đúng với vị trí của mình trong tự nhiên.

Tự nhiên còn là cả một thế giới bao quanh con người. Có cây, hoa lá, chim muông, sông suối, núi rừng, mây gió, trăng sao, vũ trụ… tất cả đều thuộc giới tự nhiên. Cái mát mẻ của tiết thu, cái lạnh giá của mùa đông, cái nóng nực của ngày hè; những nắng mưa, sấm chớp, bão tố, lụt lội, sóng thần, động đất… đều là những hiện tượng tự nhiên. Hiểu như vậy mới thấy, cuộc sống của con người phụ thuộc vào tự nhiên đến mức nào. Chính tự nhiên hết sức phong phú là nguồn sống trước hết của con người. Từ muôn đời nay, con người dựa vào tự nhiên để tạo lập cuộc sống của mình. Tự nhiên cung cấp lương thực, thực phẩm; tự nhiên dạy cho con người biết sáng tạo trong lao động để làm ra những sản vật thiết yếu cho cuộc sống. 

Không chỉ là nguồn sống về thể chất, tự nhiên còn là nguồn sống cho tâm hồn con người. So với muôn loài, sự kì diệu của con người thể hiện ở đời sống tâm hồn. Chỉ con người mới có nhu cầu sáng tạo nghệ thuật để tâm hồn được sống đủ đầy. Mọi hoạt động sáng tạo từ xưa đến nay đều không hề xa rời tự nhiên. Thanh âm của thế giới xung quanh tiết lộ cho người nhạc sĩ những giai điệu lạ lùng; sắc điệu xanh tinh tế của của bầu trời, dòng sông, cây cối… đánh thức ở người họa sĩ cảm quan bén nhạy về sắc màu; vạn vật biến ảo theo mùa tác động đến cảm xúc con người luôn vẫy gọi ngòi bút các nhà thơ… Biết bao tác phẩm văn học, hội họa, nhiếp ảnh, điện ảnh… hấp dẫn bởi hình ảnh tự nhiên được tái tạo một cách linh diệu. Nhà văn Nga Mi-khai-in Pri-svin tâm sự: “Tôi đã tìm thấy thú vui lúc rảnh rang của mình như thế: tìm kiếm và khám phá trong tự nhiên những nét đẹp của tâm hồn con người” (Đôi mắt của Mẹ Đất). Thử hình dung, nếu loại bỏ tất cả những gì liên quan đến tự nhiên trong các tác phẩm nghệ thuật thì sự thể sẽ ra sao? Chắc chắn kho tàng nghệ thuật của nhân loại sẽ trống đi một mảng vô cùng lớn, không gì có thể bù đắp được.

Mặc dù có vai trò quan trọng với con người như vậy, nhưng Mẹ Tự Nhiên đã nhận được gì từ sự đối xử của con người? Câu hỏi nhức nhối này đã được nhân loại ngày nay trả lời bằng nghiên cứu khoa học, bằng tác phẩm nghệ thuật, bằng hoạt động truyền thông… Những tiếng nói đó gặp nhau ở một điểm: nhìn rõ sự đối xử tệ bạc của con người với tự nhiên. Bao nhiêu con sông, dòng suối đục ngầu vì chất thải từ các nhà máy. Biển cả ngập ngụa rác rưởi đến mức có những con cá voi khổng lồ chết vì hàng chục ki-lô-gam nhựa trong dạ dày. Khói bụi đầu độc bầu khí quyển bao quanh Trái Đất. Đất đai bị thấm nhiễm bao nhiêu thứ hóa chất độc hại. Tài nguyên dưới lòng đất bị khai thác đến cạn kiệt. Những cánh rừng tự nhiên bị đốn chặt bừa bãi, khiến nhiều vùng bị sa mạc hóa… Những sự can thiệp thô bạo làm biến đổi cấu trúc địa chất, làm mất cân bằng sinh thái theo chiều hướng đáng sợ như vậy từng được con người gọi một cách rất ngạo mạn là “chinh phục tự nhiên”. Giờ đây nhìn lại mới biết thái độ ấy thiếu sáng suốt biết bao!

Chính thái độ ngạo mạn đó đã khiến con người đã phải trả giá đắt. Hiện tượng thời tiết bất thường diễn ra thường xuyên và nghiêm trọng. Trái Đất ngày càng nóng lên, băng ở hai cực tan nhanh khiến nhiều vùng đất màu mỡ sẽ bị nước biển nhấn chìm. Nhiều loài sinh vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tầng ô-dôn bị thủng, đe dọa sức khỏe của con người… “Hiểm họa sinh thái” – lời cảnh báo đáng sợ đó đã vang lên ở nhiều diễn đàn quốc tế, buộc những người có trọng trách phải tìm cách cứu hành tinh xanh. Nỗ lực của nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia có trách nhiệm, nhiều nhà khoa học có lương tri, những phong trào xã hội tiến bộ… đang hướng tới mục tiêu sống còn đó. Gần đây, một số tín hiệu lạc quan đã xuất hiện cho thấy những nỗ lực kia không hoàn toàn vô vọng. Song việc cải thiện quan hệ giữa con người với tự nhiên để cuộc sống nhân loại được duy trì và phát triển bền vững sẽ là một hành trình dài dằng dặc.

Ảnh: Internet

Như vậy, trả lại cho tự nhiên trạng thái bình thường, hợp quy luật được xem là việc hệ trong nhất của nhân loại hiện nay. Hẳn có người cho rằng, việc lớn lao này là trách nhiệm của một số người có vị trí quan trọng trong xã hội. Nhận thức như thế là sai lầm. Trên hành trình đầy khó khăn đó, mỗi người trong chúng ta, không ai là người ngoài cuộc. Mọi việc dù lớn dù nhỏ đều có thể góp phần cải thiện tình hình. Trồng thêm một cây xanh, tắt bớt thiết bị điện khi không cần thiết, hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm nguồn nước, giữ gìn môi trường sống quanh mình… những việc tưởng nhỏ nhặt, thực ra rất có ý nghĩa, vì nó giúp ta hình thành một thói quen tốt, từ đó ý thức rõ hơn giá trị của việc mình làm, và nhất là có thể lan tỏa, tác động tích cực đến thái độ của nhiều người. Một khi thành nề nếp của cộng đồng, tác dụng của nó là không hề nhỏ.

Tóm lại, sống hài hòa với tự nhiên, tôn trọng và bảo vệ tự nhiên bằng những hành động bình thường mà thiết thực… đó phải là điều mà bất cứ ai cũng cần ý thức và hành động. 

H.V

. . . . .
Loading the player...